Hiện tượng thủy sản chết ở vùng biển Vũng Áng, Hà Tĩnh: nghi vấn về xả thải của Formosa?


Thảo Vy - Nguyễn Cao (VNTB)


Ngày 24-4-2018, tại các bè nổi nuôi hải sản khu vực biển Vũng Áng, gần nơi sản xuất của Formosa Hà Tĩnh xảy ra hiện tượng một số cá, mực nuôi ngoi lên mặt nước, lờ đờ rồi chết. Chính quyền giải thích rằng đây là do bị thiếu oxy.

Giải thích này khó thuyết phục, vì nếu vùng nước làng bè bị thiếu oxy thì cá không chết đột ngột và nhanh đến như vậy. Việc hải sản đột ngột chết cũng chỉ ghi nhận xảy ra vào buổi sớm 24-4, mà không diễn tiếp sau đó.

Khi vùng biển được người dân chọn làm bè để nuôi cá bị thiếu oxy (oxy hòa tan, DO), thì trước tiên cá sẽ nổi lên mặt nước, đớp không khí để hô hấp gọi là hiện tượng cá nổi đầu. Nếu thiếu dưỡng khí kéo dài thì hàm dưới của cá nhô ra, màu sắc trên lưng biến nhạt. Nếu không có biện pháp xử lý cá sẽ chết hàng loạt thậm chí chết toàn bộ”.



Cá điêu hồng tại lồng nuôi ở khu vực cảng Vũng Áng lờ đờ trên mặt nước, một số sau đó đã bị chết. Ảnh: Dân Trí

Tài liệu về “Bệnh học thủy sản” của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản cho biết như vậy.

Giải thích từ nhà chức trách đưa ra là “khu vực các bè nổi đang kinh doanh nằm giữa cầu cảng số 3, số 4 và số 5 đang thi công gây ứ đọng, giảm khả năng lưu thông nguồn nước, có thể tác động đến môi trường”; và “các chỉ số về các trạm quan trắc online lắp đặt tại các nhà máy Nhiệt điện, Formosa… được gửi về Sở Tài nguyên thì các chỉ số về nguồn nước đều ở ngưỡng bình thường” (!?)

Tuy nhiên theo lời của ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng ban quản lý các dự án của Công ty cảng Quốc tế Lào-Việt thì việc kết luận thi công cầu cảng gây nước ứ đọng, dẫn tới chuyện cá bè trên biển bị chết là không thuyết phục.

Hiện Công ty cảng Quốc tế Lào-Việt đang thi công Bến cảng số 3. Do đó, đơn vị đang khoan cọc nhồi bằng phương pháp thả ống vách ngăn móc đất lên bờ, công trình thi công được hơn 4 tháng nay đã hoàn thành được 40 cọc bê tông, nhưng không có dấu hiệu gì cho thấy ảnh hưởng đến môi trường nguồn nước”. Ông Tuấn nói và cho biết cần lưu ý tình tiết vào khoảng 5 giờ sáng 24-4, các hộ kinh doanh hải sản trên bè nổi tại Vũng Áng - Hà Tĩnh bất ngờ phát hiện thấy có hiện tượng lạ khi nước biển đang trong bỗng chuyển sang màu như nước chè xanh đặc.

Trong lúc người dân đang đặt câu hỏi tại sao thì đến khoảng 6 giờ cùng ngày bắt đầu thấy hải sản trong lồng bè của mình, trong đó có các loại cá mú, cá hồng, mực nhảy, tôm hùm, cua, ghẹ... thi nhau chết hàng loạt.

Thi công cọc bê tông bến cảng thực hiện vào ban ngày. Khả năng dòng nước biển có màu như nước chè xanh đặc, là từ một họng cống xả thải nào đó từ nhà máy trong vùng biển này!”. Một số công nhân khoan cọc nhồi tại đây đặt nghi vấn. Họ ngại nêu tên Formosa cho ngờ vực xả thải đó.

Năm 2014, nhiều ngư dân khi lặn biển đêm đã phát hiện hệ thống đường ống dẫn nước khổng lồ dưới đáy biển Vũng Áng. Đến đầu tháng 4-2016, cũng trong lúc lặn đêm, một ngư dân bất ngờ phát hiện miệng đường ống khổng lồ nằm dưới đáy biển này đang phun rất mạnh dòng nước có màu vàng đục ra biển. Ngư dân này đã cấp tốc trình báo sự việc với cơ quan chức năng.

Đồn Biên phòng Đèo Ngang sau đó lên tiếng cho rằng, đó chỉ là ống dẫn nước xả thải sinh hoạt của dự án Formosa. Tuy nhiên từ thời điểm đó cá biển ở Vũng Áng đột ngột chết rất nhanh và lan rộng tới nhiều địa phương khác…

Khi ấy, trả lời về hiện tượng cá bị nhiễm độc chết hàng loạt liệu có liên quan đến dự án Formosa, ông Khâu Nhân Kiệt, Giám đốc bộ phận An toàn Vệ sinh Môi trường Công ty Formosa nói rằng hệ thống xả thải của Formosa trước khi được thải ra biển các điểm xả thải phải tập trung về một chỗ. Sau đó nước thải đi qua một trạm quan trắc tự động. Ống xả thải ra biển này, là đường ống cuối cùng sau khi gom nước từ các điểm về. Ống xả thải đó đã được sự cho phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường của Nhà nước Việt Nam.
Tháng 4 năm nay tái xuất hiện chuyện cá chết ở vùng biển Vũng Áng với quy mô nhỏ hơn. Rất nhanh, chính quyền địa phương đã khẳng định “các chỉ số về các trạm quan trắc online lắp đặt tại các nhà máy Nhiệt điện, Formosa gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh đều bình thường (!?)”.

PGS.TS Vũ Đình Đáp, cựu phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III, dè dặt cho rằng: “Đương nhiên họ đã rút kinh nghiệm lần 1, không dám để gây hậu quả như trước, còn xử lý công nghệ như thế nào giảm thiểu ô nhiễm lại khác, đã khai khoáng thì chỉ là mức độ nặng nhẹ ra sao, khu vực đông dân cư hay thế nào, chủ yếu là mức độ chấp nhận được, chỉ là hạn chế tối đa ô nhiễm, chứ không phải là không có ô nhiễm.

Việc sản xuất chắc chắn sẽ kèm theo ô nhiễm, nhà sản xuất nào cũng biết, nhưng tùy theo điều kiện nước sở tại, địa phương có nguồn khoáng sản, ứng xử như thế nào, chấp nhận được hay không, còn đòi hỏi sản xuất, khai khoáng, luyện khoáng không gây ô nhiễm là rất khó. Tôi nói ngay như luyện cốc khô không có công nghệ hiện đại cũng ô nhiễm lắm, ra khói bụi, đối tượng là con người, mà con người sức chịu đựng chất độc rất giỏi, nên cần thời gian lâu dài mới phát bệnh”.
Cho đến nay, chuyện đặt nghi vấn về việc Formosa Hà Tĩnh tiếp tục xả thải đầu độc môi trường, rất dễ bị nhà chức trách chụp mũ chính trị.

T.V. & N.C.
VNTB gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn