Nhà hát giao hưởng: cần hay chưa?

Nguyen Trung Dan

Có một lúc, đến hơn 6 năm, tôi được mời làm Giám đốc Quỹ văn hoá Phan Châu Trinh. Có lẽ do họ nghĩ rằng tôi có thể kiếm được ít tiền cho Quỹ hoạt động. Nhưng phụ lòng những người mời tôi, tôi làm Quỹ đó suốt 6 năm cũng chỉ kiếm được chút tiền “giật gấu vá vai” đủ để cho in một ít sách hằng năm. Còn thì cũng vừa đủ phát giải thưởng hàng năm, mà đó lại không phải mong muốn chính của tôi khi tham gia Quỹ này.

Với tôn chỉ “Khai Dân trí” trong mục tiêu hoạt động của cụ Phan Châu Trinh, tôi rất mong được tiếp nối hoạt động Quỹ theo tiêu chí này. Do vậy ngoài những hoạt động như trao giải, in sách... của HĐQT và HĐKH của Quỹ đề ra, tôi và hoạ sỹ Trịnh Tú (là CVP của Quỹ) lập một Dự án trình ra HĐKH và HĐQT Quỹ PCT về việc giáo dục âm nhạc cổ điển thế giới và của Việt Nam có tên là “Âm nhạc diễn giải”.

Nhận thấy đa số sinh viên trong các trường đại học của chúng ta hầu hết rất què quặt, ít hiểu biết về Âm nhạc, nhất là các loại nhạc cổ điển. Các trường ĐH không có chương trình giảng dạy về loại âm nhạc kinh điển giúp hình thành nhân cách và hiểu biết nhiều hơn khi ra trường. Lúc ấy bác Phạm Duy còn sống và cứ luôn miệng nói với chúng tôi: Hãy sử dụng tôi đi, để tôi ở không thật phí quá!


Nên tôi nói chuyện với bác Duy về Dự án này. Bác hết sức hoan nghinh và nhận lời hằng tuần đi nói chuyện với sinh viên, và lập tức, bằng tư liệu riêng của mình, bác Duy đã làm ngay cho chương trình này 10 dĩa CD về loại nhạc cổ điển và các bản nhạc nổi tiếng thế giới từ các thập kỷ 40, 50, 60, 70 của thế kỷ trước (20s). Các đĩa nhạc do nhiều ca sĩ lừng danh thế giới biểu diễn và được bác Duy giới thiệu cặn kẽ về bản nhạc, tác giả, hoàn cảnh ra đời, những sự kiện, huyền thoại quanh bản nhạc ấy. Tôi đã dự tính sang in đĩa ra, bán cho sinh viên chừng 3000₫ đến 5000₫/ đĩa. Bác Duy hoàn toàn tự nguyện làm bất kỳ việc gì cho Dự án mà không hề tính toán chuyện tiền bạc và rất hào hứng khi nói đến việc triển khai Dự án.

Để bảo đảm, ở Sài Gòn tôi gặp anh Trần Minh Tâm (chủ tịch hay GĐ gì của Cty kiến trúc 3T) là một trong những người lãnh đạo Trường Âm nhạc Đức Trí. Nghe tôi trình bày Dự án, anh Tâm sẵn sàng đưa Dự án vào chương trình hoạt động của Đức Trí. Tại Hà Nội, tôi nhờ anh Trịnh Tú làm việc với nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân Chủ tịch Hội Âm nhạc Việt Nam và soạn ra một Hợp đồng hợp tác giữa Quỹ PCT và Hội Âm nhạc. Tất cả đã sẵn sàng từ pháp lý đến chương trình, và tôi tin rằng sẽ cải tiến được sự mù âm nhạc trong đa số SVHS của chúng ta.

Tiền hoạt động cho Dự án đã sẵn. Tôi chuẩn bị một ít tiền và làm việc với Nguyễn Một, GĐ truyền thông của Auto Trường Hải và nhận được tín hiệu của Chủ tịch Trần Bá Dương rất thuận lợi. Anh Dương sẵn sàng tài trợ khi Dự án triển khai.

Tưởng là ổn! Tôi đưa ra HĐKH và HĐQT của Quỹ để thống nhất đưa Dự án “Âm nhạc diễn giải” vào hoạt động của Quỹ.

Trước đó hai ba phiên họp, tôi đã trình bày chi tiết Dự án vài lần. Gởi cho những người có trách nhiệm với Quỹ nhưng chưa lần nào được trả lời YES or NO! Nhưng tôi vẫn rất chủ quan tin rằng Dự án tốt quá cho SVHS, chứ có gì cho riêng ai, và rất phù hợp với tôn chỉ, mục đích cụ Phan đã đề ra. Và hơn thế, trước hai Hội đồng toàn là những người tiến bộ, hàng đầu, hay cũng có hạng về tri thức, hoạt động xã hội nên tôi tự tin sẽ được thông qua và sẽ giao cho Tôi với anh Trịnh Tú thực hiện. Đã chuẩn bị cho mình sắp xếp thời gian, công việc, chỉ còn được gật đầu là mọi chuyện sẽ chạy tốt!

Vậy mà Dự án vẫn cứ nằm trên giấy. Không ai nói không nhưng cũng không vị nào nói làm. Nhận, nghe và im lặng không có ý kiến phản hồi.

Tôi hơi ngạc nhiên nhưng vẫn chờ đợi. Hơn một năm sau, tôi xin nghỉ ở Quỹ vì thấy mình không còn phù hợp.

Lâu lâu có dịp nhắc lại chuyện này thì Trịnh Tú nói có lẽ vì tên ông Phạm Duy tham gia nên có người dị ứng. Thật không hiểu nỗi là mong ước hoà giải, hoà hợp chỉ là chuyện cửa miệng thôi hay sao!

Tôi kể lại chuyện này khi thấy HĐND Tp HCM thông qua Dự án xây dựng Nhà hát Nhạc giao hưởng đến tận 1500 tỷ đồng. Con số giật mình khi biết rằng có bao nhiêu việc cần, bao nhiêu người cần có chút tiền, nhỏ thôi không dám mơ ước đến con số đó. Và lại làm ngay trên đất Thủ Thiêm, nơi mà mọi sự bất công, tàn ác đang bộc lộ cái Ác đến tận cùng, nhẫn tâm đến tận cùng mà chỉ cần ít tiền thôi để sửa lại cái sai ấy. Vậy mà HĐND lại không nói đến, lại thông qua cái Dự án vô bổ ấy, ít nhất là trong lúc này.

Bởi vì lấy ai ngồi vào cái nhà hát khoe mẽ ấy khi mà một chuyện nhỏ là học cho biết, cho có chút kiến thức về nhạc giao hưởng, cổ điển cho đám đông không hề được chú ý, chấp nhận. Cái nhà hát rồi để chó ỉa hay sẽ cho thuê làm đám cưới, đám tiệc... như trước nay vẫn làm. Có bao nhiêu người biết, nghe được, thấy hay và thích thú với loại nhạc sẽ biểu diễn trong nhà hát này? Tôi tin là không nhiều. Đoán như hiện tại thì chừng hơn trăm người trong cả nước cần thiết có loại nhạc này. Vậy xây nhà hát 5, 7 ngàn người để làm gì, cho ai? Đưa tay thông qua quý vị không thấy xấu hổ sao?

N.T.D.

Nguồn: https://www.facebook.com/nguyen.trungdan/posts/1982440531776228

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn