Luật An ninh mạng – Coi chừng bão nổi

Kiến nghị Quốc hội hoãn thi hành Luật An ninh mạng để sửa đổi

Hate Change a lancé cette pétition adressée à Các đại biểu Quốc hội Việt Nam

Kính gửi: Các Đại biểu Quốc hội Việt Nam

Chúng tôi, những công dân Việt Nam đang sống trong và ngoài nước, kiến nghị quý vị hoãn thi hành Luật An ninh mạng dự kiến có hiệu lực từ ngày 01/01/2019, vì ba lý do sau:

1. Thứ nhất, Luật An ninh mạng gồm nhiều điều khoản vi phạm nghiêm trọng quyền tự do ngôn luận của công dân, cụ thể:

Khoản 1 Điều 8 Luật này quy định các hành vi bị nghiêm cấm một cách rất mơ hồ, như “phá hoại thuần phong, mỹ tục” và “xuyên tạc lịch sử”. Tương tự, nội dung quy định tại Điều 16 cũng yêu cầu phòng ngừa và xử lý những hành vi mơ hồ như “xúc phạm vĩ nhân” hay “tuyên truyền xuyên tạc”. [1]

Điều này có thể trao cho cơ quan chấp pháp khả năng lạm dụng quyền lực để xâm phạm quyền tự do ngôn luận của công dân, vốn được bảo vệ theo Điều 25 Hiến pháp Việt Nam năm 2013.

Không chỉ vậy, Khoản 2 Điều 26 Luật An ninh mạng còn buộc doanh nghiệp mạng phải cung cấp thông tin người dùng cho cơ quan chấp pháp, đồng thời ngăn chặn và xoá bỏ thông tin đăng tải trên mạng theo yêu cầu của cơ quan chấp pháp mà không thông qua tòa án.

Như vậy, không có bất cứ thủ tục cụ thể nào được quy định để các công dân có thể bảo vệ dữ liệu và thông tin cá nhân của mình theo một quy trình tư pháp công bằng và minh bạch.

2. Thứ hai, các điều khoản nêu trên của Luật An ninh mạng đã đi ngược lại các chuẩn mực nhân quyền quốc tế.

Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền quy định “mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm” tại Điều 19.

Điều 19 Công ước về các Quyền Dân sự và Chính trị ICCPR, mà Việt Nam tham gia từ năm 1982, cũng ghi rõ rằng "mọi người đều có quyền tự do ngôn luận”.

Chính vì lý do này, 17 nhà lập pháp Hoa Kỳ cũng đã kêu gọi lãnh đạo các công ty Facebook và Google “chống lại những thay đổi được quy định tại Luật An ninh mạng của Việt Nam”. [2]

Trong cuộc điều trần trước Quốc hội Mỹ ngày 5/9 vừa rồi, khi được hỏi về Luật An ninh mạng Việt Nam, đại diện Facebook đã tuyên bố "sẽ không bao giờ cung cấp thông tin cho chính phủ Việt Nam, trừ những ngoại lệ cực kỳ hiếm hoi", và "chỉ hoạt động tại những quốc gia nào mà Facebook có thể gìn giữ được những giá trị của mình". [3]

3. Thứ ba, việc thực thi Luật An ninh mạng sẽ tạo ra rào cản thương mại đối với các doanh nghiệp quốc tế đang hoạt động trên thị trường Việt Nam, khi buộc các doanh nghiệp này phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện và lưu trữ dữ liệu người dùng tại Việt Nam, theo Khoản 3 Điều 26.

Điều khoản này đòi hỏi phải địa phương hóa dữ liệu, làm tăng chi phí của doanh nghiệp khi hoạt động tại Việt Nam. Chính vì vậy, Luật An ninh mạng sẽ trở thành một lực cản rất lớn đối việc phát triển nền kinh tế thị trường Việt Nam theo hướng toàn cầu hóa. [4]

Nói về vấn đề này, ông Jeff Paine, Giám đốc điều hành Liên minh Internet Châu Á (AIC) bao gồm Facebook, Google, LinkedIn, Apple, Twitter, LINE và Rakuten khẳng định rằng Luật An ninh mạng sẽ “làm giảm đầu tư nước ngoài và làm tổn thương cơ hội phát triển kinh tế” của Việt Nam. [5]

Rõ ràng, điều khoản này của Luật An ninh mạng đi ngược lại các thiết chế thương mại quan trọng mà Việt Nam đã ký kết như Cam kết gia nhập WTO (Biểu cam kết về dịch vụ, phần 2C), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP (Chương 14), hoặc dự định ký kết như Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU EVFTA (Chương 8), vốn đề cao việc tự do hóa và hạn chế tối đa rào cản thương mại đối với dịch vụ viễn thông.

Cuối cùng song không kém quan trọng, Luật An ninh mạng còn đe dọa đến khả năng ký kết hiệp định EVFTA.

Vào ngày 17/9 vừa qua, 32 Nghị sỹ đến từ các đảng lớn của Liên minh Châu Âu đã gửi thư đến Cao ủy Mogherini và Ủy viên Malmstrom nhằm đặt ra các điều kiện trước khi phê chuẩn hiệp định EVFTA, trong đó yêu cầu chính phủ Việt Nam phải sửa đổi Luật An ninh mạng theo hướng tuân thủ các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế. [6]

Kết luận

Vì những lý do trên, chúng tôi kiến nghị quý vị Đại biểu Quốc hội:

(i) Hoãn thi hành Luật An ninh mạng;

(ii) Đưa nội dung thảo luận sửa đổi Luật An ninh mạng vào chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV;

(iii) Đề nghị Chính phủ và các cơ quan có liên quan sửa đổi Luật An ninh mạng theo hướng đảm bảo an ninh trên mạng, mà không kiểm soát và xâm phạm quyền tự do ngôn luận của công dân.

Chúng tôi hy vọng các Đại biểu Quốc hội sẽ lắng nghe ý kiến người dân về một luật không những chưa thể hiện được các phương pháp hợp lý để đảm bảo an ninh mạng, tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế, đi ngược lại các chuẩn mực quốc tế mà còn xâm phạm nghiêm trọng đến các quyền căn bản và cản trở tự do của công dân.

Các tổ chức đồng ký tên

1. Nhóm Save Net

2. Nhóm Hate Change

3. Nhà xuất bản Giấy Vụn

4. Nhóm Sinh viên Nói vì Sinh viên

5. Nhóm Tinh Thần Khai Minh

6. LEA - Nhóm Hoạt động về Giáo dục Bình đẳng

7. Wequal - Nhóm Hoạt động Mở vì Công lý Giới và Tự do Lựa chọn

8. Nhóm Nghiệp đoàn Sinh viên Việt Nam

9. Cộng đồng LGBT Đồng Nai

10. Nhóm Green Trees

11. Phong trào Lao động Việt

12. Mạng lưới Lãnh đạo Trẻ Miền Nam

13. Văn đoàn Độc lập Việt Nam

14. Người Bảo vệ Nhân quyền - Defend the Defenders

15. Nhóm Truyền Thông Giáo Hội Phật Giáo Hoà Hảo Thuần Tuý

---

Đọc thêm thông tin

[1] Toàn văn Luật An ninh mạng do Bộ Công an soạn thảo, được Quốc hội thông qua ngày 12/06/2018, dự kiến có hiệu lực vào ngày 01/01/2019.

[2] “Nghị sĩ Mỹ kêu gọi Google, Facebook phản đối luật an ninh mạng Việt Nam”, bài của tác giả Thanh Long đăng trên báo Trí Thức VN ngày 17/07/2018.

[3] "Facebook sẽ không tuân thủ Luật An ninh mạng", trích Video bà Sheryl Sandberg, Giám đốc Điều hành Facebook, điều trần trước Quốc hội Mỹ ngày 05/09/2018 do Hate Change đăng tải kèm phụ đề Việt ngữ.

[4] "Dự thảo Luật An ninh mạng: Góc nhìn từ doanh nghiệp", bài đăng trên Tạp chí Điện tử Thông tin và Truyền thông ngày 08/05/2018.

[5] “Quốc tế “thất vọng” với việc thông qua Luật An ninh mạng của Việt Nam”, bài của tác giả Tuấn Minh trên báo Trí Thức VN ngày 13/06/2018.

[6] "32 Nghị sỹ Châu Âu cùng gửi thư tới Cao ủy Mogherini và Ủy viên Malmstrom yêu cầu cải thiện tình trạng nhân quyền tại Việt Nam", thư đăng trên trang Ramon Tremosa ngày 17/09/2018, Hoàng Minh chuyển ngữ.

Gần 70 ngàn người ký kiến nghị đòi hoãn luật an ninh mạng

Hơn 69.000 người ký kiến nghị đòi quốc hội Việt Nam hoãn thi hành Luật An ninh mạng, 16/10/2018

Hơn 69.000 người ký kiến nghị đòi quốc hội Việt Nam hoãn thi hành Luật An ninh mạng, 16/10/2018

Lo ngại về thông tin cá nhân có nguy cơ bị xâm phạm nghiêm trọng, hàng chục ngàn người Việt Nam vừa ký tên và đang vận động những người khác tham gia ký một kiến nghị trên internet kêu gọi quốc hội hoãn thi hành Luật An ninh mạng.

Tính đến tối 16/10, lượng chữ ký vào kiến nghị đang tiến dần đến con số 70.000. Bản kiến nghị đăng trên trang change.org, mở đầu với hàng tít “Dự thảo nghị định về Luật An ninh mạng: Đặc biệt xâm phạm không gian riêng tư”.

Change.org, diễn đàn do một tổ chức phi lơi nhuận Mỹ điều hành, cho phép bất kỳ ai ở bất cứ đâu có thể phát động một chiến dịch hành động xã hội trên internet.

Bản kiến nghị được đăng lên hôm 13/10, ít ngày sau khi nội dung dự thảo nghị định được chia sẻ một cách không chính thức trên mạng và thu hút sự chú ý đặc biệt của giới hoạt động và phản biện xã hội vào chương 5 của dự thảo.

Theo bản kiến nghị, có hai điểm “cực kỳ nghiêm trọng” cần lưu ý trong dự thảo nghị định.

Nó vi phạm nghiêm trọng quyền con người của tất cả các cá nhân sử dụng internet ở Việt Nam. Nó sẽ có khả năng gây phiền hà rất lớn cho các doanh nghiệp. Và một điểm mà nhiều người không nhắc đến là nguy cơ tiềm ẩn của nghị định này đến cái gọi là an ninh quốc gia thật sự

Tiến sĩ Nguyễn Quang A

Điểm thứ nhất là các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ internet phải lưu trữ dữ liệu người dùng và cung cấp theo yêu cầu từ Cục An ninh mạng, Bộ Công an.

Dữ liệu đó gồm thông tin cá nhân, kể cả số thẻ tín dụng, hồ sơ y tế, hồ sơ tài chính, quan điểm chính trị; dữ liệu do cá nhân tạo ra như nội dung tương tác, thông tin tải lên; và dữ liệu về mối quan hệ của cá nhân.

Thứ hai, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ internet phải lưu trữ thông tin trong suốt thời gian hoạt động hoặc đến khi không còn cung cấp dịch vụ. Bản kiến nghị cho rằng điều này “tạo nên gánh nặng lớn” về kinh tế cho doanh nghiệp, đặc biệt với các nhóm khởi nghiệp.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động nổi tiếng có nhiều ảnh hưởng, chia sẻ thêm với VOA về lý do phải phản đối dự thảo nghị định về thực thi Luật An ninh mạng:

“Nó vi phạm nghiêm trọng quyền con người của tất cả các cá nhân sử dụng internet ở Việt Nam. Nó sẽ có khả năng gây phiền hà rất lớn cho các doanh nghiệp. Và một điểm mà nhiều người không nhắc đến là nguy cơ tiềm ẩn của nghị định này đến cái gọi là an ninh quốc gia thật sự mà nước nào cũng phải bảo vệ”.

Từng là chuyên gia phần mềm, tiến sĩ Quang A phân tích rằng dự thảo nghị định trao “sự tập trung cao độ quyền lực” vào tay Cục trưởng Cục An ninh mạng, song với “khả năng hạn chế của họ về mọi mặt”, kể cả về phần mềm và phần cứng, điều đó tiềm ẩn “một rủi ro cho an ninh quốc gia” rất lớn.

Ông nói thêm rằng với một sự tập trung cao độ như thế, nhiều thế lực trên thế giới có thể tấn công nhằm đánh cắp dữ liệu của Việt Nam một cách dễ dàng, và đó là “một gót chân Asin của hệ thống gọi là ‘quản lý an ninh mạng’ này”.

Xuất hiện phong trào Bất tuân Luật An ninh mạng

Trong một bài viết dài trên trang cá nhân mà tác giả đồng ý để VOA trích dẫn, kỹ sư Dương Ngọc Thái, một chuyên gia công nghệ thông tin nổi tiếng hiện làm việc ở Mỹ, cũng chỉ ra một số nguy cơ một khi nghị định được ban hành.

Theo ông Thái, việc Bộ Công an tuyên bố sẽ xây dựng trung tâm dữ liệu để tiếp nhận dữ liệu mà họ yêu cầu các công ty cung cấp cũng đồng nghĩa là toàn bộ dữ liệu của người Việt Nam sẽ được lưu ở một chỗ duy nhất. Nhưng làm như vậy sẽ tạo thành một “mục tiêu béo bở” cho giới tội phạm chuyên nghiệp hoặc lực lượng tình báo mạng của các quốc gia khác, ông đưa ra cảnh báo.

Ngoài ra, theo kỹ sư Thái, khi toàn bộ dữ liệu không chỉ của người dân, mà của cả lãnh đạo cấp cao và toàn bộ hệ thống chính trị, nằm trong tầm kiểm soát của Cục An ninh mạng, điều này được ông so sánh với “viễn cảnh u tối như Đông Đức năm 1984” và ông đặt ra câu hỏi “ai còn muốn đến Việt Nam sống và làm việc?”

Phong trào bất tuân Luật An ninh mạng bắt đầu từ khi luật được thông qua hồi tháng 6/2018

Phong trào bất tuân Luật An ninh mạng bắt đầu từ khi luật được thông qua hồi tháng 6/2018

Luật An ninh mạng, dù được thông qua hồi tháng 6/2018 và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, luôn bị nhiều giới trong nước phản đối và một số tổ chức nước ngoài, trong đó có Mỹ, chỉ trích trong suốt quá trình luật này được soạn thảo và ra đời.

Dự thảo nghị định đi vào chi tiết của việc thực thi luật càng thổi bùng lên sự phản đối vì nhiều người cho rằng các quy định trong dự thảo còn “khắt khe”, “tăm tối” hơn cả luật.

Trong những ngày gần đây, nhiều người sử dụng mạng xã hội viện dẫn Hiến pháp 2013 của Việt Nam và đặt câu hỏi liệu Luật An ninh mạng có vi hiến.

Điều 21 trong Hiến pháp quy định rằng mọi người “có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình”, thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình “được pháp luật bảo đảm an toàn”, và mọi người có quyền “bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác”.

Trên trang Facebook cá nhân, bà Phạm Đoan Trang, tác giả sách “Chính trị bình dân” không được lưu hành chính thức ở Việt Nam, đưa ra nhận định rằng bản chất của Luật An ninh mạng là “mở đường cho Tàu cộng [Trung Quốc] vào chiếm cứ không gian mạng ở Việt Nam”. Bà gọi nó là “một đạo luật bán nước, dâng chủ quyền” cho Trung Quốc.

Trong cùng bài viết, bà Trang đề cập đến hai vấn đề thu hút được nhiều quan tâm của người Việt trong nhiều tháng gần đây là dự luật về đặc khu kinh tế, và quy định cho phép thực hiện giao dịch bằng đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc ở một số tỉnh của Việt Nam giáp biên giới với nước láng giềng phương bắc.

Nhà hoạt động nữ được một tổ chức ở Séc trao giải thưởng nhân quyền đầu năm nay xem hai động thái kể trên cũng là hành vi “dâng” hoặc “nhân nhượng chủ quyền cho Tàu”.

Bà Trang nêu lên quan điểm rằng: “Nếu là người yêu nước Việt, bạn CÓ NGHĨA VỤ KHÔNG CHẤP HÀNH các thể loại luật bán nước nói trên”.

Kiến nghị trên trang change.org về Luật An ninh mạng và dự thảo nghị định liên quan kêu gọi mọi người “không thể im lặng trước một nghị định đặc biệt xâm phạm không gian riêng tư, càng không thể dửng dưng trước một luật bóp nghẹt tự do ngôn luận”.

Chung tiếng nói với bản kiến nghị, giáo sư tiến sĩ Trần Xuân Hoài, người cũng là nhà văn với bút danh Trần Gia Ninh, viết trên Facebook cá nhân rằng “phải hợp lực có những tiếng nói mạnh mẽ, tập trung, có lý, có tình” và “muộn còn hơn không” bởi “ngồi yên, câm lặng chấp nhận là tự hại mình”.

Nguồn: https://www.voatiengviet.com/a/hang-chuc-nghin-nguoi-ky-kien-nghi-doi-qh-hoan-luat-an-ninh-mang/4615697.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn