Dự án thép Cà Ná sẽ lấy quặng ở đâu?

clip_image001

Các chuyên gia từ Việt Nam đặt dấu hỏi về tính khả thi của siêu dự án Hoa Sen ở Cà Ná, Ninh Thuận

Một tập đoàn ở Việt Nam lên kế hoạch tiến hành xây dựng một khu liên hợp luyện cán thép có công suất 16 triệu tấn/năm với tổng giá trị đầu tư lên tới 10 tỷ USD ở duyên hải Nam Trung Bộ của nước này, trong khi có ý kiến chuyên gia đặt dấu hỏi về tính khả thi.

Hôm 06/9/2016, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Hoa Sen (HSG) của Việt Nam, ông Lê Phước Vũ, được truyền thông Việt Nam dẫn lời cho hay tập đoàn này sẽ tiến hành một dự án công nghiệp với quy mô lớn về sản xuất thép ở Cà Ná, thuộc tỉnh Ninh Thuận mà trong giai đoạn đầu "sẽ không trực tiếp luyện cốc mà sẽ nhập cốc để đảm bảo các vấn đề về môi trường".

Về công nghệ, nhà lãnh đạo HGS nói khu liên hợp Cà Ná sẽ 'không sử dụng công nghệ luyện cốc thu hồi hóa chất như Formosa mà sẽ tiến hành thu hồi nhiệt để phát điện," Dân Việt online hôm thứ Ba dẫn lời ông Lê Phước Vũ, cho hay.

Đúng là ở thời điểm này thì tôi rất băn khoăn vì tất cả hiện nay đều dư thừa. Theo tổng kết của Hiệp hội Thép hiện trong nước mới sản xuất 60% công suất, giờ đầu tư thêm của HSG là tới 2030 nhưng đến thời điểm đó đã dùng hết những cái đang có chưa?

Kỹ sư Phạm Chí Cường

Tuy nhiên, một số chuyên gia công nghệ đúc và luyện kim của Việt Nam đã lên tiếng và đặt dấu hỏi về một số yếu tố khả thi của dự án.

"Có nhiều vấn đề người ta quan tâm về việc thép đang dư thừa và phải cạnh tranh với thép giá rẻ của Trung Quốc. Mặt khác, vấn đề đáng quan tâm nữa là về môi trường sau câu chuyện của Formosa, trong khi dự án được xây dựng ven biển và bên cạnh khu du lịch," ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hội Khoa học - Kỹ thuật Đúc - Luyện kim Việt Nam đượctruyền thông Việt Nam dẫn lời nêu quan điểm.

"Hoa Sen có hứa sẽ sử dụng công nghệ mới, mới như thế nào, ai duyệt cái mới đó. Có đúng mới không vì Hoa Sen không thể có chuyên môn như chúng tôi được. Thậm chí, chuyên gia trong nước có đủ đánh giá tác động môi trường khi một nhà máy lớn vào đầu tư tại ven biển hay không? Có phải thuê tư vấn nước ngoài không? Dự án có đặc thù về môi trường nên tôi đề nghị Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học & Công nghệ xem xét thận trọng."

Bình luận về việc dự án có thể sẽ được chính quyền địa phương mà trong trường hợp này là Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận đảm bảo hỗ trợ cung cấp lượng nước phục vụ sản xuất lên tới 2.500-3.000 mét khối/ngày đêm ở một vùng được cho là thường xuyên gặp hạn hán nặng, nguyên Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam được dẫn lời nói thêm:

"Tôi đã hỏi trực tiếp ông Chủ tịch Hoa Sen vấn đề này rằng: “Vùng đó hạn hán khủng khiếp, nhìn con cừu người gầy xác xơ đi ăn cỏ khô như trên sa mạc, lấy nước ở đâu để sản xuất thép”? Ông Chủ tịch Hoa Sen nói sẽ lấy nước biển để sản xuất. Tuy nhiên, nước biển là nước muối phải lọc như thế nào, xét về “bài toán” kinh tế có hiệu quả hay không thì phải trình ra. Còn UBND tỉnh Ninh Thuận hứa như vậy có khả thi không thì Nhà nước phải xem xét. Bởi vùng Ninh Thuận rất khô hạn, đào bao nhiêu giếng lên cũng khô cạn không đủ nước cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp thì lấy đâu ra nước. Mặt khác, nước mà có muối thì không thể dùng cho công nghệ được, vẫn phải có nước ngọt để tuần hoàn nước biển thì lấy đâu ra nước ngọt.

"Hiện nay, công nghệ nước biển là dấu hỏi lớn cho nhà khoa học. Anh có thể làm được nhưng giá thành như thế nào và thực tế trên thế giới hiện nay chưa có một nước nào lọc nước biển để sản xuất luyện kim. Cái này đúng là khoa học viễn tưởng cho một khu công nghiệp và bài toán kinh tế lọc nước biển để làm luyện kim thì rất không khả thi," ông Phạm Chí Cường được Dân Việt trích lời nói.

Lấy quặng ở đâu?

clip_image002

Việc thép Việt Nam cạnh tranh với thép nhập khẩu và phân chia thị trường sản xuất thép ở quốc tế và khu vực cũng là khía cạnh được các chuyên gia đặt dấu hỏi

Hôm 07/9, cũng bình luận về tính khả thi của dự án Hoa Sen - Cà Ná nói trên, Giáo sư, Tiến sỹ Phùng Viết Ngư, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khoa học - Kỹ thuật Đúc luyện kim Việt Nam, nói với BBC:

"Bây giờ cơ bản sản xuất sắt thép thì phải có quặng, mà quặng lấy ở đâu? Quặng lấy của Việt Nam hay là lấy của nước ngoài? Và nếu lấy của nước ngoài là lấy của nước nào, mua của nước nào và đắt rẻ ra sao? Có giải quyết được không?

"Nếu không, không có quặng làm sao sản xuất được? Mà quặng theo tôi hiện nay có mỏ quặng ở Hà Tĩnh tương đối là lớn đối với Việt Nam, nhưng mỏ ấy khai thác được không dễ dàng, rất khó khăn.

Bây giờ cơ bản sản xuất sắt thép thì phải có quặng, mà quặng lấy ở đâu? Quặng lấy của Việt Nam hay là lấy của nước ngoài? Và nếu lấy của nước ngoài là lấy của nước nào, mua của nước nào và đắt rẻ ra sao? Có giải quyết được không?

Giáo sư Phùng Viết Ngư

"Cho nên có thể phải nhập khẩu và nhập của nước nào, nhập của ai và tỷ lệ nhập ra sao với giả cả nào? Nếu không, chúng ta (Việt Nam) cứ làm phương án mà không có một nguyên liệu cụ thể nào đấy thì khó.

"Bây giờ anh nói là làm cốc, nhưng cốc chỉ là nhiên liệu thôi, nên bây giờ muốn lấy nhiên liệu thì nhiên liệu lấy ở đâu? Hiện tại Việt Nam không có nhiều quặng sắt, chỉ có một ít ở Hà Tĩnh, còn những nơi khác rất khó khăn.

"Ngay cả Formosa ở Hà Tĩnh, công suất là 5 triệu tấn/năm cũng không hiểu là họ lấy quặng ở đâu hay quặng khai thác ở đâu?

"Có thể Formosa nhập ở nước ngoài, quặng là yếu tố chủ yếu, nếu bây giờ không có quặng thì sản xuất thế nào và nhập có hợp lý hay không, rồi theo phương pháp nào?" Giáo sư Phùng Viết Ngư đặt các câu hỏi về siêu dự án Hoa Sen - Cà Ná với BBC.

Hôm thứ Ba, kỹ sư Phạm Chí Cường cũng bình luận với truyền thông Việt Nam về mặt thời điểm của dự án của Tập đoàn Hoa Sen:

"Đúng là ở thời điểm này thì tôi rất băn khoăn vì tất cả hiện nay đều dư thừa. Theo tổng kết của Hiệp hội Thép hiện trong nước mới sản xuất 60% công suất, giờ đầu tư thêm của HSG là tới 2030 nhưng đến thời điểm đó đã dùng hết những cái đang có chưa? Hiện nay, Việt Nam có nhiều loại thép như thép xây dựng có công suất trên 10 triệu tấn; thép cán nguội trên 3 triệu tấn; thép tôn tráng kẽm 4 triệu tấn; thép ống 2 triệu tấn…tất cả khoảng 20 triệu tấn nhưng nếu Formosa vào hoạt động là có thêm hơn 20 triệu tấn nữa, tức là gấp đôi sản lượng hiện có. Chưa kể Nghi Sơn đang tiếp tục đầu tư khu liên hợp khoảng 7 triệu tấn nữa….

"Tôi nghĩ rằng, các Bộ chủ quản phải có quy hoạch tổng thể, quản lý giám sát chặt chẽ các dự án sản xuất thép," nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam nói với truyền thông Việt Nam.

Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/09/160907_vn_cana_steel_project_comments

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn