Chuyện đầu năm, cuối năm




Trịnh Khả Nguyên

Gọi “chuyện đầu năm” hay “chuyện cuối năm” đều được, vì đầu năm 2018 là cuối năm Đinh Dậu. Nước ta hiện đang dùng hai thứ lịch song hành, dương lịch và âm lịch, ngày tháng theo hai lịch này chênh nhau cả tháng. Một năm dân ta có hai cái tết “tết tây” (trước) và “tết ta” (sau). Như thế, có người cho là hơi nhiều, đề nghị chọn một “cái” thôi. Họ muốn theo dương lịch, ăn “tết tây”, còn “tết ta” chỉ đơn giản nghỉ làm việc một ngày. Nhưng có người phản bác, cho rằng phải giữ tết truyền thống vì nó dân tộc, nó thiêng liêng. Vâng, dân tộc, đất nước bao giờ cũng thiêng liêng, ở trên tất cả.

Ngày tết dân tộc thì thiêng liêng, người nào cũng nói thế. Nhìn cảnh rất nhiều Việt kiều, nhiều công nhân tấp nập tại các bến xe, bến tàu để về “kịp tết”. Ngày tết có ý nghĩa đặc biệt với mọi người. Ai cũng vui vẻ, chúc nhau hạnh phúc chúc mừng năm mới - cung chúc tân xuân - happy new year. Nhưng có người miệng nói thiêng liêng mà hành động thì chẳng thiêng liêng.

Chúc nhau điều tốt đẹp, dù bằng chữ Việt, chữ Tàu, chữ Tây cũng chả sao. “Ăn tết” ta hay tây cũng được. Nhiều việc, “ăn” theo Tây, “tin” theo Tàu, nửa nạc nửa mỡ.

Hoan hô U23 Việt Nam! Đầu năm 2018 các bạn mang tin vui về cho bóng đá nước nhà. Tưởng thưởng cho đội tuyển, cho những cá nhân xuất sắc bằng những lời khen hay bằng vật chất là xứng đáng.

nghìn lẻ một cách ăn mừng, tung hê của người hâm mộ (chữ của một bài báo). Và các cách gọi, người hùng, kỳ tích, làm nên lịch sử, chuyện không thể tin, là niềm tự hào, là tinh thần đoàn kết... thì một số người đã dùng (hết) cả rồi.

Đúng, tất cả cho U23 VN. Lâu nay ta đã nghe, đã thấy khẩu hiệu tất cả cho... nhưng chưa việc gì có tác dụng “ngó thấy” như lần ày, cho U23. Rõ, việc gì thật sự làm cho người ta phấn khởi thì thiên hạ (tự động) hồ hởi không bị ai, thế lực nào mua chuộc kích động. Còn tô vẽ, dàn dựng, cố lập ra những kỷ lục thì rốt cuộc thành nhạt nhẽo, vô duyên.

Các đoàn học sinh giỏi VN dự các kỳ thi Olympic châu Á/quốc tế về toán, lý, hóa, tin học đạt thành tích rất cao đã mang huy chương vàng, bạc, đồng về cho Tổ quốc. Nhân đấy có báo viết rằng giáo dục VN xếp thứ 12 của thế giới, đứng trên các nền giáo dục của các nước lớn như Anh, Mỹ, Đức... https://tuoitre.vn/giao-duc-pho-thong-viet-nam-dung-thu-12-vuot-qua-anh-my-746940.htm. . Nhưng có người lại hỏi liệu đó có phản ánh thật sự nền giáo dục nước nhà.

Các học sinh giỏi Việt Nam đã làm nên “kỳ tích”. Thành tích này rất đáng tuyên dương, nhất là khi đang hô hào phát hiện tài năng, khởi nghiệp, thắp sáng tương lai, làm cách mạng 4 chấm 0. Họ đáng được xã hội “ăn mừng”. Thế nhưng trong giới gần gũi họ, học sinh, sinh viên, các thầy cô giáo không mấy người biết tên tuổi của các tài năng kia, huống hồ là công chúng.

Dù sao cũng rất phục trí tuệ của các em, cũng như phục U23 vậy.

Bóng đá là môn thể thao tranh chấp đối kháng thì có trọng tài, những môn cạnh tranh tính điểm thì có giám khảo. Vận động viên phải tôn trọng quyết định của họ vì họ là những ông tòa cầm luật, điều hành cuộc chơi. Trận đấu không thể không có có trọng tài. Nhưng trọng tài mà “thổi” sai dù cố ý hay vô tình thì luật thể thao cũng như không, bị chính những người phán xét vi phạm. Và nếu cầu thủ kiêm luôn trọng tài, vừa đá bóng vừa thổi còi, cảnh này chắc khôi hài.

Mọi người đều đồng ý trận chung kết VN – UZBEKISTAN, trọng tài người Oman “bắt” công minh. Nhưng có trận trước đó có trọng tài, có lúc phạt ép đội VN, nhiều người đã bất mãn, chửi thề Dẹp mẹ đi, biết “thổi” không? - Đ/m (xin lỗi), thế mà làm trọng tài v.v... Những thái độ, lời nói ấy dù trọng tài không nghe được, nhưng người ta vẫn cứ “tuôn” ra. Và không chỉ với dịp này, ai đã xem các trận đấu ở các giải khác của những nước khác khi nghe trọng tài “te” sai người ta cũng nói những câu tương tự. Không ai thích bất công. Trọng tài là ông tòa người của luật nhưng xử không đúng, vì không “thuộc luật”, do thiên vị, do bị áp lực, do thiếu quan sát thì bị công luận “thổi” trước.

Nghe nói, sau mỗi trận, hội đồng trọng tài họp xét, vị nào “bắt” sai sẽ bị kỷ luật. “Cuộc chơi” như thế là rất nghiêm. Còn “cuộc thật”, thì vai trò của các vị cầm luật, xét xử chắc chắn quan trọng hơn nhiều. “Cuộc” nào cũng có luật, soạn thành chương, khoản, điều qui định thế nầy thế nọ. Luật không phải làm ra cho có mà để áp dụng.

Mới đầu năm 2018 nước ta, đúng hơn là dân ta, đón bão số 1, bảo Baloven. May là bão đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Và có thể những ngày tết, theo ZING VN bão Sanba sẽ vào miền Nam nước ta, báo này viết Sanba có thể là cơn bão số 2 trên vùng Biển Đông của nước ta trong năm 2018 . Chưa biết lành dữ thế nào. Trong vùng Đông Nam Á, trừ Philippines, hàng năm Việt Nam chịu nhiều cơn bão nhất, thiệt hại về người và tài sản do các cơn bảo lụt “tiền nhiệm” gây ra còn y đấy, chưa khắc phục nổi, nên cứ nghe “bão” nhiều người, nhất là dân nghèo nơm nớp lo sợ... “... Quê hương em nghèo lắm ai ơi, mùa đông thiếu áo hè thời thiếu ăn. Trời rằng, trời hành cơn lụt mỗi năm, khiến đau thương thấm ngập tràn Thuận An để lan biển khơi... ới hò”( Tiếng Sông Hương – Phạm Đình Chương). Nhạc đã viết những lời dân ca bất hủ, hiền hòa để than cho khổ cực của người dân (miền Trung) trong cảnh bão lũ, dù ông không phải là nghệ sĩ nhân dân.

Ai cũng biết “thủ phạm” của bão lũ, động đất, biến đổi khí hậu... một phần là thiên nhiên, một phần khác là con người. Do thiên nhiên thì đã đành, nhưng do con người là điều đáng bàn. Không phải người ta không biết gây ô nhiễm môi trường, phá hệ sinh thái tự nhiên là có hại.

Nhưng người ta vẫn cứ làm.

Năm xưa, học một bài giảng văn “Mưa phùn vui cho ai, buồn cho ai”, lâu quá, quên tên tác giả, chỉ nhớ đại ý. Trong cảnh mưa phùn gió bấc lạnh lẽo, những người nghèo, người chạy ăn từng bữa, người không nhà cửa khổ vì cái lạnh bên ngoài, vì cái đói bên trong. Cảnh này, “Nhà mẹ Lê” là tiêu biểu, nhà văn Thạch Lam đã tả rất thực trong Gió lạnh đầu mùa. Nhưng cũng mưa phùn gió bấc, những người mặc đủ ấm, ăn đủ no, ngồi trong phòng kín, uổng rượu hay trà ngon với bạn hiền th biết đâu nghe thú vị, có thể “làm vài câu”. Những anh lãng tử đôi khi cũng muốn đi trong mưa để tìm “cảm giác”. Những cặp tình nhân đang “hạnh phúc” họ vẫn thấy ấm áp bên nhau, dù bên ngoài lạnh.

Và còn nhiều người khác nữa thuộc một trong hai “típ” trên.

Về “mưa phùn gió bấc”, nhớ sau năm 1975, một vị tuyên huấn, một lần đang báo cáo thì trời mưa, nhân đấy, ông ta vận dụng luôn cảnh này. Theo ông, trong những ngày đông tháng giá, mưa gió, nếu thấy những người cơ cực của xã hội, những người tư sản có lương tâm cũng thương xót. Họ có thể làm từ thiện giúp một đôi người, hoặc viết đôi bài tả cảnh cơ hàn. Và những người đi làm cách mạng cũng có tình thương như thế. Nhưng họ yêu cả giai cấp vô sản. Có điều họ không than khóc, họ tranh đấu để xóa bỏ cảnh đói nghèo, áp bức, bất công. Rồi ông nhắc nhở: .Đừng tưởng những người cách mạng không có tình cảm đâu nhá!
Sao lại nói thế? Có ai bảo người làm cách mạng không có tình cảm đâu? Con người thì phải có tình cảm. “Mê” một thứ gì là dành tình cảm cho thứ đó. Có những cái mê lành mạnh, như mê bóng đá, mê nghệ thuật, mê khoa học, mê làm từ thiện (Bill Gates là ví dụ). Có những cái mê không trong sáng như mê rượu, mê gái... Nhiều người mê danh, mê tiền, mê địa vị, mê quyền lực.

Không than khóc”, l ời báo cáo viên, hơi giống hai câu thơ trong bài “La Mort du loup” (Cái chết của con sói) của Alfred De Vigny:

Gémir, pleurer, prier est également lâche.
Fais énergiquement ta longue et lourde tâche

Tạm dịch: Rên rỉ, khóc than, cầu xin đều hèn nhát. Hãy làm hết sức công việc dài lâu và nặng nhọc của bạn.

Báo cáo viên lúc đó tầm U 60, tuổi đỉnh điểm về nhận thức và hành động, tuổi đã đủ trải nghiệm đời. Nay đã trăm tuổi, nếu còn sống ông cũng thấy có kẻ lại khóc kể việc này, việc kia, xin xỏ điều này, điều nọ. Ông cũng nhận ra “mê trong sáng” và “không trong sáng” cách nhau đường tơ kẻ tóc, thậm chí là cái này ở trong cái kia. Nhản tiền, chẳng phải chuyện cổ tích, có những kẻ khi nghèo thì ganh ghét người giàu, khi có quyền, giàu có thì lại quay lưng với “bạn nghèo”, cố quên thuở hàn vi, đặc biệt là quên (mẹ) những lời hứa năm xưa. Họ đổi phong cách sống, đổi “tông”, nói giọng trổ trời, trưởng giả học làm sang.

Nghĩ xa thôi lại nghĩ gần,
Chẳng vò mà rối, chẳng dần mà đau (Kiều).

Gần tết có nhiều thứ lo, lo gần là lo kiếm tiền, gạo tháng giêng, tiền tháng chạp. Tiền làm có hạn, nhưng các mặt hàng thiết yếu, điện tăng, xăng có thể rục rịch tăng: https://vtc.vn/gia-xang-dip-tet-nguyen-dan-mau-tuat-2018-co-tang-khong-d379494.html kéo theo các thứ khác cũng tăng.

Thị trường tự do cạnh tranh theo hai yếu tố, một là nâng cao chất lượng, hai là hạ giá thành sản phẩm (phục vụ) thì người dân nói chung, người tiêu dùng nói riêng được hưởng lợi. Còn độc quyền, độc tài, độc tôn kinh doanh, một mình một chợ, thì dân chỉ khổ.

Những vụ thất thoát, phá sản nghìn tỷ, chục nghìn tỷ... có người ước gì được một phần trăm, một phần nghìn số đó để sắm tết cho đỡ khổ. Ước bậy! Tiền ấy đâu phải tiền “chùa”, tiền của dân đấy. Họ tiêu thì mình khỏi tiêu.

T.K.N.
Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn