Có ai biết Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu biển Đông là gì không?*


Trần Phương
(GDVN) - Thật ngạc nhiên, một quỹ có tên và mục đích rất to lớn, nhưng người đứng đầu quỹ này nói đây là Quỹ... từ thiện.
Tiêu tiền tỉ trong âm thầm lặng lẽ
Như báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa tin, ngày 19/3, tại Hà Nội, Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông đã trao giải Lễ trao giải thưởng Nghiên cứu Biển Đông năm 2017.
Đánh giá tại cuộc trao giải nghiên cứu về biển Đông tại lễ trao giải nêu trên, Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an), thành viên ban giám khảo đã thẳng thắn chỉ ra rằng bên cạnh những thành công, giải nghiên cứu về biển Đông vẫn còn có những tồn tại nhất định trong đó có sự thiếu lan tỏa các hoạt động của quỹ Hỗ trợ nghiên cứu biển Đông.
Thiếu tướng Lê Văn Cương cho biết, số lượng sinh viên các trường tham gia như năm 2017 là hạn chế. Theo đó chỉ có 6/325 trường đại học có sinh viên tham dự.
Cuộc thi chưa thu hút được nhiều học giả, các thành phần xã hội tham gia.
Theo giới thiệu, Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông được thành lập năm 2013 với mục đích thúc đẩy việc nghiên cứu phục vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, phát triển kinh tế và giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.
Số vốn ban đầu của quỹ Hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông là trên 5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau 5 năm thành lập, hiệu quả hoạt động của quỹ này đang bị đặt ra câu hỏi lớn khi các hoạt động còn nghèo nàn, không đa dạng và chưa được phổ biến rộng rãi.

Lễ trao giải thưởng nghiên cứu biển Đông năm 2017 (Ảnh: Lại Cường)
Theo tìm hiểu của phóng viên, lượng thông tin được đăng tải trên website chính thức của quỹ rất ít, hầu hết là những thông tin cũ có từ nhiều năm trước.
Nếu không có hoạt động trao giải ngày 19/3, rất có thể nhiều người nghĩ rằng Quỹ này không còn hoạt động vì sự nghèo nàn thông tin cập nhập.
Đáng chú ý, theo giới thiệu cơ cấu tổ chức quỹ được đăng tải trên website của quỹ, có đầy đủ các ban, cụ thể như ban truyền thông và gây quỹ hay ban hợp tác và phát triển.
Thế nhưng, đến nay, sức lan tỏa của các hoạt động của quỹ không lớn chứng tỏ hiệu quả làm việc của các ban của quỹ rất thấp.

Trao đổi với báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Thiếu tướng Lê Văn Cương cũng đánh giá hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu biển Đông đang thiếu sự lan tỏa cần thiết.
Thiếu tướng Lê Văn Cương cũng cho biết thêm: “Trung Quốc mỗi năm họ có đến 50 cuộc hội thảo lớn nhỏ khác nhau. Các kiến thức về biển đảo được họ đưa vào chương trình phổ thông ngay từ lớp 6. Còn ở ta, mỗi năm chỉ tổ chức được 5 cuộc hội thảo, lại rất “lèo tèo”. Kiến thức về biển đảo chưa được phổ biến rộng rãi”.
Đánh giá việc hoạt động của quỹ, Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng đó vẫn là bài toán thiếu kinh phí. Theo thông tin từ Thiếu tướng Lê Văn Cương, năm 2018, kinh phí quỹ này còn tiếp tục cắt giảm.
Bên cạnh đó, việc các công trình nghiên cứu đạt giải của các tác giả thiếu sự phổ biến và ứng dụng trong thực tế cũng đang góp phần khiến hoạt động của Quỹ thiếu hiệu quả.
Cũng tại buổi tại buổi lễ trao giải ngày 19/3, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Đình Quý, Chủ tịch quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông cho rằng: “các công trình nghiên cứu cần được tuyên truyền rộng rãi, đưa vào giảng dạy, đồng thời trở thành những nguồn tham khảo cho các nhà hoạch định chính sách nhằm triển khai trong thực tế”.
Truyền thông kém vì là quỹ... từ thiện?
Trao đổi với báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông  Trần Trường Thủy - Giám đốc Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu về Biển Đông cho biết, hiện tại, việc truyền thông của quỹ vẫn thực hiện chủ yếu qua kênh chính là website chính thức của Quỹ. Các hoạt động cụ thể của quỹ sẽ được đăng lên website của quỹ sau đó gửi cho các cơ quan báo chí như Hội Nhà báo, Bộ Ngoại giao.
Trước câu hỏi của phóng viên vì sao trong năm 2017, chỉ có 1,7% (6/325) trường đại học trong cả nước có tác phẩm nghiên cứu tham gia cuộc thi, ông Thủy cho biết ông cũng “không hiểu vì sao nay lại tham gia ít vậy”.
Các tài liệu tuyên truyền, phát động trước cuộc thi cũng đã đực thực thiện đầy đủ, ông Thủy cũng cho biết thêm, những năm trước, cuộc thi cũng đã thu hút khoảng 2 – 3 chục trường tham gia.
Nói về kế hoạch năm 2018, ông Trần Trường Thủy cho biết mục đích chính của quỹ vẫn là muốn truyền thông đến với mọi người về giải thưởng nghiên cứu biển Đông, tuy nhiên, ông Thủy thừa nhận công tác truyền thông còn kém.
Theo ông Thủy, đến nay vẫn chỉ có 2 kênh chính để tuyên truyền cho cuộc thi và Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông là thông qua website chính của quỹ và gửi cho các trường đại học, viện nghiên cứu để tham gia nghiên cứu và qua báo chí để viết bài dự thi thể loại báo chí.

Thông tin cập nhật trên website chính thức của Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu biển Đông rất nghèo nàn (Ảnh chụp màn hình ngày 21/3)
Nói về vấn đề kinh phí của Quỹ, ông Thủy cho biết, “kinh phí từ nhiều nguồn, từ các cơ quan, tổ chức tài trợ, từ nguồn cung cấp dịp vụ. Tuy nhiên, chủ yếu kinh phí từ nguồn tổ chức tài trợ”.
Nói về tính chất của Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu biển Đông, ông Thủy khẳng định đây dạng một loại quỹ từ thiện chứ không phải loại quỹ nhà nước.
Mặc dù thừa nhận công tác truyền thông còn kém thế nhưng, ông Thủy lại cho rằng về mức độ lan tỏa của cuộc thi đã tương đối rộng (!?).
Không rõ ông Thủy đánh giá mức lan tỏa đến đâu nhưng theo các thông tin được đăng tải lên website của quỹ từ lúc thành lập năm 2013 đến nay, các hoạt động rất hạn chế. Thông tin chủ yếu được cập nhật từ giai đoạn 2014 – 2016.
Từ năm 2017 đến nay, các hoạt động hầu hết không được cập nhật. Mục hoạt động sắp tới luôn để trắng.
Việc báo cáo các hoạt động thường niên của Quỹ cũng chỉ được đăng tải những thông tin từ năm 2014.
Thông tin về các hoạt động hội thảo của Quỹ cũng chỉ được cập nhật đến lần thứ 7.
Việc quản lý tài chính của quỹ, ông Trần Trường Thủy cho rằng tổ chức quản lý quỹ vẫn được công bố thường niên từ năm 2014 đến nay trên website của quỹ, đồng thời cũng được báo cáo Bộ Tài chính.
Thế nhưng, khi khảo sát website chính thức của quỹ này các báo cáo tài chính được đưa lên cách đây đã 3 năm và không có cập nhật mới.
Theo các báo cáo đã đăng, năm 2014, tổng số vốn của quỹ là 5.064.446.383 VNĐ (năm tỷ không trăm sáu mươi tư triệu bốn trăm bốn mươi sáu triệu ba trăm tám mươi ba đồng).
Đến năm 2015, nguồn thu của quỹ là 6.376.004.047 VNĐ (sáu tỷ ba trăm bảy mươi sáu triệu không trăm linh bốn nghìn không trăm bốn mươi bảy đồng).
Nhìn vào các con số, có thể thấy quỹ đã có sự phát triển. Tuy nhiên, các báo cáo tài chính từ năm 2016 đến nay đã không được quỹ cập nhật đầy đủ.
Điều này, khi trao đổi với phóng viên, với tư cách là Giám đốc của quỹ, chính ông Trần Trường Thủy cũng cảm thấy bất ngờ khi các thông tin về tài chính của quỹ thiếu bị thiếu cập nhật.
Ông Thủy cũng thông báo với phóng viên rằng sẽ cho xem lại.
T.P.


* Hiện bài báo này đã bị gỡ không còn trên giao diện của báo Giáo dục Thời đại:



Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn