Một trò úm ba la vụng và ngu của những kẻ “cố đấm” để hốt cú chót

“Đất quốc phòng là thế nào? Bao nhiêu đời nay rồi người ta đã trồng cấy nhưng giờ tự nhiên biến thành đất quốc phòng. Như vậy là cướp à? Có đền bù đồng nào không? Muốn thu hồi thì phải có họp dân, thông báo và có đền bù. Tôi không có một hòn đất ở đấy mà nghe tin còn gai cả người nữa là người dân, đất người ta sinh sống bao nhiêu đời nay rồi. Tôi sẽ nghiên cứu kỹ và sẽ vào cuộc, gặp trực tiếp người dân Đồng Tâm”.

Lê Hiền Đức

“Người ta giao cho anh làm sân bay chứ không phải nói là đất quốc phòng chung chung rồi anh muốn làm gì thì anh làm. Khi anh đã không làm sân bay thì nguyên tắc anh phải trả lại cho Chính phủ để Chính phủ trả lại cho dân. Hiện nay dân cũng có yêu cầu rất lớn để làm ăn sinh sống. Đó là sai lầm rất lớn của họ”.

Nguyễn Khắc Mai

Tôi vừa nghe Chủ tịch Chung (xem: Ông Nguyễn Đức Chung nói Vụ Đồng Tâm phải lấy pháp luật làm trọng) và tôi suy nghĩ: không được phép bạch hoá bí mật quốc gia hoặc đòi hỏi vậy đối với Viettel. Đúng, không được phép hỏi X: mày mua heroin ở đâu; huống chi được đòi hỏi bạch hoá hành vi của Cty QP, phỏng ah? Vậy, từ đó suy ra, chân lý và lẽ phải sẽ như sau: Không được phép nhân danh bí mật quốc gia (QP) để lập lợi ích nhóm! Nếu vậy, chả cần giặc Mỹ, hoặc giặc Tàu vẫn tan thể chế dù bí mật quốc gia (QP) vẫn được 90 triệu nhân dân quyết tâm giữ cho bí mật tuyệt đối. Hỏi ngu, nghĩ ngu thế, cũng là nghĩ vớ vẩn hỏi vớ vẩn vậy thôi!

FB Văn Đình Chinh

Đất Đồng Tâm, nếu là "đất quốc phòng" thì cũng chỉ từ 1981 sau khi có chữ ký của lão PTT thợ hoạn. Thử hỏi: trước đó nó là đất gì? Hẳn là đất thuộc sở hữu tập thể nông dân trong các HTX, nên mới dễ bị nhà nước lấy làm "đất quốc phòng". Hỏi tiếp: trước đó nữa, thời thực dân, đó là đất của ai? Tất nhiên đấy là đất của dân làng Đồng Tâm, dù có thửa là công điền, có thửa là tư điền. Vậy, từ chỗ là tư điền, công điền, nó trở thành "đất quốc phòng" thì nhà nước mua hay tịch thu của dân? Chắc không phải mua rồi. Kết luận đã có.

Lại Nguyên Ân

1. Người dân: Đồng Tâm lại chuẩn bị dậy sóng

Lan Hương, phóng viên RFA

clip_image001

Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung (áo trắng) xuống xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội vào ngày 22 tháng 4 năm 2017. AFP photo

Dự thảo kết luận thanh tra đất Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội được công bố sáng ngày 7/7 nêu rằng "không có đất nông nghiệp ở đồng Sênh" và "toàn bộ sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng".

Bản dự thảo kết luận thanh tra cho rằng "không có diện tích 59 ha đất nông nghiệp xứ đồng Sênh như công dân nêu, diện tích đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm chỉ có 64,11 ha, là đất quốc phòng".

Trong một đoạn video được truyền trên mạng, có ghi trực tiếp buổi dự thảo, Phó chánh thanh tra Hà Nội Nguyễn An Huy giải thích rõ về nguồn gốc Lữ đoàn 28 cho xã Đồng Tâm thuê đất quốc phòng như sau:

Kết quả 57 mốc vẫn còn nguyên và được đóng dày trên cơ sở 16 mốc giới do Bộ tư lệnh công binh đóng trước đây. Diện tích đất toàn bộ sân bay Miếu Môn là 239,4 ha, sau khi trừ gia công còn 236,9 ha trong đó diện tích đất sân bay thuộc địa chính xã Đồng Tâm là 64,11 ha. Trong quá trình quản lý sử dụng từ năm 1981 đến nay, bộ Tư lệnh công binh, Lữ đoàn 28 chưa xây dựng công trình quốc phòng trên phần diện tích đất sân bay Miếu Môn thuộc địa chính xã Đồng Tâm.

Từ năm 1989, kế thừa Bộ Tư lệnh Công binh, Lữ đoàn 28 đã ký một số hợp đồng giao khoán hàng năm trên diện tích 525 sào, tức 19,9 ha cho UBND xã Đồng Tâm. UBND xã đã giao cho các hộ sử dụng vào mục đích nông nghiệp. Từ sau năm 2012, lữ đoàn 28 không ký hợp đồng giao khoán. Năm 2015 có thông báo gửi UBND xã Đồng Tâm trong đó nói nội dung bắt đầu từ năm 2015, đơn vị sẽ không cho thuê đất quốc phòng để canh tác nông nghiệp. Thực tế hiện nay các hộ dân chưa trả lại đất và vẫn sản xuất nông nghiệp ở đây.

Trước dự thảo kết luận như vậy, Đài RFA đã liên lạc với một người dân Đông Tâm là anh Lê Đình Doanh, cháu nội cụ Lê Đình Kình, một trong 4 người từng bị công an Hà Nội bắt liên quan đến vụ tranh chấp đất đai này. Anh Doanh cho biết bản thân anh và hầu hết người dân Đồng Tâm hiện tại rất bất mãn với kết luận này:

Kết luận này là sai hoàn toàn bởi vì từ ngày tôi còn nhỏ đã theo ông bà vào trong đó dỡ sắn, trồng lạc, ngô ở trong đó suốt nên họ nói vậy là sai hoàn toàn. Bây giờ bà con cũng đang rất bức xúc khi nghe được tin đó. Bà con nói rằng bây giờ cả thế giới người ta nhìn vào cái đất này là đất nông nghiệp của dân từ ngày xưa đến giờ, thế này Đồng Tâm lại chuẩn bị dậy sóng.

Bản dự thảo kết luận thanh tra cũng nói rõ là việc để 14 hộ dân xã Đồng Tâm sử dụng đất khu Miếu Môn, theo cơ quan chức năng, là sai phạm. Ngoài ra, đầu năm 2017, một số công dân tổ chức đo đạc, phân lô, đưa máy móc vào xây công trình trên phần diện tích mà doanh nghiệp quân đội đang xây dựng trong sân bay Miếu Môn cũng được cho là "hành vi chiếm đất quốc phòng, coi thường pháp luật".

Cũng theo bản dự thảo, những người dân trước đó đã từng thừa kế, cho, tặng, chuyển nhượng lô đất quốc phòng này là trái thẩm quyền, và vi phạm pháp luật về quản lý đất đai.

Từ Hà Nội, cụ Lê Hiền Đức, một người chuyên giúp dân oan đấu tranh giành lại đất đai và chống tham nhũng, và đạt Giải thưởng Liêm chính năm 2007 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế cho biết bà vô cùng bức xúc khi được nghe dự thảo kết luận này và sau việc này bản thân bà sẽ “vào cuộc” cùng người dân Đồng Tâm:

Đất quốc phòng là thế nào? Bao nhiêu đời nay rồi người ta đã trồng cấy nhưng giờ tự nhiên biến thành đất quốc phòng. Như vậy là cướp à? Có đền bù đồng nào không? Muốn thu hồi thì phải có họp dân, thông báo và có đền bù. Tôi không có một hòn đất ở đấy mà nghe tin còn gai cả người nữa là người dân, đất người ta sinh sống bao nhiêu đời nay rồi. Tôi sẽ nghiên cứu kỹ và sẽ vào cuộc, gặp trực tiếp người dân Đồng Tâm.

Còn Luật sư Hà Huy Sơn, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết ông không nắm rõ hồ sơ vụ việc nên không thể kết luân đúng sai. Tuy nhiên ông đưa ra lời khuyên cho người dân Đồng Tâm nếu không đồng tình với kết quả dự thảo trên:

Tại vì đây mới là dự thảo nên chưa thể khiếu nại được vì chưa chính thức. Người dân có thể có ý kiến gửi Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 26 tháng 6 vừa qua trong cuộc tiếp xúc cử tri ở Hải Phòng khi được người dân chất vấn về vụ việc tranh chấp đất đai ở Đồng Tâm trả lời rằng phải xử lý cán bộ sai phạm trước rồi mới xử người dân.

Trong buổi dự thảo kết luận thanh tra sáng hôm 7/7, Phó chánh thanh tra Hà Nội Nguyễn An Huy cũng giải trình về việc “xử quan” như sau:

Đến nay UBND huyện đã giải quyết xong 17/ 34 vấn đề phải xử lý cán bộ và xử lý ai. Trong đó về xử lý cán bộ, đã kỷ luật 19 cá nhân có sai phạm, trong đó 8 người bị khai trừ khỏi Đảng, 6 người bị cảnh cáo, 5 người bị khiển trách. Kỷ luật về chính quyền 14 người, trong đó cảnh cáo 12 người, khiển trách 1 người và buộc thôi việc một người.

Cũng cần nói lại là vụ tranh chấp đất đai giữa người dân xã Đồng Tâm và chính quyền địa phương xảy ra đã nhiều năm nay nhưng đỉnh điểm là vào ngày 15 tháng 4 khi Công an Hà Nội bắt giữ 4 người dân Đồng Tâm để điều tra vụ án “gây rối trật tự công cộng” mà thực tế là do tranh chấp đất đai.

Xô xát hôm ngày 15 tháng 4 cũng làm một dân làng là cụ Lê Đình Kình, đại diện dân làng trong vụ tranh chấp đất đai, bị thương phải nhập viện.

Phản ứng trước hành xử của những đơn vị chức năng, người dân Đồng Tâm bắt giữ 38 người gồm cán bộ huyện Mỹ Đức, công an và cảnh sát cơ động làm con tin. Đến ngày 22 tháng 5, đích thân Chủ tịch thành phố Hà Nội về đối thoại và viết cam kết, người dân mới thả hết toàn bộ con tin ra.

L.H.

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/reactions-conclusion-draft-of-land-dispute-in-dongtam-lh-07072017071805.html

2. Đồng Tâm, sau 45 ngày của hy vọng

Cát Linh, phóng viên RFA

clip_image003

Dân làng Đồng Tâm đổ đất đá làm chướng ngại vật trên con đường vào làng hôm 20 tháng 4 năm 2017. AFP photo

Đồng Tâm, sau 45 ngày của hy vọng

Sự chờ đợi của người dân thôn Hoành về kết quả thanh tra đất đai Đồng Tâm dường như được giải quyết vào sáng ngày 7 tháng 7. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung gọi đây là “thực hiện đúng cam kết” mà ông đã hứa với người dân Đồng Tâm: Sau 45 ngày, tại UBND xã Đồng Tâm, dự thảo kết luận thanh tra đất được công bố công khai. Vì sao chỉ là “dự thảo kết luận” nhưng lại công bố rộng rãi?

Dự thảo để thăm dò?

Sau vài diễn biến được gọi là “đầu tiên” trong vụ việc Đồng Tâm, có thể nhắc lại như: Lần đầu tiên trong lịch sử cận đại sau 1975, người dân thôn Hoành, Đồng Tâm, Mỹ Đức thể hiện sự phản kháng của họ đối với vấn đề cưỡng chế đất đai, đền bù, khiếu kiện bằng hành vi bắt giữ 38 cán bộ và cảnh sát cơ động làm con tin; lần đầu tiên mâu thuẫn đất đai được giải quyết bằng cuộc đối thoại giữa một quan chức cấp cao, và kết thúc bằng một bản cam kết cũng là lần đầu tiên trong lịch sử hành pháp và tư pháp của Việt Nam: bản cam kết viết tay của chính ông chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng với chữ ký của những vị đại biểu Quốc hội làm người đại diện.

Thì một lần nữa, đây là lần đầu tiên một kết luận thanh tra được công bố rộng rãi trước người dân với tên gọi “dự thảo kết luận thanh tra”.

Kết luận này là sai hoàn toàn...Bây giờ bà con cũng đang rất bức xúc khi nghe được tin đó” - Ông Lê Đình Doanh

Chính ông Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung có đưa ra giải thích và được báo chí trích dẫn lại rằng: Cơ quan chức năng có thể tổ chức thông báo dự thảo kết luận thanh tra hoặc không, tuy nhiên, để “thực hiện đúng cam kết” thì dự thảo đã được công bố rộng rãi.

Theo dõi vụ Đồng Tâm từ những ngày đầu cho đến khi diễn ra buổi công bố dự thảo kết luận, tối ngày 7 tháng 7, giáo sư Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam cho rằng có một lý do để giải thích cho việc gọi là “dự thảo kết luận”.

“Việc họ dự thảo kết luận thanh tra thì họ có cái lý do, là vì họ không tin chắc cái lập luận của họ. Cho nên họ đưa ra dự thảo để xem xét dư luận nói cái gì, người ta phản bác cái gì? Người ta vạch ra cái gì? Người ta vạch ra cái chỗ mâu thuẫn không chính xác… thì họ có thể có cơ hội để điều chỉnh.

Tôi suy nghĩ rằng đấy là một việc mà họ cũng có sự khôn ngoan”.

Như phân tích của giáo sư Nguyễn Khắc Mai đã đưa ra, cách nói “dự thảo kết luận” là người tham dự được quyền lên tiếng đòi hỏi chỉnh sửa nếu cần thiết. Theo tường thuật của báo trong nước, ông Bùi Văn Kỉnh, người dân xã Đồng Tâm, có mặt tại buổi công bố có ý kiến lẽ ra người dân thôn Hoành phải nhận được bản dự thảo trước khi công bố để nghiên cứu nội dung. Ông đề nghị cơ quan chức năng đo đạc lại hai khu đất Đồng Sênh và Cổng Đồn với sự giám sát của hai bên chính quyền và người dân, tuy nhiên lời đề nghị của ông không được chấp thuận.

Ngỡ ngàng

Cũng theo tường thuật của truyền thông trong nước, Phó chánh thanh tra Hà Nội Nguyễn An Huy trình bày dự thảo kết luận với nhiều nội dung chi tiết trong một giờ 30 phút, trước khoảng 200 người gồm đại diện nhân dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức) cùng Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung và lãnh đạo các ban ngành. Một số Luật sư được cho là đại diện nhóm người dân ở thôn Hoành cũng có mặt.

VIETNAM-POLICE-HOSTAGE-LAND-DISPUTE-PROTEST

Cảnh sát cơ động được người dân thả ra hôm 22/4/2017 tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. AFP photo

Trong bản dự thảo kết luận, ông nêu, không có diện tích 59 ha đất nông nghiệp xứ đồng Sênh như kiến nghị của ông Lê Đình Kình (đại diện cho người dân có khiếu kiện ở xã Đồng Tâm), diện tích đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm chỉ có 64,11 ha và là đất quốc phòng.

Ông chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, người từng ký cam kết không khởi tố người dân Đồng Tâm, khẳng định rằng, một số quyết định liên quan trong đó có quyết định của UBND TP Hà Nội năm 2014 về khu đất quốc phòng sân bay Miếu Môn 236,9 ha là "đúng pháp luật".

Ngược lại, Giáo sư Nguyễn Khắc Mai hoàn toàn không đồng ý với kết quả của dự thảo kết luận trên.

“Những kết luận sơ bộ thì tôi thấy nhiều điều không trung thực, và đấy là cái năng lực cũng như là thái độ xưa nay của họ thôi. Họ không muốn đi đến cái chân lý tận cùng đâu”.

Chân lý mà giáo sư Nguyễn Khắc Mai cho rằng cần phải đi đến tận cùng trong giải quyết vấn đề Đồng Tâm, chính là nhìn ra sai lầm đầu tiên, cũng là lớn nhất, đó là chuyển đổi mục tiêu sử dụng đất không rõ ràng minh bạch.

“Người ta giao cho anh làm sân bay chứ không phải nói là đất quốc phòng chung chung rồi anh muốn làm gì thì anh làm. Khi anh đã không làm sân bay thì nguyên tắc anh phải trả lại cho Chính phủ để Chính phủ trả lại cho dân. Hiện nay dân cũng có yêu cầu rất lớn để làm ăn sinh sống. Đó là sai lầm rất lớn của họ”.

Những kết luận sơ bộ thì tôi thấy nhiều điều không trung thực, và đấy là thái độ xưa nay của họ thôi - Giáo sư Nguyễn Khắc Mai

Cùng nhận định trên, Luật sư Đặng Đình Mạnh chia sẻ trên trang cá nhân của ông rằng: Những nguyên nhân chính yếu gây nên "sự cố" Đồng Tâm như chính sách về sở hữu đất đai, về giải quyết khiếu nại, về tình trạng tham nhũng hoặc yếu kém của cán bộ công chức ... đều bị xem nhẹ”.

Khoảng hai tuần trước, Công an thành phố Hà Nội ra quyết định khởi tố hình sự vụ Đồng Tâm, ông Lê Đình Kình chia sẽ trong một video clip trên mạng xã hội: “Tôi muốn nói với ông Nguyễn Đức Chung rằng hãy chờ kết quả thanh tra trước khi có quyết định khởi tố”.

Qua đó, nhiều ý kiến nói rằng người dân Đồng Tâm đang trông ngóng và hy vọng vào một kết luận thanh tra sẽ chứng minh được việc họ bắt giữ cán bộ là một động thái bảo vệ đất đai của mình.

Thế nhưng, ngay sau khi bản dự thảo kết luận được công bố, trả lời phóng viên Đài Á Châu tự do, ông Lê Đình Doanh, cháu nội cụ Lê Đình Kình, một trong 4 người từng bị công an Hà Nội bắt liên quan đến vụ tranh chấp đất đai này cho biết bản thân anh và hầu hết người dân Đồng Tâm rất bất mãn.

“Kết luận này là sai hoàn toàn bởi vì từ ngày tôi còn nhỏ đã theo ông bà vào trong đó dỡ sắn, trồng lạc, ngô ở trong đó suốt nên họ nói vậy là sai hoàn toàn. Bây giờ bà con cũng đang rất bức xúc khi nghe được tin đó”.

Theo lời ông Doanh, đất này là đất nông nghiệp của dân từ ngày xưa đến giờ, và Đồng Tâm lại chuẩn bị dậy sóng.

Và ông Lê Đình Kình, người được cho là thủ lĩnh của thôn Hoành, sau khi theo dõi diễn biến buổi công bố dự thảo kết quả thanh tra, đã trả lời báo chí trong nước rằng “Chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị lên Chính phủ”.

Ông chính là người nói lời cảm ơn ông Nguyễn Đức Chung trong một đoạn video lan truyền trên mạng xã hội, với nội dung: Nếu ông Nguyễn Đức Chung không về xử lý vụ Đồng Tâm thì có thể xảy ra vụ Thiên An Môn tại Việt Nam, và từ đó sẽ để lại cho chế độ một vết nhơ không xoá được.

C.L.

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/dongtam-after-45-days-of-hope-cl-07072017130909.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn