Đà Nẵng nôn nóng phát triển, ‘‘báu vật’’ Sơn Trà bị đe dọa

Trọng Thành

clip_image002

Bán đảo Sơn Trà, miền Trung Việt Nam. Ảnh: Wikipedia

Bán đảo Sơn Trà, miền trung Việt Nam, được coi là một thắng cảnh quốc gia, đang trở thành điểm nóng tại Việt Nam trong những tháng gần đây, với việc giới bảo vệ môi trường lên tiếng đòi hỏi chính quyền ngừng đánh đổi vùng sinh thái độc nhất vô nhị này lấy lợi nhuận ngắn hạn. RFI phỏng vấn ông Huỳnh Tấn Vinh, chủ tịch Hiệp Hội Du Lịch Đà Nẵng.

Bán đảo Sơn Trà, với chiều dài khoảng 13 cây số, diện tích rừng khoảng 4.500 hecta, là một khu rừng tự nhiên hiếm hoi ở Việt Nam nằm ngay sát một vùng đô thị sầm uất. Nhiều nhà khoa học cho rằng đây là hệ sinh thái rừng tự nhiên gắn liền với biển duy nhất còn sót lại ở Việt Nam. Báu vật trời cho - «vương quốc» của loài voọc chà vá chân nâu, còn được mệnh danh là «nữ hoàng linh trưởng» - đang bị đe dọa.

Ông Huỳnh Tấn Vinh – người nhiều năm nay kiên trì đấu tranh bảo vệ thiên nhiên Sơn Trà – lưu ý việc xây cất các công trình du lịch trong khu vực này sẽ gây ra những tổn hại không thể vãn hồi, chỉ «du lịch sinh thái» mới có thể cứu được Sơn Trà.

Trong cuộc hội thảo «Bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên Bán đảo Sơn Trà», với sự tham gia của 180 nhà khoa học, đại diện chính quyền Đà Nẵng, tổ chức giữa tháng 7/2017, tại Đà Nẵng, nhiều người đã đề xuất thành lập khu sinh quyển thế giới Sơn Trà - Nam Hải Vân (1).

Trong những ngày gần đây, một chiến dịch lấy chữ kí mang tên « Giải cứu Sơn Trà » (wakeitup.net/save-son-tra), do nhóm Tôi Yêu Đà Nẵng khởi xướng, đã thu hút được hơn 13.000 chữ ký.

RFI: Xin ông cho biết về giá trị của địa điểm này ?

Ông Huỳnh Tấn Vinh: Bán đảo Sơn Trà được người Việt Nam gọi là «báu vật», có giá trị rất lớn về đa dạng sinh học. Chỉ cần 15 phút đi bộ từ trung tâm thành phố là có thể đến được Sơn Trà. Và người dân thành phố Đà Nẵng mở cửa ra là thấy bán đảo Sơn Trà của mình. Ở đó, đa dạng sinh học rất phong phú. Người ta nói rằng đó là «lá phổi» cung cấp oxy cho thành phố Đà Nẵng. Các nhà khoa học cho rằng mỗi ngày oxy tái tạo mà rừng Sơn Trà sinh ra có thể cung cấp cho 4,5 triệu người.

Tại Bán đảo Sơn Trà có đến 370 loài động vật, trong đó có loại thú quý hiếm được ghi trong sách Đỏ (tức động vật có nguy cơ bị diệt vong), loài voọc chà vá chân nâu (hay ngũ sắc). Ngoài ra có cả ngàn loại thực vật, có những cây cổ thụ cả ngàn năm mới có được. Dưới chân của bán đảo Sơn Trà là một vỉa san hô hết sức phong phú, được xem là một trong những điểm lặn biển nổi tiếng nhất Việt Nam.

clip_image004

Voọc chà vá chân nâu. Loài linh trưởng được Đà Nẵng chọn làm hình ảnh đại diện của thành phố nhân APEC tháng 11/2017. Ảnh màn hình: TT bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh

Ngoài ra, vì độ cao của Bán đảo Sơn Trà đến 700 mét, với quy mô khoảng 4.500 hecta, cho nên khu vực này có một vị trí hết sức quan trọng về an ninh quốc phòng. Toàn bộ điều này cho thấy bán đảo Sơn Trà là một viên ngọc, một báu vật của Đà Nẵng, của nhân dân Việt Nam.

RFI: Vì sao công luận hiện nay lo ngại về số phận khu vực này?

Ông Huỳnh Tấn Vinh: Từ mấy năm gần đây, vì xu thế phát triển du lịch khai phá Bán đảo Sơn Trà. Dự kiến sẽ có 2.000 villa trên đó, với quy mô có trên 6.000 phòng. Có rất nhiều dự án. Những dự án này xâm phạm vào đất rừng, xâm phạm vào các luật về bảo vệ tự nhiên đa dạng sinh học, cũng như ảnh hưởng đến an ninh và quốc phòng. Vì thế nó nổi lên như là một điểm nóng.

Theo tôi, một trong các nguyên nhân là lãnh đạo các cấp nôn nóng, họ cấp các giấy phép đầu tư, phá hủy những khu rừng cũ để xây khách sạn. Mười năm trước đây, lãnh đạo thành phố muốn đẩy nhanh sự phát triển của Đà Nẵng, với kỳ vọng thành phố này trở thành Hồng Kông hay Singapore, hay một số nơi khác. Vì thế yếu tố môi trường, bảo vệ tự nhiên, bị xem nhẹ hơn là phát triển kinh tế.

Khu bảo tồn tự nhiên lúc đó là khoảng 4.500 hecta, tuy nhiên, sau khi chính quyền thành phố quy hoạch lại theo «ba loại rừng», thì sau đó rút xuống chỉ còn khoảng 2.800 hecta, mất đi khoảng chừng 40%. Chúng tôi đã nêu vấn đề này trên Facebook cá nhân của mình, và cũng có cuộc trả lời Đài truyền hình Việt Nam (được lưu lại trên clip), nói cụ thể là (chính quyền và một số cơ sở - người phỏng vấn bổ sung) đã vi phạm những điều luật nào, trong bộ luật nào.

RFI: Cho đến nay, trước phản ứng từ các nhà khoa học, giới bảo vệ môi trường, cũng như công chúng tại Việt Nam, chính quyền có phản ứng ra sao?

Ông Huỳnh Tấn Vinh: Đến ngày 15/12/2016, chính phủ giao cho phó thủ tướng Vũ Đức Đam ký một quy hoạch tổng thể quốc gia bán đảo Sơn Trà, trong quy hoạch đó, số lượng villa và số phòng có kế hoạch xây dựng trên đó, chiếm khoảng chừng trên 1.000 hecta. Đây là một diện tích khá lớn. Điều này tạo một dư luận không tốt.

Cho đến nay, một mặt, chính phủ yêu cầu không tiếp tục xây dựng dự án, mặt khác cho một cơ quan thanh tra rà soát toàn bộ bán đảo Sơn Trà. Chỗ nào vi phạm luật quản lý rừng, chỗ nào vi phạm đa dạng sinh học… Và hạn đến tháng 3/2018 sẽ phải làm rõ.

Tôi nghĩ rằng đó là một tín hiệu tốt, khi chính phủ đã lắng nghe được công luận. Mặt khác, công luận đã tạo được một tiếng vang rất quan trọng, để chính phủ phải cân nhắc trước khi có quyết định về quy hoạch bán đảo Sơn Trà.

RFI: Theo ông, chính phủ nên hành động theo hướng nào?

Ông Huỳnh Tấn Vinh: Để có một quyết định đúng đắn cho Sơn Trà, cần căn cứ vào ba điều. Thứ nhất là phải lấy việc bảo tồn đa dạng sinh học tự nhiên của bán đảo Sơn Trà là điều quan trọng nhất. Bởi vì, nếu không bảo vệ được điều này, thì tương lai của thế hệ tiếp theo sẽ không còn giữ được.

Thứ hai là không thể vì lợi ích kinh tế trước mắt mà quên vấn đề môi trường, như phương châm của thủ tướng chính phủ đã đề ra.

Thứ ba là công luận, các phản biện, các tổ chức xã hội được tham gia vào quá trình đó. Ba nguyên tắc này được tôn trọng thì tôi nghĩ rằng bán đảo Sơn Trà sẽ giữ được mầu xanh, và tài nguyên thiên nhiên này sẽ được giữ cho thế hệ mai sau.

RFI: Còn quan điểm của ông, với tư cách một người làm du lịch và bảo vệ môi trường?

Ông Huỳnh Tấn Vinh: Tôi nghĩ rằng, nếu chính phủ chọn ưu tiên cho bảo vệ đa dạng sinh học, cho bảo tồn tự nhiên bán đảo Sơn Trà, thì kể từ bây giờ sẽ không có thêm các công trình xây dựng nào tại đây. Và có thể ưu tiên cho việc khai thác địa điểm này bằng du lịch sinh thái. Du khách có thể từ Đà Nẵng đến thăm bán đảo Sơn Trà (chứ không lưu trú lại đây). Tôi hy vọng là chính phủ sẽ quyết theo hướng đó.

Du lịch sinh thái, nếu biết cách vận động một cách thông minh, sẽ tôn trọng được tự nhiên tại Bán đảo Sơn Trà, hạn chế đến mức thấp nhất các tổn hại. Đó là mô hình chúng tôi có thể hướng đến.

Chúng tôi đang có ý tưởng là biến bán đảo Sơn Trà thành một khu dự trữ sinh quyển của UNESCO. Điều có nghĩa là mọi quản lý, mọi hoạt động, mọi khai thác, phải có mục tiêu bảo tồn. Nếu làm được điều đó, Sơn Trà bảo đảm sẽ được khai thác tốt nhất, theo hướng tôn trọng môi trường.

RFI xin cảm ơn ông Huỳnh Tấn Vinh.

----

(1) Giống như mô hình 9 khu dự trữ sinh quyển thế giới được công nhân tại Việt Nam, bao gồm rừng ngập mặn Cần Giờ, sinh quyển Đồng Nai [vườn quốc gia Cát Tiên], vùng ven biển và biển đảo Kiên Giang, Mũi Cà Mau ở miền nam ; đảo Cát Bà, vùng đất ngập nước ven biển thuộc 3 tỉnh châu thổ sông Hồng Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình, ở miền bắc ; và các vùng Cù Lao Chàm, rừng quốc gia Pù Mát - tây Nghệ An và cao nguyên Liangbang ở miền trung.

T.T.

Nguồn: http://vi.rfi.fr/viet-nam/20171012-da-nang-non-nong-phat-trien-son-tra-bi-de-doa

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn