Liên minh bền vững giữa Nga và Trung Quốc

Một “chiến lược Nixon” đảo ngược vai trò sẽ không mang lại kết quả cho Trump

Jacob Stokes, Foreign Affairs, Snapshots, February 22, 2017

Trần Ngọc Cư dịch

JACOB STOKES là một nhà nghiên cứu bán thời gian trong Chương trình Chiến lược và Tài quản lý Quốc gia tại Trung tâm vì một Nền An ninh mới của Mỹ [the Center for a New American Security]. Trước đây, ông là cố vấn cao cấp cho Cố vấn An ninh Quốc gia và Quyền Cố vấn Đặc biệt về Đông Á, Đông Nam Á, và Khu vực Thái Bình Dương trong Văn phòng Phó Tổng thống Joe Biden.

Nhiều nhà bình luận, trong đó có Doug Bandow [1] của Viện Cato và Edward Luttwak [2] của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, từng đề nghị rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump phải vận dụng bất cứ nỗ lực nào để hâm nóng quan hệ với Nga hơn nữa và cố gắng vận động sự hỗ trợ của Moscow trong việc quân bình quyền lực chống một Trung Quốc đang trỗi dậy. Trump coi [3] Trung Quốc và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan [Islamist extremism] như hai thách thức chính đối với an ninh của Mỹ, và ông coi Nga như một đối tác tiềm năng trong việc chống lại cả hai địch thủ này. Vì vậy, luận cứ này cho rằng Trump phải thể hiện một kịch bản ngoại giao mà Tổng thống Richard Nixon và Cố vấn An ninh Quốc gia Henry Kissinger trước đây đã đi theo trong những năm đầu của thập niên 1970 khi họ sưởi ấm quan hệ với Bắc Kinh để chống Liên Xô. Lần này, tuy nhiên, Trump sẽ triển khai quan hệ đối tác với Nga để quân bình lực lượng chống Trung Quốc.

Một cách hấp dẫn, đề xuất này gợi ra những viễn kiến về những nước cờ chiến lược đầy tham vọng trên lục địa Á-Âu, mà theo từ vựng của Trump, nhằm tạo được một “đại liên đoàn [4]” địa chính trị [a big league of geopolitics]. Nixon đi với Trung Quốc là một trong những hợp đồng ngoại giao quan trọng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Còn cách nào hay hơn đối với một thủ lĩnh trong ngành giao dịch [the dealmaker in chief] – đặc biệt một người thường xuyên tham vấn Kissinger – để đánh bóng uy tín của mình bằng cách tự mình thực hiện một phiên bản ngoại giao như thế. Trên lý thuyết, động thái này sẽ tuân theo các châm ngôn truyền thống về địa chiến lược: nghĩa là, khẩn thiết duy trì quân bình lực lượng trên lục địa Á-Âu. Các nhà chiến lược Mỹ từng dựa vào nguyên tắc này theo từng mức độ khác nhau chí ít kể từ Thế chiến II. Hơn nữa, một chiến lược vận dụng sự cộng tác của Nga để chống Trung Quốc có thể mang lại một mức độ cố kết [a degree of coherence] cho chính sách ngoại giao thiếu mạch lạc của Chính quyền Trump [5].

ĐỦ ĐỂ GỌI LÀ ĐỒNG MINH

Vấn đề mà Trump gặp phải là quan hệ Nga-Hoa đã và đang cải thiện một cách đều đặn, không ít thì nhiều, kể từ những năm tàn lụi của Chiến tranh Lạnh. Sự tan băng giữa hai cường quốc cộng sản bắt đầu vào những năm đầu của thập niên 1980 và được tiếp nối bằng việc bình thường hóa quan hệ vào tháng Năm 1989. Bắc Kinh và Moscow thiết lập một “quan hệ đối tác chiến lược” [a strategic partnership] vào năm 1996 và ký kết một Hiệp ước Láng giềng Hữu hảo và Hợp tác Thân thiện [a Treaty of Good-Neighborliness and Friendly Cooperation] [6] năm 2001. Hiện nay, các lãnh đạo Trung Quốc và Nga gọi mối quan hệ này là một “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện về phối hợp” [a comprehensive strategic partnership of coordination] [7], một từ quanh co để ngụ ý một liên minh chưa đúng nghĩa [a not-quite alliance]. Tháng Chín vừa qua, Ủy viên Quốc vụ Viện Dương Khiết Trì tuyên bố [7] rằng “chiều sâu và phạm vi phối hợp giữa hai nước là chưa từng có trước đây.” Sự hợp tác mạnh mẽ đã tăng tốc kể từ khi Tập Cận Bình trở thành lãnh đạo chóp bu của Trung Quốc vào năm 2012; báo chí cho biết ông ta có một quan hệ cá nhân nồng ấm với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Hai nước hợp tác chặt chẽ xuyên suốt một số lãnh vực. Về năng lượng, Nga trở thành nước cung cấp dầu lửa nhiều nhất cho Trung Quốc vào năm 2016. Một điều rất quan trọng đối với Trung Quốc là họ chuyên chở tiếp liệu trên đất liền chứ không qua các đường biển đang bị tranh chấp. Hai nước đã hợp tác với nhau trong các cuộc thao diễn quân sự, tại Địa Trung Hải [8] và Biển Đông Việt Nam [9], cũng như trong một số dự án phát triển công nghệ hỗn hợp [10]. Hai nước đã hồi sinh mối quan hệ mua bán vũ khí còn èo uột. Năm 2015, Bắc Kinh đồng ý mua hai máy bay tiêm kích phản lực Su-35 [11] và hệ thống tên lửa địa-không S-400 Triumf [12] từ Moscow. Hai nước còn lao vào một số dự án nhân dân-với-nhân dân có tính biểu tượng [symbolic people-to-people projects], như bắt đầu xây dựng một chiếc cầu qua sông Amur, một dự án bị đình hoãn từ lâu. Và tháng Sáu 2016, Chủ tịch Tập và Tổng thống Putin thỏa thuận [14] làm việc chung để tăng cường khả năng kiểm soát các công nghệ Internet và truyền thông.

Một viễn kiến chính trị về trật tự thế giới được chia sẻ giữa hai nước đang tạo nền móng cho sự hợp tác Nga-Hoa. Viễn kiến này được xác định chủ yếu bằng tham vọng của hai nước muốn thấy địa vị siêu cường của Mỹ cáo chung để thay vào đó bằng một trật tự đa cực [multipolarity]. Một khi viễn kiến này được thực hiện, mỗi quốc gia sẽ điều khiển một khu vực ảnh hưởng riêng, Trung Quốc điều khiển châu Á và Nga kiểm soát Đông Âu. Dù sao, hiện nay, cả Trung Quốc lẫn Nga đều có quan hệ căng thẳng với Mỹ hơn bất cứ thời điểm nào kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Tình trạng căng thẳng này chủ yếu là do các tranh chấp lãnh hải trên Biển Hoa Đông và Biển Hoa Nam [Biển Đông Việt Nam] – gồm tranh chấp trên các chuỗi đảo Điếu Ngư/Senkaku, Hoàng Sa, và Trường Sa – và cuộc chiến tại Ukraina, khiến quan hệ đối tác Nga-Hoa trở nên quan trọng hơn bao giờ cả. Một bài xã luận [15] gần đây trên Nhân dân Nhật báo, cái loa của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã gọi mối quan hệ này là “đá dằn” [ballast stone, đá ba lát] để duy trì hoà bình và ổn định thế giới.”

Vào thập niên 1970, chính sự xung khắc sâu sắc trong mối quan hệ Trung-Xô đã thúc đẩy Trung Quốc liên kết với Mỹ. Sự xung khắc này đã dẫn đến nguy cơ cao nhất là các cuộc chạm súng ở biên giới vào năm 1969. Khoảng trước năm 1972, quan hệ giữa hai cường quốc cộng sản đã xuống cấp từ lạnh nhạt đến hoàn toàn đóng băng. Vào thời điểm Kissinger đến thăm Trung Quốc, Bắc Kinh đã coi Moscow là một đe doạ lớn hơn cả Washington. Đối với Nga hiện nay, ta phải nói ngược lại mới đúng. Moscow coi Washington là địch thủ số một bất chấp niềm hi vọng là Trump sẽ tu sửa mối quan hệ Mỹ-Nga.

Hẳn nhiên, vẫn có chút ít tiềm năng về một cuộc chia tay giữa Trung Quốc và Nga. Moscow lo lắng về quan hệ kinh tế khập khiễng dựa vào việc trao đổi tài nguyên thiên nhiên của Nga để lấy về các thành phẩm sản xuất tại Trung Quốc. Ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng lớn mạnh tại Trung Á và các vùng dân cư thưa thớt ở Viễn Đông Nga, các thương vụ vũ khí của Moscow với Ấn Độ và Việt Nam, và việc Trung Quốc ăn cắp các thiết kế vũ khí của Nga, tất cả những điều này có nguy cơ làm sụp đổ quan hệ đối tác giữa hai nước. Nhưng khả năng của Hoa Kỳ trong việc thúc đẩy những xung khắc này nhằm nuôi dưỡng các chia rẽ giữa hai nước nói cho cùng vẫn còn rất hạn chế. Vả lại, Tập và Putin đã tìm ra một đường lối sống chung hòa bình [modus vivendi] nhằm giảm nhẹ và ngăn chặn những xung đột trong khi tập trung vào những lãnh vực có thể hợp tác với nhau trong mối quan hệ hai nước. Khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc nói về một “một loại quan hệ đại cường mới” với Hoa Kỳ, họ hình dung [16] ra một cái gì tương tự như quan hệ Nga-Hoa để làm mẫu mực.

NHỮNG KẾT QUẢ NHỎ BÉ

Để đổi lại việc Nga phản bội Trung Quốc, Moscow có thể sẽ đòi Mỹ gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt được áp đặt sau khi Nga sáp nhập Crimea, chấm dứt hậu thuẫn một Ukraina tự do độc lập, và chấp nhận chế độ Tổng thống Bashar al-Assad tại Syria. Moscow cũng có thể đòi gỡ bỏ hệ thống tên lửa phòng thủ tại châu Âu, chấm dứt bành trướng NATO, hoặc, thậm chí tốt đẹp hơn nữa từ quan điểm của Nga, dẹp bỏ luôn NATO. Thỏa mãn các nguyện vọng của Putin trên những vấn đề này sẽ xói mòn bảy thập niên đầu tư của Mỹ vào một châu Âu tự do, hòa bình và vẹn toàn lãnh thổ – một đầu tư trước hết đã đẩy Mỹ lên địa vị siêu cường sau Thế chiến II. Hơn nữa, chấp nhận việc Nga xâm chiếm lãnh thổ bằng vũ lực sẽ làm suy yếu chủ trương của Mỹ trong việc dùng luật pháp quốc tế để ngăn cấm các hành động tương tự khi Bắc Kinh dùng vũ lực để quyết đoán các đòi hỏi bánh trướng lãnh thổ của mình tại Biển Hoa Đông và Biển Hoa Nam.

Thậm chí nếu Trump có thuyết phục được Putin chấm dứt quan hệ đối tác của Moscow với Bắc Kinh đi nữa, Nga vẫn không có thực lực để ngăn cản hành vi tồi tệ của Bắc Kinh tại những nơi quan trọng. Hạm đội Thái Bình Dương của Nga, mặc dù tương đối có tầm cỡ về số lượng, nhưng có nhiều khuyết điểm nghiêm trọng trong khâu bảo trì, và nhiều khí tài của nó đang trở nên cũ kỹ. Những vũ khí dự trù tăng cường cho hạm đội – gồm việc tăng thêm các hệ thống tên lửa phòng thủ và tầu ngầm – sẽ nâng cao khả năng ngăn chặn, song vẫn gặp nhiều hạn chế khi áp dụng vào các loại công tác tuần tra trên biển vốn rất cần thiết để chống lại các hành vi quyết đoán của Trung Quốc về lãnh hải. Trên lý thuyết, Moscow có thể giúp trang bi vũ khí cho các nước châu Á nhẳm đóng góp vào nỗ lực quân bình lực lượng. Nhưng sự hỗ trợ trực tiếp của Mỹ và các đồng minh khác có thể thay thế dễ dàng cho vai trò của Nga, bằng cách xây dựng các quan hệ thích hợp với lợi ích của Mỹ trong tiến trình này.

Nếu Putin có kế hoạch quân bình lực lượng chống Trung Quốc đi nữa, ông ta cũng cần phải khâu vá lại các quan hệ ngoại giao tại châu Á. Làm như thế sẽ cần đến một đầu tư ngoại giao có thực chất và, rất có thể, đòi hỏi những nhượng bộ của Nga. Đường lối tiếp cận Tokyo của Putin được quảng cáo rùm beng có vẻ đang gặp bế tắc mặc dù có sự hăm hở về phía Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đang mong muốn một thỏa thuận để giải quyết tranh chấp về các đảo phía Bắc [the Northern Territories islands], phần đất mà Nga gọi là Nam Kurils, cũng như muốn có một hiệp định hòa bình để chính thức chấm dứt Thế chiến II. Hơn nữa, việc Nga tiếp tục hậu thuẫn Bắc Triều Tiên và kiên quyết chống lại hệ thống tên lửa Phòng thủ Tầm cao Giai đoạn cuối [the Terminal High Altitude Area Defense, viết tắt THAAD] đã mang lại sóng gió trong quan hệ với Seoul. Lập trường của Nga về Biển Hoa Nam [Biển Đông Việt Nam] – một thái độ cách biệt có điều nghiên trong khi thỏa thuận thao diễn hải quân với Trung Quốc – ngụ ý rằng các quan hệ chiến lược của Nga tại Đông Nam Á cũng sẽ cần đến một sự chuẩn bị to lớn và vất vả trong lãnh vực ngoại giao (ngoài quan hệ nồng ấm của Putin với Tổng thống Phi Rodrigo Duterte.)

TÌM ĐÒN BẨY CHIẾN LƯỢC

Một chiến lược khôn khéo hơn của Mỹ để cạnh tranh có hiệu quả trong cuộc thi đua chính trị đại cường cạn tàu ráo máng – bao gồm cả “chính sách ngoại giao tay ba” với Moscow và Bắc Kinh – sẽ tập trung vào hai đường lối của nỗ lực. Một là, chính quyền Trump phải làm việc với cả Nga lẫn Trung Quốc ở lãnh vực nào có thể làm được. Những nỗ lực này phải tìm cách tạo ra một sự biểu biết tay ba [trilateral understanding] về những vấn đề có thể gây tranh chấp, có hại cho sự ổn định chiến lược, như các vấn đề phòng thủ hạt nhân và tên lửa, các định nghĩa chủ quyền thế-kỷ-hăm-mốt, và các qui tắc can thiệp vũ trang. Những thảo luận tay ba cũng phải xây dựng sự hợp tác thực tiễn trong các lãnh vực có lợi cho các bên, như khí hậu và năng lượng, chống khủng bố, và chống bành trướng vũ khí hạt nhân. Giải quyết các xung đột một cách trực tiếp và xây dựng các tập quán hợp tác có thể giảm nhẹ sự nghi ngờ chiến lược giữa ba đại cường bằng cách làm giảm đi mối lo ngại rằng hai đại cường kia sẽ âm mưu chống lại đại cường thứ ba.

Hai là, Washington phải tiếp tục ra sức duy trì và xây dựng hậu thuẫn giữa các nước đồng minh và đối tác hiện nay tại châu Âu và châu Á, cùng với các quốc gia bậc trung ngày càng hùng mạnh khác như Brasil, Ấn Độ và Việt Nam. Những quan hệ này tạo lợi thế cho Hoa Kỳ vượt lên trên Trung Quốc và Nga, cả hai nước này đều không có các mạng lưới gồm những quốc gia thân hữu như vậy. Hoa Kỳ phải lượng định các phí tổn và lợi lộc của việc tìm kiếm và duy trì bạn bè ở nước ngoài một cách nhìn xa thấy rộng, vượt lên trên chủ nghĩa giao dịch hẹp hòi, tiền trao cháo múc [the narrow transactionalism] mà Trump cổ vũ trong lúc vận động tranh cử. Tắt một câu, khi được cân nhắc trong bối cảnh cạnh tranh quyền lực và ảnh hưởng toàn cầu, thì một mạng lưới rộng lớn gồm các nước đồng minh và đối tác bắt đầu trông như một tài sản hơn là một món nợ.

Trump muốn tìm kiếm “các hợp đồng tốt đẹp [17]” với Nga. Việc xích lại nồng ấm với Putin trong niềm hi vọng nhận được sự trợ giúp của Moscow để quân bình lực lượng chống Bắc Kinh sẽ không là một hợp đồng béo bở.

J. S.

Links

[1] http://nationalinterest.org/blog/the-skeptics/nixon-strategy-break-the-russia-china-axis-18946

[2] http://www.politico.com/magazine/story/2017/01/outside-the-box-ideas-policies-president-trump-administration-214661

[3] https://www.nytimes.com/2016/04/28/us/politics/transcript-trump-foreign-policy.html?_r=0

[4] http://www.politico.com/story/2016/10/donald-trump-big-league-bigly-230431

[5] http://foreignpolicy.com/2017/01/31/trumps-grand-strategic-train-wreck/

[6] http://www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/wjdt_665385/2649_665393/t15771.shtml

[7] http://www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/zxxx_662805/t1397436.shtml

[8] http://thediplomat.com/2015/05/china-and-russia-conclude-naval-drill-in-mediterranean/

[9] http://edition.cnn.com/2016/09/12/asia/china-russia-south-china-sea-exercises/

[10] https://www.ft.com/content/a3e35348-2962-11e6-8b18-91555f2f4fde

[11] http://thediplomat.com/2017/02/china-to-receive-10-su-35-advanced-fighter-jets-in-2017/

[12] http://www.popsci.com/china-and-russia-sign-biggest-arms-deal-decade-buy-worlds-best-missile

[13] http://www.rferl.org/a/russia-china-amur-river-highway-bridge-border-trade/28195627.html

[14] http://www.chinadaily.com.cn/china/2016-06/26/content_25856778.htm

[15] http://en.people.cn/n3/2016/1217/c90000-9156207.html

[16] https://jamestown.org/program/conceptualizing-new-type-great-power-relations-the-sino-russian-model/

[17] https://www.nytimes.com/2017/01/15/world/europe/donald-trump-nato.html?_r=1

Dịch giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn