Bầu cử Mỹ: Ai thắng, ai bại?

Từ Thức

Phòng phiếu đã đóng cửa ở Mỹ. Cả hai phe Cộng hòa, Dân chủ đều cho mình đã thắng. Sự thực, kết quả không phải là “một thắng lợi ngoài sức tưởng tượng” như Trump quả quyết, cũng không phải là “làn sóng xanh” (mầu tượng trưng cho Đảng Dân chủ) như phe đối lập mong đợi. Hạ viện rơi vào tay Dân chủ. Thượng viện vẫn ở trong tay Cộng hòa.

Mỗi phe có lý do để nói mình thắng, hay có lý do để thất vọng

1. Phe Dân chủ

Đảng Dân chủ (DC) có thể mừng vì đã lấy lại được Hạ viện, nhưng thất vọng vì những bất mãn về cá nhân và tư cách Trump không cuốn trôi phe Cộng hòa (CH) như dự đoán, nhất là chuyện tranh cử của phe CH đều xoay quanh Trump, như một cuộc trưng cầu dân ý về Donald Trump, mặc dù đó là một cuộc bầu cử địa phương.

Không có, hay chưa có chuyện xã hội Mỹ chối bỏ Trump như nhiều médias tiên đoán. Cái sợ di dân và ổn định kinh tế (nhờ Trump hay không là chuyện khác) khiến hậu thuẫn cử tri của Trump vẫn còn mạnh.

Vai trò của Thượng viện quan trọng hơn Hạ viện, nhưng với Hạ viện trong tay, phe DC sẽ có khả năng gây khó khăn cho Trump, thí dụ về chuyện biểu quyết ngân sách, chính sách di dân, thành lập những uỷ ban điều tra về chuyện kinh tài, thuế má của Donald Trump. Ứng cử viên DC nổi nhất của DC, Beto O‘Rourke thua Thượng nghị sĩ đương nhiệm CH Ted Cruz ở Texas, nhưng là ngôi sao mới nổi mà Đảng DC đang tìm kiếm, để tranh cử Tổng thống hai năm tới, nếu không muốn lôi Hillary Clinton trở lại.

Vấn đề của Đảng DC là phải tìm ra lãnh đạo, và phải minh bạch hơn về chính sách, phải biết mình muốn gì, định làm gì. Chống Trump không phải là một chính sách. Đó cũng là những khó khăn các đảng phái cổ điển ở Âu Châu đang lúng túng, nhất là phe tả. Thế giới đã thay đổi, khó thuyết phục cử tri với những lý luận của thế kỷ trước.

2. Phe Cộng hòa

Với Thượng viện trong tay, Trump vẫn rảnh tay về ngoại giao, nhưng sẽ phải thương lượng, sống chung, thoả hiệp với Hạ viện trên những địa hạt khác.

Tới nay, Trump cai trị như chỗ không người. Hai năm tới, Trump sẽ phải chứng tỏ có khả năng lãnh đạo một quốc gia Dân chủ bình thường, có đối lập, có những người nghĩ khác mình.

Trong cuộc bầu cử Tổng thống 2020, chắc chắn Trump sẽ nói không thực hiện được những điều đã hứa vì bị Hạ viện ngăn cản, chọc gậy bánh xe. Nhìn dưói lăng kính đó, mất Hạ viện không chừng lại trở thành một lợi khí tranh cử cho Trump. Thí dụ về vụ xây tường, Trump sẽ nói không xây đưọc vì Hạ viện của Đảng DC, trong khi ngay cả khi đa số là Cộng hòa, chuyện biểu quyết ngân sách đã gặp khó khăn. Và không một chuyên viên nào nghĩ rằng một bức tường có thể chận đứng được di dân.

Những lý luận đó, cử tri có nghe không là tùy tình trạng kinh tế, xã hội của nước Mỹ trong 2 năm tới

Trái với một nước độc tài, lãnh tụ leo lên ngai vàng là ngồi lỳ tới chết, ở một xứ Dân chủ, hai năm là một thời gian đủ dài để xẩy ra nhiều chuyện, để cử tri ngả về phe này hay phe kia.

3. Nền dân chủ vững mạnh

Trong một cuộc tranh cử gay cấn nhất, gay go nhất và tốn kém nhất trong lịch sử, cử tri Mỹ đã đưa nhiều khuôn mặt trẻ, nữ giới, thuộc mọi chủng tộc, mọi giai cấp vào một quốc hội tới nay đa số là đàn ông, da trắng, thuộc giai cấp thượng lưu. Điển hình là Alexandria Ocasio-Cortez, dân biểu mới New York, 29 tuổi, mẹ người Portoricaine, xuất thân từ giới bình dân, hoạt động xã hội từ khi còn rất trẻ.

Chưa bao giờ số cử tri tham dự đông như vậy, trẻ như vậy; số ứng cử viên phụ nữ cũng chiếm kỷ lục. Người có công mang những người vốn thờ ơ đến với chính trị, với sinh hoạt xã hội là… Donald Trump. Nếu không bất bình với những lời tuyên bố của Trump về đàn bà, về người da mầu, chắc chắn những người đó đã đi shopping, hay câu cá ngày bầu cử.

Kết quả bầu cử cho thấy một nước Mỹ chia đôi, khó hàn gắn, nhưng Quốc hội Hoa Kỳ phản ánh đúng xã hội Mỹ. Điều đó xác nhận nhận xét của Alexis de Tocqueville: mặc dầu có nhiều khuyết điểm, Hoa Kỳ có một thể chế Dân chủ đủ mạnh, có khả năng quân bình hoá sinh hoạt chính trị, để vượt qua những giai đoạn sóng gió(*).

Nước Mỹ chia làm hai, nước Mỹ của thành phố và nước Mỹ của vùng quê. Nước Mỹ của những người muốn đóng cửa, bên cạnh những người muốn mở rộng. Những người cùng một chính kiến sống với nhau trong một khu, đọc một tờ báo, coi một đài TV phe kia coi như không có.

Mỗi người có lý do của mình. Ngay cả giới di dân bầu bán cũng khác nhau. Đa số người Mễ bầu DC, nhưng có nhiều người Mễ bầu Trump vì sợ những người Mễ khác sang… ăn phần bánh mì của mình. Đa số người Nhật, Đại Hàn, Ấn Độ bầu DC, vì nghĩ Trump kỳ thị chủng tộc. Đa số người Việt ủng hộ Trump kịch liệt vì nghĩ Trump sẽ đánh tan hoang Trung Cộng để từ đó đánh sụp Cộng sản VN.

Cái vết rạn đó, sẽ rất khó hàn gắn.

Kết quả bầu cử khiến nhiều người thất vọng, vì “phe ta” không đại thắng. Một chính phủ có đối lập sẽ gặp nhiều khó khăn. Đó chính là một trong những nguyên nhân khiến phong trào dân túy (mị dân) lên cao khắp thế giới. Người ta bắt đầu hoài nghi Dân chủ vì thấy nó không hữu hiệu, vì nhà nước không có toàn quyền. Quên rằng đó cũng chính là một ưu điểm của Dân chủ, vẫn theo Tocqueville: nó ngăn chặn độc tài, tránh hỗn loạn.

T.T. tuthuc-paris-blog.com

__________

(*) Các bạn trẻ, nếu muốn hiểu về Dân chủ Hoa Kỳ, hay Dân chủ nói chung (đủ mọi góc cạnh của Dân chủ), những cuốn sách đầu tiên nên đọc là tác phẩm của Alexis de Tocqueville. Mặc dầu tác giả là người Pháp, viết từ đầu và giữa thế kỷ 19, tác phẩm của Tocqueville vẫn trẻ, mới như vừa viết hôm qua.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn