Kinh tế Việt Nam chuyển từ ảm đạm sang u ám

G.Đ

Đó là cảm nhận chung về báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội trong sáu tháng đầu của năm nay của Chính phủ Việt Nam và báo cáo thẩm tra của Quốc hội Việt Nam.

Trao đổi với báo giới trước khi Quốc hội Việt Nam có cuộc thảo luận về cả hai báo cáo vừa kể, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Việt Nam, công khai bày tỏ rằng ông không hài lòng cả về hiệu quả hoạt động của khối doanh nghiệp nhà nước lẫn việc báo cáo của Chính phủ Việt Nam phớt lờ chuyện này.

clip_image002

Nơi đã từng là xưởng của một doanh nghiệp đã phá sản. Doanh giới càng ngày càng lụn bại, kinh tế Việt Nam càng ngày càng suy sụp. (Hình: Báo Đầu Tư)

Theo ông Hải, đóng góp cho công quỹ của khối doanh nghiệp nhà nước tiếp tục sụt giảm trong khi khối này đang nắm giữ, sử dụng phần lớn nguồn lực quốc gia (tài sản, vốn liếng) là một điều phi lý, không thể chấp nhận được.

Kết quả thẩm tra của Quốc hội cho thấy, trong nửa đầu năm nay, đóng góp cho công quỹ của khối doanh nghiệp nhà nước chỉ có 94.5% so với cùng kỳ năm 2015. Trong khi đóng góp cho công quỹ của khối doanh nghiệp hoạt động bằng vốn đầu tư của ngoại quốc (FDI) và khối doanh nghiệp tư nhân cùng tăng.

Trong sáu tháng tháng vừa qua, đóng góp cho công quỹ của khối doanh nghiệp FDI tăng tăng 12.8% so với cùng kỳ năm ngoái và đóng góp cho công quỹ của khối doanh nghiệp tư nhân tăng 22.9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý là đóng góp cho công quỹ của các doanh nghiệp nhà nước từng ngốn hàng chục ngàn tỷ đồng vốn đầu tư lấy từ công quỹ và từ các khoản vay của Chính phủ Việt Nam giảm từ hàng chục ngàn tỷ đồng đến hàng trăm tỷ đồng. Chẳng hạn đóng góp cho công quỹ của Nhà máy lọc dầu Dung Quất giảm 60% (khoảng 9,300 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, đóng góp cho công quỹ của Tổng Công ty Khí Giảm 75% (khoảng 1,400 tỷ đồng),…

Ông Hải nhấn mạnh, ngoài những khó khăn khách quan (thời tiết bất thường, thị trường trong nước biến động do tác động của thị trường thế giới), còn có những nguyên nhân mang tính chủ quan mà lẽ ra Chính phủ Việt Nam phải phân tích nhưng lại không hề đưa vào báo cáo của mình.

Ông Hải nói thêm rằng, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Việt Nam sẽ chính thức yêu cầu Chính phủ Việt Nam phải kiểm tra và báo cáo việc nhiều doanh nghiệp đem vốn ra ngoại quốc đầu tư và nhiều dự án đầu tư loại này không có hiệu quả, thậm chí rất khó thu hồi vốn đầu tư.

Bên cạnh những băn khoăn, bất bình về hiệu quả hoạt động của khối danh nghiệp nhà nước, kinh tế Việt Nam còn có khá nhiều những yếu tố đáng ngại khác.

Chẳng hạn báo cáo của Chính phủ Việt Nam tiếp tục xác nhận, nguồn thu cho ngân sách vẫn tiếp tục theo xu hướng năm sau thất thu trầm trọng hơn năm trước. Trong sáu tháng vừa qua, các nguồn thu cho ngân sách chỉ đạt được 42% mức dự trù. Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thú nhận thực trạng đó sẽ khiến việc cân đối ngân sách trở nên khó khăn hơn.

Báo cáo của Chính phủ Việt Nam thú nhận thêm là có nhiều yếu tố không đạt mục tiêu đã được dự trù: tăng trưởng GDP, xuất cảng, nhập cảng thiết bị… và những yếu tố này sẽ tác động mạnh mẽ đến đầu tư – phát triển và tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới. Chưa kể lạm phát có thể trở thành phi mã và ổn định kinh tế vĩ mô trở thành nan giải.

Thời tiết diễn biến bất thường, ô nhiễm môi trường cũng đã được xác định là những yếu tố khiến kinh tế suy sụp và khả năng hồi phục trở nên xa vời hơn.

Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/viet-nam/kinh-te-viet-nam-chuyen-tu-dam-sang-u/

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn