Cách mạng 4.0 hay những người yếu thế bị bỏ rơi

Ánh Liên

Điều quan trọng, chính sách đất đai hiện tại liên đới đến bản chất thể chế, là một trong những lằn đỏ mà chính đảng (ĐCSVN) nghiêm cấm đụng vào. Chạm vào bản chất này, đồng nghĩa với tội danh chống lại Đảng CSVN và Nhà nước CHXHCNVN.

Vậy bao giờ hiện trạng người yếu thế trong lĩnh vực đất đai sẽ được chú ý giải quyết? Câu trả lời là cần một cuộc khủng hoảng xã hội.

A.L.

Nhưng bao giờ mới có thể xuất hiện cuộc khủng hoảng mong đợi ấy? Hay là không bao giờ cả, nghĩa là khủng hoảng luôn luôn bị dẹp bỏ từ trong trứng nước? Hình như người trí thức trong xã hội dân sự lâu nay vẫn thường tự hỏi, và vẫn đành… tự bỏ ngỏ một câu trả lời.

Bauxite Việt Nam 

Trong tuần thứ hai của tháng 7, có hai sự kiện nổi bật trên báo giới Việt nam. Một là bà Lê Thị Hồng Phượng (TP.HCM), 64 tuổi nhưng đã mất 40 năm tìm kiếm công lý cho 16.000m2 đất của gia đình bị chiếm đoạt bởi cán bộ địa phương; người mới đây đã tìm cách tự vẫn trước văn phòng Tiếp công dân tại Hà Nội.
Người thứ hai là cô nàng Sophia, người mới đây đã có phát biểu trong diễn đàn cấp cao về công nghiệp (4.0) do Chính phủ và Ban kinh tế Trung ương đồng chủ trì, trong đó cô nàng phát biểu: Việt Nam cần có chính sách đảm bảo quyền lợi cho những thành phần dễ bị tổn thương từ cách mạng công nghiệp 4.0.

Với bà Lê Thị Hồng Phượng - người bị tước đoạt tài sản với sự uất hận mà bà tự nhủ là 'cay đắng gấp trăm ngàn lần', - thì xuất phát điểm của bất công đến từ chính sách của 'bên thắng cuộc', khi họ 'tạm giữ tài sản' đất đai khiến cho gần 40 năm sau, gia chủ không còn trong tay một m2 đất để an táng người thân.

Còn với Sophia, người đã đề cập đến một vấn đề mang tính thiết thực, thì ngay trong cả cuộc cách mạng công nghệ 4.0, điều cần thiết vẫn là đảm bảo cho những người yếu thế, dễ bị tổn thương, không bị bỏ lại sau lưng. Nói cách khác, các thành phần trong xã hội liên quan đến vấn đề ruộng đất cũng phải nằm trong đó. Bởi hơn 40 năm qua, chính sách ruộng đất đã tạo ra một tầng lớp dân oan lớn trong xã hội; cuộc cách mạng công nghiệp và đổi đất lấy hạ tầng ở một số địa phương trong cả nước cũng đã dẫn đến sự bần cùng hóa (mà Karl Marx đã từng gọi gọi Verelendung - sự bần cùng hóa trên cơ sở chiếm hữu tư liệu sản xuất) một lớp người (dân) đông đảo, đến mức họ buộc phải tha phương cầu thực hoặc trở thành dân oan tại thủ đô Hà Nội.

clip_image002

Bà Lê Thị Hồng Phượng được ông Nguyễn Hồng Điệp - Trưởng ban tiếp công dân Trung ương tiếp và chia sẻ những khó khăn của ông, đó là trường hợp hiếm hoi mà ông tiếp riêng. Trong khi đó, có những người như bà Phượng, những người dành 'cả tuổi thanh xuân' để đi đòi quyền lợi chính đáng về đất đai có thể tập hợp thành một vài tiểu đoàn. Ngay như Hà Nội, vườn hoa Mai Xuân Thưởng được biết nhiều dưới cái tên vườn hoa dân oan cũng đã thể hiện đặc sắc thuộc tính gia tăng dân oan vì đất đai; cũng như “dân oan” đã trở thành một tầng lớp trong cấu thành xã hội Việt Nam đương đại.

PGS.TS. Erik Harms, Đại học Yale (Mỹ), trong một bài viết trên Zing, đã cho rằng: “Phát triển là dành cho người dân, không phải cho dự án”. Tuy vậy tại Thủ Thiêm, dự án đã trở nên quan trọng hơn người dân. Thực ra, chính xác hơn là Thủ Thiêm chỉ là một phần nhỏ và là biểu hiện đậm nét của chính sách đất đai. Trong đó, ưu tiên cho dự án hay lớp chủ đầu tư siêu giàu, và thực sự bỏ rơi người dân yếu thế có liên quan.

Vấn đề đầu tiên và cuối cùng để giải quyết sự gia tăng nhóm người yếu thế trong lĩnh vực đất đai tại Việt Nam vẫn là chính sách, nói như Sophia thì cần có chính sách đảm bảo quyền lợi cho những thành phần dễ bị tổn thương. Đó bao gồm cả việc sửa đổi Điều 62 - Luật đất đai 2013 theo hướng có lợi cho người dân, tiến tới xóa bỏ nguyên tắc 'đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu'.

Tuy nhiên, rất khó để sửa đổi hay xóa bỏ chính sách nêu trên, mặc dù bản thân nó 'tạo ra máu', bởi nó bảo hộ cho một tầng lớp siêu giàu trong xã hội, tầng lớp quý tộc kinh quyền mới, một tầng lớp được lợi từ sự bần cùng hóa hay đúng hơn, ‘chính sách máu’ là cơ sở cho sự giàu lên của tầng lớp này. Do đó, các cuộc cải cách chính sách tại Việt Nam chủ yếu là nhằm vào cải cách hệ thống chính sách hành chính; cải cách chính sách đối với lượng lực vũ trang hơn là tập trung cải cách chính sách về đất đai.

Điều quan trọng, chính sách đất đai hiện tại liên đới đến bản chất thể chế, là một trong những lằn đỏ mà chính đảng (ĐCSVN) nghiêm cấm đụng vào. Chạm vào bản chất này, đồng nghĩa với tội danh chống lại Đảng CSVN và Nhà nước CHXHCNVN.

Vậy bao giờ hiện trạng người yếu thế trong lĩnh vực đất đai sẽ được chú ý giải quyết? Câu trả lời là cần một cuộc khủng hoảng xã hội.

Hiện tại, đất đai đang làm phân hóa sâu sắc xã hội Việt Nam, cứ một người giàu lên từ đất đai thì đồng nghĩa 10 người sẽ nghèo đi vì nó. Ví như mới đây, chính quyền TP Hồ Chí Minh có kế hoạch chuyển 1/3 quỹ đất nông nghiệp sang công nghiệp, đô thị,... và nếu tiếp tục dựa trên chính sách đất đai hiện tại, thì nhóm người yếu thế sẽ tiếp tục bị bỏ rơi!

Và họ bị bỏ rơi, nên các sự kiện tự thiêu hay chống lại các cuộc cưỡng chế bằng hình thức bạo lực sẽ tiếp tục gia tăng tại Việt Nam... Đây là những mồi lửa, và là cơ sở cho sự bùng phát một cuộc tập hợp lớn của tầng lớp yếu thế trong tương lai (sự tập hợp này bao gồm những người như bà Lê Thị Hồng Phượng; ông Đoàn Văn Vươn; ông Đặng Văn Hiến; ông Đặng Ngọc Viết,...).

Cần nhắc lại, vào thập niên 50 (thể kỷ XX), tại miền Bắc Việt Nam trong thời kỳ tiến hành cuộc cải cách ruộng đất và chế độ, thì tại Nghệ An, cũng đã nổ ra một tập hợp nổi loạn để bày tỏ sự phẫn uất của lớp nông dân chống lại chính sách mà họ cho rằng nó phi lý với con số lên đến 20.000 nguời.

Khi nhóm người yếu thế bị bỏ rơi (liên quan đến chính sách đất đai) tập hợp lại, thì đồng nghĩa sẽ tương đương với sự khủng hoảng xã hội vào thập niên 80 (thế kỷ XX) tại Việt Nam, và nó buộc nhà nước Việt Nam phải có những điều chỉnh trực tiếp về mặt thể chế để có thể tiếp tục tồn tại, nhất là trong thời điểm mà nền kinh tế - xã hội Việt Nam đang tiếp tục hướng tới sự hội nhập thông qua cuộc cách mạng 4.0 như hiện nay.

A.L.

VNTB gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn