"Bùa phép" để phá rừng

Chí Nhân - Lê Quân

Bất chấp lệnh cấm của Chính phủ, tình trạng chuyển mục đích sử dụng để tìm cách "phá rừng" vẫn đang xảy ra ở nhiều địa phương.

Sau khi chủ trương phá rừng phòng hộ ở khu vực Núi Ngang (thuộc xã Bồ Lý - huyện Tam Đảo - tỉnh Vĩnh Phúc) làm nghĩa trang bị giới chuyên gia vạch rõ điểm trái pháp luật, ảnh hưởng đến môi trường, dư luận phản đối gay gắt, giữa tháng 2-2017, UBND tỉnh Vĩnh Phúc có văn bản gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc xin dừng dự án.

Phát triển bền vững bằng cách… xóa rừng làm nghĩa trang

Những tưởng sự việc đã chấm dứt thì mới đây, tỉnh Vĩnh Phúc có động thái chuyển đổi đất rừng phòng hộ thành đất rừng sản xuất, mở đường tiếp tục xây nghĩa trang. Tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng giữa tháng 6 vừa rồi, ông Nguyễn Văn Trì, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết sẽ chuyển đổi rừng phòng hộ Núi Ngang thành rừng sản xuất và xây dựng công viên nghĩa trang nhằm mục tiêu… phát triển bền vững.

Theo tìm hiểu của Thanh Niên, bản đồ quy hoạch sử dụng đất đến năm 2017 của huyện Tam Đảo cũng thể hiện rõ Núi Ngang là nơi xây dựng công viên nghĩa trang quy mô hơn 100 ha. Trong khi đó, Núi Ngang thuộc địa bàn 3 xã Đạo Trù, Đại Đình, Bồ Lý thuộc huyện Tam Đảo, có diện tích khoảng 500 ha. Tuy nhiên, 350 ha tại đây đã được chuyển đổi thành rừng sản xuất, 150 ha còn lại vẫn là rừng phòng hộ thuộc xã Bồ Lý.

Ông Nguyễn Việt Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Vĩnh Phúc xác nhận đang rà soát các rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh để chuyển đổi và sẽ trình các cấp có thẩm quyền trong tháng 10-2017, bao gồm cả diện tích đất rừng phòng hộ tại khu vực Núi Ngang.

GS-TSKH Nguyễn Ngọc Lung (Viện Quản lí rừng bền vững và chứng chỉ rừng) cho rằng tỉnh Vĩnh Phúc rà soát chuyển đổi rừng phòng hộ thành rừng sản xuất là cách lách kẽ hở của luật pháp để hợp thức hóa, mở đường cho dự án làm công viên nghĩa trang bị người dân phản đối. Điểm mấu chốt là nếu rừng phòng hộ Núi Ngang được chuyển thành rừng sản xuất thì quyền chủ động quyết định số phận khu vực rừng phòng hộ ở đây hoàn toàn thuộc về tỉnh Vĩnh Phúc. Còn nếu đất rừng phòng hộ đó thuộc thẩm quyền trung ương thì sẽ phụ thuộc nhiều cơ quan, ban ngành, không dễ thực hiện ý đồ phá rừng làm công viên nghĩa trang.

"Nhưng giả sử có thể chuyển đổi được thành rừng sản xuất thì cũng vẫn phải là đất lâm nghiệp. Không trồng cây này sẽ phải trồng cây khác, sản xuất gỗ hoặc sản xuất lâm sản ngoài gỗ, không thể thành đất nghĩa trang" - GS Nguyễn Ngọc Lung khẳng định.

Ảnh hưởng nguồn nước của 20 triệu dân

GS-TSKH Đặng Huy Huỳnh, Phó chủ tịch Hội Bảo tồn thiên nhiên và môi trường Việt Nam phân tích rừng phòng hộ Tam Đảo nằm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc nhưng giá trị về mặt tự nhiên của nó không phải của riêng Tam Đảo mà còn của các tỉnh lân cận. Tam Đảo được xem là lá phổi xanh cho cả các tỉnh Tuyên Quang, TP Hà Nội. Nếu rừng bị phá, chuyển đổi mục đích khác thì cũng giống như chúng ta tự cắt đi buồng phổi của chính mình. Bên cạnh đó, dưới chân Tam Đảo còn là các vùng sản xuất nông nghiệp rộng lớn. Phải tính đến những tác động dây chuyền, trong một không gian như thế. Nếu nhìn như vậy sẽ thấy lợi ích kinh tế thu được (nếu có) sẽ rất nhỏ bé so với những cái mà chúng ta phải đánh đổi trong tương lai.

Theo GS-TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi (nay là Bộ NN-PTNT), việc đưa rừng Tam Đảo vào quy hoạch rừng phòng hộ đầu nguồn nước trong lưu vực sông Hồng - Thái Bình đã có sự cân nhắc về chức năng quan trọng của khu rừng đó về mặt bảo vệ nguồn nước. Đó là rừng đầu nguồn, bảo vệ nguồn nước cho trên 20 triệu dân đồng bằng Bắc bộ chứ không phải là của riêng tỉnh Vĩnh Phúc. "Tôi nói thẳng, trong khái niệm rừng phòng hộ đầu nguồn nước không có khái niệm "ít xung yếu" bởi nước là một thể thống nhất, không thể chia cắt được" - GS Hồng nhấn mạnh về việc không có khu vực rừng phòng hộ nào là ít xung yếu để chuyển đổi. Ông ước tính với 150 ha đất rừng phòng hộ, chỉ sau một trận mưa, sẽ cung cấp lượng nước ngầm khoảng 600 m3, đáp ứng nguồn nước uống cho khoảng 30.000 người trong một ngày. GS Hồng kết luận quyết tâm của Chính phủ đóng cửa rừng tự nhiên không chỉ nhằm bảo vệ nguồn lợi về gỗ mà cái chính là bảo vệ cuộc sống cho các thế hệ người Việt Nam. Đó mới là khái niệm phát triển bền vững như đã nêu ở các chủ trương, chính sách của nhà nước.

Rừng tự nhiên bị tàn phá tràn lan

Không chỉ tại Vĩnh Phúc, rừng tự nhiên đang bị tàn phá ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Đơn cử việc tỉnh Bình Phước cho phép Công ty TNHH MTV cao su Sông Bé triển khai dự án chăn nuôi kết hợp trồng rừng tại Nông lâm trường Bù Đốp trên diện tích hơn 575 ha. Đầu tháng 8-2016, báo Thanh Niên đăng bài "Phá 575 ha rừng để... chăn nuôi", phản ánh tình trạng phá rừng thực hiện dự án này. Ngày 20-2-2017, tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm Trưởng đoàn, ông Nguyễn Văn Trăm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước đã thay mặt UBND tỉnh xin lỗi, nhận khuyết điểm với Chính phủ, Thủ tướng và khẳng định sẽ sửa chữa, quản lí tốt, không để xảy ra nạn phá rừng.

Trước đó, UBND tỉnh Phú Yên cũng cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án khu du lịch liên hợp cao cấp New City VN tại các xã An Chấn, An Mỹ (huyện Tuy An) và An Phú (TP Tuy Hòa) với vốn đầu tư 1 tỉ USD, trên diện tích hơn 357 ha cho Công ty TNHH New City VN. Dự án bao gồm các hạng mục khách sạn, biệt thự, bungalow, resort cao cấp, sân golf… Riêng tại xã An Phú, dự án có diện tích hơn 121 ha, trong đó diện tích rừng phòng hộ ven biển gần 112 ha. Đây là rừng phi lao được trồng sau năm 1975 với chức năng phòng hộ để chắn cát, chắn gió xâm thực từ biển. Ngày 26-4-2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, kiểm tra vụ việc trên. Ngày 27-.7, Bộ NN-PTNT đã công bố kết luận thanh tra về các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tại Phú Yên, theo đó, giai đoạn từ ngày 1-1-2012 tới 31-3-2017, Phú Yên có 41 dự án đã thực hiện hoặc có nhu cầu phải thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án với tổng diện tích đất cần thu hồi là 1.341,55 ha, chuyển đổi mục đích sử dụng 725 ha rừng. Có 39/41 dự án không phù hợp quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng và trái quy định của Chính phủ. Cơ quan chức năng tỉnh Bình Định cũng vừa phát hiện vụ phá hơn 60 ha rừng tự nhiên do UBND xã An Hưng (huyện An Lão) quản lí. Đáng nói là điểm rừng bị phá chỉ cách chốt kiểm lâm 5 km.

Tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ về tăng cường quản lí, bảo vệ rừng và các giải pháp thực hiện, một lần nữa buộc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức "tuýt còi" tất cả các dự án chuyển đổi rừng, kể cả dự án đã được phê duyệt.

Theo GS-TS Vũ Trọng Hồng, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan sẽ giám sát chặt chẽ để chỉ đạo của Thủ tướng về việc đóng cửa rừng, không chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng được thực hiện nghiêm.

· Phá chốn dung thân của chính mình

Trong thời đại biến đổi khí hậu, mưa bão bất thường, nước biển dâng, việc tàn phá cả rừng đầu nguồn lẫn rừng phòng hộ ven biển, theo các chuyên gia chẳng khác nào chúng ta đang phá nát chốn dung thân của chính mình.

Theo TS Dương Văn Ni, chuyên gia về môi trường và đa dạng sinh học (Trường ĐH Cần Thơ), nhiều ý kiến cho rằng không thể không phát triển kinh tế. Quan trọng là kiểm soát chặt trên nguyên tắc phải bảo vệ rừng, ví dụ làm giảm chỗ này thì phải trồng bù chỗ khác. Khái niệm "trồng bù rừng nơi khác" được đưa ra khoảng hơn 10 năm trước, khi mà phong trào làm thủy điện đang còn phát triển rầm rộ ở Việt Nam. Nhưng thực tế, việc trồng rừng chỉ là những cam kết của chủ đầu tư nhằm... lấy được dự án, hoặc nếu có cũng không đáng kể bởi chúng ta làm gì có đất trống để mà trồng rừng. Nếu có đất, tại sao các dự án phát triển kinh tế không sử dụng mà lại đi phá rừng?

Thứ hai, hằng năm, thậm chí là hằng tháng ngành nông nghiệp vẫn báo cáo về diện tích rừng trồng mới. Tuy nhiên, cái mà chúng ta gọi là "rừng trồng" về mặt tự nhiên không phải là rừng. Rừng dù là đầu nguồn hay ngập mặn ven biển được hiểu một cách đơn giản là một hệ thống các cây to, nhỏ, cây con, bụi rậm, cỏ dại, thảm thực vật... Một hệ thống như vậy mới có sự liên kết về mặt tự nhiên. Trong khi cái mà chúng ta trồng và gọi là rừng thì chỉ là những hàng cây đều nhau song song, ở trên núi cũng không có những lớp cây con, bụi rậm, cỏ dại, thảm thực vật để bảo vệ đất, chống sạt lở; ở ven biển cũng không đủ khả năng cắt "năng lượng sóng" thì "rừng trồng chỉ là thứ mà chúng ta thấy giống rừng và gọi là rừng chứ không phải là rừng. Nó không có chức năng giống như rừng tự nhiên" - TS Dương Văn Ni nói.

Cùng quan điểm trên, GS-TSKH Đặng Huy Huỳnh cho rằng ngay cả việc trồng lại rừng cũng phải mất rất nhiều công sức, thời gian và tiền của. Nếu phải phá rừng để phát triển kinh tế thì phải tính đến những chi phí kinh tế trên. Lệnh đóng cửa rừng, cấm chuyển đổi mục đích sử dụng rừng của Thủ tướng Chính phủ là dựa trên cơ sở khoa học. Chính phủ cần chỉ đạo việc thực hiện một cách nghiêm minh.

Chí Nhân

· Thêm một vụ phá rừng ở Bình Định

Ngày 15-10-2017, UBND huyện An Lão (Bình Định) cho biết đã có văn bản chỉ đạo Chủ tịch UBND xã An Hòa kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, mức độ vi phạm, có hình thức xử lí kỉ luật đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan vụ phá hơn 3,3 ha rừng quy hoạch chức năng phòng hộ tại tiểu khu 34 - xã An Hòa. Đây là vụ phá rừng thứ 3 được phát hiện tại Bình Định chỉ trong thời gian ngắn. Trước đó, các cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 60 ha rừng tại xã An Hưng - huyện An Lão và 20 ha rừng tại xã Đắk Mang - huyện Hoài Ân bị chặt phá.

Hoàng Trọng

· Ý kiến

GS-TSKH Đặng Huy Huỳnh: Thủ tướng đã cấm mà rừng vẫn bị phá, lợi dụng lí do phát triển kinh tế để chuyển đổi như vậy rõ ràng là không bình thường. Điều này là do ý thức của các địa phương, việc kiểm tra, giám sát của các bộ, ngành trung ương, HĐND, Quốc hội chưa nghiêm.

GS-TS Vũ Trọng Hồng: Rừng phòng hộ đầu nguồn rất quan trọng cho việc tăng cường tích nước cho dòng chảy ngầm, hạn chế dòng chảy mặt gây xói mòn, sạt lở đất. Một điều quan trọng nữa là tăng lưu lượng đẩy mặn, hạn chế việc xâm nhập mặn vào sâu trong đất liền. Với những tuyên bố kiên quyết bảo vệ rừng của Thủ tướng Chính phủ mới đây, chúng ta có thể tin rằng việc chuyển đổi rừng sẽ không dễ dàng như ý muốn chủ quan của một số người hay một số địa phương.

Chí Nhân (thực hiện)

C.N - L.Q

Nguồn: http://thanhnien.vn/thoi-su/bua-phep-de-pha-rung-890539.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn