Ông Trọng có đạt được ‘sớm thông qua EVFTA’ ở Pháp?




Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Paris
Một trong những mục tiêu quan trọng nhất, hoặc chính là mục tiêu cao nhất trong chuyến công du Pháp vào cuối tháng Ba năm 2018 của Nguyễn Phú Trọng, đã được xác nhận: vận động cho Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) được Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu “linh hoạt sớm thông qua”.
Người ta có thể đặt dấu hỏi về việc tại sao ông Trọng cần có cuộc gặp thứ ba với Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher, sau hai cuộc gặp với Tổng thống và Thủ tướng Pháp mà đáng ra đã mang lại đầy đủ “thể diện” lẫn “sĩ diện” dành cho “Bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo” - nhân vật đứng đầu đảng cầm quyền ở Việt Nam.
Hai bên bày tỏ mong muốn…”
Chủ tịch Thượng viện Pháp cũng khẳng định sẽ tích cực quan tâm thúc đẩy phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU sau khi Hiệp định được ký kết, tạo động lực mới cho hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với Pháp và các nước EU” - một trong những nội dung mà các báo đảng như Thông tấn xã Việt Nam, Nhân Dân và Quân Đội Nhân Dân đưa tin.
Trong “Tuyên bố chung Việt Nam - Pháp” - bản văn được phát ra báo chí sau bữa ăn trưa giữa Macron và Trọng, chứ không như Tuyên bố chung Việt - Mỹ được phát đi sau một cuộc hội đàm chính thức Obama - Trọng kéo dài đến hơn một giờ đồng hồ tại Phòng Bầu dục ở Washington vào tháng Bảy năm 2015, cũng đề cập: “Hai bên bày tỏ mong muốn sớm ký kết và phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu trong năm 2018 và đưa Hiệp định vào thực hiện nhanh chóng, hiệu quả”.
Theo quy định của Liên minh châu Âu, muốn EVFTA được thông qua, Việt Nam cần có được toàn bộ đồng thuận của quốc hội ở 28 nước châu Âu, mà nếu chỉ một nước không đồng ý thì Hà Nội coi như công cốc và trắng tay.
Đó là nguồn cơn vì sao ông Trọng lại phải gặp giới nghị sĩ của Quốc hội nước Pháp.
Vậy tương lai ngắn hạn và trung hạn của Hiệp định EVFTA, hay chính xác hơn là của bản dự thảo của hiệp định chưa thành hình này - sẽ ra sao hoặc đi về đâu?
Cần chú ý, “Hai bên bày tỏ mong muốn…” luôn là một cụm từ thể hiện ý nguyện, thậm chí chỉ là một cụm từ thuần chất ngoại giao và xã giao chứ chưa hoặc không thể hiện tính hành động cụ thể. Có lẽ người Pháp đã tỏ thái độ thận trọng cần thiết khi dùng cụm từ này để hãm bớt sự nôn nóng muốn “ăn ngay” của giới chóp bu Hà Nội, với một hiệp định thương mại mà có thể cứu vãn nền kinh tế lẫn chân đứng của chế độ Việt Nam trong một khoảng thời gian ít năm nữa.
Có thể hiểu, “Hai bên bày tỏ mong muốn…” là tất cả những gì mà Nguyễn Phú Trọng đạt được về EVFTA trong chuyến công du Pháp. Thực tế quá đỗi sơ sài này, dù có được nêu trong “Tuyên bố chung Việt - Pháp” như một sự an ủi, cũng chẳng khác gì kết quả mà giới quan chức cấp cao của Việt Nam đã nhận, hoặc phải nhận, trong các chuyến “dân vận” giới chính khách châu Âu cho EVFTA vào năm 2017.
Mật vụ Việt Nam thấp thoáng khắp châu Âu
Sau khi EVFTA đã hoàn tất đàm phán vào cuối năm 2015 nhưng trải qua nguyên năm 2016 vẫn chẳng có tín hiệu nào được xúc tiến nhanh hơn việc ký kết và thông qua, đến năm 2017 ông Trọng đã phải liên tiếp chỉ đạo các đoàn của Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ và Trưởng ban đối ngoại trung ương đảng Hoàng Bình Quân, chưa kể đoàn của Bộ Công thương và các bộ ngành khác, đi châu Âu để vận động từng nước một. Tuy nhiên, một thực tế trơ trọi là tất cả những chuyến vận động này đều chỉ nhận được lời hứa hẹn chung chung từ giới chính khách châu Âu. Tuyệt đối không có lấy một bản ghi nhớ hay thỏa thuận cam kết nào của bất kỳ quốc gia châu Âu nào về việc sẽ “giúp Việt Nam sớm vào EVFTA”.
Những chuyến “dân vận” châu Âu của các đoàn Việt Nam đã chỉ giúp cho hệ thống báo đảng trong nước có thêm cơ hội tuyên giáo một chiều về Thụy Điển, Bỉ, Séc… “hoàn toàn ủng hộ Việt Nam tham gia EVFTA” theo phương châm “nhét chữ vào miệng” giới quan chức châu Âu, cùng tinh thần “tự sướng” về “EU sẽ thông qua EVFTA vào cuối năm 2017” và sau đó là “EU sẽ thông qua EVFTA vào đầu năm 2018”.
Nhưng cả thời gian năm 2017 và đầu năm 2018 đã bẵng trôi mà không có bất kỳ kết quả nào về “EU thông qua EVFTA”. Tất cả vẫn lặng tăm chờ… cải thiện nhân quyền.
Trong khi đó, chủ đề nhân quyền Việt Nam ngày càng nóng bỏng nơi nghị trường châu Âu.
Chỉ vài ngày trước chuyến thăm Pháp của Nguyễn Phú Trọng, 3 tổ chức nhân quyền quốc tế có trụ sở tại Paris là Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH), Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR) và Hội Nhân quyền Pháp quốc (LDH) đã đồng ký chung một bức thư ngỏ gửi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, khẩn thiết yêu cầu “hãy đặt ra câu hỏi nóng bỏng về nhân quyền trong các cuộc tiếp xúc TBT Nguyễn Phú Trọng”, yêu cầu Pháp tạo áp lực để Việt Nam phải trả tự do cho các tù nhân lương tâm, chấm dứt mọi sách nhiễu, bạo hành công an đối với các xã hội dân sự, cũng như chấm dứt các cuộc đàn áp tôn giáo và huỷ bỏ mọi điều luật chống nhân quyền.
Nhưng không chỉ có thế. Nhân quyền còn liên quan đến… Trịnh Xuân Thanh.
Vào tháng Hai năm 2018, trang Borderlex của châu Âu đã chính thức cho biết để thông qua EVFTA, “EU khăng khăng yêu cầu Việt Nam phê chuẩn ba hiệp ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về tự do lập hội, quyền tổ chức và thương lượng tập thể, và việc bãi bỏ lao động cưỡng bức dường như đã mang lại kết quả”, và khẳng định “Phía sau việc trì hoãn này (EVFTA) còn có một số lý do chính trị như: ưu tiên đưa ra thỏa thuận của EU với Nhật Bản, cuộc đụng độ ngoại giao giữa Berlin và Hà Nội, và Liên minh châu Âu nhấn mạnh rằng Việt Nam cần tôn trọng hơn các quyền con người và quyền lao động”.
Cuộc đụng độ ngoại giao giữa Berlin và Hà Nội” lại chính là điều mà một quan chức ngoại giao Đức mô tả “như phim trong thời chiến tranh lạnh”: vụ Nhà nước Đức tố cáo mật vụ Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin vào tháng Bảy năm 2018.
Không chỉ quyết định tạm ngừng quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam vào tháng 10/2017, hủy bỏ hiệp định miễn visa cho quan chức Việt Nam đi công tác ở Đức vào tháng tiếp sau đó, đến tháng Ba năm 2018 Tổng công tố Liên bang Đức còn tiến hành điều tra Trung tướng Đường Minh Hưng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an Việt Nam với cáo buộc vào tháng Bảy năm trước, ông Hưng đã tới Đức để phối hợp tổ chức vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh tại Berlin.
Cho tới nay, vẫn chẳng có dấu hiệu nào cho thấy các cuộc đàm phán giữa Đức và Việt Nam về vụ Trịnh Xuân Thanh được khai thông. Tất cả vẫn hầu như bế tắc.
Đã rất rõ là khác nhiều với cuộc công du Mỹ vào năm 2015, chuyến đi Pháp lần này của Nguyễn Phú Trọng đụng phải bầu không khí đón tiếp lạnh nhạt và đầy cảnh giác. Cả châu Âu dường như đều thấp thoáng bóng dáng mật vụ Việt Nam.
Giờ đây, trong lúc giới chóp bu Việt Nam đang đôn đốc vận động Ủy ban châu Âu hoàn tất bản thảo của EVFTA vào cuối tháng 3/2018 để trình Hội đồng châu Âu và sau đó trình Nghị viện châu Âu với hy vọng “sẽ thông qua vào mùa thu năm 2018”, việc chính thể Việt Nam vẫn chưa có bất kỳ động tác cải thiện nhân quyền nào đã khiến cho tiến trình EVFTA vẫn giậm chân tại chỗ, bất chấp trong chuyến công du pháp vào tháng Ba năm 2018, ông Trọng đã “đạo diễn” cho hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) mua 24 máy bay Airbus của Pháp - một thỏa thuận thương mại mà cũng giống như vụ Việt Nam đặt mua 100 máy bay Airbus của Pháp trong chuyến công du của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến nước này vào năm 2013 - có trời mới biết có được thực hiện hay chỉ là “thỏa thuận khống”.
P.C.D.
Bài đã đăng trên VOA
Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn