Cảm xúc tháng Tám sau 72 năm

Ba dòng chảy lớn của đời sống xã hội

Việt Nam hiện nay & những thách thức?

Sắc Ly

Trong đời sống xã hội có muôn mặt hoạt động thực tiễn của con người, luôn tạo ra sự đa dạng, phong phú và cũng rất phức tạp của bộ mặt xã hội, và tất cả đều luôn biến đổi theo cả hai hướng tích cực và tiêu cực. Có thể hình dung là luôn có vô số các dòng chảy vô hình và hữu hình trong lòng đời sống xã hội, trong đó có một vài dòng chảy lớn, quan trọng, và ắt phải có một dòng chảy chủ đạo, chi phối các dòng chảy khác. Đời sống xã hội văn minh, hiện đại, được phát triển bền vững hay mãi vẫn là lạc hậu, trì trệ, không thể phát triển,... đều do tính chất và cường độ của các dòng chảy chủ chốt, đặc biệt là dòng chảy chủ đạo, quyết định.

Trong đời sống xã hội Việt Nam hiện nay, chúng ta đã nhìn ra ngày càng rõ 3 dòng chảy lớn, quan trọng nhất:

- Dòng chảy của Quyền Lực (ở đây là quyền lực nhà nước), theo hướng ngày càng tha hóa nghiêm trọng, và chưa thấy có dấu hiệu của sự thay đổi tiến bộ.

- Dòng chảy của các Nguồn Lực, trong đó tiêu điểm là Nguồn Lực Tài Chinh (Tiền), theo hướng ngày càng tích tụ vào tầng lớp giàu có, quyền thế, khá giả.

- Dòng chảy của các giá trị văn hóa, theo hướng đan xen và đấu tranh giữa văn hóa dân tộc tiến bộ với sự tha hóa văn hóa, tức với các phản giá trị, phi văn hóa, mất gốc, lai căng.

Ba dòng chảy lớn này hầu như đang bao trùm lên tất cả, thâm nhập sâu vào mọi mặt của đời sống. Ba dòng chảy lớn này luôn gắn quyện vào nhau, thúc đẩy nhau trong quá trình chuyển động, tạo ra các xung lực làm thay đổi liên tục bộ mặt thật của xã hội. Trong đó dòng chảy quyền lực luôn giữ vai trò chủ đạo, nó áp đảo các dòng chảy khác và chi phối toàn bộ đời sống xã hội, như chúng ta đã và đang thấy trong thực tiễn.

Mọi người dân đều phải sống giữa sự chuyển động của tất cả các dòng chảy, ít nhất là 3 dòng chảy lớn nói trên. Họ sẽ bị nhấn chìm đi trong sự tha hóa đó, hay sẽ vượt lên được để nắm lấy quyền vận hành, điều khiển sự chuyển động đó, nhằm làm chủ được cuộc sống của cá nhân mình, và thúc đẩy được sự phát triển tiến bộ của đời sống xã hội? Đây luôn là những nỗi niềm day dứt, những suy tư dai dẳng, trăn trở, xót xa của đông đảo người dân lương thiện (và kể cả một bộ phận quan chức, đảng viên còn lương tri, còn biết sống tử tế).

Thật vậy, những gì đã xảy ra và đang hiện hữu trong đời sống xã hội Việt Nam từ hơn 40 năm nay, rõ nhất là từ sau Đổi Mới, bộ mặt đời sống xã hội của chúng ta là như vậy đó. Cứ ngẫm lại mà xem, nhất là với những người dân thường (tức không phải quan chức và đại gia), ở độ tuổi U60 trở lên, đã qua các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm phương Tây và phương Bắc, đã sống qua thời kỳ kinh tế bao cấp, rồi kinh tế thị trường và hội nhập, thì không ai thấy thỏa nguyện, thanh thản và yên lòng cho được. Có lẽ sự mất lòng tin, sự lo lắng cho tương lai đang là nét suy tư chủ đạo của người dân Việt hiện nay. Đi liền theo đó đã thấy xuất hiện sự phản ứng, bất bình, thậm chí đến mức phẫn nộ, chống đối, không chỉ dừng lại trong nhận thức, mà đã thành hành động, từ riêng lẻ đến tập thể, từng diễn ra ở khá nhiều nơi.

1- Về thực chất, những biến động xã hội từ lâu nay, rõ nhất là từ sau năm 1954, và nóng rát nhất là từ sau năm 1975, đều xoay quanh cái dòng chảy chủ đạo là Quyền Lực nhà nước. Động lực và nội dung cốt lõi của dòng chảy này là việc giành và giữ Quyền Lực nhà nước bằng mọi giá, là việc sử dụng Quyền Lực đó một cách cực đoan cũng bằng mọi giá, nhằm củng cố bằng được địa vị độc tôn tuyệt đối để cai trị nhân dân, thống trị đất nước, quản lý xã hội, nhằm phục vụ cho lợi ích riêng của cá nhân và phe nhóm lãnh đạo trong Đảng CSVN. Sự tha hóa quyền lực đã liên tục diễn ra và ngày càng tệ hại, bẩn thỉu, u ám nặng nề, thể hiện ở các dấu hiệu: tiếm quyền, lạm quyền, lộng quyền, tham nhũng khắp nơi, kể cả tham nhũng quyền lực, mafia hóa quyền lực, hạn chế tự do dân chủ, tăng cường bạo lực với dân,... từ biến chất ít và từ từ đến biến chất hẳn, tức thay đổi hẳn bản chất của quyền lực nhà nước.

Cứ như tuyên ngôn thuở ban đầu dựng nước, là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, và như trong các văn kiện chính trị chính thống, của Đảng, Nhà nước, rồi trong phát ngôn của các chính trị gia, các quan chức cao cấp, là Nhà nước Của Dân, Do Dân, Vì Dân, thì ở Việt Nam ta Quyền lực tối cao là phải thuộc về Nhân Dân, với thể chế chính trị Cộng Hòa, hiểu nôm na là không có Vua, và Dân làm chủ đất nước.

Thế nhưng sau hơn 70 năm thực hiện các mục tiêu đó, trên thực tế hiện

nay thì Quyền lực nhà nước ở Việt Nam thực sự là đang do một thiểu số quan chức các câp của Đảng CSVN nắm giữ độc quyền, chứ không thuộc về Nhân Dân! Đất nước không do Dân làm chủ, mà đang bị cai trị bởi một nhóm người của Đảng - một "tập thể Vua", cao nhất ở cấp TW là Bộ Chính trị ĐCSVN! Trước hết thì đây là một sự Tiếm quyền trắng trợn, ĐCSVN đã tiếm quyền làm chủ của Dân, tự phong cho mình vai trò lãnh đạo đất nước, quản lý xã hội, tức là Ngôi vị Chủ của đất nước, là bề trên của Dân, và nói bừa rằng đây là sự lựa chọn của nhân dân!

Thời kỳ đầu, và trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đứng trước họa xâm lăng, vì lợi ích dân tộc, và khi uy tín của Đảng hãy còn chưa sa sút, thì người dân chấp nhận. Nhưng sau khi chiến tranh kết thúc, đất nước bước vào Đổi mới, phát triển kinh tế thị trường và hội nhập, mà Đảng thì lại ngày càng tỏ ra thiếu năng lực, và hơn thế lại trở nên ngày càng hư hỏng tệ hại, uy tín giảm sút nghiêm trọng, nên vấn đề Quyền lực nhà nước đã thực sự trở nên nóng bỏng, được Dân thực sự quan tâm và đòi hỏi phải có sự thay đổi cơ bản.

Thế nhưng phía lãnh đạo vẫn cố tình bảo thủ, ngoan cố ôm chặt lòng tham quyền lực, lòng tham ấy lại ngày càng mãnh liệt và hung bạo, họ đã ra sức xiết chặt chuyên chính để nắm chắc hơn độc quyền cai trị. Bằng rất nhiều thủ đoạn chính trị, họ quyết liệt chống lại việc mở rộng dân chủ, chống lại việc thực hiện đa nguyên, đa đảng, chống lại tam quyền phân lập, chống lại xã hội dân sự và mọi hình thức phản biện xã hội,... dù là ôn hòa, bất bạo động. Thủ thuật thường dùng của họ là nói dối dân, bưng bít sự thật, thực hiện dân chủ hình thức, bao vây và trấn áp tư tưởng, đàn áp tự do dân chủ,... (điển hình như các trò bầu cử giả hiệu dân chủ theo thể thức "Đảng cử dân bầu", góp ý Hiến pháp như một màn kịch, bắt bớ và tù đày những người bất đồng chính kiến và đấu tranh chông áp bức, đòi quyền lợi, ...).

Cho đến nay, có thể nói ĐCSVN đã thực sự tiếm quyền làm chủ của Dân, người dân Việt Nam thực sự không có quyền tự do dân chủ, là kẻ bị trị đúng nghĩa ...! Đó là chưa kể hết những lề thói cai trị phản động nhất đã được áp dụng, nhằm thâu tóm Quyền lực nhà nước về trong tay Chỉ Một ĐCSVN. Đảng độc quyền đẻ ra Hiến pháp, trong đó ngang ngược khẳng định vai trò lãnh đạo đất nước, quản lý xã hội là thuộc về Đảng. Đảng độc quyền soạn ra các luật lệ trong mọi lĩnh vực của đời sống KT-XH. Đảng độc quyền năm chặt cả 3 quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp,... Dân thực sự không được tham gia gì vào các quyền đó, vì các cơ quan dân cử, thanh tra chỉ là hình thức. Đảng "vừa đá bóng, vừa thổi còi", tự tung tự tác! Điển hình nhất và có lẽ cũng là mấu chốt nhất, chính là ĐCSVN đã tự coi mình có quyền đứng trên Hiến pháp và pháp luật trong mọi công việc lãnh đạo và quản lý đất nước, quyết hết mọi việc nhưng không phải chịu trách nhiệm gì hết, thật cực kỳ vô lý, và đúng là một thứ Siêu Quyền Lực, cực kỳ phản động! Đây chính là nguyên nhân gốc rễ, nguyên nhân của mọi nguyên nhân, tạo ra mọi sự bê bối, tha hóa, trì trệ, yếu kém, ... trong đời sống KT-XH của đất nước nhiều chục năm nay.

Ai cũng hiểu Quyền lực nhà nước là quyền quyết định mọi vấn đề chính trị, đối nội, đối ngoại của đất nước, và đi kèm là sức mạnh để thực thi quyền đó. Nhưng cái quyền lực đó không phải từ trên trời rơi xuống, không phải tự nhiên mà ĐCSVN có được, mà là cả một quá trình đấu tranh tạo dựng của toàn dân tộc, và hơn thế sau đó phải được thể chế hóa bằng Hiến pháp và pháp luật, được người dân tự nguyện chấp nhận. Ai cũng thừa hiểu chính nhân dân và chỉ có nhân dân mới có quyền tạo ra được hành lang pháp lý này cho quyền lực nhà nước. Nếu chưa có hoặc có chưa đủ hành lang pháp lý nói trên thì việc cầm nắm và vận hành quyền lực nhà nước là không chính danh, thậm chí là phi pháp. Và ở bất cứ đâu trên thế giới này thì quyền lực nhà nước cũng đều phải được kiểm soát chặt chẽ, nhằm hạn chế tối đa sự tha hóa, biến chất. Cũng chính nhân dân và chỉ có nhân dân mới có quyền kiểm soát quyền lực nhà nước, bằng các hình thức thích hợp, cả gián tiếp và trực tiếp. Quyền lực nhà nước hiện nay ở Việt Nam là chưa chính danh và chưa được kiểm soát. Bởi trên hết là Siêu Quyền Lực của Đảng cũng còn chưa chính danh và chưa được kiểm soát, mà mới chỉ có một điều 4 của Hiến pháp rao báo rất chung và vô giá trị vì chưa được Dân thừa nhận qua trưng cầu dân ý. Do vậy mà sự tha hóa quyền lực nhà nước đang diễn ra rất phổ biến ở mọi cấp, mọi nơi, rất tệ hại, và thô bạo, vô văn hóa,... ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân và sự phát triển KT –XH của đất nước.

2- Với danh nghĩa phát triển KT-XH, Đảng CSVN ra sức và dùng nhiều thủ đoạn phi dân chủ và không minh bạch để huy động các nguồn lực trong dân (nhân lực, tài lực, vật lực, chủ yếu là Thuế), bán rẻ và bán gần cạn kiệt các nguồn tài nguyên của đất nước và hủy hoại môi trường, ra sức vay nợ nước ngoài,.. Nhưng với các nguồn lực ấy, như ở các nước dân chủ thì sẽ làm được khối việc có ích cho Dân cho Nước, còn ở Việt Nam thì đất nước vẫn không thể phát triển, vẫn yếu kém và lạc hậu, dân vẫn đói nghèo,...! Ở Việt Nam do không biết sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, lại để thất thoát khá lớn bởi tham nhũng, lãng phí, nên dân được thụ hưởng quá ít, thậm chí không được hưởng gì, từ lợi ích của các đề án, dự án phát triển KT-XH. Tuy kinh tế được coi là có tăng trưởng, tuy ngày càng có nhiều người giàu lên, tuy cơ sở hạ tầng có được tăng cường thêm,... nhưng chung quy lại thì những lợi nhuận (thật và giả), kể cả những đồng tiền ăn cắp, sinh ra từ các chương trình phát triển KT-XH đều chỉ chảy về một chỗ trũng: túi tiền của các quan chức quyền thế và các đại gia là sân sau và bạn bè chí cốt của giới quan chức.

Các đại gia doanh nhân đang được coi là "con cưng" của nhà nước, về thực chất làm ăn tử tế thì ít, mà làm ăn man trá, phi pháp thì nhiều. Đồng tiền sinh lợi của họ kiếm ra phần lớn đều vấy bẩn! Trong khi đó thì người dân (thế hệ đang sống và các thế hệ tương lai) phải hứng chịu tất cả hậu quả từ sự thất thoát, tham nhũng, lãng phí,... từ hàng núi các khoản nợ sinh ra từ sự dốt nát và tham lam của giới quan chức, sinh ra từ mục tiêu lợi nhuận tối đa nhưng lại thiếu vắng tính nhân văn, của giới nhà giàu.

Dân đang bị vắt kiệt sức để lao động mưu sinh và để nộp rất nhiều các loại thuế, phí ngày càng tăng, tỷ lệ hộ nghèo thực tế là không giảm được một cách thực chất. Thực tiễn phát triển KT-XH trong nhiều chục năm nay đã và đang làm nảy sinh sự doãng xa khoảng cách giàu - nghèo khá căng thẳng và khốc liệt, thậm chí đến mức tàn bạo, vô nhân! Những nghịch cảnh "kẻ ăn chẳng hết, người lần không ra" đang diễn ra hàng ngày, ở ngay những đô thị tai mắt của đất nước, nhất là khi chứng kiến cảnh sống vương giả, phè phỡn phung phí của quan chức và người giàu, và cảnh sống lo ăn từng bữa của người nghèo! Một đất nước mang danh và tự nhận là XHCN, có chỉ số hạnh phúc cao nhất nhì, có chỉ số "dân chủ gấp ngàn lần" các nước tư bản, mà như vậy thì không ai có thể chấp nhận được!

Ở Việt Nam hiện nay, giữa Quyền lực nhà nước và thế lực đồng tiền đã thực sự có một sự gắn kết sinh tử rất chặt chẽ, giới quan chức quyền thế và hư hỏng cùng với giới đại gia giàu có và xảo quyệt đã thực sự liên minh với nhau, một kiểu liên minh ma quỷ, tạo thành một lực lượng chính trị - kinh tế đáng sợ. Lực lượng này đang thực sự lũng đoạn đất nước, cả công khai lẫn ngấm ngầm, chi phối sự phát triển bền vững của đất nước. Thậm chí, có lúc có nơi, lực lượng này đã trở thành một thứ mafia quái đản, được núp bóng Cộng sản, được khoác áo CNXH. Họ dựa vào nhau để bóc lột dân, để vơ vét tài sản đất nước nhằm làm giàu cho riêng họ, bất chấp hậu quả nặng nề về nhiều mặt đối với đời sống người dân và sự phát triển của đất nước!

Thực tế là trong cái thời buổi nhiễu nhương này, khi Đổi mới lần 1 không thành công và Đổi mới lần 2 lại chưa đến, thì đã xuất hiện nhan nhản những kẻ cơ hội, đặc biệt là trong giới quan chức và giới kinh doanh. Bọn quan chức hư hỏng và bọn doanh nhân đểu cáng đang nhiều lên và áp đảo số ít người tốt trong đó. Bọn họ tìm đến nhau, liên minh với nhau là điều tất yếu, với mục đích làm ăn lâu dài. Quan chức sâu mọt thì cần có sân sau để rửa tiên bẩn kiếm được và nuôi số tiền bẩn ấy ngày càng lớn nhanh lên. Doanh nhân xảo quyệt thì cần một chỗ dựa chính trị để che chắn, để kiếm dự án làm ăn, kiếm nguồn vốn, để moi thông tin về thị trường, về chính sách mới,... Bọn họ dựa vào nhau là chính, nhưng cũng có trường hợp và có nhiều lúc họ lại đã hóa thân vào nhau, chuyển hóa lẫn nhau.

Xin phép tạm dừng ở đây để nêu một dẫn chứng về sự liên minh này, về loại người hai mặt này, thật 100% bằng xương bằng thịt Việt Nam. Tại một thành phố tỉnh lỵ của một tỉnh ven biển miền Trung, không ai lạ gì một vị Tỉnh ủy viên giữ chức Bí thư thành ủy, nhưng lại mang bản chất của một tên mafia. Anh ta vốn xuất thân từ một ông chủ công ty kinh doanh đất đai và nhà ở, đã dùng nhiều mưu mẹo để cướp đất của dân ven đô trong nhiều chục năm trước (dân phố thường gọi anh ta là Hung thần cướp đất!). Kiếm được rất nhiều tiền từ chuyện buôn bán đất và nhà, anh ta giàu lên nhanh chóng, và từ đó đã dùng tiền để mua chức Thành ủy viên, rồi Tỉnh ủy viên, rồi Bí thư thành ủy. Dân thắc mắc, các cụ lão thành không đồng tình với sự "tín nhiệm" này của cấp trên, nhưng anh ta vẫn qua được vì đã lấy tiền bịt miệng các cụ, buộc bút và bịt miệng báo chí! Anh ta vẫn đang tại vị đã hơn 2 khóa và lại được "tín nhiệm" thêm để vào Thường trực Tỉnh ủy, và còn chạy được cả học vị Tiến sỹ! Tài sản của anh ta thì nhiều vô kể, vừa đứng tên mình, vừa đứng tên vợ con và người thân, trong đó đáng kể nhất là đất đai ven đô và ở các khu đô thị trong tỉnh, là rất nhiều cổ phần nặng ký ở khá nhiều công ty lớn nhỏ trong tỉnh,...! Thử hỏi anh ta lấy cái "chất Cộng sản" thứ thiệt "vì nước vì dân" ở đâu ra để mà làm lãnh đạo, để mà xứng danh là hiện thân của sự cống hiến, hy sinh, của sự trong sạch, của đạo đức, của văn minh,.. như lý tưởng mà anh ta đã từng tuyên thệ, như các lời răn dạy mà anh ta đã từng nói trước dân và cấp dưới? Đúng thật là trớ trêu, buồn cười nhưng lại phải rơi nước mắt!

Chúng ta phải đặt ra câu hỏi: Có bao nhiêu cán bộ cấp cao như anh ta, như Bí thư tỉnh ủy nọ, như Chủ tịch thành phố trực thuộc TW kia, như Thứ trưởng của Bộ nọ,... Không biết TBT Trọng đã nắm đủ chưa, hết chưa, kể cả hàng nghìn các đồng chí "chưa bị lộ", kể cả vô số những tướng tá biến chất, chỉ say chuyện làm ăn kinh tế để kiếm tiền, mà trở nên dốt nát về binh nghiệp, trận mạc? Dân thì biết rất rõ: những thứ cán bộ cấp cao như vậy ở cấp tỉnh và cấp TW không hề hiếm, dễ phải đến hơn 90%, dù chưa có một điều tra xã hội học nào được công bố công khai. Quan chức cấp cao là như vậy, còn quan chức cấp thấp hơn, kể từ cấp xã phường, cũng tệ hại không kém, và "đông như quân Nguyên", bởi họ đều cùng một giuộc. Họ đều có cùng một bản chất, cùng hoạt động trong một cơ chế bất hảo, họ tiến thân và làm giàu đều cùng một bài bản, rất đúng quy trình.

Quan chức hư hỏng và doanh nhân xảo trá đang là lực lượng nòng cốt của cái liên minh ma quỷ giữa quyền lực nhà nước và nguồn lực tài chính bẩn. Và chính từ liên minh ma quỷ đó lại tiếp tục sản sinh ra những loại người nhơ bẩn và nguy hiểm đó, nhiều hơn, nhanh hơn và mafia hơn. Thực chất của sự tương tác giữa 2 dòng chảy lớn Quyền Lực và Tiền Tài là như vậy đó. Sự liên minh này càng được đẩy mạnh lên, bọn người này càng hãnh tiến trên quan lộ và "kinh doanh lộ", càng giàu lên, thì Nước càng nghèo đi, càng hèn thêm, và Dân càng khổ hơn, bất công xã hội càng gia tăng khủng khiếp!

3- Đi liền theo 2 dòng chảy lớn là Quyền Lực và Tiền Tài, thì vẫn có một dòng chảy lớn thứ 3, tuy không ồn ào nhưng cũng rất khốc liệt, đó là dòng chảy của các Giá trị Văn hóa. Trong thời buổi này thì tính không thuần nhất của dòng chảy các giá trị văn hóa càng bộc lộ ra rõ hơn, mạnh hơn, thể hiện ra ở sự đan xen, giằng xé, đấu tranh với nhau trong từng lĩnh vực của đời sống xã hội và trong mỗi con người. Và chính các xung lực tạo ra từ hai dòng chảy lớn nói trên đã trực tiếp tác động hàng ngày hàng giờ vào tính chất và chiều hướng biến đổi của dòng chảy thứ 3 này. Tuy cũng còn ít nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp vẫn được gìn giữ, chưa hoặc ít bị biến tướng, nhưng nhìn chung thì sự biến đổi văn hóa là đang bị Tha Hóa rất nặng nề. Có thể nói chưa bao giờ Văn hóa Việt Nam lại xuống cấp thảm hại như trong mấy chục năm qua, mà tiêu điểm nóng bỏng là sự xuống cấp về Đạo Đức và Lối Sống. Trong nhiều lĩnh vực, ở nhiều địa phương, có lúc có việc các phản giá trị văn hóa, những thứ "văn hóa" lai căng, mất gốc đã thực sự lên ngôi, lấn át hết mọi giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp và đậm đà bản sắc dân tộc!

Có nhà nghiên cứu đã đưa ra nhận định: Từ nhiều chục năm nay, ở Việt Nam đã có một sự tha hóa nghiêm trọng Văn hóa lãnh đạo, Văn hóa quản lý! Nhận định nói trên có một phần đúng, nhưng cũng có phần chưa đúng, và lại không đầy đủ. Sự thực là không chỉ có văn hóa lãnh đạo, văn hóa quản lý bị tha hóa, mà là một sự tha hóa toàn diện với nền văn hóa của đất nước, tất cả các giá trị văn hóa đều bị tấn công, kể từ những giá trị văn hóa cốt lõi nhất. Đỉnh cao là sự tha hóa Văn hóa lãnh đạo, Văn hóa quản lý, và sự nguy hại cũng chính từ cái đỉnh cao tha hóa đó, vì nó kéo theo sự tha hóa dây chuyền với toàn bộ nền văn hóa. Từ văn hóa Đảng, văn hóa lãnh đạo, văn hóa quản lý,... đến văn hóa học đường, văn hóa công sở, văn hóa gia đình,... rồi văn hóa giao thông, văn hóa thương mại, văn hóa lễ hội, văn hóa giao tiếp, văn hóa phục vụ, văn hóa tiêu dùng,... tất tần tật đều đang trên đà tha hóa, hoặc từng phần, hoặc gần như hết! Sự tha hóa văn hóa đã và đang trực tiếp khuấy đục và làm rối nhiễu toàn bộ đời sống xã hội, gây ra muôn vàn khó khăn cho cuộc sống của người dân. Và chính sự tha hóa văn hóa lại trở thành trợ thủ đắc lực, tạo ra nơi ẩn nấp bình yên cho sự khuấy đảo hung dữ của các dòng chảy lớn nói trên, tiếp tục tàn phá đất nước!

Nhưng cũng phải nói thêm điều này: các giá trị văn hóa vốn có tính ổn định và bền vững lâu dài, bên cạnh sự nhạy bén tức thì và khả năng tự miễn dịch yếu ở một bộ phận. Do vậy mà trong dòng chảy văn hóa đa dạng và phức tạp, đan xen với các phản giá trị phi văn hóa, thì vẫn có một mạch chảy của các giá trị văn hóa tiến bộ, nó vẫn bền bỉ sống dai dẳng, không dễ bị cuốn vào để lẫn lộn với các thứ "văn hóa" bẩn. Chính sự tồn tại của mạch chảy các giá trị văn hóa tiến bộ đã góp phần bảo vệ cho nền văn hóa dân tộc đỡ bớt đi sự tổn thương. Về lý thuyết thì 2 dòng chảy lớn (quyền lực và tiền tài) luôn chế ngự, áp đảo dòng chảy lớn thữ 3, vì chúng là hiện thân của lực lượng vật chất, còn ở dòng chảy thứ 3 chỉ là dạng thức tinh thần. Nhưng lý luận và thực tiễn lại cũng chỉ ra rằng dòng chảy thứ 3 có tiềm năng rất lớn, có thể tác động tích cực trở lại đối với sự biến động của hai dòng chảy kia. Do vậy phải tìm cách bảo vệ tốt các giá trị văn hóa tiến bộ đang tiềm ẩn, chúng sẽ giúp chúng ta chống lại vấn nạn tha hóa trong trước mắt, và chuẩn bị điều kiện cho Đổi mới lần 2.

4- Rõ ràng sự chuyển động của 3 dòng chảy lớn nói trên trong đời sống xã hội Việt Nam đang đi theo chiều hướng tha hóa, đã và đang làm cho đất nước lâm vào khủng hoảng toàn diện. Đó là sự thật rất đau lòng đối với mỗi người dân Việt! Thực trạng ấy đang đặt ra khá nhiều thách thức lớn cho Đổi mới lần 2. Không cần bàn đến chuyện tên gọi của thể chế mới, chỉ cần hiểu nội dung và mục tiêu của Đổi mới lần 2 phải là Mô hình Phát triển Bền Vững, theo xu hướng chung của thế giới văn minh và theo khuyến cáo của LHQ, ngay từ những năm 90 của thế kỷ XX. Chúng ta phải hướng vào Mô hình Phát triển Bền Vững (PTBV) để tìm ra con đường phục hưng đất nước.

Trước hết, phải xác định lại Triết lý phát triển cho đất nước, theo đúng tinh thần của triết lý phát triển của Mô hình PTBV, đó là phải coi mục tiêu cao nhất là Vì Con Người, chứ không phải vì Lợi nhuận. Phải hướng tới mục tiêu cụ thể là để con người được sống tốt, hạnh phúc, được sống trong môi trường tự nhiên và xã hội tốt đẹp.

Như Hội nghị thượng đỉnh của LHQ về Môi trường và Phát triển (1992)* đã nói rõ: PTBV là một sự phát triển thỏa mãn những nhu cầu của thế hệ hiện tại, nhưng không làm hại đến khả năng đáp ứng những nhu cầu của thế hệ tương lai.

Hội nghị đó của LHQ cũng chỉ ra 3 trụ cột, và cũng là 3 đòi hỏi cốt lõi và bao trùm nhất, của Mô hình PTBV là:

- PTBV về Kinh tế: phát triển nhanh và an toàn.

- PTBV về Xã hội: phải bảo đảm Công bằng xã hội và Phát triển Con Người.

- PTBV về Sinh thái và Môi trường: khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và cải thiện chất lượng môi trường.

Rõ ràng là để làm theo cho được những đòi hỏi cơ bản đó thì chúng ta phải thay đổi rất nhiều thứ, từ mục tiêu đến nội dung và phương thức phát triển, để tạo ra một sự phù hợp tương thích, ít nhất là trên các mặt sau:

- Về Kinh tế: Đẩy mạnh sản xuất, dịch vụ nhằm phục vụ toàn xã hội, chứ không phải nhằm thu lợi nhuận tối đa cho thiểu số người giàu. Phát triển nền kinh tế có nhiều thành phần, có sự quản lý của nhà nước,...

- Về Xã hội: Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội đi liền với phát triển kinh tế. từng bước xóa bỏ chế độ người bóc lột người, thực hiện phân phối theo lao động, bảo đảm cho mọi người được tiếp cận và hưởng thụ bình đẳng các nhu cầu cơ bản (ăn, mặc, ở, đi lại, học hành, chữa bệnh, tiếp cận thông tin,...) để có thể sống tốt, bảo đảm việc làm cho mọi người, loại bỏ dần nạn thất nghiệp,...

- Về Văn hóa: Vun trồng và nuôi dưỡng các giá trị đạo đức, tinh thần tiến bộ, nhân văn, chống lại chủ nghĩa cá nhân, lối sống hưởng lạc, vị kỷ,...

- Về Chính trị: Phải bảo đảm nền dân chủ đích thực, quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, hệ thống chính trị phải trong sạch, vững mạnh,...

Đây đúng là nhưng đòi hỏi tất yếu cho mọi quốc gia còn lạc hậu, yếu kém như Việt Nam. Mô hình PTBV quả là một mô hình phát triển ưu việt, là một chuẩn mực lý tưởng cho mọi quốc gia hướng tới để làm theo và thường xuyên tự điều chỉnh. Thế giới hưởng ứng và đang nỗ lực thực hiện. Người dân Việt Nam khát vọng về nó, mong mỏi, chờ đợi, và quyết tâm sẽ bước theo, vì nó vừa đáp ứng được đòi hỏi bức xúc trước mắt, vừa tạo tiền đề cho một sự chuyển biến cơ bản trên bước đường phát triển lâu dài của đất nước. Lãnh đạo Việt Nam cũng đã bày tỏ thái độ qua các tuyên bố, các phát ngôn, xác nhận chúng ta phải PTBV. Nhưng hành động của họ thì đang đi ngược lại những đòi hỏi của Mô hình PTBV, như ở phần trên đã chỉ rõ. Đối chiếu với thực trạng đất nước hiện nay thì ai cũng thấy là chúng ta đang còn đứng cách rất xa các đòi hỏi nói trên của Mô hình PTBV. Sự lạc hậu, yếu kém và lạc hướng đó sinh ra từ chính sự chuyển động bát nháo, bất thường, rối loạn,... của 3 dòng chảy lớn nói trên, như đã phân tích. Mà trách nhiệm đạo diễn, chỉ huy tác nghiệp đối với 3 dòng chảy, cũng như với toàn bộ đời sống xã hội, không ai khác, chính là ĐCSVN, như họ đã luôn tự nhận.

Những thách thức phía trước với chúng ta là quá lớn, không dễ vượt qua, nếu không có một sự thay đổi từ gốc và toàn diện. Do vậy lôgích tất yếu là Phải Đổi Mới lần 2, không có con đường nào khác !

Tháng 8 năm 2017

S.L.

* Những nội dung nói về Mô hình PTBV đều dựa theo tài liệu từ Hội nghị này của

LHQ.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn