Quanh sự kiện chấn động cá chết hàng loạt ở ven biển miền Trung

Nguyễn Đình Nguyên
Vừa qua, sự kiện cá chết hàng loạt dọc theo ven biển miền Trung khởi đầu từ Hà Tĩnh trở vô tới Thừa Thiên-Huế đã làm dấy lên làn sóng lo âu rộng khắp về một nguy cơ không chỉ của một vùng biển chết, mà sẽ có thể là cả một vùng đất chết nếu điều này không được giải quyết một cách thấu triệt.
Thủ phạm ở đâu?
Mặc dù chưa có các kết luận chính thức từ các cơ quan thẩm quyền, nhưng để tìm nguyên nhân cần phải có giả thuyết và suy luận ban đầu. Sự kiện hải sinh chết bất ngờ với một số lượng lớn thì nguyên nhân có thể nghĩ đến dịch bệnh hoặc tình trạng ngộ độc cấp tính. Trong khi đó việc dịch bệnh đã được Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Vũ Văn Tám khẳng định là không có [1]. Còn ngộ độc cấp tính làm cho cá chết trong vùng biển rộng lớn như thế có thể nghĩ tới nguyên nhân ô nhiễm hóa chất nhiều hơn là do thiếu dưỡng khí.
Ô nhiễm hóa chất có thể xuất phát từ nguồn tự nhiên hay do con người gây ra. Điều dễ hiểu, ô nhiễm hóa chất từ nguồn tự nhiên đủ để gây ra những cái chết hàng loạt và trải rộng như thế thì hẳn phải có những chấn động lớn, đột ngột trong môi trường đủ để tạo ra biến đổi hóa học cực kỳ nghiêm trọng. Hẳn điều này dễ dàng loại trừ. Nguồn tác động từ con người hẳn phải tìm các khu công nghiệp mới trong vùng trong thời gian gần đây. Lập luận hoàn toàn có tính logic là chỉ có thể chất thải có chứa hóa chất độc hại với số lượng lớn và liều lượng độc hại đủ mạnh mới có thể giết chết cá hàng loạt. Mà như thế, nơi cần tìm và cần điều tra không đâu khác hơn là các khu công nghiệp cận biển. Cho nên dư luận tập trung vào khu công nghiệp gang thép Vũng Áng là không phải không có lý do, hơn nữa điểm xuất phát của cá chết hàng loạt lại từ biển Hà Tĩnh.
"Miệng quan trôn trẻ"
Trước sự kiện chấn động cả nước như thế, ngày 23/4/16 khi trả lời báo, ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, hiện tại các lồng bè đang nuôi trồng thủy sản ở Vũng Áng (Hà Tĩnh) nhiều loại thủy, hải sản vẫn sinh trưởng bình thường. Những loại hải sản như: mực, tôm, cua cá vẫn đang sống thì người dân có thể ăn được. Ngoài ra, người dân cũng có thể yên tâm tắm biển ở các vùng biển này [2].
Quả tình là ông Phó Chủ tịch cố tình trấn an dư luận một cách bi hài, hay là ông không hề có một khả năng cảm nhận về một chuyện vốn rất... “nhạy cảm”, như gần đây người ta thường dùng mấy chữ này để nói về những sự cố liên quan đến lợi ích của một nhóm quyền lực – cấp trung ương hay cấp tỉnh – nào đấy. Vì những phát ngôn xin nói thẳng là liều lĩnh đó của ông mà dân chúng và công luận đã lên tiếng thách thức ông tới tắm biển và ăn đồ biển ở Vũng Áng. Điều khôi hài hơn, một cư dân sở tại xưng tên là Dũng, gọi điện thoại trực tiếp cho ông ngỏ ý muốn tặng ông mỗi ngày một kg cá tươi đang nuôi ở lồng bè, ông cười giả lả không muốn nhận. Đến khi ép, ông thoái thác bằng cách bảo ông sẽ cho người liên hệ để nhận. Anh Dũng còn mời ông ra tắm biển Vũng Áng, ông chống chế là ông đang bận, tiếp đoàn khách Phó thủ tướng, chưa thực hiện lời hứa được [3].
Có phải đây là một hiện tượng khá đắt, xuất hiện đúng lúc, minh chứng sờ sờ cho câu ngạn ngữ của ông bà xưa "miệng quan trôn trẻ" chăng?
Và nhân đây, cũng xin mới ông Phó Chủ tịch xem video về thử nghiệm của phóng viên VTC tại Vũng Áng: phóng viên thả cá đang khoẻ mạnh vào nước biển Vũng Áng, chỉ sau 2 phút, cá bơi trong nước biển đã bị chết!
Đi tìm nguyên nhân cá chết
Trước tình hình nghiêm trọng đó, người dân, lại người dân, đã cất công lặn xuống nước để tìm và tìm thấy ống xả khổng lồ của công ty Formosa, chạy sâu dưới lòng biển. Dĩ nhiên sự tìm kiếm này cũng chỉ để thỏa mãn tâm lý bức xúc thôi, chứ cứ theo đạo lý thông thường mà nghĩ, chẳng lẽ nào một công ty quốc tế lớn lại đi làm đường ống phi pháp? Thì chính Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường (TN-MT) Võ Tuấn Nhân cũng đã cho biết, năm 2014 Formosa có văn bản đề nghị được xây dựng đường ống xả nước làm mát ra vịnh Sơn Dương, ống có đường kính 1,2 m, chiều dài 1,3 km, nằm cách mặt biển 12m và đã được bộ TN-MT chấp thuận. Theo thông tin được báo chí nêu lên thì lưu lượng xả thải mỗi ngày của ống xả này là 12000m3 [1].
Ngoài ra báo chí cũng đưa ra nghi vấn về việc công ty này đã nhập về rất nhiều các hóa chất rất độc, mà trong đó có 45 loại theo Ông Lê Huy Bá – một chuyên gia về độc tố học và môi trường ở Việt Nam, theo nhận định sơ bộ của ông đó là những hóa chất cực độc, trong đó có các chất chống gỉ, chất làm sạch bề mặt kim loại, chất tẩy... [4].
Hiện thời vẫn chưa thể quy kết được mối liên hệ trực tiếp giữa công ty Formosa với việc thải hóa chất độc hại, chất xả thải với cái chết hàng loạt, nhưng rõ ràng việc thanh tra tình trạng xả thải của công ty Formosa hẳn phải là công việc cấp thiết đầu tiên.
Người dân sẽ chờ câu trả lời ở đâu, từ các bộ ngành trung ương liên quan? Từ lãnh đạo địa phương? Từ lãnh đạo nhà máy? Đoan chắc rằng, cũng hệt như mọi trường hợp gay cấn khác từ trước tới nay đã xẩy ra trên đất nước Việt Nam “định hướng XHCN”, câu trả lời cho sự cố đáng coi là cực kỳ nghiêm trọng lần này, đã có thể mường tượng trước là "Mọi khâu đều đã được thực hiện theo đúng quy trình". Chẳng thế mà ông Tổng của một cái đảng “do dân, vì dân” vừa đáo đến Hà Tĩnh tức thời, lại có đi thăm Formosa nữa kia, thế mà ông cứ tỉnh bơ như không trước hàng núi cá chết chất chồng ngoài biển cùng tiếng kêu thất thanh của mọi tầng lớp dân chúng từ Hà Tĩnh vào đến Thừa Thiên. Cho nên đành cứ phải bảo nhau: Hãy chờ xem!
Tiền và cái chết
Nhưng liệu người dân Việt Nam có cần câu trả lời từ các cơ quan chủ quản hay không về nguyên nhân cá chết khi ông Chu Xuân Phàm, Phó phòng Đối ngoại, Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã dõng dạc đưa ra câu trả lời về một sự lựa chọn gần như "tối hậu thư" cho nhân dân Việt Nam: muốn tiền (nhà máy thép) với cái chết (bắt cá, bắt tôm bị nhiễm độc) hay là muốn sự bình yên (nhưng đã không còn)!
Ngày 25/4, trả lời VTC ông nói: "Hồi xưa, khi giải phóng mặt bằng đã tính phương án hỗ trợ ngư dân đánh bắt cá chuyển sang nghề khác rồi, sao cứ phải đánh bắt quanh vùng biển này. Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy, hãy chọn đi. Nếu chọn cả hai thì làm Thủ tướng cũng không giải quyết được” [5].
Là một phó phòng đối ngoại của một công ty quốc tế, nên không thể nói ông Chu Xuân Phàm ngu ngơ về cách phát ngôn và không có quyền hạn phát ngôn. Lời ông nói ra như vô tình tiết lộ một điều từ trước đến giờ chưa một ai bên ngoài được biết. Theo cách diễn giải ngôn từ của ông, với một lương năng hết sức bình dân cũng có thể hiểu được rằng theo ông thì những vấn đề về thải độc và ô nhiễm môi trường biển trong vùng khu công nghiệp là không tránh khỏi (trong cách thỏa thuận hợp đồng). Nhà máy sẽ không đảm bảo vấn đề đó. Phía đối tác (Việt Nam) chỉ có thể chọn một trong hai con đường, hoặc là lựa chọn bảo tồn môi trường, ngư trường, hoặc là bắt tay xây dựng nhà máy theo hợp đồng chứ không thể có chuyện được cả hai. Dĩ nhiên ai cũng biết điều gì đã xảy ra sau tuyên bố của ông Phàm. Còn chuyện ông Tổng GĐ nhà máy giải nguy trong cuộc họp báo ngày 26/4/2016 thì chỉ là một cách để lấp liếm, xoa dịu dư luận mà thôi. Chẳng có ý nghĩa gì nữa [6].
Và hiện nay, tình trạng cá chết hàng loạt ở khu vực biển này đã là một hậu quả rành rành của những tiên liệu từ lâu mà ông Phàm vừa hé lộ, có nghĩa là phía đối tác Việt Nam cũng đã hoàn toàn ý thức và biết trước hậu quả nghiêm trọng, nhưng vẫn cứ làm ngơ mà ký kết văn bản. Còn chuyện kiểm định tác động môi trường, môi sinh trong luận chứng khoa học khi đệ trình ký duyệt ra sao thì ai cũng hiểu, đó chỉ là chuyện... thủ tục mà thôi. Như thế, phía đối tác bên Việt nam (cấp tỉnh hay cấp trung ương?), những người có trách nhiệm ký kết, hoàn toàn không thể phủi tay trong vụ việc nghiêm trọng này.
Một thông tin đáng chú ý
Cũng tại nhiều vùng biển ở Hà Tĩnh và các xã duyên hải thuộc Quỳnh Lưu - Nghệ An, vào tháng 2/2015 có rất nhiều cá chết trôi dạt vào bờ. Rồi tiếp theo sò lông và ngao nuôi ở vùng biển đó đã chết hàng loạt. Cục Thú y của Bộ NN&PTNT đã tiến hành lấy mẫu phân tích cho thấy toàn bộ số mẫu ngao chết (6/6) có độ nhiễm chì cao 49mg/L. Một mẫu nước còn đọng lại sau khi thủy triều rút đi có nồng độ chì cao tới 183mg/L. Nguồn chì đó ở đâu ra? Không có câu trả lời rốt ráo mà chỉ là một giả định của Cục Thú y cho là có thể có ai đó đổ trộm chất thải ra biển. Hết! [7].
Nói về nhiễm độc chì trong loại thủy sinh, liều lượng độc tố L50-96hrs – liều gây chết 50% số mẫu các cho tiếp xúc trong vòng 96 giờ (4 ngày) dao động từ 0,6 mg/L đến 242mg/L đối với chì vô cơ hòa tan và 0,02-0,03 mg/L đối với hợp chất chì hữu cơ (tetraethyl lead) [8]. Điều đó có nghĩa là lượng chì trong ngao chết cao hơn 82 lần so với ngưỡng gây chết L50-96hrs cho cá (chứ không phải 980 lần như trong bài báo trên đã nêu).
Đối với con người thì có nhiều nguồn nhiễm chì vào cơ thể thông qua không khí, bụi, đất và nước. Đối với không khí, ngưỡng chì an toàn theo khuyến cáo của WHO là 0,0005 mg đến 0,001 mg/m3 không khí (WHO, 1987). Còn trong nước là 0,01 mg/L (theo tiêu chuẩn của châu Âu cho phép đến 0.05mg/L). Đối với chì trong đất thì ngưỡng cho phép cao hơn. Ở Canada, lượng chì cho phép trong đất khu dân cư là 0,5 mg/g đất còn ở khu công nghiệp thì cho phép đến 1 mg/g đất [8].
Hấp thu chì trong cơ thể con người khác nhau giữa người lớn và trẻ em. Trong khi người lớn khi tiếp xúc với chì khả năng hấp thu vào trong cơ thể chỉ có 5-15% lượng chì nuốt phải qua đường tiêu hóa thì trẻ em lại hấp thu tới 30-40% thậm chí 50% nếu nuốt phải. Do đó khả năng bị nhiễm độc chì ở trẻ em cao hơn và nặng hơn so với người lớn. Tác hại của chì lên cơ thể con người thì có thể kể ra một danh sách dài như gây sa sút trí tuệ, trì độn, gây viêm thần kinh trung ương, ngoại vi, nhiễm độc thận, gây vô sinh nam và nữ giới, tăng nguy cơ mắc ung thư [8]. Trong khi nhiễm độc chì mãn tính khá phổ biến thì ngộ độc chì cấp gây tử vong ở con người hiếm gặp, vì ngưỡng có thể gây tử vong khá cao. Liều có thể gây tử vong do ngộ độc chì là 10 g/ngày.
Nhiễm chì trong môi trường nước ở Hà Tĩnh đã xảy ra, và đó là nguyên nhân cho đợt cá chết ở đây vào đầu năm 2015. Câu chuyện nhắc lại có thể như không liên quan gì đến vụ cá chết hàng loạt năm nay nhưng để cho thấy, chỉ với một kim loại nặng như chì thôi, đã có thể gây hậu quả đến môi sinh như thế nào. Và nó cũng cho thấy cách làm việc của Cục Thú y là hết sức hời hợt, kiểu "đánh trống bỏ dùi" vô trách nhiệm, đến mức... câu chuyện đã rơi vào quên lãng.
Trấn an dư luận luôn là việc đầu tiên của giới chính trị gia và cấp lãnh đạo. Nhưng dân ta đã quá quen với cách giải thích của giới lãnh đạo có thẩm quyền mỗi khi xảy ra sự việc. Người dân cũng đã quá quen với cách xử trí và xử lý với các sai phạm của các người có quyền có chức. Người dân cũng quá quen với các kết luận được dự đoán trước từ phía thẩm quyền. Vì thế với sự kiện cá chết hàng loạt, trải dài một dải miền Trung này họ đã không ngồi chờ, tự động đi tìm câu trả lời cho riêng mình, dù có thể không thể đủ tính thuyết phục. Ai đã làm cho người dân phải có suy nghĩ và hành xử như thế?
Và với câu chuyện cá chết, thì tấn bi kịch nằm ở chỗ là ai sẽ có lợi nhuận từ nhà máy thép? Ai đã ngang nhiên cho công ty Formosa thuê đất thuê biển của nhân dân Việt Nam với một giá rẻ như cho, và điều đó giúp họ thu được cái gì? Còn ai phải trả giá cho các loài hải sinh và sinh mạng của triệu triệu con người đang sống trên dải đất hình chữ S này nếu không phải chính cả một dân tộc đang từng bước đối diện với “cái chết đã được lập trình” kể từ thuở Thành Đô: Biển Đông mất biển đảo, sông Cửu Long cạn dòng, láng giềng gần bị mua chuộc, và nay là biển chết?
Cũng nên nhắc các ngài, những tội phạm đã nhúng tay gây nên sự cố tầy đình Vũng Áng mà hiện vẫn còn lẩn tránh, rằng người xưa đã từng đúc kết nhiều kinh nghiệm sống quý giá, trong đó có câu: “Tức nước vỡ bờ”, xin chớ có xem thường.
N.Đ.N.
Tham khảo
[1] http://cafef.vn/duong-ong-xa-thai-vung-ang-xa-gi-5-tau-la-xuat-hien-truoc-ngay-ca-chet-20160423220855204.chn
[2] http://www.baogiaothong.vn/pho-chu-tich-ha-tinh-yen-tam-an-ca-tam-bien-o-vung-ang-d147239.html
[3] https://www.youtube.com/watch?v=YO5cByE5Yfc
[4] http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20160424/vu-ca-chet-formosa-nhap-hoa-chat-cuc-doc-suc-xa-duong-ong/1089748.html
[5] http://vtc.vn/giam-doc-doi-ngoai-formosa-khong-the-duoc-ca-2-phai-chon-hoac-nha-may-hoac-ca-tom.2.616315.htm
[6] http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/formosa-xin-loi-ve-phat-ngon-gay-soc-vu-ca-chet-hang-loat-3393540.html
[7] http://thanhnien.vn/thoi-su/dieu-dung-vi-bien-chet-694139.html
Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn