Tự thú của một nữ hồng vệ binh

Bảo Linh (CNN)

Đây là lời thú tội của bà Yu Xiangzhen, người từng là một Hồng vệ binh tích cực trong Cách mạng Văn hóa Trung Quốc.

Tôi đã sống một cuộc sống bị ám ảnh bởi cảm giác tội lỗi.

Vào năm 1966, tôi là một trong những Hồng vệ binh của Chủ tịch Mao Trạch Đông. Bản thân tôi và hàng triệu học sinh trung và cao học khác bắt đầu tố cáo giáo viên, bạn bè, gia đình mình, cướp bóc nhà cửa và phá hủy tài sản của người khác.

Những cuốn sách giáo khoa giải thích Cách mạng Văn hóa – trong đó có hàng trăm ngàn người đã thiệt mạng và hàng triệu người bị lạm dụng và gây tổn thương – như một phong trào chính trị bắt đầu và dẫn dắt bởi “sai lầm” của Mao Trạch Đông. Nhưng thực tế, đây là một thảm họa lớn mà tất cả chúng ta chịu trách nhiệm.

“Theo sát Mao chủ tịch”

clip_image002

Một bức ảnh gần đây của Yu Xiangzhen. Ảnh: CNN

Ngày 16/5/1966, tôi đang viết thư pháp cùng với 37 bạn học của mình thì một giọng nói chói tai vang lên từ loa phóng thanh của trường, tuyên bố quyết định của trung ương, bắt đầu cái gọi là “Cách mạng Văn hóa”.

Tôi khi ấy là học sinh trung học năm nhất, tôi mới 13 tuổi.

“Các bạn sinh viên, chúng ta phải theo sát Mao chủ tịch”, loa phóng thanh gầm lên. “Hãy ra khỏi lớp học! Dâng hiến cho Cách mạng Văn hóa!”

Hai chàng trai lao ra khỏi cửa, hướng tới sân, la hét gì đó.

Tôi rời đi chậm hơn, nắm tay đứa bạn thân nhất, Haiyun, khi đi theo mọi người ra ngoài.

Đó sẽ là ngày bình thường cuối cùng ở trường của tôi.

Được gửi tới một chuồng bò

Là Hồng vệ binh, chúng tôi đưa bất cứ ai bị coi là “tư sản” hoặc “chủ nghĩa xét lại” tới những cuộc tra tấn cả về tinh thần lẫn thể xác tàn bạo.

Tôi hối hận nhất là về những gì mà chúng tôi đã làm với cô chủ nhiệm Zhang Jilan của mình.

Tôi là một trong những học sinh tích cực nhất – nếu không muốn nói là cách mạng nhất – khi lớp tổ chức một phiên đấu tố chống lại cô Zhang.

Tôi đã đưa ra lời kết tội không đâu, nói rằng cô là một người phụ nữ nhẫn tâm, lạnh lùng và điều này hoàn toàn sai sự thật.

Những người khác đã cáo buộc cô là một người Kito giáo bởi chữ “Ji” trong tên cô có thể ám chỉ Kito giáo.

Những chỉ trích vô căn cứ của chúng tôi sau đó đã được viết vào những poster “chữ lớn” – cách phổ biến để chỉ trích “những kẻ thù giai cấp” và tuyên truyền – 60 bức áp phích trong số này đã phủ kín các bức tường bên ngoài tòa nhà lớp học của chúng tôi.

Không lâu sau đó, cô (giáo viên Zhang) được gửi tới một chuồng bò – một nhà tù tạm dành cho giới trí thức và “các thành phần tư sản” khác – và phải chịu tất cả các kiểu sỉ nhục, ngược đãi.

Mãi cho tới năm 1990, tôi mới được gặp lại cô ấy.

Trong một chuyến đi của lớp tới Vạn lý Trường thành, chúng tôi đã đưa ra lời xin lỗi chính thức với cô Zhang – khi ấy cô đã 80 tuổi – về những gì mà chúng tôi đã nói về cô.

Chúng tôi đã hỏi điều gì xảy ra với cô ở trong chuồng bò.

“Nó cũng không hẳn là xấu. Cô đã phải bò như một con chó trên mặt đất”, cô nói.

Nghe thấy điều này, tôi bật khóc. Tôi chưa đầy 14 tuổi và tôi đã mang lại đau khổ cho cuộc sống của cô. Cô Zhang đã qua đời 2 năm sau khi nhận được lời xin lỗi của chúng tôi.

clip_image004

Zhang Jilan, giáo viên chủ nhiệm lớp Yu, cùng với học sinh của mình vào năm 1990. Ảnh: CNN

Dằn vặt và tội lỗi

Ở thời điểm đỉnh cao của phong trào, vào năm 1968, người dân đã bị đánh đập công khai tới chết mỗi ngày trong suốt những buổi đấu tố, những người khác bị bức nhảy lầu.

Không ai an toàn và nỗi sợ bị người khác tố cáo – trong nhiều trường hợp chính là những người bạn thân nhất, là người nhà của chúng ta – đã ám ảnh chúng tôi.

Lúc đầu, tôi đã xác định là một vệ binh cách mạng nhỏ. Nhưng có gì đó khiến tôi phiền muộn.

Khi tôi thấy một học sinh đổ một xô bột thối vào chính ngôi trường của mình năm 1966, tôi cảm thấy có gì đó không đúng.

Tôi quay trở lại ký túc xá một cách lặng lẽ, đầy khó chịu và cảm giác tội lỗi, nghĩ rằng mình còn chưa đủ tính cách mạng.

clip_image006

Yu Xiangzhen (khoanh tròn đỏ) và gia đình bà vào những năm 1970. Ảnh: CNN

Sau này, khi tôi bị trói và bị tuyên là “kẻ thù của cách mạng”, tôi bỏ chạy, bị chính những người bạn Hồng vệ binh của mình gọi là kẻ đào ngũ.

Cũng vào mùa hè năm đó, tôi bất chợt được nhìn thấy Mao chủ tịch – Mặt trời hồng của chúng tôi – tại quảng trường Thiên Nam Môn, cùng với một triệu đứa trẻ nhiệt tình khác vây quanh.

Tôi nhớ những cảm giác tràn ngập niềm vui. Mãi cho tới sau này tôi mới nhận ra sự thần tượng hóa Mao chủ tịch một cách mù quáng là một loại tôn thờ còn cuồng tín hơn cả giáo phái.

Cha tôi, một cựu phóng viên chiến trường từng làm việc cho Tân Hoa xã, đã bị quy kết là điệp viên và bị lên án. Nhưng đằng sau cánh cửa đóng kín, ông đã cảnh báo em trai mình và tôi là “hãy dùng não của mấy người trước khi hành động”.

“Đừng làm gì để các người phải hối tiếc cho phần đời còn lại”, ông nói.

Dần dần, tôi bắt đầu ghét vợ Mao Trạch Đông, Giang Thanh – lãnh đạo chủ chốt của Cách mạng – và tôi đã miễn cưỡng cúi đầu khi nơi làm việc của mình hàng ngày đều thực hiện nghi lễ thờ cúng trước di ảnh của Mao.

clip_image008

Các nhà hoạt động của Cách mạng Văn hóa viết những biểu ngữ chống chủ nghĩa tư bản. Ảnh: Getty image

“Sữa của sói”

Thế hệ tôi lớn lên nhà uống sữa sói: chúng tôi được sinh ra với sự thù hận và được dạy đấu tranh, căm ghét tất cả mọi người.

Một vài người bạn Hồng vệ binh của tôi cho rằng chúng tôi chỉ là những đứa trẻ vô tội đi lạc được. Nhưng chúng tôi đã sai.

Tôi đau khổ nhận ra rằng nhiều người ở thế hệ tôi chọn quên đi quá khứ, một số thậm chí còn hồi tưởng lại “những ngày tuyệt vời xưa cũ” khi họ có thể đi khắp đất nước như những Hồng vệ binh thảnh thơi, có đặc quyền đặc lợi.

Tôi không thú nhận bởi tôi đã phạm ít tội lỗi hơn hoặc là trải qua những khó khăn ít hơn so với người khác.

Tôi chịu trách nhiệm cho nhiều bi kịch, nhiều vụ lạm dụng và tôi chỉ có thể bày tỏ sự hối tiếc của mình cho những người đã mất người thân trong Cách mạng Văn hóa.

Nhưng tôi không cầu xin sự tha thứ.

Tôi muốn nói về những chân lý của Cách mạng Văn hóa như một người đã sống qua sự điên rồ và hỗn loạn, để cảnh báo cho người dân về sự hủy diệt ngoạn mục. Vì thế, chúng ta có thể tránh lặp lại nó.

Tuy nhiên, 50 năm sau, tôi đang lo lắng bởi sự tôn thờ lãnh đạo đang tăng lên mà tôi thấy được ở truyền thông trong nước, tương tự như sự cuồng nhiệt trong tư tưởng bao quanh chủ tịch Mao.

Chúng ta phải luôn cảnh giác. Chúng ta không thể để sự tàn bạo khủng khiếp của Cách mạng Văn hóa lặp lại lần nữa.

B.L.

Nguồn: http://www.tinmoi.vn/loi-tu-thu-cua-mot-hong-ve-binh-sau-50-nam-cach-mang-van-hoa-011407110.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn