Kiến nghị bãi bỏ điều 19 khoản 3 dự thảo Bộ luật Hình sự 2015

"Bởi lẽ, nếu ở đâu muốn phủ nhận vai trò của luật sư thì ở đó sẽ chỉ còn lại toàn là tội ác. Và hơn thế, nếu con người không được đảm bảo bằng luật pháp, thì mọi sự an ninh đều trở nên vô nghĩa."

Luật sư Lê Văn Luân

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

------o0o------

Hà Nội, ngày 29 tháng 05 năm 2017

Kính gửi:

- QUỐC HỘI NƯỚC CỘNG HÒA XHCN VIỆT NAM
- ỦY BAN TVQH
- ỦY BAN TƯ PHÁP QUỐC HỘI
- CÁC ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI
- CHÍNH PHỦ
- VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
- TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
- BỘ TƯ PHÁP
- LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM

Thưa các Quý cơ quan và các quý Ông, Bà có thẩm quyền,

Tôi hiện là một công dân của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, hiện đang hành nghề luật sư tại Hà Nội với thông tin kèm bên dưới kiến nghị này, bằng một mong mỏi và kỳ vọng lớn lao muốn gửi tới các Quý cơ quan và các quý Ông, Bà có chức trách đang thực hiện nhiệm vụ trong kỳ họp Quốc hội được diễn ra từ ngày 21/05 đến ngày 21/06/2017, đặc biệt là vấn đề liên quan đến tranh luận đối với Dự thảo Bộ luật Hình sự 2015 mà nó đang gây ra những tranh cãi về mặt nội dung và học thuật pháp lý một cách gay gắt từ mọi tầng lớp trong xã hội quan tâm đến hiện tình đất nước, nhất là lĩnh vực luật pháp.

Thưa quý vị,

Điều 19 khoản 3 Dự thảo sửa đổi bổ sung Bộ luật Hình sự 2015 nêu rõ: “Người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp không tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện mà người bào chữa biết được khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này”.

Đây là một quy định đi ngược lại tiến trình văn minh của một nền pháp trị, mà cao hơn nữa đó là một nhà nước pháp quyền. Bởi các lẽ sẽ được phân tích với các căn cứ trích dẫn đầy đủ và cụ thể bên dưới đây.

Về những nguyên tắc Hiến định (tức Hiến pháp quy định), có những nguyên tắc cốt lõi từ nguyên thủy mà bất kỳ quốc gia nào cũng đều nêu rõ và áp dụng chúng một cách thống nhất và xuyên suốt trong hệ thống luật pháp quốc gia của mình trong tiến trình phát triển và bảo vệ đất nước, con người.

Đó là những nguyên tắc pháp lý tổng quát sau:

I. Nguyên tắc suy đoán vô tội

Tại Điều 31.1 Hiến pháp 2013 đã quy định:

Điều 31

1. Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Quy định trên phù hợp với Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của LQH năm 1966. Cụ thể tại Điều 14.2 của Công ước này ấn định:

Điều 14

2. Người bị cáo buộc là phạm tội hình sự có quyền được coi là vô tội cho tới khi hành vi phạm tội của người đó được chứng minh theo pháp luật.

Theo quy định đó, thì một người được coi là không có tội cho đến khi có bản án kết tội của tòa án có hiệu lực pháp luật được chứng minh bằng trình tự hợp pháp. Điều quan trọng hơn cả trong nguyên tắc suy đoán vô tội đó là ngoài sự cần thiết phải có mặt của một bản án có hiệu lực pháp luật thì còn cần chứng minh (việc chứng minh phải dựa vào các chứng cứ) và thông qua một trình tự hợp pháp.

Điều đó đã cho thấy rằng, để có một sự kết tội hợp pháp đối với một con người thì những điều kiện nêu trên phải được đồng thời thỏa mãn. Và việc kết tội ở trên, đã trao quyền cho tòa án để làm việc đó. Trong một chu trình kết tội, thì việc chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng, đó là Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và cuối cùng là đến Tòa án xét xử để tuyên án về thân phận pháp lý một con người. Nguyên tắc Hiến định này lại tiếp tục được nêu tại Điều 9 của Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 (nguyên tắc này vẫn giữ nguyên cho đến Bộ luật Tố tụng hình sự 2015).

II. Nguyên tắc về nghĩa vụ chứng minh và chứng cứ

Việc chứng minh tội phạm thuộc trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố, đây là nguyên tắc quy định tại Điều 10 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003:

Điều 10. Xác định sự thật của vụ án

Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.
Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.

Và Điều 72 khoản 2 BLTTHS quy định:

Điều 72. Lời khai của bị can, bị cáo

2. ….

Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội.
Điều này cũng phù hợp với các quy định tại Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của LHQ năm 1966:

Điều 1

3. Trong quá trình xét xử về một tội hình sự, mọi người đều có quyền được hưởng một cách đầy đủ và hoàn toàn bình đẳng những bảo đảm tối thiểu sau đây:

e) Được thẩm vấn hoặc yêu cầu thẩm vấn những nhân chứng buộc tội mình, và được mời người làm chứng gỡ tội cho mình tới phiên toà và thẩm vấn họ tại toà với những điều kiện tương tự như đối với những người làm chứng buộc tội mình;

g) Không bị buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận là mình có tội.
Như vậy, rõ ràng rằng một người không bị buộc phải khai chống lại mình và cũng không có nghĩa vụ chứng minh mình vô tội, mà nó thuộc về trách nhiệm và nghĩa vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng, mà ở đó không bao gồm luật sư. Luật sư chỉ là người tham gia tố tụng, thực hiện việc bào chữa cho bị can, bị cáo, trong đó có việc gỡ tội, chứ không có nghĩa vụ chứng minh tội phạm cùng các cơ quan tiến hành tố tụng.

III. Nguyên tắc đảm bảo quyền được bào chữa của người bị buộc tội

Tại Điều 31.4 Hiến pháp 2013 đã quy định một sự đảm bảo về quyền được bảo vệ của mình:

Điều 31

4. Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa.

Nguyên tắc này lại tiếp tục được ấn định trong Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 tại Điều 11. Cụ thể:

Điều 11. Bảo đảm quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo

Người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa.
Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án có nhiệm vụ bảo đảm cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo thực hiện quyền bào chữa của họ theo quy định của Bộ luật này.

Cộng thêm:

(i) Điều 49 BLTTHS đã quy định, bị can, bị cáo có quyền tự mình bào chữa hoặc nhờ luật sư bào chữa;
(ii) Điều 57 BLTTHS quy định phải có luật sư bào chữa nếu rơi vào trường hợp khung hình phạt cao nhất là tử hình (tức tội đặc biệt nghêm trọng) hoặc người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần, thể chất;
(iii) Điều 58 BLTTHS đã quy định đối với các tội liên quan đến xâm phạm an ninh quốc gia thì luật sư được tham gia từ khi kết thúc điều tra vụ án.

Với các căn cứ nêu trên, thì rõ ràng rằng việc luật sư bào chữa cho những cá nhân bị cáo buộc các tội liên quan đến xâm hại an ninh quốc gia là đã bị hạn chế. Và điều đó về mặt luật pháp và quyền được đảm bảo về quyền bào chữa đối với người bị cáo buộc vốn đã bị xâm phạm và tước bỏ. Nay nếu có thêm quy định như khoản 3 Điều 19 Dự thảo BLHS 2015 thì sẽ biến luật sư trở thành tội phạm nếu tham gia bào chữa cho các tội danh liên quan đếm xâm phạm an ninh quốc gia và các tội đặc biệt nghiêm trọng khác. Hơn nữa, các tội đặc biệt nghiêm trọng, có khung hình phạt từ 15 năm tù giam trở lên cũng nằm trong phạm vi điều chỉnh của khoản 3 Điều 19 Dự thảo BLHS 2015, như vậy là hầu hết các tội danh trong Dự thảo BLHS 2015 sẽ chịu sự điều chỉnh của điều khoản này. Và vì vậy, không chỉ các tội danh liên quan đến xâm phạm an ninh quốc gia, mà sẽ bao gồm cả những tội danh có mức hình phạt từ 15 năm tù giam trở lên thì các luật sư sẽ buộc phải lựa chọn, hoặc trở thành kẻ tố giác chính thân chủ của mình, kể cả đối với các tội đã, đang và sẽ thực hiện, hoặc sẽ phải vào tù vì cáo buộc “không tố giác tội phạm” từ phía cơ quan tiến hành tố tụng. Luật sư sẽ trở thành nạn nhân của điều luật kinh hoàng và phản khoa học pháp lý, đi ngược lại văn minh của nhân loại đã đạt được từ hàng trăm năm trước. Hơn nữa, nếu người bị buộc tội là người chưa thành niên hoặc người có nhược điểm về tâm thần hay thể chất (bị cáo buộc về tội danh liên quan xâm phạm an ninh quốc gia, tội đặc biệt nghiêm trọng khác) thì quyền được bào chữa bởi luật sư là bắt buộc. Vậy khoản 3 Điều 19 Dự thảo BLHS 2015 lại một lần nữa xâm phạm không chỉ vào quyền được bảo đảm về quyền bào chữa mà còn tước bỏ quyền được bảo vệ đối với người là vị thành niên.

Tiếp nữa, nguyên tắc Hiến định về đảm bảo quyền bào chữa này hoàn toàn phù hợp với Điều 14 Công ước Quốc về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 mà Việt Nam đã gia nhập năm 1982. Điều 14 Công ước này quy định về quyền được xét xử công bằng, trong đó đảm bảo quyền được tự bào chữa hoặc nhờ người bào chữa.

Điều 14

1. Mọi người đều bình đẳng trước các toà án và cơ quan tài phán. Mọi người đều có quyền được xét xử công bằng và công khai bởi một toà án có thẩm quyền, độc lập, không thiên vị và được lập ra trên cơ sở pháp luật để quyết định về lời buộc tội người đó trong các vụ án hình sự, “…”.

2. ….

3. Trong quá trình xét xử về một tội hình sự, mọi người đều có quyền được hưởng một cách đầy đủ và hoàn toàn bình đẳng những bảo đảm tối thiểu sau đây:

a) …;
b) Có đủ thời gian và điều kiện thuận lợi để chuẩn bị bào chữa và liên hệ với người bào chữa do chính mình lựa chọn;
c) …;
d) Được có mặt trong khi xét xử và được tự bào chữa hoặc thông qua sự trợ giúp pháp lý theo sự lựa chọn của mình; được thông báo về quyền này nếu chưa có sự trợ giúp pháp lý; và được nhận sự trợ giúp pháp lý theo chỉ định trong trường hợp lợi ích của công lý đòi hỏi và không phải trả tiền cho sự trợ giúp đó nếu không có đủ điều kiện trả;
e) Được thẩm vấn hoặc yêu cầu thẩm vấn những nhân chứng buộc tội mình, và được mời người làm chứng gỡ tội cho mình tới phiên toà và thẩm vấn họ tại toà với những điều kiện tương tự như đối với những người làm chứng buộc tội mình;
f) …;
g) Không bị buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận là mình có tội.

Việc đảm bảo quyền bào chữa này cũng lại phù hợp với quy định trong CÁC NGUYÊN TẮC CƠ BẢN VỀ VAI TRÒ CỦA LUẬT SƯ, 1990 (được thông qua tại Hội nghị lần thứ tám về Phòng chống tội phạm và xử lý người phạm tội của Liên Hợp Quốc, họp tại Havana, Cuba, từ ngày 27/08 đến 07/09/1990).

Cụ thể:

NHỮNG BẢO ĐẢM CHO HOẠT ĐỘNG CHỨC NĂNG CỦA LUẬT SƯ

16. Các chính phủ phải bảo đảm rằng luật sư:

a. Có khả năng thực hiện tất cả các chức năng chuyên môn mà không bị đe dọa, cản trở, quấy rầy hoặc can thiệp trái phép;
b. Có thể đi lại, tiếp xúc, tư vấn với khách hàng một cách tự do cả trong nước và ngoài nước;
c. Không bị truy tố, hoặc bị đe dọa truy tố hay chịu bất kỳ chế tài hành chính, kinh tế hoặc chế tài khác về bất cứ hành động nào được thực hiện phù hợp với những nhiệm vụ, tiêu chuẩn và đạo đức nghề nghiệp đã được công nhận.

17. Khi an ninh của luật sư bị đe dọa do thực hiện các chức năng của họ, họ phải được các cơ quan chức năng bảo vệ một cách đầy đủ.

18. Không được đánh đồng luật sư với khách hàng của họ hay những công việc của khách hàng do thực hiện các chức năng của luật sư.

19. Mọi tòa án hay cơ quan hành chính mà ở đó quyền có luật sư bào chữa đã được công nhận đều không được phép phủ nhận quyền của luật sư được xuất hiện trước tòa hay cơ quan hành chính để bảo vệ khách hàng của mình, trừ khi luật sư đó không đủ tiêu chuẩn theo pháp luật và thực tiễn quốc gia và căn cứ vào những nguyên tắc này.

20. Luật sư phải được quyền miễn trách nhiệm dân sự và hình sự đối với những phát ngôn thiện chí trong lời bào chữa miệng hay bằng văn bản hay đối với sự xuất hiện nghề nghiệp của họ trước tòa hay trước cơ quan pháp luật hay hành chính.

21. Nhiệm vụ của các cơ quan có thẩm quyền chính là bảo đảm tạo điều kiện cho luật sư được tiếp cận những thông tin, hồ sơ và tài liệu thích hợp mà họ sở hữu hay có quyền kiểm soát trong khoảng thời gian đủ để luật sư có thể hỗ trợ khách hàng về pháp lý một cách có hiệu quả. Luật sư phải được tạo điều kiện tiếp cận như vậy vào thời điểm thuận lợi nhất.

22. Các chính phủ cần công nhận và tôn trọng rằng, tất cả các trao đổi và tư vấn giữa luật sư và khách hàng trong mối quan hệ nghề nghiệp của họ đều được giữ bí mật.

Như vậy, việc bảo đảm quyền bào chữa cùng với nguyên tắc suy đoán vô tội đã là một căn cứ pháp lý mạnh mẽ để bác bỏ đi đề xuất tại khoản 3 Điều 19 Dự thảo BLHS 2015 bởi sự vô lý, phản khoa học của nó.

IV. Nguyên tắc về nghĩa vụ bảo mật thông tin của luật sư

Điều 9.1.c Luật Luật sư 2006 (sửa đổi 2012) đã quy định các hành vi bị nghiêm cấm của luật sư, trong đó nêu rõ:

Điều 9. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Nghiêm cấm luật sư thực hiện các hành vi sau đây:

c) Tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác;

Tiếp tục, tại Điều 25 Luật Luật sư cũng lại một lần nữa quy định rõ hơn về nghĩa vụ giữ bí mật thông tin đối với vụ, việc và khách hàng khi đang hành nghề.

Điều 25. Bí mật thông tin

1. Luật sư không được tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác.

2. Luật sư không được sử dụng thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề vào mục đích xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Quy định này cũng lại phù hợp với quy định trong CÁC NGUYÊN TẮC CƠ BẢN VỀ VAI TRÒ CỦA LUẬT SƯ, 1990:

22. Các chính phủ cần công nhận và tôn trọng rằng, tất cả các trao đổi và tư vấn giữa luật sư và khách hàng trong mối quan hệ nghề nghiệp của họ đều được giữ bí mật.

Như vậy, các quy định nêu trên, về bí mật của luật sư, cùng với những nguyên tắc đã được phân tích với các căn cứ pháp lý đầy đủ và rõ ràng, thì việc buộc luật sư phải tố giác thân chủ đối với hành vi được cho là tội phạm của chính thân chủ mình, kể cả trong quá khứ, hiện tại hay có khả năng sẽ xảy ra trong tương lai, đều đi ngược lại và phá vỡ những quy định mang tính nguyên tắc tối cao và là xương sống của các hệ thống luật pháp văn minh.

Vì vậy, với góc độ một người hành nghề luật, với tư cách công dân, đứng trước một đề xuất hàm chứa đầy đủ sự vi hiến, trái pháp luật và rõ ràng tước bỏ đi những quyền cơ bản thuộc về con người, đã đẩy luật sư vào sự rủi ro bằng việc thi hành những điều luật tối nghĩa, phản khoa học và đi ngược lại những quan niệm văn minh về học thuật pháp lý. Tôi đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp Quốc hội và các Ủy ban khác của Quốc hội, Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và các đại biểu Quốc hội hãy đình chỉ và không thông qua khoản 3 Điều 19 Dự thảo Bộ luật Hình sự 2015 để đảm bảo những giá trị cốt lõi của một nền pháp trị, một nền tố tụng tranh tụng đúng nghĩa và một nhà nước pháp quyền mà chúng ta đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện.

Hãy trao trọng trách để luật sư thực hiện tốt vai trò của mình, đảm bảo tránh sự oan sai và việc vận hành trơn tru một nền tố tụng, tư pháp minh bạch, khoa học và văn minh, phù hợp với các quy định của quốc tế về cùng vấn đề này.

Tôi xin chân thành cảm ơn và kính mong các Quý cơ quan và các ông bà đại biểu, bằng thực tâm và trình độ, hãy chấp thuận bãi bỏ khoản 3 Điều 19 khỏi Dự thảo BLHS 2015.

Bởi lẽ, nếu ở đâu muốn phủ nhận vai trò của luật sư thì ở đó sẽ chỉ còn lại toàn là tội ác. Và hơn thế, nếu con người không được đảm bảo bằng luật pháp, thì mọi sự an ninh đều trở nên vô nghĩa.

Kính thư và kính mong kiến nghị này sẽ tới tay và được lắng nghe cũng như tiếp thu từ tất cả các Cơ quan, các Ông, Bà có thẩm quyền và có trách nhiệm.

Hà Nội, ngày 29 tháng 05 năm 2017

NGƯỜI KIẾN NGHỊ

Công dân, Luật sư Lê Văn Luân

clip_image001

clip_image002

Nguồn: FB Luân Lê

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn