Nói dối đơn và nói dối kép

Nguyễn Nguyên Bình

Tác giả Nguyễn Nguyên Bình bàn luận về nói dối kép nội địa trong thời buổi hiện nay nghe cũng có lý. Nhưng theo chúng tôi, lý giải như vậy là chưa hết ý. Chẳng lẽ sự sản sinh nói dối kép lại chỉ có nguyên nhân là vị chủ thể nói dối tự cho mình dùng chất doping và được những kẻ thuộc hạ bơm doping lừa dối nhiều nên thành nghiện? Bên cạnh đó, còn một chất khác, không phải tự họ thích dùng, cũng không phải do thuộc hạ cung cho, mà là do một kẻ láng giềng ‘đàn anh’ ép dùng, tên đàn anh đó đã nghiên cứu kĩ, hắn biết rõ bản tính cái người này. Hắn dùng cho con mồi một thứ ma túy mạnh, rất dễ khiến người ta bị nghiện và nhanh chóng rơi vào trạng thái “ngáo”. Khi đã bị ngáo thì người ta còn nói dối kép trơn tru, liến thoắng, mạnh miệng hơn nhiều. Họ dễ dàng nói và làm theo sự chỉ huy của gã kia, kể cả những việc tày đình như bán rẻ tổ tiên, dỡ nhà bán cột, bức hại người thân, đồng bào đồng chí... Làm việc người ngoài sai khiến nhưng lại luôn tưởng đó là việc tốt do chính mình ‘sáng kiến’ ra. Đau thế! 

Bauxite Việt Nam

Ngày xưa, hình như khi còn học cuối cấp hai, cách nay trên dăm chục năm, tôi có đọc một bài trên báo Văn nghệ (hay là báo Văn học, nhớ không chính xác). Trong bài, họ đưa lời bàn về “nói dối” của nhà soạn kịch Pháp Coocnây (Corneille). Ông cho rằng: việc nói dối của xã hội có hai loại, một loại là nói dối đơn, tức người nói tự biết rõ mình đang nói sai sự thật, họ không tin vào cái mình nói với người khác; còn loại kia là nói dối kép, tức là ngay cả chủ thể của việc nói dối cũng tin vào điều mình đang nói dối người khác. Điều này nghe có vẻ lạ lùng, nhưng không phải phi lý.

Sau nhận xét của Coocnây, còn có Bengiamin Phranclin (Benjamin Franklin) cũng nhận xét tương tự: “Ai lừa gạt anh thường xuyên như chính bản thân anh?”. Giải thích hiên tượng tâm lý này đối với tôi là khó, nhưng qua quan sát thực tế xã hội ta, nhất là những năm gần đây, tôi thấy quả có cả “nói dối đơn”, lẫn “nói dối kép” thật.

“Nói dối đơn” đang là hiện tượng vô cùng phổ biến, trong đời ai chẳng nói dối vài lần, vì cả động cơ xấu lẫn động cơ không xấu. Nhưng phải nói, hiện tượng nói dối đơn với động cơ xấu hiện đang phổ biến rộng rãi, đa dạng, phong phú, sinh động và cũng liều lĩnh, trắng trợn nhất. Mà sự trắng trợn thể hiện rõ nhất là tại các phiên tòa xét xử những người bị cho là “hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân”, như vụ xử ông Lê Đình Lượng vào ngày 16-8-2018 vừa qua. Các luật sư Đặng Đình Mạnh và Hà Huy Sơn (bào chữa cho ông Lượng tại phiên tòa) đã cho biết: Phiên tòa được gọi là “công khai” nhưng an ninh thắt chặt, ra vào đều phải đi qua cổng từ, người và cặp sách đều bị lục soát, sóng điện thoại di động bị chặn…

Khôi hài hơn, còn có chuyện: chứng cớ để buộc tội ông Lê Đình Lượng “lôi kéo người tham gia tổ chức Việt Tân” là căn cứ lời khai của Nguyễn Văn Hóa và Nguyễn Viết Dũng, nhưng khi ra tòa hôm đó, cả hai thanh niên đều phản cung (mặc dù các anh ấy đều bị cách ly với nhau, cách ly với ông Lượng). Lý do của họ là vì trước đó bị bắt cóc, bị tra tấn, bị ép cung. Vừa nói xong, Hóa và Dũng lập tức bị lôi ra ngoài. Khi các luật sư yêu cầu thẩm vấn họ thì cán bộ dẫn giải xuất hiện cho biết Hóa thì tự nhiên viêm họng, Dũng thì đột ngột đau bụng (?!).

Trong phần tranh luận, nhiều vấn đề về chứng cớ buộc tội, về hành vi của ông Lượng đã được luật sư đặt ra, đánh giá lại và khẳng định rằng: không có chứng cớ chứng minh quan điểm truy tố (hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân). Các hoạt động của ông đối với xã hội chỉ là những hành vi của một cựu quân nhân sống có trách nhiệm cao với cộng đồng, với địa phương, và là một công dân thực hiện quyền tham gia xây dựng quản lý Nhà nước theo Hiến pháp, Pháp luật mà thôi… Tất nhiên, những luận cứ của các luật sư, dù chặt chẽ đến đâu cũng không được HĐXX chấp nhận. Ngay cả việc ông Lượng kiên định thực hiện quyền im lặng (trong suốt quá trình bắt giữ, khởi tố, điều tra và xét xử sơ thẩm, theo đúng quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự mới) mà cũng bị Tòa cho là “ngoan cố”(?!).

Cuối cùng, bất chấp tất cả, bất chấp cả đề nghị của Viện kiểm sát là 17 - 18 năm tù, Tòa án “nhân dân” tỉnh Nghệ An đã tuyên ông Lê Đình Lượng 20 năm tù và 5 năm quản chế!

Tờ báo chính thống của tỉnh Nghệ An đã tung tin ra công chúng rằng: “Qua quá trình xét xử, nhận thấy Lê Đình Lượng là đối tượng phản động đặc biệt nguy hiểm thuộc tổ chức khủng bố Việt Tân. Tòa tuyên 20 năm về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.

Nhắc lại sơ qua về phiên tòa như vậy, chẳng nói thì độc giả cũng dễ dàng thấy sự dối trá tràn trề. Và ở đây có thể có đủ cả nói dối đơn lẫn nói dối kép? Có lẽ các ông (bà) từ điều tra viên, đại diện viện kiểm sát, cả cảnh sát bảo vệ phiên tòa cũng như chánh án đều không tránh khỏi nói dối, mà chủ yếu là nói dối đơn, vì họ đều biết rõ là mình đang nói sai sự thật. Chắc chắn là như vậy, vì họ trực tiếp tiếp xúc với người và việc, họ được (hay bị) mắt thấy tai nghe mà.

Cũng chỉ nói về phiên tòa “nặng kí” gần đây làm ví dụ, chứ phiên tòa nào của Nhà nước này mà chả có đủ cả dối đơn đối kép để dẫn đến những bản “án bỏ túi” nặng nề và phi lý. Rõ thấy nhất là việc luôn khẳng định “Tòa xử công khai” nhưng phiên nào cũng cấm cản, xua đuổi, thậm chí đánh đập người dân đến dự khán (may lắm thì có một hai người thân ruột thịt của bị cáo được lọt vào!).

Thế còn nói dối kép thường hiện diện ở đâu là chính? Có thể nói, nó hay có ở những người làm quan to, làm lâu năm. Thực tế đã có mấy vị làm rất to (kể cả to nhất) và rất lâu (thường là vài chục năm), họ có những câu nói dối, người ngoài nghe thì thấy rõ là dối, nhưng chính người nói lại tưởng mình đang nói thật. Thế nên họ nói rất tự nhiên, rất thản nhiên, rất…hồn nhiên và còn luôn lặp lại nữa.

Những ca nói dối như thế thì đến máy trắc nghiệm nói dối cũng khó mà phát hiện được. Ví dụ một ông đi đến đâu cũng chỉ bảo cho dân là phải suy nghĩ xem nên “nuôi con gì, trồng cây gì” để phát triển kinh tế. Khi nói, ông thật lòng tưởng thế là cao kiến, là có tác dụng thực tế lắm, và ông đinh ninh là dân sẽ răm rắp nghe theo, làm theo; họ sẽ vắt óc nghĩ về việc “nuôi con gì, trồng cây gì” như ông gợi ý, và sẽ làm giàu từ đó… Có biết đâu hễ nghe ông mở miệng thì đều không ai bảo ai, không vùng nào nhắn vùng nào, mà đều… bấm bụng cười với nhau.

Một ông khác, dù là ở diễn đàn trong nước hay nước ngoài, ông đều say sưa ca ngợi sự ưu việt của chế độ XHCN, ông say sưa truyền dạy kinh nghiệm xây dựng CNXH của Việt Nam cho các nước đang phát triển. Ông luôn nói: không có chế độ thì không có tất cả, mất chể độ là mất tất cả! Về bản thân thì, ông luôn đinh ninh mặc định rằng, ông có sứ mệnh phải gánh vác trách nhiệm trước đảng, trước dân tộc. Mặc dù bản thân tuổi đã cao, sức đã yếu, trình độ có hạn… nhưng đảng và nhân dân cứ giao phó các cương vị nên ông cứ phải nhận. Ông tin chắc chắn vào điều đó, nên đã hơn một lần lặp lại, khi mỗi lần “gánh” thêm “trách nhiệm” mới, cương vị mới. Còn buồn cười hơn, đó là kiểu cách nhún nhường “Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn” cũng được ông “chân thành” nhắc lại (Đến đây khó tránh để không nhắc tên một câu đọc được trên mạng của tác giả Jane Austen: “Không gì giả dối hơn tỏ vẻ nhún nhường. Thường thì nó chỉ là sự cẩu thả trong quan điểm và đôi khi là khoe khoang gián tiếp”).

Hiện tượng tâm lý dẫn đến nói dối kép của thiên hạ như Coocnây nhận xét thì tôi không thể và không dám lý giải, nhưng hiện tượng nói dối kép nội địa như vừa dẫn trên đây thì tôi đánh liều giải thích xem có được không nhé? Tôi cho rằng, các vị ấy, khi trẻ thuộc loại được cấp trên của họ ưa thích vì đặc tính là “thuần” (dễ bảo) và tích cực thực hiện nhiệm vụ trên giao và thuộc loại người hầu như không có cá tính (trong thể chế như ở nước ta, nhiều ông sếp có tính chủ quan độc đoán thì thường ưa loại nhân viên kiểu đó). Với thân hình mềm mại, không gai góc, họ dễ dàng cứ thế tuần tự nhi tiến. Nhưng khi lên cao đến vị trí thuộc cấp quyết sách thì, cái gọị là tính “thuần” không còn thích hợp, cương vị đó đòi hỏi phải quyết đoán, phải độc lập suy nghĩ, phải sáng tạo, phải nhạy bén… Họ trở nên đuối.

Nhưng đã ở cấp đó thì càng đuối càng sợ người khác biết đến cái đuối của mình. Họ đâm ra mất tự tin, và bắt đầu phải dựa vào việc tự phỉnh phờ bản thân cùng với những lời phỉnh phờ tâng bốc của kẻ dưới (giống như người làm việc quá tải, phải dùng rượu hoặc ma túy để kích thêm cho đủ sức, hoặc trường hợp các vận động viên gian dối phải dùng doping vậy).

“Doping” tự thân và doping của kẻ dưới ở xứ Việt ta không hiếm, những thứ đó dùng lâu ngày thành quen, thành nghiện. Và thế là họ không thể phân biệt được đâu là sự thật, đâu là giả dối, đến nỗi họ không còn biết mình là ai. Gần như tất cả mọi việc họ đều nói và làm trong cơn si mê bản thân và những xúi bẩy của đám “doping” chuyên nghiệp. Đó là nguyên nhân sinh ra hiện tượng nói dối kép.

Mà, cũng đáng buồn là điều đó xuất hiện “hơi bị nhiều” ở các quan chức cấp quyết sách ở xứ ta hiện thời.

N.N.B.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn