Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis lại đến Việt Nam để làm gì?

Phạm Chí Dũng

Ông Mattis và đồng nhiệm Ngô Xuân Lịch gặp nhau tại đối thoại Shangri-La, Singapore, tháng Sáu, 2018. 

Ông Mattis và đồng nhiệm Ngô Xuân Lịch gặp nhau tại đối thoại Shangri-La, Singapore, tháng Sáu, 2018.

Chắc chắn các cơ quan tình báo quân đội và Hoa Nam của Trung Quốc đang và sẽ đặc biệt theo dõi và phân tích động cơ lẫn mục đích chuyến thăm Việt Nam bất ngờ vào trung tuần tháng Mười năm 2018 của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis.

Chuyến công du Việt Nam của Jim Mattis diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang tiến vào giai đoạn căng thẳng của chiến dịch dựng đứng hàng rào thuế quan đầu tiên do Tổng thống Donald Trump là tổng đạo diễn, trong khi các Hạm đội 7 và Hạm đội 5 của Hải quân Hoa Kỳ ngày càng áp sát Biển Đông, trong bối cảnh ngày 10/10/2018 Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua đạo luật cắt đứt Đường lưỡi bò của Trung Quốc trên Biển Đông.

Còn tương lai về một cuộc xung đột quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ tại khu vực này đang dâng lên như một cơn sóng thần cấp độ vừa phải.

Chuyến công du trên cũng là lần thứ hai liên tiếp trong vòng 10 tháng kể từ khi Jim Mattis nhận lãnh chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - một mật độ ‘thăm viếng’ khá dày đặc đối với quốc gia cách Mỹ đến nửa vòng trái đất.

Hiệu ứng USS Carl Vinson?

Lần đầu tiên Jim Mattis đặt chân đến Hà Nội là vào tháng Giêng năm 2018, tiếp liền sau chuyến đi Washington của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch mà có thể hiểu như lời cầu cứu rõ như ban ngày: chính thể độc đảng ở Việt Nam liên tiếp bị ‘bạn vàng’ Trung Quốc gây sức ép cả về chiến thuật ‘ngoại giao tàu cá’ lẫn tàu hải giám và tàu quân sự vây bọc khu vực mỏ Cá Rồng Đỏ ở Bãi Tư Chính phía Đông Nam Việt Nam - một chiến dịch mà Bắc Kinh đã quá thành công trong việc ‘hù’ Việt Nam, khiến Công ty dầu khí Repsol của Tây Ban Nha (liên doanh với Việt Nam) phải cuốn cờ tháo chạy khỏi mỏ dầu khí này.

Khi đó, tình cảnh của Bộ Chính trị Việt Nam thật chẳng khác gì ‘mỡ treo miệng mèo’: ngay cả dầu khí trong vùng biển được xem là ‘chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam’ cũng không làm cách nào ‘ăn’ được.

Trong khi đó, Mỹ lại đang cần đến cái gật đầu của Việt Nam để phát triển triết lý ‘tàu Mỹ đi qua vô hại’ ở Biển Đông - như một cách lý giải của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho báo giới quốc tế, bắt đầu từ năm 2016 và vẫn tồn tại cho đến giờ. Tuy vậy, các Hạm đội châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ không phải cần đến sự chuẩn thuận của giới chóp bu Việt Nam như một điều kiện cần, mà chỉ là điều kiện đủ trong bối cảnh dù Việt Nam có gật hay lắc thì các tàu chiến Mỹ cũng đã áp sát quần đảo Hoàng Sa - trên danh nghĩa là thuộc Việt Nam nhưng đã thuộc về sự chiếm cứ của ‘người đồng chí tốt’ từ hơn bốn chục năm qua.

Chỉ vài tháng sau chuyến đến Việt Nam lần đầu tiên của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis, đến tháng Ba năm 2018 đã hiện ra một hình ảnh chưa từng có tiền lệ kể từ thời điểm 1975: một hàng không mẫu hạm của Mỹ là USS Carl Vinson cập cảng Đà Nẵng - vùng biển mà 5 năm trước lần đầu tiên đã có 3 tàu chiến của Mỹ cập bến để ‘giao lưu hải quân’ với phía Việt Nam.

Tuy nhiên, Trung Quốc không phải là tay mơ, đặc biệt liên quan đến những động tác tâm lý chiến. Chẳng bao lâu sau khi USS Carl Vinson hiện diện trong vùng biển Việt Nam, một Hạm đội lớn của Trung Quốc với hàng không mẫu hạm Liêu Ninh đã tiến hành một cuộc tập trận phô trương, khiến giới lãnh đạo Việt Nam - vốn trước đó đã quen ‘thần phục’ sức mạnh Trung Quốc - hầu như ngay lập tức ‘tắt đài’.

Cho đến nay, khó có cơ sở nào để cho rằng việc xuất tướng của Jim Mattis đến Việt Nam, và cả USS Carl Vinson vào đầu năm 2018, đã mang lại một kết quả ‘tăng cường hợp tác quốc phòng song phương Việt - Mỹ’ như mong muốn.

Bởi hệ lụy sau đó đối với Việt Nam là không thể rõ ràng và chán ngán hơn: ngay sau khi hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson rút về nước và công ty Repsol của Tây Ban Nha cùng đối tác của nó ở Việt Nam một lần nữa thử khai thác dầu khí ở mỏ Cá Rồng Đỏ, nỗi nhục Bãi Tư Chính lại nổ ra lần thứ hai và phủ đầy khắp bộ mặt chính thể Việt Nam: một lần nữa Repsol phải tháo chạy khỏi mỏ dầu khí này sau khi Trung Quốc lại ra tay dọa dẫm. Và đó là lần mà Repsol có vẻ ‘một đi không trở lại’. Còn ‘bản lĩnh Việt Nam’ đã chỉ hiển hiện đến mức cúi đầu chấp nhận bồi thường cho Repsol hơn 200 triệu USD chi phí ban đầu, nhưng đã không thể, và trong thực tế là còn lâu mới dám hó hé trước sức ép ngày càng thô bạo của Trung Quốc.

Song Cá Rồng Đỏ không phải là nạn nhân duy nhất của Đường lưỡi bò mà Trung Quốc vừa vẽ lại và đã liếm qua gần hết các lô dầu khí mà Việt Nam dự định khai thác để bù đắp cho cái túi thủng ngân sách đang rộng ngoác như hàm cá mập, cũng như để cứu vãn cho tình trạng cạn kiệt ngoại tệ để trả nợ nước ngoài và còn chi cho nhiều nhu cầu khác của đảng cầm quyền. Mỏ Cá Voi Xanh - một dự án ở ngoài khơi Quảng Nam - Quảng Ngãi liên doanh với tập đoàn dầu khí lớn nhất của Mỹ là Exxonmobil, và cả mỏ Lan Đỏ - liên doanh giữa Vietsopetro của Việt Nam với tập đoàn dầu khí lớn của Nga là Rosneft, cũng lần lượt bị Trung Quốc gây sức ép phải chấm dứt khoan thăm dò hay khoan khai thác.

Chưa bao giờ ‘bản lĩnh Việt Nam’ bị thách thức và đe dọa đến thế: tiền nằm ngay trong túi mà không làm sao lấy ra được.

Trong suốt thời gian trên, giới chóp bu Việt Nam còn bị hành hạ không ngớt bởi cái bóng của Vương Nghị - ngoại trưởng Trung Quốc với gương mặt lạnh như tiền - và lời đề nghị như thể chiếu chỉ của họ Vương về ‘Trung Quốc và Việt Nam cùng hợp tác khai thác dầu khí trên biển’. Nếu chấp nhận đề nghị này, giới chóp bu Việt Nam đương nhiên phải mời kẻ cướp vào nhà mình và tự nguyện dâng hiến tài sản cho y.

Cho đến tháng Mười năm 2018 và trước khi có tin về chuyến thăm Việt Nam của Jim Mattis, toàn bộ thông tin về việc khai thác các mỏ Cá Rồng Đỏ, Cá Voi Xanh và Lan Đỏ vẫn ngậm tăm.

Thậm chí, chuyến thăm Nga của ‘Đảng trưởng’ Nguyễn Phú Trọng vào tháng Chín năm 2018 có vẻ chẳng mang lại kết quả khả quan nào. Mặc dù trong các văn bản được ký kết giữa hai bên có đề cập đến cơ chế khai thác dầu khí, dường như Tổng thống Putin đã không có tác động nào đối với đồng minh Trung Quốc để Bắc Kinh nương tay cho Việt Nam cùng Tập đoàn Rosneft khai thác dầu khí ở mỏ Lan Đỏ.

Một tháng sau đó, Hội nghị trung ương 8 của đảng cầm quyền diễn ra ở Việt Nam, với một trong những nghị quyết đáng chú ý là “chiến lược lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để từng bước đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, dựa vào biển và hướng ra biển”.

Nhưng vì sao phải ‘hướng ra biển’?

Đáp số Cam Ranh?

Về thực chất, tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam đã hầu như cạn kiệt, bao gồm cảnh nạn khai thác khoáng sản vô thiên lủng từ nhiều năm qua, trong khi độ che phủ rừng thực tế đã giảm xuống dưới 20% và khiến Việt Nam, thay vì xuất khẩu gỗ như cách đây ba chục năm, đã và đang phải nhập khẩu gỗ từ các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Chỉ còn biển và trữ lượng dầu khí dưới biển là còn tiềm năng để mang lại ngoại tệ cứu đảng trong một thời gian có hạn, có thể chỉ đến năm 2022.

Chẳng phải tự nhiên mà trong một kỳ họp quốc hội vào năm 2017 - trùng thời gian với ‘nỗi nhục bãi Tư Chính’ lần đầu tiên, một số ‘nghị gật’ đã đề nghị tăng sản lượng khai thác dầu khí hàng năm từ 1,5 triệu tấn lên 2,5 triệu tấn hoặc thậm chí hơn thế.

Hẳn là người Mỹ cũng biết khá rõ là trong túi Việt Nam còn được bao nhiêu tiền, và làm thế nào để có được ngoại tệ trả nợ nước ngoài.

Chính sách thương mại của Mỹ dưới thời Donald Trump ngày càng thực dụng. Bên lề cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung đang bùng nổ, Việt Nam chỉ là một con muỗi mà sẽ quá dễ dàng bị đập nát bét chỉ với nguyên tắc ‘công bằng và đối ứng’ của Trunp - tức thực thi một hàng rào thuế quan cao ngất mà sẽ khiến con số xuất siêu trên 30 tỷ USD mỗi năm của hàng Việt Nam vào thị trường Mỹ lao dốc ít nhất 60 - 70%.

Một lần nữa, quan điểm ‘giãn Trung, dựa Mỹ’ lại trỗi dậy trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam. Bây giờ không còn là lúc đu dây, mà phải dùng toàn bộ ‘trí tuệ’ của đảng để xác quyết ‘kẻ thù số một’ và ‘kẻ thù số 2’ - ai mạnh hơn.

Một cách nào đó, Việt Nam sẽ ‘đi lên từ biển, hướng ra biển và làm giàu từ biển’ bằng sức mạnh của Hải quân Mỹ.

Triết lý ‘tàu Mỹ đi qua vô hại ở Biển Đông’ gần ba năm về trước xem ra không còn phù hợp với quan niệm của giới ngoại giao Việt Nam. Mà biết đâu đấy sẽ là khái niệm ‘tàu Mỹ đi qua có ích ở Biển Đông’ trong tương lai gần.

Nhưng nếu cả sự hiện diện của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của Mỹ mà còn không dọa nổi Trung Quốc, sẽ cần đến chiến thuật gì khác?

Muốn ‘bảo kê’ cho Việt Nam khai thác dầu khí, Mỹ cần đến một sự hiện diện nhiều hơn và hẳn phải đầy đủ hơn là những cuộc ‘giao lưu hải quân’, ‘tập trận giả’ chỉ có bề ngoài hào nhoáng như trước đây.

Cam Ranh chăng?

Nếu lần đầu tiên Jim Mattis đến Việt Nam chỉ mới chứng kiến cái nhu cầu quá thiết thân và quá khẩn cấp của chính thể cộng sản nhằm giành giật từng tấn dầu khí với ‘người đồng chí tốt’ Trung Quốc, thì lần này Việt Nam còn phải hứng chịu dư chấn của cơn bão chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và nguy cơ một cuộc xung đột quân sự giữa hai nền kinh tế nhất nhì thế giới này.

Không loại trừ việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đến Hà Nội vào trung tuần tháng Mười năm 2018 sẽ nhắm đến một cách thực chất việc tăng cường sự hiện diện của tàu Mỹ tại vùng biển Việt Nam, trong đó có Quân cảng Cam Ranh, với một thái độ và mức độ nhượng bộ nào đó của Việt Nam để có thể ‘đưa quan hệ quốc phòng Việt - Mỹ lên một tầm cao mới’ - như lối nói đãi bôi chẳng biết chừng nào mới sửa được của thói đầu môi chót lưỡi Hà Nội.

P.C.D. Tác giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn