Sinh viên và quyền chính trị được Hiến định

Trần Thành
Chiều 4-9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có buổi gặp gỡ và nói chuyện với sinh viên Đại học Quốc gia TP.HCM. Bà yêu cầu các trường đại học phải có các biện pháp giáo dục, giới thiệu cho các sinh viên ngay từ những ngày còn trên ghế nhà trường, để các sinh viên có thể nghiên cứu một cách nghiêm túc về mô hình và nhiệm vụ của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Sao lại giới hạn quyền công dân về chính trị?
Lẽ ra, trong bài nói chuyện của mình, bà Nguyễn Thị Kim Ngân cần kêu gọi sinh viên hãy sử dụng “quyền công dân về chính trị” được nêu tại Điều 14, Hiến pháp 2013 để cùng tham gia vào xây dựng đất nước. Thế nhưng bà Chủ tịch Quốc hội lại giới hạn quyền công dân về chính trị, khi cho rằng: “Không chỉ là sinh viên các trường luật, kinh tế mới phải nắm khái niệm nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mà ngay cả trường khoa học, kỹ thuật hay sinh viên y khoa, quốc tế cũng cần phải nắm vững, vì ở vị trí nào, rồi thì các em đều tham gia vào hệ thống quản lý này, là người được tác động hoặc triển khai hoạt động của chính hệ thống nhà nước này”.
Bà Chủ tịch đưa ra yêu cầu các trường đại học phải tham gia xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, qua việc đẩy mạnh các nghiên cứu khoa học, thực tiễn và phát triển lý luận về nhà nước và pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Như vậy, “quyền công dân về chính trị” ở đây của sinh viên lẫn đội ngũ nhà giáo của Đại học Quốc gia TP.HCM, nằm trong khuôn khổ của một loại chính trị thuộc pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEh-fOGVEy4Kbp1r_RXwBmEPnJ8tvIHF0E8D6L-SnxSoH_DhkTBMczeafOvz6HoV994ksZz3Eelfg2Mu67s6YaYilzrrnJoltsDO95ExkpQDgdrJ4G3Wl4HGnIROmp6LtQQZRr3soRiYMJY/s640/553756f3f4d7a7.img.jpg
Sinh viên có quyền chính trị được Hiến định
Dường như bà Chủ tịch Quốc hội quên mất chuyện Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, là một trong những điều ước quốc tế quan trọng nhất về quyền con người, có hiệu lực từ năm 1976. Việt Nam gia nhập Công ước quốc tế này năm 1982.
Đơn cử, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, ở Điều 22 nói rằng “mọi người có quyền tự do lập hội với những người khác, kể cả quyền lập và gia nhập các công đoàn để bảo vệ lợi ích của mình. Việc thực hiện quyền này không bị hạn chế, trừ những hạn chế do pháp luật quy định và là cần thiết trong một xã hội dân chủ, vì lợi ích an ninh quốc gia, an toàn và trật tự công cộng, và để bảo vệ sức khoẻ hoặc đạo đức của công chúng hay các quyền và tự do của người khác.
Điều này không ngăn cản việc đặt ra những hạn chế hợp pháp trong việc thực hiện quyền này đối với những người làm việc trong các lực lượng vũ trang và cảnh sát. Không một quy định nào của điều này cho phép các quốc gia thành viên đã tham gia Công ước về tự do lập hội và bảo vệ quyền lập hội năm 1948 của Tổ chức Lao động quốc tế được tiến hành những biện pháp lập pháp hoặc hành pháp làm phương hại đến những bảo đảm nêu trong Công ước đó” [tải về tại http://bit.ly/2CsX3Vp].
Có thực tâm muốn là cơ quan dân cử đúng nghĩa?
Việc bà Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu sinh viên chỉ được thực hiện quyền công dân về chính trị trong sự giới hạn của pháp quyền xã hội chủ nghĩa, là vi phạm về Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã ký kết. Bởi pháp quyền, và pháp quyền xã hội chủ nghĩa là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.
Hiểu một cách đơn giản nhất, trong mô hình nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, pháp luật không được đảm bảo là tối cao, vì nó không thể cao hơn sự lãnh đạo của đảng Cộng sản. Ngoài ra, luật pháp còn phải đồng hành cùng các mục tiêu chung trong các chính sách của đảng. Và kết quả là nó dẫn đến một mô hình xã hội toàn trị (authoritarian state).
Nói một cách khác, với pháp chế xã hội chủ nghĩa, thì luật pháp bản thân nó là việc luật hóa và hệ thống hóa các chính sách của Đảng; luật là chính sách của Đảng dành cho nhà nước, và được giải thích bởi Quốc hội thông qua các thủ tục lập pháp; chính sách của Đảng là linh hồn và nền tảng của pháp luật.
Tại buổi nói chuyện với đại diện thầy, trò của Đại học Quốc gia TP.HCM hôm chiều ngày 4-9, bà Chủ tịch có đề nghị: “Tôi xin đặt hàng với Đại học Quốc gia TP.HCM nghiên cứu về nội dung phát triển lý luận về nhà nước và pháp quyền xã hội chủ nghĩa, về vai trò của Quốc hội với việc hoàn thiện thể chế, thực hiện tốt nhất tổ chức đại diện dân cử của người dân, là cơ quan quyền lực của nhà nước”.
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgN-vRsUZcq_onCkdp3TUVoM_kalowseTijeODEcMI6iXjxJ2PWthr8-RDXlPsTppuz8HYLMkC-JicN3sMHtmSRojGH3W1ZYLw3k-0I3MQdn-xNRWOr32j5W2RuacWgkP7-RldS9wG2qhU/s640/492018huyen54pg.jpg
Bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có chuyến thăm, làm việc tại Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh
Như vậy, liệu với quyền công dân về chính trị, các thầy và trò của Đại học Quốc gia TP.HCM có thật sự được quyền phản biện về những đòi hỏi trong cạnh tranh ở mô hình quản lý xã hội? Theo đó, cần chấm dứt ngay chuyện “luật là chính sách của Đảng dành cho nhà nước và được giải thích bởi Quốc hội thông qua các thủ tục lập pháp”.
Có phải ở đây bà Chủ tịch Quốc hội muốn đặt hàng cho thầy, trò Đại học Quốc gia TP.HCM, là hãy giúp bà trả lời bằng được câu hỏi phải làm thế nào để đảm bảo pháp luật có được chỗ đứng tối cao trong xã hội, mà không một nhà nước hoặc đảng cầm quyền nào có thể ở trên nó?
Tin rằng nếu quyền công dân về chính trị ở Việt Nam được tôn trọng, chắc chắn đề bài cần làm gì để “vai trò của Quốc hội với việc hoàn thiện thể chế, thực hiện tốt nhất tổ chức đại diện dân cử của người dân, là cơ quan quyền lực của nhà nước” mà bà Nguyễn Thị Kim Ngân đã ra, sẽ có những đáp án đủ sức mạnh để thực thi.
T.T.
VNTB gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn