Bà nghị sĩ và Tập đoàn Formosa

Mai Thái Lĩnh

Bài viết sau đây của Nhà nghiên cứu Mai Thái Lĩnh, bằng những sự kiện được mô tả chi tiết sẽ cho chúng ta thấy rõ lai lịch và “thành tích” của Tập đoàn siêu hạng Formosa trước khi đầu tư vào Việt Nam:

- Formosa đã bị tai tiếng rất nhiều vì tội phạm hủy hoại môi trường;

- Ngay ở Đài Loan đã nổ ra những cuộc phản đối Formosa dữ dội, ngoài việc bắt đền tiền đã khởi kiện và yêu cầu đóng cửa;

- Sự phản đối của dân Đài Loan với Tập đoàn Formosa không chỉ đơn thuần về kinh tế và môi trường. Về nguồn gốc Formosa thuộc phái thân Hoa lục độc tài cực đoan, đối lập với Đảng Dân Tiến Đài Loan có tính chất thân dân chủ, và bảo vệ môi trường, bảo vệ dân sinh.

Đọc xong, không thể không bật ra câu hỏi: Các cấp lãnh đạo ở Việt Nam khi chấp nhận cho Tập đoàn Formosa lập một khu liên hợp công nghiệp, độc quyền vận hành trong 70 năm, tại một vùng hiểm yếu về an ninh như Vũng Áng, các vị có biết những thông tin này không, có biện pháp cảnh giác gì tương xứng không, hay chỉ nhìn thấy một mối lợi trước mắt nào đó? Hay là… còn gì gì nữa, để đến nay đã thành thảm họa, dễ chừng 50 năm nữa chắc gì đã gột rửa xong?

H.S.P

Ngày 16/6/2016, trong một cuộc họp báo tại Đài Bắc, ba nghị sĩ của Đảng Dân Tiến (hiện đang cầm quyền) đã lên tiếng yêu cầu Chính phủ Đài Loan chỉnh đốn hoạt động của các nhà đầu tư ở hải ngoại, vì các cáo buộc cho rằng hàng triệu con cá chết tại Việt Nam là do một nhà máy thép của Tập đoàn Formosa gây ra.

clip_image002

Hình 1: (Từ phải qua trái) Bà Tô Trị Phần, bà Vưu Mỹ Nữ và ông Ngô Côn Dụ. Người thứ tư ngồi kế ba nghị sĩ là Linh mục Nguyễn Văn Hùng (người Việt Nam).

Ba nghị sĩ đó là Tô Trị Phần (Su Chih-fen 蘇治芬)[1][i], Vưu Mỹ Nữ (Yu Mei-nu 尤美女) và Ngô Côn Dụ (Wu Kun-yu 吳焜裕).

Câu hỏi đặt ra là: tại sao các nghị sĩ Đài Loan này lại quan tâm đến các ngư dân Việt Nam? Và tại sao cách đây không lâu, Tập đoàn Formosa vẫn hùng hồn tuyên bố chuyện cá chết tại Việt Nam là do “thủy triều đỏ”, không liên quan gì đến nhà máy thép của Formosa Hà Tĩnh, vậy mà từ sau cuộc họp báo đó, Chủ tịch Formosa Hà Tĩnh đã thay đổi thái độ, thừa nhận cá chết là do chính họ?

Hãy thử lý giải hiện tượng này bằng cách tìm hiểu mối liên hệ giữa nhân vật quan trọng nhất trong buổi họp báo (bà Tô Trị Phần) với Tập đoàn Formosa, thông qua một số tài liệu nghiên cứu và tin tức trên báo chí Đài Loan.

Bà Tô Trị Phần là ai?

Bà Tô Trị Phần (Su Chih-fen 蘇治芬) xuất thân từ một gia đình rất nổi tiếng tại Đài Loan, mặc dù ở ngoại quốc người ta ít biết đến. Cha bà là Tô Đông Khải (Su Tung-chi 蘇東啟) – một nhân sĩ nổi tiếng tại huyện Vân Lâm (Yunlin), ở Trung-Tây đảo Đài Loan. Ông đã từng theo học tại Đại học Meiji (Nhật Bản) và vào đầu thập niên 1960 là nghị viên hội đồng tỉnh Đài Loan. Năm 1960, xảy ra vụ án Lôi Chấn (Lei Chen 雷). Lôi Chấn nguyên là một trí thức ở đại lục, theo chân quân đội Quốc Dân Đảng (QDĐ) đến Đài Loan sau khi cộng sản chiếm được Đại lục. Ông là người sáng lập và phát hành tạp chí Trung Hoa tự do vào năm 1950. Mặc dù là đảng viên QDĐ, cố vấn của Tưởng Giới Thạch, nhưng do lập trường ủng hộ dân chủ của tờ báo, ông đã làm phiền lòng nhà độc tài. Đầu tháng 9 năm 1960, ông bị bắt giam và kết tội phản quốc với bản án 10 năm tù theo lệnh của Tưởng Giới Thạch. Tờ tạp chí cũng bị đóng cửa từ đó.

Một vài trí thức nổi tiếng đã ký kiến nghị yêu cầu Chính phủ trả tự do cho Lôi Chấn nhưng không thành công; trong số những người ký kiến nghị có chính trị gia Tô Đông Khải. Một năm sau (1961), hàng trăm nhà hoạt động tại Đài Loan bị bắt, trong đó có ông Tô. Ông bị kết tội âm mưu nổi loạn chống chính quyền và lãnh án tử hình.[ii] Bà vợ của ông là Tô Hồng Nguyệt Kiều (Su Hung Yueh-chiao 蘇洪月嬌) cũng bị bắt, sau đó bị kết án tù chung thân. Mãi đến năm 1976, dưới thời Tưởng Kinh Quốc, sau 15 năm ngồi tù bà Tô Hồng mới được trả tự do. Theo Linda Gail Arrigo, sau khi được ra khỏi tù, bà ứng cử vào hội đồng địa phương và trúng cử. Chính quyền QDĐ tìm cách gây khó dễ, nhưng sau đó không thể loại bỏ bà ra khỏi chức vụ dân cử.[iii] Gia đình họ Tô tại Vân Lâm trở thành một trong những hạt nhân địa phương đầu tiên góp phần quan trọng vào việc hình thành đảng đối lập lớn nhất tại Đài Loan vào năm 1986 – Đảng Dân chủ Tiến bộ, thường gọi tắt là Đảng Dân Tiến (tên trong tiếng Anh là Democratic Progressive Party, viết tắt là DPP).

Khi cha mẹ bị bắt giam, bà Tô Trị Phần mới lên 8 tuổi. Những nỗi đau mà gia đình bà phải gánh chịu đã thúc đẩy bà tham gia vào hoạt động chính trị. Bà bắt đầu nổi tiếng trên chính trường khi trúng cử chức vụ huyện trưởng Huyện Vân Lâm (Yunlin) vào cuối năm 2005. Vào lúc này, Đảng Dân Tiến đã nắm được chức vụ Tổng thống hơn một nhiệm kỳ và bước vào nhiệm kỳ thứ hai. Đảng Dân Tiến bước vào một giai đoạn khó khăn vì tuy nắm được quyền hành pháp nhưng tại Viện Lập pháp, Quốc Dân Đảng nắm đa số ghế. Trong cuộc bầu cử địa phương năm 2005, QDĐ thắng lớn: QDĐ thắng tại 14/23 thành phố và huyện, trong khi Dân Tiến trước đây nắm được 9 thành phố và huyện, nay chỉ còn nắm được 6 địa phương - trong đó có huyện Vân Lâm và huyện Gia Nghĩa (Chiayi). Huyện trưởng tại hai huyện này là bà Tô Trị Phần và ông Trần Minh Văn (Chen Ming-wen 陳明文).

Vụ án tham nhũng của cựu Tổng thống Trần Thủy Biển và gia đình là sự kiện lớn nhất trong giai đoạn này. Ngày 20/5/2008, chỉ một giờ sau khi rời khỏi chức vụ Tổng thống (nghĩa là mất quyền miễn tố), ông Trần Thủy Biển lập tức bị bắt giữ và hạn chế quyền đi lại (lấy cớ là có thể bỏ trốn ra nước ngoài) vì bị cáo buộc các tội tham nhũng và lạm dụng quyền lực. Vụ án này kéo dài hơn hai năm, đến tận tháng 11 năm 2010, với phán quyết cuối cùng của Tòa án Tối cao: ông Trần Thủy Biển và vợ ông là bà Ngô Thục Trân (Wu Shu-jen 吳淑珍) bị kết án tù (17 năm rưỡi) và phải nộp phạt 154 triệu Đài tệ. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Đài Loan, một nguyên thủ quốc gia bị án tù.

Ngày 4/11/2008, lợi dụng vụ án tham nhũng của Trần Thủy Biển đang ở thời kỳ cao điểm, cơ quan công tố đã bắt giữ và thẩm vấn bà Tô Trị Phần – Huyện trưởng huyện Vân Lâm, vì cho rằng bà đã nhận hối lộ 5 triệu Đài tệ (tương đương 151 ngàn đô-la Mỹ) để thông qua một dự án xây dựng một hố chôn rác (landfill construction project). Việc bắt giữ này đã gây phẫn nộ trong người dân tại địa phương. Các đảng viên Dân Tiến lên án cơ quan công tố vì cho rằng họ chịu sự chỉ đạo từ phía Chính phủ (của QDĐ) để nhân cơ hội này bức hại các đảng viên Dân Tiến – nhất là những người có uy tín tại địa phương như bà Tô Trị Phần (huyện trưởng Vân Lâm) và ông Trần Minh Văn (Chen Ming-wen 陳明文) – Huyện trưởng huyện Gia Nghĩa.

clip_image004

Hình 2: Bà Tô trị Phần đang giơ cao hai tay bị còng để phản đối khi bị đưa lên một xe cảnh sát đến cơ quan công tố để thẩm vấn (Ảnh chụp ngày 10/11/2008)

Các công tố viên đòi kết tội bà Tô bằng một bản án 15 năm tù và 8 năm bị tước quyền công dân (có lẽ để bà không thể nào tiếp tục sự nghiệp chính trị), thế nhưng qua hai lần xét xử, tòa án đã tha bổng bà Tô Trị Phần. Vì cơ quan công tố không chịu bỏ cuộc, tiếp tục kháng cáo nên mãi đến giữa tháng 1 năm 2012, Tòa án Tối cao mới ra phán quyết chung thẩm bác bỏ toàn bộ các cáo buộc của phía công tố, trả lại sự trong sạch cho bà Tô.[iv] Điều an ủi đối với bà Tô là trong kỳ bầu cử địa phương năm 2009, bà tiếp tục trúng cử chức vụ Huyện trưởng. Và chính trong nhiệm kỳ thứ hai này, bà Huyện trưởng Tô Trị Phần đối đầu với Tập đoàn hóa dầu “khổng lồ” Formosa.

Để có thể hiểu rõ hơn về một huyện, cũng cần nói thêm đôi điều về cách phân chia hành chính của Đài Loan. Thời gian đầu Đài Loan được chia thành hai tỉnh Đài Loan và Phúc Kiến, nhưng tỉnh Phúc Kiến chỉ bao gồm hai quần đảo Kim Môn và Mã Tổ, còn lại đều thuộc tỉnh Đài Loan. Từ năm 1967 đến nay, có 6 thành phố lần lượt trở thành thành phố đặc biệt (special municipalities, 直轄市 trực hạt thị) trực thuộc trung ương: Đài Bắc (Taipei), Cao Hùng (Kaohsiung), Tân Đài Bắc (New Taipei), Đài Trung (Taichung), Đài Nam (Tainan) và Đào Viên (Taoyuan). Tỉnh Đài Loan chỉ bao gồm 3 thành phố thuộc tỉnh (provincial cities, 市thị) và 11 huyện (counties, 縣 huyện). Vân Lâm là một huyện, đứng đầu là huyện trưởng (magistrate, có khi gọi là commissioner).

Cuộc đối đầu giữa bà Huyện trưởng và Tập đoàn Formosa

Tập đoàn Formosa (tên đầy đủ là Formosa Plastics Group – Tập đoàn Nhựa Formosa, thường viết tắt là FPG) khởi công xây dựng khu công nghiệp Mạch Liêu (Mailiao 麥寮) tại huyện Vân Lâm từ năm 1994, và bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 1999. Đó là một tổ hợp công nghiệp khổng lồ được xây dựng trên một diện tích khoảng 2.600 hec-ta, với 61 nhà máy (dữ liệu năm 2014). Hạt nhân của khu công nghiệp hóa dầu này là nhà máy naphtha cracker số 6 (sử dụng naphtha để sản xuất ra ethylene – một hóa chất được sử dụng nhiều nhất trong ngành hóa dầu). Gọi là “nhà máy naphtha cracker số 6” nhưng thực chất là ba nhà máy được lần lượt xây dựng, nhà máy thứ ba hoàn thành vào năm 2007. Tổng công suất của cả ba nhà máy là 2,9 triệu tấn ethylene/năm, chiếm 75% sản lượng ethylene của Đài Loan (dữ liệu 2010). Nhà máy naphtha cracker số 6 được các nhà khoa học đánh giá là “tác nhân gây ô nhiễm môi trường lớn nhất tại Đài Loan”. Trong bài viết này, tôi tạm gọi nhà máy naphtha cracker là “nhà máy NC”.

Ngày 7 tháng 7 năm 2010, một đám cháy đã xảy ra sau vụ nổ tại một phân xưởng của nhà máy NC nhỏ nhất trong 3 nhà máy NC tại Mạch Liêu (công suất 700 ngàn tấn/năm) khiến cho nhà máy phải ngừng hoạt động. Ba tuần lễ sau đó, ngày 25/7, một đám cháy thứ hai lại xảy ra tại một phân xưởng khác của nhà máy này. Qua ngày hôm sau, đứng ở phía bắc cảng Đài Trung, cách đó hơn 70 km, người ta vẫn còn nhìn thấy cột khói đen của đám cháy.

Thật ra, cháy nổ vẫn xảy ra thường xuyên tại khu công nghiệp hóa dầu Mạch Liêu của Formosa. Chỉ tính riêng trong năm 2009, đã xảy ra tổng cộng 11 vụ cháy nổ tại khu công nghiệp này, khiến cho tin cháy nổ trở thành quen thuộc tựa như tai nạn ô tô. Nhưng hai vụ cháy nổ lớn liên tiếp xảy ra chỉ trong vòng chưa đầy một tháng đã khiến cư dân trong vùng bàng hoàng. Hàng trăm cư dân tại Mạch Liêu đã tụ tập trước cổng của nhà máy NC, một số đeo mặt nạ có chữ “độc (毒) để phản đối Formosa – thủ phạm gây ra ô nhiễm môi trường.

Đám cháy âm ỉ suốt 36 giờ đã gây thiệt hại cho ngành nuôi trồng thủy sản cũng như nông nghiệp tại địa phương. Tại một nông trại nuôi 300 ngàn con vịt – trong đó có 6 ngàn con vịt con, chỉ trong một đêm gần 2 ngàn con vịt con đã chết. Người ta ngờ rằng nguyên nhân của tình trạng này là do tro than và mưa a-xít mà đám cháy gây ra đã làm ô nhiễm nguồn nước.

Sáng ngày 28/7, bà Thái Anh Văn (Chủ tịch Đảng Dân Tiến) đã đến huyện Vân Lâm để thanh tra sự thiệt hại đối với ngành thủy sản tại đây. Tháp tùng bà có bà Huyện trưởng Tô Trị Phần. Các nông dân đã cho bà Thái Anh Văn xem những con nghêu, sò (clams) đã chết - bị ngả sang màu nâu hay đen, có lẽ do nước bị ô nhiễm. Chủ tịch Thái nói rằng hai tai nạn công nghiệp liên tiếp không chỉ gây ra thiệt hại cho các nhà nuôi trồng thủy sản ở gần nhà máy NC số 6 mà còn gây thiệt hại lớn lao cho môi trường, vượt quá quyền hạn của chính quyền địa phương.[v]

Ngày 29/7, bà Tô Trị Phần (Huyện trưởng Vân Lâm) đã đích thân tham gia một cuộc biểu tình phản đối tại Đài Bắc. Cùng với các cư dân địa phương và các chính trị gia, bà quỳ gối trước trụ sở của Viện Hành pháp (tức Chính phủ Đài Loan) để bày tỏ sự phản đối các chính sách của chính quyền trung ương trong lĩnh vực công nghiệp và bảo vệ môi trường. Hành động này đã kích thích sự quan tâm và tranh luận rộng rãi trên toàn quốc. Ngày hôm sau (30/7) Thủ tướng Ngô Đôn Nghĩa (Wu Den-yih ) sau khi đích thân đến thị sát tại nhà máy, đã tuyên bố nhà máy bị cháy nổ phải lập tức đóng cửa và chỉ được phép mở lại sau khi chính quyền trung ương đã kiểm tra mức độ an toàn.[vi]

Cơ quan quản lý môi trường của Đài Loan – Cục Bảo vệ Môi trường (Environmental Protection Administration, EPA) đã quyết định phạt Formosa 1 triệu Đài tệ ($NT), tương đương 31.000 đô-la Mỹ (31,000 $US), mức phạt cao nhất theo quy định của luật pháp. Đây là một mức phạt “quá nhẹ” dưới con mắt của các nhà đấu tranh bảo vệ môi trường. Họ cho rằng EPA thực ra chỉ là một cơ quan “đóng dấu” (rubber stamp) thừa hành lệnh của cơ quan hành pháp trung ương – vốn luôn chủ trương “ủng hộ phát triển công nghiệp mà xem nhẹ vấn đề bảo vệ môi trường”.

Ngày 17/8/2010, sau khi các cuộc thương thảo về tiền bồi thường giữa cư dân địa phương và Tập đoàn Formosa không đạt được thỏa thuận, hàng ngàn cư dân đã tức giận, kéo nhau chặn tất cả ba con đường chính dẫn đến tổ hợp hóa dầu của Formosa tại Mạch Liêu. Sử dụng còi và loa phóng thanh, đám đông giận dữ đã vây hãm tổ hợp, đòi hỏi Tập đoàn phải trả cho cư dân 1,8 tỷ Đài tệ (NT$ 1.8 billion) - tương đương 53 triệu đô-la Mỹ, vì đã làm ô nhiễm khu vực và gây nguy hại đến sức khỏe của họ. Họ cũng yêu cầu Công ty hứa di chuyển nhà máy đi chỗ khác trong thập niên này. Gần 1000 cảnh sát và ít nhất ba công tố viên đã được gửi đến hiện trường trong một nỗ lực để giải tỏa đường cho các nhân viên Công ty và ngăn ngừa các hoạt động bất hợp pháp. Đã có đụng độ nhẹ giữa hai bên mặc dù không có thương vong. Cảnh sát đã ra lệnh bắt 7 người lãnh đạo cuộc biểu tình, nhưng sau khi thẩm vấn đã phóng thích họ mà không buộc tội hoặc yêu cầu đóng tiền bảo lãnh.

3clip_image006

Hình 3: Cư dân biểu tình trước cổng khu tổ hợp Mạch Liêu

Về phía Tập đoàn, đại diện của Formosa nói không thế chấp nhận đòi hỏi của những người biểu tình, và Công ty sẽ cung cấp không hơn 500 triệu Đài tệ ($NT) tiền bồi thường. (“Mailiao protestors block access to FPG plant”, Taipei Times Aug 18, 2010)

clip_image007

Hình 4: Cảnh sát bảo vệ cổng nhà máy NC số 6 tại Mạch Liêu.

Vì chưa nguôi cơn giận, sáng hôm sau (18/8), dưới sự lãnh đạo của một “hội tự-cứu”[vii] tại địa phương, những người biểu tình đã ngăn chặn một con đường vào khu tổ hợp công nghiệp, gây ra ách tắc trên một quãng đường dài 3km. Cảnh sát đã phải tạo thành một “bức tường người” để mở đường cho khu công nghiệp hóa dầu hoạt động. (“Residents block access to FPG plant for a second day”, Taipei Times Aug 19, 2010).

Theo tài liệu của Yi-En Tso, mãi đến ngày 2/9/2010, các cuộc thương thảo về bồi thường mới đạt được thỏa thuận. Về phía Formosa, Tập đoàn đồng ý kiểm tra sức khỏe miễn phí thông qua Bệnh viện Chang Gung – một bệnh viện tư thuộc quyền sở hữu của Tập đoàn. Ngoài ra, Tập đoàn sẽ trả tiền bồi thường 250 triệu Đài tệ trong năm đầu tiên, và kể từ năm thứ hai mọi cư dân tại Mạch Liêu sẽ được nhận tiền bồi thường hàng năm 7.200 Đài tệ (7,200 NT$).

(còn tiếp)

M.T.L.


[i] Trong sách báo tiếng Anh hiện nay, tên bà Tô Trị Phần được phiên âm là Su Chih-fen, hoặc Su Chih-feng. Tôi dựa vào cách ghi trên chính trang Facebook của bà.

[ii] Hannah Pakula, The Last Empress: Madame Chiang Kai-shek and the Birth of Modern China, Simon and Schuster, 2009, p. 625. Về việc ông Tô Đông Khải có bị hành quyết hay không, Pakula nói “có lẽ” đã bị hành quyết, có tác giả khẳng định “đã hành quyết một năm sau đó”, nhưng lại có tác giả cho rằng đã chuyển thành án tù chung thân.

[iii] Linda Arigo, “Social Origins of Taiwan's Democratic Movement”, 1981:

http://www.linda-gail-arrigo.org/articles.html

[iv] Tương tự là trường hợp của Trần Minh Văn, huyện trưởng huyện Gia Nghĩa (2001-2009). Ông cũng được Tòa án tha bổng. Hiện nay, ông là nghị sĩ của Viện Lập pháp khóa 9, và được coi là một nhân vật lãnh đạo sáng giá của Đảng Dân Tiến.

[v] “Cai Ying-wen Consoled Southern Aquaculture Farmers suffered from the Sixth Naphtha Cracker Plant Fire”, 2010-07-28:

http://fpcc.yunlin.gov.tw/eng/news/Details.aspx?Parser=9,14,25,,,,97,,,,2

[vi] Yi-En Tso, David A. McEntire, “Emergency Management in Taiwan: Learning from Past and Current Experiences”, In David McEntire (Ed.) Comparative Emergency Management: Understanding Disaster Policies, Organizations, and Initiatives from Around the World, FEMA, DHS, 2011.

[vii] Hội tự cứu (self-help association) là một hình thức của nhóm lợi ích (interest group) tại Đài Loan. Từ thập niên 1980, nông dân thường tập hợp trong các hội tự cứu để hợp sức đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho chính bản thân và gia đình họ.

Tác giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn