Ngân hàng ngoại rút vốn khỏi VN do chủ trương phá sản ngân hàng?


Thiền Lâm
Vietnam – Cali Today news – Không biết vô tình hay hữu ý, hai ngân hàng Standard Chartered (Hong Kong) và Standard Chartered (Anh) đã lần lượt đã bán sạch 64,2 triệu cổ phiếu (tương đương 6,25% vốn) và 89,86 triệu cổ phiếu (chiếm 8,75% vốn) của Ngân hàng Á châu (ACB) vào những ngày cuối năm 2017 và đầu năm 2018, đúng vào lúc chỉ số VN-Index của thị trường chứng khoán Việt Nam tăng đến 48% trong năm 2017 nhưng vẫn chưa chịu dừng lại ở đó. Và cũng ngay trước ngày 15/1/2018 là thời điểm mà Luật về các tổ chức tín dụng chính thức có hiệu lực đối với cơ chế cho phép phá sản ngân hàng ở Việt Nam.

Một điểm trùng hợp nữa là cùng thời điểm Standard Chartered thoái sạch vốn khỏi ACB, trên mạng xã hội bất chợt lao xao thông tin sắp có một số quan chức nào đó của ACB bị “nhập kho”. Thông tin này, dù chưa được kiểm chứng, vẫn làm cho người ta liên tưởng ngay vụ Bầu Kiên (Nguyễn Đức Kiên) – ông chủ của ACB bị công an khởi tố và bắt giam vào tháng 8/2012, liên quan đến cả một số quan chức và cựu quan chức cao cấp.

Trước Standard Chartered, BNP Paribas cũng vừa thoái toàn bộ 18,68% vốn của Ngân hàng Phương Đông (OCB) sau 10 năm đầu tư. Sớm hơn nữa, HSBC cũng đã hoàn tất rút toàn bộ vốn sau nhiều năm đầu tư vào Techcombank. Ngân hàng CommonWealth Bank of Australia (CBA) chuyển giao toàn bộ hoạt động kinh doanh của chi nhánh tại Tp.HCM cho ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB). Còn ANZ Việt Nam cũng đã bán toàn bộ mảng dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam cho ngân hàng Shinhan Việt Nam, để đến tháng 12/2017, Ngân hàng ANZ của Úc đã chính thức chia tay thị trường Việt Nam…


                                                          Ảnh: Zing.vn

Từ giữa năm 2017, ngay sau khi rộ lên thông tin về hàng loạt ngân hàng nước ngoài rút vốn khỏi Việt Nam cùng những đánh giá đây là sự chia tay với một thị trường đã kém hấp dẫn và tính minh bạch chưa cao…, đã xuất hiện vài lời trấn an rằng hiện tượng này chỉ là những trường hợp cục bộ và có tính đặc thù của từng ngân hàng.

Nhưng “những trường hợp cục bộ” như thế lại mang khuynh hướng số nhiều, khi ngày càng nhiều doanh nghiệp phương Tây rút vốn khỏi thị trường tài chính và tín dụng này.

Không có lửa làm sao có khói. Đốm lửa ấy đã có thể nhen nhóm từ năm 2016. Vào thời gian đó, một chuyên gia kinh tế là ông Lê Đăng Doanh đã khẳng định rằng đang có một xu thế các doanh nghiệp nước ngoài rút lui khỏi thị trường tài chính Việt Nam, mà cụ thể là một số quỹ đầu tư nước ngoài đã bán tháo khoảng 400 triệu đô la cổ phiếu của họ ở thị trường chứng khoán của Việt Nam.

Rõ là đã có một cái gì đó bất bình thường xảy ra trong thị trường tài chính và ngân hàng ở Việt Nam.

Rất cần chú ý là hiện tượng trên lại xuất hiện trong bối cảnh thị trường tín dụng ở Việt Nam đang nổi lên hai vấn nạn – mà nếu không cẩn thận thì có thể trở thành quốc nạn: bế tắc nợ xấu và “phá sản ngân hàng”.

Hiện thời, số báo cáo chính thức cho biết nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đã lên đến 600 ngàn tỷ đồng. Đó là chưa kể 300 ngàn tỷ đồng nợ xấu mà Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) đã “xử lý” – mà thực chất chỉ là hành động mua trên giấy, còn số nợ xấu này vẫn y nguyên.

Cộng cả hai khoản nợ xấu trên, hệ thống ngân hàng Việt Nam đang đầy hãnh diện có đến 900 ngàn tỷ đồng nợ xấu, chiếm ít nhất 15% tổng dư nợ cho vay vào khoảng thời gian này.

Những kỳ họp quốc hội tháng 5 – 6 và tháng 10 – 11 năm 2017 đã chỉ có thể “ra nghị quyết”, nhưng về thực chất không xử lý được một đồng nợ xấu nào. Cho tới nay, tiến độ xử lý nộ xấu vẫn vô cùng chậm chạp.

Với tình trạng nợ xấu vô phương cứu chữa như thế, rõ ràng hơn bao giờ hết, trong tổng số hơn 30 ngân hàng thương mại đang tồn tại hiện thời, chắc chắn có ít nhất 30% có thể phải “đội nón ra đi”, trước khi kế hoạch “tái cơ cấu ngân hàng” đạt mục tiêu giảm phân nửa số tổ chức tín dụng hiện có.

Cho dù Ngân hàng nhà nước hay giới quan chức chính phủ cố giấu nhẹm danh sách những ngân hàng bị liệt vào dạng “tái cơ cấu” – mà về thực chất là phải chấp nhận cho phá sản, dư luận từ nhiều người kinh doanh từ lâu đã đồn đoán về những cái tên hầu như chắc chắn nằm trong danh sách đó.

Trên hết là ba cái tên Ocean Bank – Ngân hàng Đại Dương, GP Bank – Ngân hàng Dầu khí Toàn Cầu, CB Bank – Ngân hàng Xây Dựng – đều là những ngân hàng đại án có lãnh đạo bị bắt vào các năm 2014 và 2015.

Sau đó là DongABank – Ngân hàng Đông Á, PG Bank – Ngân hàng Xăng Dầu Petrolimex, Sacombank – Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín.

Ngoài ra, còn một số ngân hàng có vốn điều lệ nhỏ nhưng tỷ lệ nợ xấu lại cao, cũng có thể bị phá sản hoặc sáp nhập như: VietA Bank, BacABank, OCB, SaigonBank, VietCapital…

Đó là chưa kể việc trong thời gian gần đây đã xuất hiện một số báo cáo của những tổ chức nghiên cứu quốc tế, chẳng hạn như hãng tư vấn đánh giá rủi ro Maplecroft, về độ rủi ro chính trị ở Việt Nam tăng lên đáng kể. Theo Maplecroft, thậm chí Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ còn có độ rủi ro chính trị cao nhất trong số 15 quốc gia được khảo sát.

Thực tế tranh giành quyền lực và lợi ích của các phe nhóm chính trị ở Việt Nam, nạn cát cứ quyền lực và sứ quân địa phương đang ngày càng phổ biến ở đất nước này, kéo theo quá nhiều vấn nạn về kinh tế và xã hội… đang là những dẫn chứng không thể phủ nhận được, bắt buộc giới ngân hàng nước ngoài phải nghiêm túc xem xét lại việc họ ở lại Việt Nam có còn là phương án thật sự an toàn cho tiền của họ hay là không.
T.L.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn