Cuộc đấu “nồi da xáo thịt”… lại tiếp diễn cam go tại Yên Bái?

Phạm Viết Đào

clip_image002

Trong Tam Quốc diễn nghĩa, La Quán Trung đã mô tả lại tỷ mỉ cuộc chiến tranh giành quyền lực giữa 3 đứa con sau khi Tào Tháo lâm bệnh qua đời, đó là cuộc chiến dữ dằn giữa Tào Phi, Tào Thực và Tào Chương…

Ba đứa con của Tào Tháo đều có tài, đều xứng đáng được truyền ngôi báu và mỗi vị đều có thế mạnh riêng, có phe cánh đằng sau. Cuối cùng mặc dù không được Tào Tháo ưng thuận lắm nhưng Tào Phi được truyền ngôi, vì Phi là con trưởng; mặc dù Tào Tháo yêu Tào Thực hơn, kiêng nể võ tài của Tào Chương hơn…

Sau khi nối ngôi, để thử tài và thử lòng và hóa giải sự xung đột anh em Tào Thực, Phi bắt Tào Thực bước 7 bước làm xong 1 bài thơ. Kết cục bài thơ tạm gọi là Ninh đậu của Tào Thực được truyền lại cho thấy sự khốc liệt của cuộc chiến nồi da xáo thịt thời Tam Quốc:

Cẳng đậu đun hạt đậu

Hạt đậu khóc hu hu

Sinh ra từ một gốc

Thui nhau nỡ thế ru…

Cảm tài thơ của Tào Thực, Phi xuống chiếu tha tội cho Tào Thực và 2 anh em ôm nhau khóc…; Tào Thực an phận làm tôi…

Tiếng súng Đỗ Cường Minh nổ ra cách đây chưa đầy một năm đã làm cho náo động chính trường Việt từ Bắc chí Nam. Lần đầu tiên một quan chức trong bộ máy nhà nước tỉnh, Đỗ Cường Minh, Đội trưởng Kiểm lâm Yên Bái dùng súng tấn công bắt chết Bí thư Tỉnh ủy và Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh tại nơi làm việc.

Vụ thanh toán này đã phát tín hiệu cho thấy quan hệ nội bộ, sự xâu xé về quyền lực trong nội bộ máy Đảng và Nhà nước đang trở nên khốc liệt, mất còn. Và kết cục người ta phải dùng đến súng để giải quyết mâu thuẫn, xung đột với nhau… như xã hội đen.

Tiếng súng Đỗ Cường Minh báo hiệu sự bùng nổ do bất ổn về các mối quan hệ tranh giành quyền, tiền trong nội bộ quan chức Đảng-Nhà nước; tiếng súng Đỗ Cường Minh Yên Bái được xem như phát súng mở màn của cái thảm cảnh “nồi da xáo thịt”- “ta đánh ta”…

Hệ lụy của vụ khủng bố này đã dẫn tới một số văn phòng của quan chức đầu tỉnh đã phải bố trí lại hệ thống bảo vệ, cảnh vệ cho cán bộ cao cấp, quan trọng. Tại diễn đàn Quốc hội kỳ này có đại biểu đề nghị sắp xếp biên chế để bảo vệ quan chức đầu tỉnh…

Còn nhớ, mặc dù là một tỉnh miền núi, dân cư thưa thớt nhưng Yên Bái từng là nơi nổ ra cuộc khởi nghĩa đã đi vào lịch sử mang tên Khởi nghĩa Yên Bái. Cuộc khởi nghĩa do người anh hùng Nguyễn Thái Học đứng đầu với tuyên ngôn đã đi vào sử sách: “Không thành công cũng thành nhân…”.

Trên bia mộ của Nguyễn Thái Học ngành văn hóa đã tôn tạo và khắc vào bia mộ ông một di ngôn nổi tiếng của nhà thơ Pháp Argon viết về cuộc khởi nghĩa Yên Bái (xem hình)

clip_image004

Mấy ngày gần đây, biệt phủ của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái Phạm Sĩ Quý em ruột Bí thư Tỉnh ủy Phạm Thị Thanh Trà được đồng loạt một số báo đưa lên. Song hành với hình ảnh biệt phủ nguy nga, hoành tráng là thông tin về sự dị thường của việc cấp phép xây dựng cấp tập cho biệt phủ hoành tráng này, và sự làm ngơ cho biệt phủ này được xây dựng chắc chắn không trong ngày một ngày hai…

Chỉ vài ngày sau, sau khi báo chí lên tiếng, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái bà Phạm thị Thanh Trà đã thông tin cho báo chí: sẽ cho thanh tra kiểm tra thông tin về biệt phủ của ông em Phạm Sĩ Quý xem có dấu hiệu vi phạm pháp luật Đảng và Nhà nước không?

Và như vậy, việc bà chị cho thanh tra kiểm tra tài sản của ông em, chắc là do sức ép từ nội bộ lãnh đạo Yên Bái và cả của cấp trên nữa nên đã đẩy cuộc chiến “nồi da xáo thịt” tại Yên Bái lên một cung bậc mới…

Khi xưa, để hóa giải mối xung đột về quyền lợi, lợi ích, Tào Phi đã sử dụng vũ khí văn chương là thứ dễ đi vào lòng người và là lợi thế của Tào Thực để tránh phải đưa ông em lên đoạn đầu đài… Giữ được tình em, tránh cho thảm cảnh “nồi da xáo thịt”, “cẳng đậu đun hạt đậu”…

Còn ngày nay, tại Yên Bái, Đỗ Cường Minh đã phải sử dụng tới súng và mạng sống của mình để kế tiếp truyền thống của khởi nghĩa Yên Bái: Không thành công cũng thành nhân của Nguyễn Thái Học năm xưa…

Còn cái việc bà Phạm Thị Thanh Trà dùng bộ máy thanh tra để giúp mình giải quyết, hóa giải những việc đang bị dư luận đổ dồn về những việc làm của gia đình vợ chồng cậu em; một quan chức dưới quyền sắp xếp, lãnh đạo của Bí thư Tỉnh ủy…

Một điều chưa được bộc bạch đó là trong tình thế BCT vừa liên tiếp Ban hành Nghị quyết TW 4 cả 2 khóa XI và XII, không nhẽ một quan chức chính trị tầm ủy viên TW như Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Phạm Thị Thanh Trà không tính đến những hệ lụy có thể xảy đến với mình nếu gia đình cậu em gây ra… Vì Phạm Sĩ Quý là Giám đốc 1 sở chuyên ngành Yên Bái…

Ở đây có mấy khả năng và diễn tiến:

1. Bà Phạm Thị Thanh Trà đã biết đã lường, đã can nhưng vợ chống Phạm Sĩ Quý không nghe, cậy mình có tiền cứ làm. Do vậy quân pháp bất vị thân, đành phải cho thanh tra làm rõ;

2. Cả Phạm Sĩ Quý và Bí thư Phạm Thị Thanh Trà đã lường trước hệ lụy, đã tính trước ngược xuôi và thấy việc xây biệt phủ có thể gây điều tiếng nhưng căn cứ theo pháp luật hiện hành cộng với vị thế của một Bí thứ Tỉnh ủy đang lên, việc làm này vẫn nằm trong hành lang an toàn cho cả em lẫn chị…

Vì đất nước đang ở trong tỉnh cảnh phép vua thua lệ làng; trên bảo dưới không nghe, các sứ quân dựng cờ tụ nghĩa xây dựng vương quốc riêng đang trở thành xu thế thời thượng…

3. Với 2 tình huống nêu trên, câu chuyện “biệt phủ Phạm Sĩ Quý” sẽ đẩy cuộc thanh tra và cuộc chiến nội bộ, những người được giao trọng trách thanh tra việc xây dựng biệt phủ của ông Phạm Sĩ Quý vào tình thế hiểm nghèo, gieo neo trên đe dưới búa…

Mặc dù, Luật Thanh tra quy định thanh tra chỉ tuân thủ pháp luật nhưng những cán bộ thanh tra, đoàn thanh tra thừa biết nhất cử nhất động cũng như mọi diễn biến về sinh mạng chính trị của cá nhân họ, đời công chức của họ đang đặt dưới quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Tỉnh ủy Yên Bái do bà Phạm Thị Thanh Trà chủ tài khoản của các loại vòng kim cô… Nước xa đâu có cứu được lửa gần!

Với việc xây dựng biệt phủ này, nếu thanh tra và tất nhiên sau họ có một lực lượng ngầm nằm trong bộ máy quan chức ngầm yểm trợ cả về kiến thức, thông tin pháp lý; nếu phát hiện ra sai phạm thì cũng chưa thể lay chuyển tới được cái ghế Bí thư Tỉnh ủy của bà Phạm thị Thanh Trà…

Mà bí thư Tỉnh ủy thì lèm bèm ra cũng phải 2 khóa từ 8-10 năm do vậy từ trường của cái “vòng kim cô” nằm trong tay Bí thư Tỉnh ủy này không thể không tác động, cương tỏa tới các diễn tiến của cuộc thanh tra, đến tâm lý, tình cảm của những người được giao tuân thủ pháp luật làm rõ chuyện đúng sai của việc xây biệt phủ hoành tráng của em Bí thư Tỉnh ủy…

Tóm lại, chắc chắn đây sẽ là một cuộc chiến “nồi da xáo thịt” (ta đánh ta và ai thắng ai) lại tiếp diễn tại Yên Bái hết sức cam go...

Kết cục sẽ như thế nào đành phải chờ xem trong vòng nửa năm tới: sẽ xuất hiện một giải pháp thông minh sáng sủa vừa bảo vệ được pháp luật, bảo vệ được tình anh em đồng chí, bảo vệ được uy tín, sự đoàn kết nhất trí trong Đảng như cách Tào Phi sử dụng tài thơ của Tào Thực để kết nối lại tình anh em…

Liệu pháp luật sẽ được thượng tôn, minh bạch hay vụ này mai đây sẽ được biến báo thành một “tấn trò đời” thời kinh tế thị trường định hướng XHCN…

P.V.Đ.

Nguồn: https://nvphamvietdao5.blogspot.com/2017/06/cuoc-au-noi-da-xao-thitlai-tiep-dien.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn