Khủng hoảng xã hội tại Việt Nam: kinh tế hay tín nhiệm xã hội?

Ánh Liên (VNTB)

Trong một bài viết của tác giả được đăng tải lại bởi BBT Boxitvn (Cách mạng 4.0 hay những người yếu thế bị bỏ rơi) và được Boxitvn đã đặt vấn đề: Nhưng bao giờ mới có thể xuất hiện cuộc khủng hoảng mong đợi ấy? Hay là không bao giờ cả, nghĩa là khủng hoảng luôn luôn bị dẹp bỏ từ trong trứng nước? Hình như người trí thức trong xã hội dân sự lâu nay vẫn thường tự hỏi, và vẫn đành… tự bỏ ngỏ một câu trả lời.

Khủng hoảng xã hội: bắt đầu từ bất ổn kinh tế?

Khủng hoảng xã hội đã từng xảy ra (thập niên 80 - TK XX) và đó không là sự kiện cuối cùng. Thế nhưng, sự thay đổi hình thái kinh tế - xã hội bắt đầu từ ĐH VI vẫn cho phép Nhà nước Việt Nam giữ được ổn định trong giới hạn cho phép.

Chu kỳ khủng hoảng với mở màn của cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ sắp diễn ra (2021), và trong một nền kinh tế yếu ớt, phụ thuộc như Việt Nam cũng đang có những dấu hiệu mang tính khủng hoảng, nhất là khi các đề xuất về mặt hàng cơ bản (như xăng dầu) thông qua lớp bọc dân sinh (bảo vệ môi trường) đang dự kiến lên mức tối đa. Sự độc đoán, chuyên quyền, không chấp nhận những ý kiến khác với mình của Nhà nước đối với Luật đặc khu hay Luật an ninh mạng cũng chỉ làm gia tăng bất mãn xã hội và đưa khủng hoảng lên mức cao hơn.

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgQU5oBmmqkI56UbCcV8ZtnJ_Gw_lCyqdKmYTjSRWwQX8r3-7k4sSp6u1h7wOTprzzRBKVGfDxD4WK3vFaLp8wgo0mgWG06oH-R9zGQIT8Zr33l7vZL6IC73zdgbIsTyz2GKV6Dd6X_hw8/s1600/0e72edb152d77a11f50b8e3b7d41a1e4.jpg

Ảnh minh họa

Riêng về mặt kinh tế, GDP Việt Nam năm 2017 là 6,81%, năm 2018 - GDP Việt Nam được ADB dự báo là 7,1%, còn ICAEW thì ở mức 6,6%. Dù dự báo nào đi chăng nữa thì bản chất tính khả quan này vẫn là câu hỏi lớn. Lý do, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam vẫn còn yếu kém; bản chất của sự tăng trưởng dựa trên yếu tố hòa nhập hình thức của Việt Nam hiện đã kết thúc; tăng trưởng 2 con số là tốt, tuy nhiên, cam kết ngân sách cũng cần phải được giữ vững, và có vẻ Việt Nam đang cho thấy sự thâm hụt ngân sách của mình, hay nói cách khác, Việt Nam đang đi vào con đường nợ nần. Đó là chưa kể, biểu hiện của sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam hiện tại có xu hướng gắn liền với doanh thu thuế.

Trong một số liệu Quyết toán năm 2016 mà Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo trước Quốc hội vào tháng 5.2018 thì mức bội chi ngân sách năm 2016 là 248.728 tỷ đồng (tỷ lệ 5,52% GDP), con số này là thấp so với các năm trước đó (2012 - 5,36%; 2013 - 6,6%; 2014 - 6,33%; 2015 - 6,28%. Còn bội chi ngân sách năm 2018 dự kiến là 204.000 tỷ đồng (3,7%). Tất cả đều là những con số đầy lạc quan và triển vọng. Dù vậy, vào tháng 4.2018, tổ chức Moody’s dù đánh giá mức phát triển nền kinh tế Việt Nam ở 6,7% trong năm 2018, tuy nhiên mức nợ Chính phủ cao và thâm hụt ngân sách nới rộng là những nhân tố gây sức ép đối với bậc xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam. Và trong thực tế, 15 ngày đầu năm 2018, ngân sách đã thâm hụt 18,400 tỷ đồng.

Đặt vấn đề là mức thâm hụt ngân sách ở mức 3,7% hay cao hơn đi chăng nữa, thì con số này vẫn không phản ánh quá nhiều vấn đề. Ví dụ, Mỹ là quốc gia thường xuyên từng thâm hụt mức ngân sách lên đến 9% vào khủng hoảng 2008 hay Nhật Bản cũng vậy. Tuy nhiên, thâm hụt ngân sách không phải là yếu tố hiện diện khủng hoảng, mà công cụ tài chính có phong phú không để xử lý thâm hụt ngân sách mới chính là vấn đề. Ví dụ, thâm hụt ngân sách của Mỹ vào năm 2009 là 9,8% nhưng năm sau đã hạ xuống còn 2,1%. Sự linh hoạt về ngân sách - vốn là cơ sở để xử lý các cuộc khủng hoảng Việt Nam vẫn đang thiếu, cũng như sự bị động về huy động tiềm lực xã hội của nhà nước trong giải quyết khủng hoảng.

Mức độ tín nhiệm xã hội: xuống thấp?

Tiếp tục đặt vấn đề rằng, năm 2007-2008 khủng hoảng kinh tế bùng nổ và Việt Nam chịu tác động, nhưng khủng hoảng xã hội không xảy ra thì liệu yếu tố ổn định này sẽ tiếp tục giữ vững trong các chu kỳ khủng hoảng tương lai?

Ở đây cần nhận biết rằng, tác động khủng hoảng kinh tế theo chu kỳ 10 năm là ngoại lực, và nội lực là mức độ tín nhiệm xã hội của nhà nước. Sẽ rất khó xảy ra khủng hoảng xã hội khi người dân vẫn duy trì thuộc tính ‘hạnh phúc, lạc quan’ top thế giới. Tuy nhiên, sự ‘lạc quan’ của người dân đối với chính sách, chủ trương của Nhà nước đang tiếp tục xói mòn, những phát biểu động viên tăng trưởng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối với các tỉnh thành Việt Nam hay lời kêu gọi tin tưởng vào Đảng, nhà nước về mặt chủ trương, chính sách từ Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hay Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bị đánh giá là rỗng tếch, khôi hài và nhàm chán.

Trong cuộc khủng hoảng thập niên 80 (thế kỷ XX) Nhà nước Việt Nam từng gây điêu đứng về nạn đổi tiền (khủng hoảng tờ 30 đồng) và sau đó, tại Hội nghị VI, Nhà nước và ĐCSVN cũng đã rút ra những kết luận liên quan đến khủng hoảng để khắc phục (mở cửa, đổi mới qua xóa bỏ cơ chế quan liêu - bao cấp). Tuy vậy, yếu tố mà ĐH VI không thể đặt ra và điều chỉnh chính là hiện tượng liên kết giữa doanh nghiệp tư cỡ lớn và chính quyền ngày càng gia tăng; và sự ra đời và phản ứng của người dùng mạng xã hội.

Trong các năm trở lại đây, khi yếu tố liên kết trong doanh nghiệp với chính quyền càng siết chặt thì mạng xã hội lại càng được mở rộng và có phản ứng mang sắc thái tiêu cực trong mắt chính quyền. Ở một góc chiếu khác, thì mạng xã hội trở thành dư luận chính mà nhà nước phải tham khảo hoặc điều chỉnh các chính sách, chủ trương của mình. Hiểu theo góc nhìn được lan truyền phổ biến trên mạng, thì bản chất mạng xã hội vừa ‘giải thiêng chính thể’, vừa thúc đẩy sự minh bạch cần có trong hệ thống chính quyền mà người dân mong muốn. Sự kiện 6700 cây xanh tại Hà Nội năm 2015 hay các cuộc biểu tình liên quan đến dự luật gần đây đã vừa phản ánh nhận thức của mạng xã hội, vừa phản ánh trạng thái liên kết giữa doanh nghiệp và chính quyền.

Một khi sự tín nhiệm của xã hội đi xuống (dựa trên mức độ phản ứng tiêu cực của người dùng mạng xã hội Việt Nam) thì đây sẽ là yếu tố giúp nhận thức lại tình trạng xã hội, tạo ra cảm xúc xã hội mới (bao gồm xóa bỏ sự sợ hãi), một số đi đến thúc đẩy tinh thần đối lập xã hội.

Vậy tín nhiệm xã hội còn được biểu hiện ở trạng thái nào? Trong một ví dụ rất đơn giản, đó là câu chuyện huy động vàng và USD từ Chính phủ liên tục gặp thất bại xuất phát từ mức độ tín nhiệm thấp đó. Trong khi đó, gần đến chu kỳ 10 năm khủng hoảng tài chính toàn cầu (2008-2009), thì Việt Nam có vẻ đang tiến vào quỹ đạo mà Chính phủ Latvia đã từng trải qua trước đó với các đặc tính như: Chính phủ điều hành kinh tế yếu kém; sự tín nhiệm của dân chúng đối với Chính phủ tụt giảm; thất nghiệp gia tăng; hoãn trả lương cho đối tượng hưởng lương theo ngân sách; tăng thuế (tỷ lệ huy động thuế, phí của Việt Nam theo WB cho biết vào năm 2017 ở khoảng 20%, cao hơn so với Thái Lan là 16,1%, Philippines 13,5%, Indonesia 12,4% và Malaysia 14,3%).

Như thế, cốt lõi của sự thay đổi chính là tìm kiếm sự khủng hoảng, và hoảng sợ ‘đỏ sàn chứng khoán’ vừa qua cho thấy mong muốn sự thay đổi và sự tự do của người Việt.

Khủng hoảng tạo ra kẻ thù của nhà nước?

Trong một hệ thống mà bất kỳ ai kêu gọi thay đổi, dù nhỏ đến đâu, trở thành kẻ thù của nhà nước thì khủng hoảng lại tạo ra nhiều kẻ thù của nhà nước. Tương tự, sự khủng hoảng xã hội có thể tạo ra nhiều kẻ thù của nhà nước, và ngược lại, nhiều kẻ thù nhà nước có thể tạo ra khủng hoảng.

Sự kiện tiêu cực tại Hà Giang và mô hình quản trị nhà nước bởi lớp người trong gia đình như ông Triệu Tài Vinh sẽ bào mòn cái yếu tố tin tưởng vào nhà nước, dẫn đến sự phản ứng vào thực tế chính trị, đưa đến khả năng nhà nước bị cô lập, dẫn đến chính thể tàn nhẫn hơn. Nhưng càng tàn nhẫn thì càng bị cô lập, càng bị cô lập bởi niềm tin xã hội thì càng tàn nhấn, điều này sẽ khiến xã hội Việt chống lại chính thể khi nền kinh tế suy thoái. Trang tin VOV đặt hẳn vấn đề, ‘nếu dối trá được nuôi thành hệ thống’, hiểu nôm na là hệ thống nhà nước đã trở thành bà đỡ của dối trá và tiêu cực xã hội. Hệ quả là gì? Trong một bài viết gần đây trên báo lề trái, đã có một ví von khá chính xác, đó là sự kiện tiêu cực ở Hà Giang sẽ tạo ra một lớp ‘phản động’ trẻ tuổi. Phản động tuổi trẻ chính là nhóm chủ thể đi đến một giới hạn của sự chịu đựng về những bất công, phi lý được áp đặt trong xã hội và họ tìm kiếm các giá trị cho sự thay đổi.

Cần nhắc lại, vào sáng ngày 09.06.2017, tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XIV, Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) nói trước Quốc hội về 6 điều bất an mà nhân dân luôn bức xúc như tham nhũng, lãng phí, thương mại hóa quan hệ xã hội, tài nguyên cạn kiệt và vấn đề an toàn sống…

Câu hỏi tiếp theo là sự bất bình về kinh tế, khủng hoảng kinh tế có thể gây ra khủng hoảng xã hội? Nhiều người vẫn tin rằng cuộc khủng hoảng có thể bị thổi phồng, bởi ĐCSVN kiểm soát nhà nước Việt Nam, sở hữu một năng lực trấn áp mạnh mẽ - bao gồm 6.7 triệu công an (số liệu từ Giáo sư Carl Thayer công bố vào năm 2017).

Rõ ràng khi sự tín nhiệm xuống thấp, phản ứng xã hội xảy ra ngày một nhiều thì sự sợ hãi xã hội sẽ giảm. Sự phản ứng của người dân trước chính sách nhà nước về đặc khu kinh tế ngày càng gia tăng đến mức bất ngờ chính là tính điển hình cho luận điểm nói trên. Từ cuộc biểu tình tự phát đầu tiên chống Trung Quốc và bảo vệ chủ quyền biển đảo năm 2007 đến cuộc biểu tình với quy mô lớn sau năm 1975 như vừa qua. Số lượng người bất bình xã hội, tham gia vừa qua có thể đạt mức trung bình 5.000 người, nhưng tình hình sắp tới không thể không dừng tại đó, bởi 5.000 người có thể nhanh chóng thành 10.000 hoặc 100.000 người. Và tại Tp. HCM, nếu con số lên mức 200.000 người thì không còn có khả năng kiểm soát được khủng hoảng xã hội.

Như vậy, khủng hoảng xã hội xuất phát từ niềm tin xã hội bị đổ vỡ; sự gia tăng nhận thức trên mạng xã hội mới là cốt lõi (bên cạnh là tác động ngoại lực bên ngoài như khủng hoảng kinh tế). Hay đúng hơn, nhu cầu tự do và sự thay đổi của người dân đã tiếp tục gia tăng.

A.L.

VNTB gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn