Thư giãn Chủ nhật

Ba Phi, Ba Dũng và Đại tá Tiến sĩ

Lê Trọng Hiệp

Bác Ba Phi, Anh Ba Dũng (tức đồng chí X), nữ siêu nhân Y Veng v.v., những người lính có thể vượt qua các quy luật vật lý và sinh học để hạ gục đối thủ. Danh sách những chiến sĩ kỳ tài này rất dài nhưng mới nhất phải là Đại tá Tiến sĩ Phan Văn Từ, nguyên là “Trưởng phòng công nghệ cao” tại Viện tên lửa của Bộ Quốc phòng.

Ngày 10.4.2017 báo Soha News đăng bài “Những tử huyệt của tên lửa hành trình hay chuyện dùng súng trường bắn hạ Tomahawk” của cựu Đại tá Ttiến sĩ nói trên:

Trước hết, phải định nghĩa rõ tên lửa hành trình là gì? Tên lửa hành trình hay còn gọi là tên lửa có cánh thực chất là loại máy bay không người lái bay thấp và rất thấp.

Tại sao nó phải bay thấp? Nó bay thấp để tránh sự phát hiện của radar đối phương. Nhưng khi tên lửa bay thấp thì radar chủ nhân của nó cũng không theo dõi được nó nên tên lửa hành trình được thực hiện theo chiến thuật “bắn và quên”, nghĩa là khi đã rời bệ phóng thì nó phải tự xoay xở lấy.

Tên lửa phải bay theo quỹ đạo lập trình sẵn và có tự hiệu chỉnh phần nào nhưng nhìn chung nó bay thấp và quỹ đạo ít cơ động nên rất dễ đón lõng.

Nó dễ dàng thoát lưới phòng không hiện đại vì các loại radar không bắt được nó nhưng nó không thể thoát khỏi tai và mắt con người và lưới lửa phòng không đón lõng bằng các loại súng bộ binh. Chỉ cần một phát súng trường cũng đủ tiêu diệt nó” [1].

Nói theo lối nói bình dân của người Nam là “đọc mà thấy ham”. Lâu nay tôi cũng đã sưu tập nhiều bài báo về chiến công “đọc thấy ham” tương tự, nay xin thuật lại một vài trường hợp để ta cùng suy gẫm!

Ước mong lớn nhất của tôi là quân đội ta sẽ “nhân đại trà” những hình mẫu này và cùng với những thiên tài vũ khí như vị Đại Tiến sĩ, tôi tin chắc rằng chẳng chóng thì chầy ta sẽ thay đổi tình hình, giống như cá vượt Vũ Môn. Cụ thể, ngư dân ta không bao giờ sợ bọn bành trướng bá quyền mà ngược lại, bọn chúng sẽ sợ, thấy bóng dáng thuyền ta là rồ ga bỏ chạy, đừng nói chuyện dám động tới cái sợi lông chân của dân ta!

“Bác Ba Phi” của Quân ủy Trung ương

Nói tới “Bác Ba Phi” thì hầu như người miền Nam nào cũng biết: đây là một nhân vật dân gian trong những chuyện kể cường điệu để bà con cười chơi như rắn tát cá, leo cây ớt té gãy chân v.v.

Theo một số tài liệu thì đó là ông Nguyễn Long Phi (1884-1964), ông kể thì ít thiên hạ thêm thắt thành nhiều, cũng giống như thơ Bút Tre: thơ thật của Bút Tre chẳng bao nhiêu, thiên hạ tự nghĩ ra rồi cũng bảo là “thơ Bút Tre”. Có cái lạ là ngày nọ nhân vật này cũng lên báo Quân đội nhân dân, là “Tiếng nói của Quân ủy Trung ương”.

Ngày 28.3.2006 mục “Ông cha ta đánh giặc” báo này đăng bài “Bẹ chuối trói trực thăng” của Hải Vân:

Cuối thập kỷ 1960, Mỹ đưa quân vào miền Nam Việt Nam ngày càng nhiều. Chúng bắt đầu sử dụng chiến thuật “trực thăng vận” đổ quân xuống chiến trường miền Tây, bắn phá rừng U Minh. Chuyến đổ quân đầu tiên với hơn 30 chiếc máy bay lên thẳng được Mỹ chọn địa điểm ở xứ Lung Tràm, hồi đó còn lau sậy, bồn bồn cao quá đầu người. Nhìn máy bay bay kín bầu trời, đổ quân xuống, bốc quân đi trong cảnh cây cối, bùn đất cuốn mù mịt, du kích Lung Tràm thoạt đầu cũng lo lắng, chưa tìm ra cách đối phó.

Không ngờ, cảnh Mỹ đổ quân bằng trực thăng rơi vào “tầm ngắm” của bác nông dân Nguyễn Long Phi (tên thường gọi là Ba Phi). Hôm đó, những chiếc trực thăng hung hãn, gào rú đổ quân vào Lung Tràm đúng lúc Ba Phi đang phát cỏ. Bác núp vào đám trâm bầu quan sát, rồi nghĩ ngay ra cách đánh “trực thăng vận”. Bác vội tìm đến Ba Tô, một du kích địa phương, trình bày suy nghĩ của mình. Ba Tô mừng lắm, tập trung anh em du kích lại, dùng cọc nhọn cắm khắp cánh đồng, đầu cọc quấn đầy dây bẹ chuối, chỉ xơ dừa…

Hôm sau, trực thăng Mỹ lại đổ quân xuống Lung Tràm. Gặp phải cọc nhọn giương cao như cả ngàn cây chông, chẳng chiếc trực thăng nào đáp xuống được. Tội nghiệp thay cho chúng! Vì sau một hồi quần thảo, lượn lờ, các cánh quạt máy bay hút hết cả bẹ chuối, chỉ xơ dừa lên và quấn chặt vào cánh quạt... thành thử muốn xuống cũng không được mà bay cũng không xong. Đúng lúc ấy, du kích Lung Tràm cứ lặng lẽ ngắm chính xác từng tên địch mà bóp cò”.

Thứ nhất, bác Ba Phi mất năm 1964 thế mà tới “cuối thập niên 60” vẫn còn sống, như có phép hồi sinh!

Thứ hai, “đất miền Tây Lung Tràm hồi đó toàn là “lau sậy, bồn bồn cao quá đầu người” điều này cho thấy các chiến sĩ du kích thời ấy đúng là “thiên tài hậu cần”. Vì phải có phép thần thông chỉ một đêm sau là cánh đồng đã cắm đầy cọc nhọn!

Thứ ba, Mỹ có chiến thuật đổ quân rất lẩm cẩm. Hôm đầu trực thăng đổ quân xuống rồi bốc quân đi. Đến hôm sau không biết chúng cho trực thăng đến đổ quân tiếp để làm gì cho bị mắc mưu bác Ba Phi!

Thứ tư, bẹ chuối vùng đất này phải là vật liệu siêu bền, có thể sử dụng để chế tạo tàu không gian. Thân người mà dí vào thì sẽ bị cánh quạt trực thăng chém phứt, văng xa cả mấy trăm thước, thế mà bẹ chuối thì “quấn chặt vào cánh quạt”.

Thứ năm, theo luật khí động học thì cánh quạt phải quay sao để đẩy không khí xuống đất mới tạo sức nâng, do đó cánh quạt phải thổi những bẹ chuối và xơ dừa này bay ra xa, cũng như ta đứng trước cái quạt gió vậy.

Thứ sáu, nếu quả thực cánh quạt bị bẹ chuối quấn chặt và kẹt cứng, không quay được thì trực thăng chỉ có rơi xuống đất tan xương. Làm sao mà chúng lại đứng yên một chỗ trên không gian “muốn cũng không được mà bay cũng không xong”?

Chắc là bẹ chuối khiến máy bay rơi vào trạng thái phi trọng lực?

Anh Ba Dũng

Ba Dũng là “tên thân mật” người ta gọi ông Nguyễn Tấn Dũng, người còn có hỗn danh “Đồng chí X”. Ngày 5.9.2010 báo Người Lao động online đăng bài “Ân nhân của Thủ tướng” của Giang Thành, viết về lão nông Tư Kiên (Phan Trung Kiên) ở huyện Kế Sách, sau khi ông Tư được trao danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang.

Tư Kiên đi bộ đội năm 16 tuổi, sau được đưa đi học lớp quân y Trường Quân y Quân khu 9, gọi tắt là T3 và tại đây Tư Kiên gặp Ba Dũng. Tác giả viết:

Tháng 9.1970, ngày nào địch cũng càn quét dữ dội khu vực Khánh Lâm, thọc sâu vào căn cứ rừng già U Minh Hạ và sang cả U Minh Thượng bên Kiên Giang với âm mưu tiêu diệt bộ đội và cơ quan đầu não cách mạng vùng này. Đội phẫu thuật dã chiến đóng cạnh lớp đào tạo Bác sĩ quân y để sẵn sàng cấp cứu bộ đội bị thương. Một sáng tinh sương sau cơn mưa dầm suốt đêm giữa rừng U Minh Hạ, các học viên vừa thức giấc cũng là lúc địch xuất hiện với cả Trung đoàn bộ binh địch có máy bay trực thăng và thiết giáp yểm trợ bao vây T3. Hai học viên trẻ Nguyễn Tấn Dũng và Phan Trung Kiên quyết định ở lại chặn địch để đồng đội khẩn cấp đưa thương binh vượt sông về hậu cứ. Một người vác súng B40, người kia cầm khẩu AK khạc đạn liên hồi, diệt được trên chục tên địch rồi tiến đến một hố bom núp quan sát tình hình”.

Đối phương đưa cả Trung đoàn có thiết giáp và trực thăng yểm trợ mà đi khơi khơi như là đi phá rẫy, không cho pháo binh dọn đường. Còn trường quân y của ta thì phải đặt sâu trong hậu cứ, đối phương phải qua hai ba vòng canh gác tiền tiêu.

Tuy nhiên đối phương có thể đi đánh trận như đi ăn đám cưới khiến Ba Dũng “vừa thức giấc” thì “địch xuất hiện”!

U Minh là vùng sình lầy, bom nổ tạo thành hố thì nước và sình tràn vào ngay, đâu lại hoàn đó, chưa kể trước đó bị “mưa dầm suốt đêm”. U Minh chứ phải là Tây Nguyên hay chiến khu D ở đất đỏ miền Đông đâu mà “tiến đến một hố bom núp quan sát tình hình”?

Tác giả viết: “Ông Tư Kiên kể: “Một Đại đội địch tràn lên và bắn tới tấp về phía T3. Trước mắt địch quá đông với hỏa lực mạnh, sau lưng là đồng đội vẫn còn đưa thương binh vượt sông, tình thế chúng tôi rất hiểm nguy. Lúc ấy, Dũng nâng B40 bắn liên tiếp 2 phát làm cả rừng tràm rung lên. Địch la thất thanh và sau đó im bặt”.

Quả là một chiến sĩ kỳ tài.

B-40 là ống phóng hoả tiễn RPG-2 của Liên Xô. Súng chỉ gắn có một quả đạn như trái bắp chuối, phóng một quả là xong, muốn bắn tiếp chờ nòng nguội tý rồi lắp vào quả khác. Tuy nhiên Ba Dũng chơi “liên tiếp hai phát”!

Tác giả viết: “Ông Tư Kiên nhớ lại: “Thấy địch chết nhiều, chúng tôi cứ tưởng đã an toàn, nào ngờ lúc ấy máy bay trực thăng xuất hiện. Sau loạt súng nổ rền trời, đạn bay ào ào từ trên máy bay xuống rừng tràm, tôi thấy Dũng ôm bắp chân, máu chảy ướt đẫm ống quần. Dũng không đi được, tôi liền cõng anh lui về hướng sông Cái Tàu cách đó gần chục cây số để tìm cách quay lại căn cứ càng sớm càng tốt bởi Dũng mất máu quá nhiều và trời đã sập tối. Thấy con sông trước mắt quá lớn không thể cõng Dũng bơi qua, tôi giấu anh ở bụi tràm sát bờ rồi dặn: “Dũng ơi, mày ráng chịu đau nằm chờ tao bơi sang nhà dân tìm xuồng vượt sông. Nếu có chết, cả hai cùng chết chớ tao không bỏ mày đâu””.

Đầu tiên thì trực thăng xuất hiện với thiết giáp nhưng chúng mắc bệnh đãng trí, đợi Ba Dũng bắn “liên tiếp hai trái B-40” chết cả đại đội (“im bặt”), chúng mới xuất hiện trở lại để câu chuyện thêm phần hấp dẫn!

Tác giả viết: “Đến nhà dân, Tư Kiên hết sức thất vọng vì xuồng ba lá của họ đã bị địch bắn tan nát. “Nhìn quanh quẩn, tôi thấy chiếc cối giã gạo bằng gốc cây mù u rộng hơn 1 m² bèn nảy ra một ý táo bạo. Tôi vần chiếc cối xuống sông rồi cõng Dũng đặt nằm lọt trong lòng cối và lấy lục bình phủ lên ngụy trang. Vừa kéo chiếc cối vượt qua được bờ kia sông thì bên này, hơn chục tên địch đang lần theo vết máu của Dũng. Chỉ chậm vài phút là chúng tôi đã bỏ mạng giữa rừng” – ông Tư Kiên hồi tưởng”.

Cối giã gạo bằng đá hay gỗ gì thì kích thước cũng chỉ hơn kém bốn nửa mét, lòng cối hình tròn để bỏ lúa vào giã thì đường kính chỉ chừng trên dưới ba tấc tây. Làm sao Ba Dũng có thể “nằm lọt trong lòng” cho được?

Anh “giải phóng quân” mà làm như thế đứa con nít mới đẻ!

Mà hình như lính bên kia vừa đánh giặc vừa làm thơ! Trực thăng bắn ông Thủ tướng tương lai bị thương ở chân, không đi được, đồng đội phải cõng Dũng gần chục cây số!

Cõng gần chục cây số ở trong rừng U Minh sình lầy không phải là chuyện dễ. Mà đó là còn phải vừa đi vừa dọ xét tình hình, đi cả chục cây số thì mất ít nhất mấy tiếng đồng hồ. Vậy mà cả Trung đoàn địch cũng dò không ra!

Nữ siêu nhân Y Veng

Ngày 20.03.2010, báo Lao động đăng phóng sự “Chuyện nữ Bí thư Tỉnh uỷ đầu tiên ở Tây Nguyên” của Quang Dũng. Y Vêng thuộc sắc tộc Sudang ở Tây Nguyên, lúc đó là Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Kon Tum. Tác giả viết:

“Y Vêng là con của ông A Tranh ở làng Van Tó, xã Đắc Ui, huyện Đắc Hà (Kon Tum). A Tranh theo bộ đội từ khi nhỏ và năm 1995 ông được danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Còn Y Veng thì năm 7 tuổi đã đi làm giao liên và 17 tuổi đã làm du kích, được bộ đội dạy cách cắm chông, cài bẫy, ném lựu đạn và bắn súng. Năm 18 tuổi Y Vêng vào đảng và lên chức Xã đội phó. […]

Khoảng cuối tháng 5.1968, nhận được tin địch đang đưa quân vào càn phá, chị đã chỉ huy 3 chiến sĩ du kích xã Đắc Ui, gồm A Nin, A Né, A Xú nhanh chóng đến dãy núi Măng La phục kích đánh địch, bảo vệ cho bà con rút vào căn cứ cách mạng trú ẩn”.

Đánh “du kích” kiểu này thì quả là sai đường lối. Tài liệu du kích mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp soạn theo tài liệu của Mao Trạch Đông đã nêu rõ: địch tiến ta lùi, địch dừng ta quấy phá, địch lùi ta bám đánh! Địch mang tới cả Tiểu đoàn, tức gần 500 quân, Y Veng và ba chiến sĩ du kích làm sao chọi lại 500?

Nhưng không lo, vì Y Veng thực sự là một superwoman. Tác giả viết:

Mặc dù không cân sức, nhưng trận chiến đấu vẫn diễn ra ác liệt suốt một ngày. Trời tối dần, đất đá rối tung, nhiều cây to bị đạn pháo quật ngã và bốc cháy, hơi lửa bỏng rát, khói súng và bom đạn khét lẹt, cổ khát nước bỏng rát... Ba đồng đội đã hy sinh, còn lại một mình, với khẩu cạcbin trong tay, Y Vêng vừa bắn vào đội hình giặc, vừa lùi, nhử bọn địch vào sâu trong rừng để tiêu diệt. Phát hiện chỉ còn một “Việt cộng”, lại là con gái “bản địa”, bọn địch vừa bắn như vãi đạn vừa hò reo đuổi bắt... Y Vêng nhanh như con sóc, hết gốc cây này, lại nhảy qua gốc cây khác, hết tảng đá này lại bò đến tảng đá kia, vừa di chuyển, chị vừa nhắm vào bọn địch bóp cò. Đã không bắt được nữ “Việt cộng”, mà mấy tên nữa trúng đạn bị thương và chết, bọn giặc cố bắn hết đạn vào núi rừng rồi tổ chức thu xác, rút quân. Sau trận đánh này, chi bộ đã tổ chức lễ kết nạp chị vào Đảng”.

Phục cô du kích Y Vêng ở khoảng nhịn ăn, nhịn uống một ngày mà sức khỏe vẫn dẻo dai, tuy nhiên khoản mang vác của cô mới càng đáng khâm phục hơn. Chiến đấu cả ngày trời, 4 mạng chọi lại 500 mạng vậy Y Vêng vẫn còn đủ đạn carbin để bắn.

Dễ thường, cô phải mang theo mấy tạ, thậm chí cả tấn đạn mới đủ để chiến đấu. Nhưng súng carbin thì mỗi băng đạn có mười mấy viên, phải vừa chạy, vừa nhảy, vừa tra đạn vào băng, rồi thay băng.

Người ta nhịn khát nửa ngày đã bải hoải chân tay, không tài nào làm việc được, thế mà cô nào súng, nào đạn, lại còn “nhanh như con sóc, hết gốc cây này, lại nhảy qua gốc cây khác, hết tảng đá này lại bò đến tảng đá kia, vừa di chuyển, chị vừa nhắm vào bọn địch bóp cò”.

Đích thị, cô là một nữ siêu nhân!

Cỏ tranh cứng như thép

Ngày 2.4.2010, báo An ninh Thế giới đăng bài “Đại tá Hai Can và những câu chuyện giáp lá cà với địch” của Trần Hoàng Thiên Kim.

Nhân vật chính tên thật là Nguyễn Huy Can, lúc đó (2010) 62 tuổi, quê ở Hưng Yên, từng là Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Định, trước khi về hưu năm 2008 là Đại tá Cục trưởng Kho vận của Bộ Công an. Tác giả viết:

“Năm 1971, theo chủ trương của Bộ Công an, những cán bộ, chiến sĩ có nguyện vọng làm đơn đi B chi viện cho chiến trường miền Nam. Lúc đó, mỗi huyện chỉ cử một đồng chí, Đại tá Nguyễn Huy Can là một cán bộ an ninh có nhiều thành tích trong công tác nên đơn của ông được chấp thuận. Đầu năm 1971, ông lên Tam Dương (Vĩnh Phú) dự lớp huấn luyện 3 tháng để đi B. […] Rồi cũng đến ngày gia đình, người thân tiễn ông lên đường. Ông còn nhớ đó là một buổi chiều mùa xuân năm 1971”.

Nghe y như thuyết tương đối!

“Năm 1971”, Hai Can xung phong đi B theo chủ trương của Bộ. Nói “năm 1971” nhưng không rõ là tháng mấy nhưng cứ cho là đầu năm đi, tính ra thì từ lúc có chủ trương cho đến khi phổ biến từng người xung phong rồi xét đơn ít ra cũng là vài tháng. Thế nhưng ngay “đầu năm 1971” thì Hai Can đã được gọi lên Vĩnh Phú dự lớp huấn luyện.

Huấn luyện xong 3 tháng thì ít ra là đến hè. Mỗi năm có bốn mùa xuân hạ thu đông, chia ra mỗi mùa ba tháng mà riêng huấn luyện đã mất ba tháng rồi, cộng thêm thì giờ làm thủ tục, đi lại thì nhiều cũng là năm tháng, ít là bốn tháng rưỡi, xem như đã sang hè.

Thế mà Hai Can lại có thể chia tay trong muà xuân: “Rồi cũng đến ngày gia đình, người thân tiễn ông lên đường. Ông còn nhớ đó là một buổi chiều mùa xuân năm 1971”.

Sau hơn 2 tháng lội bộ đường Trường Sơn, Hai Can được phái đến vùng Bình Định, Quảng Ngãi, chuyên trách an ninh hai huyện Tuy Phước và An Nhơn. Tác giả thuật lại trận đánh năm 1973:

Đang đi dưới đám cỏ tranh cao lút đầu người thì ông nhìn thấy trực thăng đang bay là là ngay trên đầu mình. Có nhiều chiến sĩ, khi thấy vậy liền bỏ chạy tìm nơi ẩn nấp nhưng vô tình lại là một cách đánh động cho địch biết, vì sóng nước dao động, sẽ tạo ra được tần suất dễ bị từ trường địch phát hiện. Lần này, rút kinh nghiệm, ông đã nằm im dưới đám cỏ tranh chờ cho chúng bay qua rồi mới tiếp tục đi về phía trước, khi lên đến bờ, hai bàn chân ông đầy những vết máu do gai cào, nửa thân người tái xanh vì ngâm mình trong nước quá lâu”.

Cỏ tranh thì mọc trên đồi khô, gặp nước là chết rụi, làm gì có chuyện “sóng nước dao động”? Mà “sóng nước dao động” thì làm gì “tạo ra tần suất dễ bị từ trường phát hiện”?

Sóng nước là sóng cơ học, do người quậy hay gió thổi mới có sóng. Còn từ trường là do điện từ gây ra, hai cái này có quan hệ gì với nhau?

Cho dù trực thăng đang quần trên đầm lầy thì chạy hay không chạy, sức gió cánh quạt cực mạnh của nó cũng dư sức tạo ra sóng nước rồi.

Nhưng cỏ tranh chứ phải cỏ bê tông cốt thép đâu mà nằm rạp xuống thì được cỏ che phủ, trực thăng không thấy?

Và khi đã nằm im dưới đám cỏ tranh thì làm gì có chuyện “nửa thân người tái xanh vì ngâm mình trong nước quá lâu”?

Thay lời kết

Nếu đảng ta đào tạo được những người lính mang tầm cỡ siêu nhân, phi khoa học, phi logic như Y Veng, Ba Phi hay Ba Dũng, Hai Can, chắc chắn ta không chỉ bảo toàn lãnh thổ đang giữ mà dư sức lấy lại những gì đã mất.

Tomahawk ư? Chỉ cần “đón lõng” là bắn rụng thôi!

Chiến đấu cơ J-20, oanh tạc cơ H-10 hay máy bay cảnh báo sớm HJ-2000 của Trung Quốc ư? Chỉ cần đón lõng chúng rồi liệng vào turbine của nó cục sắt hay cục đá, động cơ của nó sẽ nổ tung, máy bay sẽ rơi xuống đất tan xác ngay thôi!

Năm 2000 máy bay siêu thanh Concord của Pháp chẳng bị rơi chỉ vì một mảnh titan rơi ra từ chiếc DC-10 của Continental Airlines cất cánh bốn phút trước đó hay sao?

Chiếm lại đảo đá Gạc Ma hay quần đảo Hoàng Sà ư?

Cũng dễ thôi: chỉ cần cho đặc công “tiếp cận” mục tiêu, đừng để bọn canh gác phát hiện, sau đó khống chế toàn bộ lực lượng đồn trú!

Nhưng vấn đề là làm sao để áp sát mục tiêu mà không bị phát hiện? Làm sao để hành động như siêu nhân, bay lên ném vào miệng động cơ máy bay cục sắt hay cục đá?

Như vậy ta cần có những chiến sĩ có thể vượt qua các định luật vật lý và sinh học bằng cách phối hợp toàn bộ các tính năng mà Hai Can, Y Veng, Ba Dũng và Ba Phi đã từng thể hiện!

Tuy nhiên có mấy ai tin được những trang sử đầy những anh Ba, anh Hai và chị Y này?

Chỉ cần “đón lõng” là bắn rụng Tomhawk, thế kỷ 21 rồi mà còn ba hoa những chuyện như thế này, thật là hết nước nói!

Nói kiểu này thì việc trở thành triệu phú cũng dễ thôi.

Chỉ cần bỏ ra vài đồng để mua xé xổ số Lotto, và phải “đón lõng” để mua sao cho đúng số… trúng, thế là ôm vé đi lãnh tiền triệu!

TK:

1. http://soha. vn/nhung-tu-huyet-cua-ten-lua-hanh-trinh-hay-chuyen-dung-sung-truong-ban-ha-tomahawk-20170409183122421. htm

L.T.H.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn