“Khoa học công dân” có thể cứu môi trường VN khỏi sự tăng trưởng kinh tế không được kiểm soát?



James Borton
Vũ Quốc Ngữ dịch (VNTB)


Vào đầu tháng Tư năm 2016, ngư dân ở Việt Nam bắt đầu nhận thấy điều gì đó đáng báo động: Cá chết trôi dạt vào bờ biển của một số tỉnh. Rồi việc cá chết kéo dài trong nhiều tuần, và xác cá ngừ và cá thu tiếp tục dạt vào cùng với trai và thậm chí một xác cá voi.

Hóa ra đây là thảm họa môi trường lớn nhất trong lịch sử Việt Nam. Ngư dân mất sinh kế, và một số người bị bệnh sau khi ăn cá đã bị nhiễm độc. Ban đầu, Chính phủ giữ im lặng về nguyên nhân của việc cá chết hàng loạt. Nhà chức trách giới hạn tin tức về thảm hoạ này trên phương tiện truyền thông nhà nước và bắt giữ hàng trăm người tham gia biểu tình.

Những nhà hoạt động Việt Nam ở Đài Loan với biểu ngữ phản đối Formosa vì gây ra thảm họa tại 4 tỉnh miền Trung nước này.

Gần ba tháng sau, Hà Nội cuối cùng đã tiết lộ những gì đã xảy ra: Một tổ hợp nhà máy cán thép, nhà máy điện và cảng biển sâu trị giá 10,6 tỷ đô la thuộc Tập đoàn Nhựa Formosa do Đài Loan sở hữu, đã xả chất thải độc hại trong đó có chứa xianua vào biển Đông. Tổ hợp này này nằm ở Hà Tĩnh, một trong những tỉnh nghèo nhất của Việt Nam.

Thiệt hại là đáng kể. Hàng trăm tấn thuỷ sản đã bị chết theo hơn 125 dặm bờ biển; Formosa sẽ trả tiền bồi thường 500 triệu đô la.

Nhưng từ vụ xả thải Formosa cũng le lói một chút ánh sáng. Theo các nhà nghiên cứu và các nhà hoạt động, vụ việc đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động môi trường cơ sở ở Việt Nam, thúc đẩy dân chúng dọc bờ biển sử dụng điện thoại thông minh và truyền thông xã hội để ghi lại tác động bi thảm của công nghiệp và phát triển không được kiểm soát.

Công việc của họ là ghi lại những hiện tượng bất thường trong các khu vực dễ bị tổn thương môi trường trên toàn quốc. Từ những cánh đồng lúa xanh mướt của đồng bằng sông Cửu Long đến bờ sông Hồng ở Hà Nội, các nhà khoa học công dân đang theo đuổi hoạt động môi trường, sử dụng công nghệ mới, bao gồm các ứng dụng thu thập và lập bản đồ miễn phí như iNaturalist, Fieldscope và Marine Debris Tracker. Ngoài việc mang lại hữu ích cho các nhà khoa học, các nền tảng này cho phép những người bình thường tham gia các nỗ lực bảo tồn cộng đồng bằng cách tải lên dữ liệu và quan sát định tính.

Loại tương tác này ngày càng thích hợp cho công chúng. Giống như phần còn lại của Đông Nam Á, Việt Nam đang chứng kiến ​​sự tăng trưởng nhanh chóng trong việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số, những ảnh hưởng trong đó đang thay đổi cả cuộc sống cá nhân và xã hội nói chung. Facebook hiện có khoảng 64 triệu người dùng trong nước, chiếm hơn hai phần ba tổng dân số. Khoảng một nửa trong số những người dùng đó được kết nối qua điện thoại thông minh. “Sự tiếp cận ngày càng tăng của người dân bình thường với Internet làm gia tăng hoạt động môi trường”, theo Trần Thị Thúy Bình, một thành viên 39 tuổi của Diễn đàn Môi trường Việt Nam tại Hà Nội, một diễn đàn được thành lập cách đây hai thập kỷ tập hợp các nhà báo quan tâm đến các vấn đề môi trường.

Không thiếu các vấn đề để họ ghi lại. Sau nhiều thập kỷ theo đuổi một chiến lược tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá, Chính phủ đang phải đối mặt với sự phản đối từ những công dân phẫn nộ do những thiệt hại gây ra bởi các ngành công nghiệp gây ô nhiễm. Những công dân này cũng thường đối phó với ô nhiễm không khí gia tăng, phá rừng, phá hủy rạn san hô và mực nước dâng cao ở sông Mekong và sông Hồng.

Chính phủ đang phải đối mặt với sự phản đối của nhiều công dân, những người phẫn nộ về những thiệt hại do các ngành công nghiệp gây ô nhiễm gây ra.
Câu hỏi lớn đặt ra đối với những người theo dõi sự xuất hiện của khoa học công dân ở Việt Nam là liệu điều đó có thực sự dẫn đến những thay đổi chính sách hay không hoặc liệu nó có cho phép việc ghi lại chi tiết hơn những vụ việc ô nhiễm môi trường.

Khoa học công dân là gì?

Khoa học công dân được mô tả tốt nhất là sự hợp tác của các nhà khoa học và tình nguyện viên để mở rộng phạm vi nghiên cứu và nâng cao việc thu thập dữ liệu khoa học. Phương pháp tiếp cận bao gồm từ việc giám sát dựa trên cộng đồng đến cộng đồng internet theo hướng thông qua tài liệu nhiếp ảnh và thu thập dữ liệu.

Tại một cuộc họp ở Nairobi, Kenya, tháng 12 năm ngoái, các nhà khoa học công dân nổi bật đã thành lập Đối tác Công dân Khoa hoạc Toàn cầu (Citizen Science Global Partnership - CSGP), một sự kiện xảy ra trùng với Đại Hội đồng LHQ về Môi trường. Theo tuyên bố nhiệm vụ của mình, CSGP nhằm mục đích kết nối các mạng lưới khoa học công dân hiện có với các nhà hoạch định chính sách và đại diện doanh nghiệp, trở thành “một mạng lưới các mạng lưới tìm cách thúc đẩy khoa học công dân vì một thế giới bền vững”.

Một đặc điểm trung tâm của khoa học công dân là một sự thay đổi trong cách khái niệm khoa học và thông tin được truyền đạt tới những người không phải là chuyên gia. Đó là một sự thay đổi không chỉ trong cách sử dụng các phương tiện truyền thông mà còn trong nội dung thực tế, với dữ liệu khó được bổ sung bởi giai thoại và tường thuật - ví dụ, dưới dạng các bài đăng trên blog. “Các nhà khoa học công dân thu thập nhiều hơn là dữ liệu. Họ thu thập ý nghĩa”, Richard Louv viết trong cuốn sách năm 2011 của ông với tựa đề “Nguyên tắc tự nhiên: Phục hồi con người và sự kết thúc của rối loạn tự nhiên”.

Ở các nước không dân chủ như Việt Nam, sự gia tăng của khoa học công dân cũng giúp đảm bảo rằng các cơ quan của nhà nước không còn độc quyền về việc phổ biến tin tức và thông tin về môi trường nữa. Stephan Ortmann, một nghiên cứu viên và trợ lý giáo sư về chính trị so sánh tại Đại học Hồng Kông, đã ghi nhận trong cuốn sách “Quản trị môi trường ở Việt Nam” năm 2017 của ông về việc Chính phủ Việt Nam đã cấm công dân tham gia xây dựng chính sách môi trường. Việc thành lập các thực thể môi trường chính thức, đặc biệt là Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2002, chủ yếu được thực hiện để phục vụ lợi ích của Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều này giải thích một phần lý do tại sao các chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy năng lượng xanh có ít lợi ích thực tế trong bảo vệ đất, nước và tài nguyên khoáng sản.

Công ty Lee & Man tại ĐBSCL

Tuy nhiên, sự xuất hiện của các tổ chức phi chính phủ tập trung vào môi trường là một nền tảng cho hoạt động môi trường cơ sở. Các nhóm này bao gồm các nhóm như Trung tâm Con người và Thiên nhiên (People and Nature Reconciliation-Pan Nature), một tổ chức phi chính phủ về bảo tồn và bảo vệ thiên nhiên; Trung tâm Tài nguyên nước và Phát triển (Center for Water Resources and Development- WARECOD) hỗ trợ sử dụng nước bền vững và bình đẳng giới trong tiếp cận nguồn lực; và Cải tiến và Phát triển Xanh Green Innovation and Development- Green ID) thúc đẩy phát triển bền vững. Cho đến nay, phong trào mới này đã không có cơ hội để định hình chính xác chính sách môi trường, nhưng có những dấu hiệu ngày càng tăng về tác động của nó.

Năm ngoái, ví dụ, nông dân và ngư dân ở Đồng bằng sông Cửu Long đã thành công trong việc đòi đình chỉ tạm thời nhà máy giấy và bột giấy do công ty Lee & Man của Trung Quốc điều hành, buộc nhà máy này phải thay đổi nước thải và giải quyết vấn đề mùi phát ra từ cơ sở này. Các quan chức và nhà khoa học của Đại học Cần Thơ, một trung tâm nghiên cứu nông nghiệp hàng đầu ở ĐBSCL có 9 trường cao đẳng, 2 viện nghiên cứu và hơn 45.000 sinh viên, cho rằng sáu trạm quan trắc nước dọc sông Hậu cần phải hoạt động đầy đủ để các trang trại lân cận sẽ không bị ảnh hưởng bất lợi bởi sự xả thải của nhà máy. Đáp lại, Bộ trưởng Môi trường Trần Hồng Hà, cùng với các nhà khoa học khác, đã đến thăm địa điểm và cho phép nối lại các hoạt động của các trạm giám sát.

Phản ứng của Nhà nước

Chính phủ đã tỏ ra quan tâm đến khoa học công dân. Ở Hà Nội, chính quyền địa phương về quản lý đô thị đã tạo ra một fanpage của cộng đồng Facebook, cho thấy các nhà chức trách ít nhất là tò mò về việc nhận phản hồi của người dân về các sáng kiến ​​và các vấn đề môi trường nói chung.

Hà Nội vẫn thường sử dụng những điều khoản mơ hồ về an ninh quốc gia để đàn áp tiếng nói bất đồng và tự do ngôn luận.

Tất nhiên, vẫn còn một sự căng thẳng cố hữu giữa các tổ chức cơ sở và Chính phủ. Chính phủ kiểm soát chặt chẽ thông tin và phản ứng gay gắt với những lời chỉ trích. Đảng Cộng sản đã kiểm soát các phương tiện truyền thông kể từ khi Việt Nam thống nhất vào năm 1975. Và trong những năm gần đây, Chính phủ đã ban hành các nghị định và luật mới cấm người dùng Internet đăng tải những nội dung bị coi là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Một biện pháp được gọi là Nghị định 174, được thông qua vào năm 2014, áp dụng thu tiền phạt đối với các bài chỉ trích Chính phủ đăng trên mạng xã hội. Thông tư 09, được ban hành vào tháng 10 năm 2014, yêu cầu chủ sở hữu trang web ngay lập tức gỡ bỏ nội dung theo yêu cầu của chính quyền, dẫn đến tự kiểm duyệt gia tăng.

Các tổ chức nhân quyền cũng đã ghi lại việc khoá và YouTube Facebook định kỳ để loại bỏ những gì Chính phủ coi là “nội dung độc hại”. Vào tháng 5 năm 2016, Facebook và Instagram bị chặn một thời gian ngắn khi xảy ra nhiều cuộc biểu tình về vụ xả thải Formosa.

Nghị định 174, được thông qua vào năm 2014, áp dụng thu tiền phạt đối với các bài chỉ trích Chính phủ đăng trên mạng xã hội

Hà Nội vẫn thường sử dụng những điều khoản mơ hồ về an ninh quốc gia để đàn áp tiếng nói bất đồng và tự do ngôn luận. Vào tháng 6 năm 2017, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, một blogger 37 tuổi với bút danh Mẹ Nấm và là nhà hoạt động môi trường, bị kết án 10 năm tù với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước”. Và tháng 11 năm ngoái, Nguyễn Văn Hoá, một nhà báo và blogger độc lập 22 tuổi, bị kết án bảy năm tù cũng vì tội danh này vì đã đưa tin về thảm họa Formosa.
Đồng thời, một số lượng ngày càng tăng các nhà kỹ trị và nhà hoạch định chính sách của Việt Nam nhận ra những lợi ích tiềm năng của kết nối lớn hơn để thúc đẩy sự cởi mở và minh bạch. Hà Nội dường như đã bật đèn xanh cho các tổ chức môi trường trong việc tìm cách giáo dục và thông báo cho công chúng về tác động của ô nhiễm công nghiệp dọc theo bờ biển và ở đồng bằng sông Cửu Long. “Tôi nhìn thấy sự phản đối xã hội chống lại ô nhiễm môi trường và các hành động có hại khác”, ông La Thăng Tùng, một nhà báo và thành viên của Hội Nhà văn Việt Nam nói. Rất nhiều nhà lãnh đạo chính trị muốn sửa chữa truyền thông”.

Hơn nữa, dường như có nhiều nỗ lực hơn để giáo dục và đào tạo những người trẻ tuổi tham gia vào khoa học công dân. Một số trường đại học, như Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, đang kết hợp khoa học công dân như là một phần của chương trình giảng dạy của họ, trong một số trường hợp có sự tham gia và hỗ trợ của nhà nước.

Hành động của Khoa học công dân

Không có gì bí mật, cho đến nay, những nỗ lực của Chính phủ để thực thi các biện pháp bảo vệ môi trường rất yếu, dẫn đến một loạt các vấn đề. Việt Nam đã mất 50% diện tích rừng nguyên sinh trong nửa thế kỷ qua. Việt Nam có thương mại xuất khẩu lớn thứ sáu trên thế giới về gỗ - trị giá hơn 7 tỷ USD mỗi năm - và hậu quả của nạn phá rừng là đáng kể, đe dọa đa dạng sinh học và xả thải một lượng lớn carbon dioxide.

Ô nhiễm không khí ngày càng tăng do số lượng xe máy ngày càng tăng, đặc biệt là ở Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có hơn 8 triệu xe trong số đó - chưa kể đến các khu công nghiệp rộng lớn và công trình xây dựng dường như vô tận. Ở tỉnh Nghệ An, trong khi đó, rác thải và ô nhiễm nước thải không được xử lý từ các nhà máy gần đó đổ hàng ngày vào sông Lam và các nhánh của nó.

Ô nhiễm không khí tại Hà Nội

Các nhà khoa học đang cố gắng hành động về những vấn đề này, và họ đang được hỗ trợ ngày càng nhiều bởi các tình nguyện viên công dân. Ví dụ, bà Lê Thị Vân Khoa, giảng viên về vấn đề nước tại Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, tập trung vào các cách giải quyết mực nước giảm ở đồng bằng sông Hồng ở miền bắc Việt Nam, vùng trồng lúa giàu nhất nước này. Vào năm 2017, Khoa đã giúp tổ chức Red River Delta Wing, một mạng lưới các tổ chức nghiên cứu các vấn đề môi trường ở phía bắc Hà Nội. Thông qua nghiên cứu thực địa của họ, các thành viên của mạng nhanh chóng đưa ra giải thích cho vấn đề mực nước: khai thác cát bất hợp pháp, kết hợp với đập và hồ chứa, đã hạn chế trầm tích quan trọng đối với sự ổn định của lòng sông.

Ở những nơi khác, các nhà khoa học công dân đã tận dụng sự gia tăng của thông tin khoa học trực tuyến có sẵn, cũng như các công cụ có thể được sử dụng để tổ chức công dân, huy động xung quanh những nguyên nhân gây ra sự quan tâm của công chúng. Vào tháng Tư năm 2015, người dân Hà Nội đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình chống lại quyết định của thành phố trong việc chặt hơn 6.000 cây cổ thụ. Phong trào “Cây xanh”, như nó đã được biết đến, không được tổ chức bởi bất kỳ nhà lãnh đạo hoặc tổ chức nhà nước nào. Thay vào đó, nó phát triển từ một cảm giác được chia sẻ rộng rãi về những gì Chính phủ đang làm. “Nhiều người trong số các nhà vận động lớn lên ở Hà Nội và chiến đấu cho thành phố, và trong suốt thời gian cây cổ thụ trở thành bạn đồng hành của họ”, Ngọc Anh Vũ, một giáo sư nghiên cứu tại Đại học Bath ở Anh, đã viết. Cuối cùng, các nhà chức trách ở Hà Nội đã phải lùi bước.

Một năm sau đó, các nhà khoa học công dân và các nhà hoạt động môi trường tại thành phố Hồ Chí Minh đã phát động một chiến dịch tương tự để cứu cây dọc theo sông Sài Gòn, những cây đã được đánh dấu để hủy diệt như là một phần của kế hoạch phát triển. Một lần nữa, các quan chức thành phố đã thay đổi.

Một cơn bão hoàn hảo ở đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long bao gồm 12 tỉnh trồng lúa và đô thị cấp tỉnh Cần Thơ ở phía tây nam Việt Nam, nơi sông Mekong tiếp cận và đổ ra biển thông qua một mạng lưới các chi lưu dày đặc. Đây là nơi sinh sống của hơn 20 triệu người và thường được gọi là vựa lúa của Việt Nam, vì nó chiếm hơn một nửa sản lượng gạo và trái cây của quốc gia.

Trong nhiều thế hệ, nông dân trồng lúa thu hoạch cánh đồng ngọc lục bảo của họ đã dựa vào hàng ngàn nhánh sông của sông Mekong để tưới nước cho cây trồng của họ. Tuy nhiên, một loạt các vấn đề - từ mực nước biển dâng lên đến ô nhiễm công nghiệp và xâm nhập mặn - đang hội tụ và đe dọa sinh kế của họ.

Ít nhất, nông dân Việt Nam đang nói với Chính phủ rằng họ sẽ không mù quáng chấp nhận các chính sách có hại.

Biến đổi khí hậu là một vấn đề ngày càng nghiêm trọng đối với nông dân”, theo Lý Văn Lợi, một sinh viên tại Đại học Cần Thơ và một thành viên của Mạng lưới Thanh niên Đồng bằng sông Cửu Long (Mekong Delta Youth Network- MDY), một nhóm sinh viên trong khu vực đã tiến hành nghiên cứu để nâng cao nhận thức về tác động của các đập thủy điện trên đồng bằng sông Cửu Long, trong số các vấn đề khác. “Việc xây dựng các đập thượng nguồn và nước biển dâng sẽ ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, và chúng tôi sẽ phải tạo ra các giống cây trồng mới để phát triển”.

Trong khi các vấn đề phải đối mặt với khu vực là khó khăn, đồng bằng sông Cửu Long là vị trí tốt để khai thác sức mạnh của khoa học công dân để giải quyết chúng. Những người nông dân sống dọc theo sông có kiến ​​thức giá trị để chia sẻ về các điều kiện đang thay đổi như thế nào, và các nhà khoa học công dân ngày càng tiếp cận để cố gắng học hỏi từ họ. Các nhà khoa học và sinh viên tại Đại học Cần Thơ, bao gồm cả các thành viên của MDY, đã tiến hành nhiều chuyến đi thực địa đến khu vực này.

Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng MDY đã thành công trong việc huy động giới trẻ Việt Nam hướng tới thông tin về môi trường”, theo Nguyễn Khiêm, người sáng lập của tổ chức này. “Nó giúp chúng ta hiểu được rẳng chúng ta đều được sinh ra ở vùng đồng bằng và hiểu quê hương của chúng ta”.

Về nguồn cảm hứng, Khiêm dựa trên mô hình tổ chức Thai Baan, được phát triển ở Thái Lan để biểu thị những nỗ lực bảo tồn và khai thác kiến ​​thức địa phương để bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Mô hình này được thực hiện ban đầu như là một cuộc biểu tình chống lại đập Pak Mun, được xây dựng vào năm 1994 ở miền đông Thái Lan mà không có bất kỳ sự tư vấn nào từ các công dân địa phương. Mặc dù các nỗ lực phản đối đã không thành công, mô hình liên quan đến các sáng kiến ​​nghiên cứu do nông dân dẫn đầu chứ không phải là các nhà khoa học - là một hình thức khoa học công dân hiệu quả, Tun Myint, giáo sư khoa học chính trị tại trường Carleton College ở Minnesota nói: Người dân địa phương trở thành người nghiên cứu của cộng đồng, đặc biệt là phụ nữ, những người được đào tạo về nhiếp ảnh và các kỹ thuật kể chuyện khác.

Cụ thể, MDY ủng hộ các chính sách giải quyết ô nhiễm nước, xâm nhập mặn và bảo vệ đa dạng sinh học. Mặc dù Khiêm lạc quan rằng những nỗ lực của tổ chức sẽ thành công, việc khuyến khích người dân tham gia không phải là không có những thách thức của nó, nhất là khi nghèo khó đang phổ biến ở đồng bằng sông Cửu Long. Như Khiêm nói, “Ở vùng đồng bằng, chúng tôi phải nỗ lực rất nhiều vào dự án của mình để khuyến khích sự tham gia vì những nông dân này chủ yếu quan tâm đến sinh hoạt hàng ngày của họ”.

Khoa học công dân và quyền năng

Bằng nhiều cách, đồng bằng sông Cửu Long là một môi trường hoàn hảo để chứng minh sức mạnh của khoa học công dân. Xét cho cùng, kích thước trung bình của một thửa lúa ở đây chỉ là 1,2 ha, hay khoảng 3 mẫu Anh. Và trong khi truy cập vào một điện thoại thông minh là ngoài tầm với của nhiều nông dân, chỉ cần một nhà khoa học công dân để trao quyền cho một cộng đồng với kiến ​​thức và một nền tảng. Bằng cách chia sẻ thông tin và tham gia lực lượng, nông dân Việt Nam đã có thể tạo ra một số ảnh hưởng đối với môi trường mà họ phụ thuộc vào sinh kế của mình. Ít nhất, họ đang muốn nói với Chính phủ rằng họ sẽ không mù quáng chấp nhận các chính sách có hại.

Với các vùng biển đang dâng cao và các đặc điểm khác của khí hậu thay đổi chạm đến cuộc sống hàng ngày của hơn 60 triệu người sống ở vùng hạ lưu sông Mekong, có lẽ không có gì ngạc nhiên khi sự quan tâm đến các vấn đề môi trường đang mở rộng. Bất chấp những hạn chế của Chính phủ, Internet và truyền thông xã hội khiến những người trẻ tuổi tự tin hơn. Với nó, họ đang sử dụng dữ liệu cho chiến dịch chống lại sự hủy diệt vẻ đẹp tự nhiên và tính bền vững của vùng.

ĐBSCL - vựa lúa phía Nam Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức môi trường

Tuy nhiên, không có gì đảm bảo rằng họ sẽ có thể thuyết phục Chính phủ hoàn toàn từ bỏ các chính sách đã được chứng minh là phá hoại. Sau hàng thập kỷ đã theo đuổi tăng trưởng kinh tế bất kể chi phí, câu hỏi đặt ra là liệu Việt Nam có thể quay lại phát triển bền vững và “tăng trưởng xanh” hay không và liệu họ có sẵn sàng chấp nhận mức tăng trưởng GDP ngắn hạn thấp hơn trong quá trình này hay không. Hơn nữa, ngay cả khi nhà nước áp dụng các quy định nghiêm ngặt về môi trường, các quy định này cần phải được thực thi ở cấp địa phương để tạo ra bất kỳ sự khác biệt nào, yêu cầu mức độ tuân thủ đối với một phần cán bộ địa phương.

Bên cạnh những thách thức này, những người ủng hộ khoa học công dân tin rằng họ đang chứng kiến ​​một sự thay đổi cơ bản cho phép người Việt Nam bình thường, lần đầu tiên định hình chính sách ảnh hưởng đến đất đai và khí hậu của họ. Đó là một hiện tượng có lẽ là một câu tục ngữ hay nhất của tục ngữ Việt Nam: “Phép vua thua lệ làng”.

J.B.
__________
Tác giả James Borton là một nhà báo đã viết về vùng Mêkông và Biển Đông trong hơn hai thập kỷ qua. Ông là một nghiên cứu viên tại Trung tâm Stimson ở Washington, DC, và hiện đang viết một cuốn sách về an ninh môi trường ở Biển Đông.
VNTB gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn