“Chủ quyền đất nước” trong mắt một luật sư

Nguyễn Thị Lan Hương

Đoàn Luật sư Hà nội

Nhân một lãnh đạo cao cấp của Chính phủ Việt Nam tuyên bố rất rõ ràng về

Không một ai có thể vào đây làm việc gì khi đất nước ta đang có chủ quyền”(1), tôi, với tư cách một luật sư và đã tham gia hoạt động tư vấn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam hơn 25 năm, xin có một vài chia xẻ nhỏ với các vị đại biểu Quốc hội Việt Nam, các lãnh đạo thuộc Chính phủ Việt Nam và tất cả những ai tự cho mình là người Việt Nam, những người sống chết vì dân tộc Việt Nam và vì đất nước này, với hy vọng, chúng ta cần khiêm nhường học và hiểu rõ rằng, tuyên bố mồm là một chuyện, còn thực trạng như thế nào là một chuyện khác và nó chẳng hề phụ thuộc vào những lời lẽ to lớn ai đó muốn tuyên.

Một vài chuyện đời thường nho nhỏ của một luật sư:

Chuyện 1: Tư vấn hợp đồng chuyển nhượng đất vườn ở Đà Nẵng cho một người Mỹ gốc Việt

Năm 2006, qua nhiều năm làm đối tác với một hãng luật của Mỹ ở Việt Nam, một partner (luật sư có cổ phần của hãng) của hãng luật Mỹ nhờ tôi giúp cho con trai mình (con nuôi), gốc Việt về Đà Nẵng mua mấy hecta đất vườn của ai đó mà họ hàng lâu năm.

Tôi có giải thích việc nếu là người Mỹ, không có cách gì để sở hữu và mua bán đất đai ở Việt Nam. Nhưng sau đó, vì dẫn giải nhiều đến tình cảm quê hương của bạn con nuôi với Việt Nam, rằng vì mua là cách giúp họ hàng có thêm tiền, vân vân và vân vân… tôi đành hướng dẫn bạn người Mỹ gốc Việt ủy quyền cho họ hàng của mình ở Việt Nam đứng tên mua dùm, cùng với lời cảnh báo là luôn có rủi ro nếu người nhận ủy quyền thay đổi ý định từ “giúp đỡ đứng tên hộ” sang “chiếm đoạt” luôn tài sản. Chuyện này cuối cùng diễn ra tốt đẹp, vì họ hàng của bạn này là những người nông dân chân thật.

Tuy nhiên, theo thời gian kể từ 2006 đến nay, thực tế đang diễn ra, không chỉ ở Đà Nẵng, mà ở hầu hết các khu vực có khả năng kinh doanh và làm dịch vụ du lịch, chúng ta đang nhìn thấy một sự thật: người Việt đứng tên sở hữu đất trên giấy tờ, nhưng thực tế lại là người nước ngoài, nhất là người Trung Quốc, và thậm chí tại các khu vực nhạy cảm của an ninh quốc phòng(2).

Chủ quyền là thế nào trong hoàn cảnh này?

Chuyện 2: Tư vấn tổ chức hoạt động cho một người Úc về hưu ở Hội An làm dịch vụ giới thiệu và môi giới du lịch

Tôi có quen thân với một bác giáo sư già người Úc, về hưu qua Việt Nam chơi và quyết định ở lại Hội An sống. Để có việc làm cho vui, hai vợ chồng ông quyết tâm giới thiệu Hội An với người Úc, đưa sinh viên Úc qua Việt Nam và Hội An trong các kỳ học, nhằm làm phong phú thêm những hiểu biết của người Úc về Việt Nam. Tuy nhiên, vì vấn đề báo cáo thuế và tài chính cá nhân, bác này chỉ lập công ty tại Úc, và thỏa thuận hợp tác với các cá nhân và đối tác ở Hội An, Việt Nam, mặc dù có thể bác hỗ trợ họ nhiều hơn là chỉ marketing thị trường Úc thuần túy.

Bác cũng nhờ tôi giúp tư vấn các cấu trúc và phương thức hợp tác để đảm bảo hoạt động của bác là phù hợp với Việt Nam và cả Úc. Chuyện chỉ có thế.

Nhưng khi nhìn đến các dịch vụ du lịch 0 đồng, du lịch số đông tràn lan ở các khu vực biển của Việt Nam do một số các tổ chức người Việt và nước ngoài hợp tác, mô hình hợp tác giữa đối tác Việt và nước ngoài đã bị “biến thái”, dưới hình thức, người Việt chỉ đăng ký tên và giấp phép kinh doanh, mọi vấn đề được bên nước ngoài quản lý và kiểm soát từ A đến Z(3).

Thậm chí, người Việt, ngay trên đất Việt, đã phải ca than lên “Họ nắm hết, chỉ báo số lượng người qua thôi… còn lại mọi thứ họ đều quản lý cả”… quản đến cả người hướng dẫn viên du lịch “chui”, giới thiệu sai về lịch sử đất nước Việt Nam… chúng ta cũng chả biết làm sao(4)!

Chuyện các bạn Trung Quốc giỏi làm dịch vụ thì không ai phải bàn… Vì ngay ở Mỹ, tôi cũng đăng ký tour với các bạn này khi mới sang, vì giá rẻ do họ nắm được các nguồn cung cấp dịch vụ tốt, họ phục vụ số lượng lớn người Trung Quốc nội địa đi tham quan. Nhưng ở Mỹ, cấm thấy ai giới thiệu sai về Abraham Lincoln, các tượng đài hay bảo tàng ở Mỹ… mặc dù nói thật là tôi cũng không thấy mấy ai trong các đoàn du lịch tôi đi cùng vào năm 2012 thực sự lắng nghe về lịch sử nước Mỹ. Họ thích chụp ảnh, thích ăn uống, tán chuyện ầm ĩ nhiều hơn, trên các tour đến Mỹ!

Có lẽ đi du lịch ở Mỹ khác hơn ở Việt Nam chăng? Và nếu vậy, liệu Việt Nam có nên sang học Mỹ cách quản lý du lịch sao cho không ai có thể dùng hướng dẫn viên nói sai về lịch sử đất nước mình được không?

Chủ quyền là thế nào trong hoàn cảnh này?

Chuyện 3: Tư vấn cho một tập đoàn giáo dục về phát triển dự án giáo dục tại Việt Nam

Năm 2008-2012, tôi làm tư vấn phát triển một loạt các dự án giáo dục nước ngoài vào Việt Nam, trong đó bao gồm cả việc xin đất dành cho giáo dục để xây dựng trường lớp. Nghị định 73 áp dụng cho trường hợp đất dành cho giáo dục được cung cấp đất sạch, chỉ phải trả giá bồi thường đất cho dân (theo giá thị trường hay không thì tùy chỗ, tùy quan hệ) và tiền xây dựng cơ sở hạ tầng.

Điều rất lạ, hầu hết các trường công và dân lập Việt Nam không thể hay rất ít vào được các khu dự án đầu tư bài bản về hạ tầng, có chủ đầu tư có uy tín… mà chỉ có một vài (đếm trên 1 bàn tay) có thể xin đất dự án làm trường kiểu này.

Thú vị hơn, mặc dù được ưu đãi về đất đai, thuế (thuế doanh nghiệp dành cho giáo dục là 10%), hành xử của nhà đầu tư này với giáo viên Việt Nam, phụ huynh và học sinh rất rất tệ. Điều có thể thấy rõ, là ai đó đứng “bảo kê” cho tập đoàn giáo dục này, khi bản thân họ tự động thay đổi chương trình giảng dạy (đã cam kết) với học sinh và phụ huynh, mà không hề phải chịu bất kỳ trách nhiệm gì.

Năm 2012, khi kết thúc làm việc cho tập đoàn với việc bị từ chối trả lương và thưởng, tôi được chủ tịch tập đoàn này chia xẻ kinh nghiệm như sau: “Nếu mày ở Singapore bọn tao, luật pháp giúp mày thắng kiện, còn ở đây, ở Việt Nam, tiền bảo vệ tao, và tao đố mày đi kiện tao được đấy”. Điều này được chứng minh là sự thật với 3 năm sau đó, khi chủ tịch tập đoàn trả rất nhiều tiền cho một luật sư đã từng học thạc sỹ luật ở Nga và ở Mỹ về làm đại diện, theo đó, các nhà bảo vệ pháp luật của Việt Nam, nhân danh luật pháp Việt Nam ở Tòa án Thành phố Hồ Chí Minh đã gọi tôi ra khuyên “Nó là thằng to, nó lại nhiều tiền, nhiều quan hệ, em chỉ là cá nhân, em kiện làm gì, dù ai cũng thấy là em đúng luật”.

Chủ quyền là gì trong hoàn cảnh này? Ai bảo vệ người dân Việt Nam, dù họ đúng luật?

Chuyện 4: Quán ăn Huế, cà phê Việt và những món ăn Việt bị “xài” ở nước ngoài

Chuyện này thì quá xa xưa, là chuyện của quán ăn Huế tôi và gia đình yêu thích hơn 17 năm ở Sài gòn. Nó không chỉ là quán ăn, mà giống như là nơi gia đình tụ tập với người quen, vì từ chị Hai, chị Ba đến con cái họ, gia đình tôi quen và thân lắm, dù chỉ là qua ăn chút vài đĩa bánh bèo, bát bún bò Huế, nhưng đúng là Huế.

Năm 2015, thấy chị Phương - chị Ba và là người quản lý quán hay đi vắng, tôi hỏi thăm thì được biết, đợt này, có ai đó bên mấy thành phố lớn thật là lớn của Trung Quốc mời chị sang hợp tác làm ăn… Chị dạy họ cách nấu ăn, quản lý nhà hàng từ kinh nghiệm mấy chục năm gia đình chị có, họ đầu tư vốn, mặt bằng, con người… rồi lời chia 50:50. Chị Phương say mê lắm, đi đi lại lại suốt mấy tháng gần cả năm, sau đó thở dài bảo, nó bảo là cách nấu của mình dạy nó không đúng, nó không muốn hợp tác nữa!

Chuyện chỉ có thế thì thôi… đành bảo ngu ráng chịu vậy! Nhưng đâu chỉ có thế?

Khi tôi đi dọc theo các bang và thành phố lớn ở Mỹ đợt vừa rồi, tôi mới nhận ra một thực tế: phở Việt được nấu bởi người Hoa, cà phê Việt (hoặc được quảng bá là của Việt), nhưng không hề có gì chắc là cà phê Việt… tất cả đều gây hiểu là của Việt Nam, trừ người chủ là người Mỹ gốc Hoa.

Trong một thời buổi toàn cầu này, việc lấy công thức rồi về tự xào nấu, rồi tự quảng cáo là nguồn gốc từ đâu đó (lợi dụng uy tín thương hiệu địa lý mà người ta mất hàng chục, hàng trăm năm gây dựng), có lẽ cũng là chuyện thường tình thì phải… nhưng đến khi phải ăn sushi (mà tôi tự thấy là đồ dởm), và cũng của một ai đó gốc Hoa, thì tôi nhận ra, có lẽ lời nhận xét của Michel Dallemange - Chủ tịch Tập đoàn Unilever (2000-2008) về hàng giả và cố tình giả xuất xứ vẫn đúng cho Việt Nam, và không chỉ Việt Nam

Những gì là tốt đẹp của đất nước chúng mày (Việt Nam), chỉ trong vòng có vài tuần, vài tháng và vài năm… nếu không có chính sách bảo vệ thương hiệu như một tài sản quý, tao không nghĩ Việt Nam sẽ còn lại cái gì”

Liệu ai còn thích ăn sushi mà không thể nhận ra đó là sushi của Nhật? Và tương tự vậy, với phở, với cà phê Việt và vô vàn các món ăn khác được “fake hóa” dưới danh nghĩa cho “phù hợp với người địa phương” ở Mỹ có là lý do chính đáng…

Chủ quyền là gì trong những câu chuyện về ẩm thực, về văn hóa ẩm thực, về những hàng fake đội lốt Việt Nam ở nước ngoài?

Tôi muốn nhận được trả lời từ các lãnh đạo Việt Nam về những vấn nạn trên.

Hãy chấm dứt tuyên bố mồm về chủ quyền to tát, trong khi những hành động nhỏ nhưng thiết thực và có ý nghĩa sống còn với người dân, với đất nước thì bị “tê liệt” từ não trạng, vì tất cả những hiện tượng trên (chưa bao gồm đến những vấn nạn “khủng khiếp” của hệ thống những kẻ bán chủ quyền đất nước và nhân dân Việt Nam qua mạng internet và tài khoản hơn 60 triệu người Việt), đã và đang diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau, ngay trên đất nước này rồi.

N.T.L.H.

__________

Tài liệu tham chiếu:

(1) https://baomoi.com/luat-dac-khu-khong-ai-co-the-vao-day-lam-viec-gi-khi-ta-dang-co-chu-quyen/c/26312696.epi

(2) http://baophapluat.vn/kinh-te/he-luy-tu-viec-nguoi-nuoc-ngoai-lach-luat-mua-dat-ven-bien-da-nang-384188.html

(3) https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/kiem-soat-hanh-vi-tiep-tay-nguoi-nuoc-ngoai-lam-du-lich-chui-930316.html

(4) https://nld.com.vn/thoi-su/nguoi-trung-quoc-huong-dan-du-lich-trai-phep-huong-dan-vien-tieng-hoa-keu-cuu-20170920155313893.htm; https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/200-huong-dan-vien-buc-xuc-vi-nguoi-trung-quoc-lam-du-lich-chui-3644348.html;

Tác giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn