Dân chủ, hòa giải và tương lai

Phạm Phú Khải
Hình minh họa.
Hình minh họa.

Trong bài trước, tôi đề cập đến vấn đề hòa giải. Tôi biện luận rằng chỉ khi nào Việt Nam có được một nhà nước dân chủ thật sự và có một chính sách hòa giải toàn diện thì hy vọng mới có thể tiến hành hòa giải từng bước. Hy vọng, bởi vì để hòa giải thật sự, nó đòi hỏi nhiều yếu tố về con người, về nỗ lực tự vượt qua chính mình và tự thay đổi. Các chính sách đề ra phải hỗ trợ các nỗ lực cá nhân này, điển hình là truyền thông, giáo dục cũng như các bài học về hòa giải của các dân tộc khác, chẳng hạn.
Tóm lại, để có thể thật sự hòa giải đối với toàn dân tộc thì trước hết phải có một nhà nước dân chủ đích thực làm nền tảng của công lý và chính nghĩa. Tức dân chủ, theo tôi, phải là tiến trình đi trước sau đó mới đến hòa giải.
Nhưng làm thế nào để có được dân chủ khi cuộc vận động và đấu tranh cho dân chủ đòi hỏi sự đoàn kết và dấn thân cho mục tiêu chung giữa người Việt với nhau, trong và ngoài nước, khi mà sự rạn nứt, chia rẽ và đố kỵ còn quá trầm trọng ngay cả giữa những người cùng mục đích và chủ trương trong tình hình hiện nay?
Đây là một bài toán, một thách đố trông khá nan giải!
Bài toán này, thách đố này có lẽ đã được thảo luận không ngừng hơn bốn thập niên qua kể từ biến cố 30 tháng Tư 1975, và hơn một trăm năm qua kể từ phong trào duy tân. Sự khác biệt chính yếu của hai thời kỳ này là mục tiêu dân chủ hiện nay, và độc lập trước đây.
Thật ra độc lập và dân chủ có điểm chung, đó là tự do. Tuy phương pháp của hai cụ Phan Bội Châu và cụ Phan Châu Trinh đều muốn nước nhà được độc lập, để người dân Việt Nam không còn bị nô lệ, xiềng xích, đọa đầy, nhưng cách thức thực hiện khác nhau trời vực. Tuy nhiên họ đều nhìn thấy rằng người dân không có một chút tự do nào cả dưới chế độ thực dân Pháp. Trong khi đó, mọi thiết chế và mục đích của dân chủ là để bảo đảm quyền và tự do của người dân.
Tuy có điểm chung này, độc lập không đồng nghĩa với tự do. Trong lịch sử và trong bối cảnh chính trị hiện đại đều chứng minh điều này. Theo báo cáo năm 2019 của tổ chức Freedom House, thì trong dân số toàn cầu hiện nay gồm 7,6 tỷ người, có 39 phần trăm sống trong tự do, 24 được tự do phần nào, và 37 không có tự do. Trong tổng số 195 quốc gia thì 44 phần trăm tự do, 30 tự do phần nào và 26 không tự do. Nghĩa là rất nhiều quốc gia được độc lập kể từ Thế chiến II đến nay nhưng vẫn chưa có tự do.
Khẩu hiệu “Độc lập, Tự do, Hạnh phúc” mà ông Hồ Chí Minh đưa ra đáp ứng được khát vọng của đa số người dân, ít nhất là tại miền Bắc vào thời đó, rằng không thể có tự do nếu chưa có độc lập, và không thể có hạnh phúc nếu chưa thể có tự do. Do đó đấu tranh giành độc lập là ưu tiên hàng đầu, có được độc lập thì sẽ dần dần có tự do và hạnh phúc.
Khẩu hiệu này rất thu hút. Hàng triệu người Việt Nam đã nằm xuống, đã đổ máu hy sinh, cho khẩu hiệu này. Họ sẵn sàng cầm súng và hy sinh chính mình, và tiêu diệt, kể cả giết lầm còn hơn bỏ sót, những người họ gọi là đồng bào, ở bên kia chiến tuyến khi bị xem là “kẻ thù của nhân dân”. Nhưng động cơ chính là đa số, vì bị tuyên truyền, nghĩ rằng họ chiến đấu để giải phóng miền Nam khỏi “đế quốc Mỹ”.
Không phải chỉ người dân và bộ đội/lính miền Bắc tin vào tuyên truyền. Lãnh đạo hàng đầu của Đảng Cộng sản Việt Nam, từ Hồ Chí Minh trở xuống, cũng chủ trương tuyên truyền và bị tuyên truyền. Ông Hồ cũng tỏ ra tin tưởng vào chủ nghĩa cộng sản, thế giới đại đồng, chuyên chính vô sản v.v… Trong thâm tâm ông ra sao thì không hoàn toàn rõ, nhưng ông buộc phải chứng minh sự trung thành đối với Đệ tam Quốc tế để chiếm được sự ủng hộ. Từ ông Hồ cho đến Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Tố Hữu vân vân… đều có niềm tin vững mạnh về thế tất thắng của chủ nghĩa cộng sản như là lời giải cho Việt Nam.
Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim
… (Từ ấy)
Yêu biết mấy nghe con tập nói
Tiếng đầu lòng con gọi Stalin
Vào thời điểm đó giới lãnh đạo Bắc Việt có biết rằng lãnh đạo hàng đầu Liên bang Xô Viết, từ Stalin cho đến thành phần lãnh đạo về sau này, thật ra cũng chỉ xem chủ nghĩa cộng sản như là phương tiện để xây dựng thế lực để đối trọng với khối tư bản/tự do? Người đầu tiên nhận ra được vấn đề này thời đó có lẽ là Tùng Phong Ngô Đình Nhu. Qua tác phẩm Chính đề Việt Nam, với các tài liệu mà ông nghiên cứu vào thời điểm đó của Winston Churchill, Charles de Gaulle, Harry Truman, v.v… mà sau này có nhiều bằng chứng hỗ trợ cho lập luận này, Ngô Đình Nhu sớm nhận định rằng con đường mà Bắc và Nam Việt Nam đang leo thang chiến tranh, có thể thành biến thành núi xương sông máu, không phải là con đường tốt nhất cho toàn dân tộc. Chính Mao Trạch Đông đã nhìn ra được chủ nghĩa quốc gia đội lốt chủ nghĩa cộng sản mà lãnh đạo Liên Xô chủ trương, do đó đã tìm đến Hoa Kỳ để tìm hậu thuẫn và tạo thế cân bằng. Bắc Việt xem đó là hành động phản bội, trở cờ và đứng về phía Liên Xô. Nhưng thật ra chính họ mới là thành phần tin mù quáng và có cái nhìn ảo tưởng vào một thế giới đại đồng không còn cảnh người bóc lột người. Họ đã nhận thức muộn. Và sự nhận thức muộn màn này đã là cái giá phải trả cho hàng triệu người Việt chết trong và sau cuộc chiến Việt Nam.
Lịch sử, rất tiếc, vẫn thường là một sự tái phạm nghiêm trọng với giá quá đắc.
Một chính sách tuyên truyền, đầu độc từ trên xuống dưới như thế dưới các chế độ cộng sản mà mọi thông tin bị bưng bít và mọi cơ quan truyền thông tự do bị cấm đoán. Cho nên không có gì ngạc nhiên cả khi lãnh đạo cộng sản trở thành nạn nhân của chính các chính sách tuyên truyền của họ. Sau 30 tháng Tư năm 1975, họ tuyệt đối tin tưởng rằng họ có thể chuyển hóa toàn bộ miền Nam bằng chính sách học tập, cải tạo và một nền giáo dục xã hội chủ nghĩa. Họ hoàn toàn lầm. Như Tố Hữu đã hoàn toàn sai lầm. Và như mọi lãnh đạo cộng sản từ Hồ Chí Minh đến nay đã sai lầm trong việc chọn con đường cho Việt Nam, gây bao đại họa cho đất nước mà cho đến nay vẫn không một lời xin lỗi chính thức.
Trong tâm lý học có một phương pháp có tên là “Giả bộ cho đến khi làm được” (Fake it until you make it). Đây là một loại trị liệu hành vi nhận thức (cognitive behavioral therapy). Chẳng hạn, một người thiếu tự tin, nhút nhát, sợ sệt có thể sử dụng cách trị liệu này để dần dần vượt qua được yếu điểm của mình. Trước ống kiếng, cử tọa, phát biểu, phỏng vấn v.v…, một người thường bị áp lực và khiếp nhược. Nếu được hướng dẫn để luyện tập đúng cách, người ta có thể giả bộ, “đóng kịch”, để có thể học bày tỏ những cảm xúc tích cực, thương yêu, tự tin thay vì tiêu cực, sợ hãi, thiếu tự tin. Thay vì khép nép, tự ti, mặc cảm với người khác, người ta có thể đóng kịch, bày tỏ qua ngôn ngữ cơ thể (body language) của mình, để chứng tỏ sự khẳng khái, tự tôn và tự tin. Qua thời gian các cử chỉ, ngôn từ, hành động này sẽ chuyển đổi cảm xúc, và qua đó tâm lý, não trạng của mình, và trở thành phản ứng cảm xúc tự nhiên. Phương pháp trị liệu này cho rằng tuy giả bộ, đóng kịch lúc đầu nhưng nếu đủ niềm tin và cố gắng thật sự thì kết quả sau cùng sẽ đạt được, là thật.
Nhưng như hầu hết mọi thứ được qua bàn tay người cộng sản, họ có khả năng đảo ngược nó. Nói dối riết rồi cứ tưởng là nói thật. Tuyên truyền riết người ta sẽ tin những gì được tuyên truyền. Tham nhũng riết người ta cứ cho nó là hành xử tự nhiên thay vì bất thường. Bạo lực riết tạo thành văn hóa để trấn áp và cai trị xã hội. Điều vô lý hết sức qua thời gian trở thành có lý (và ai mà nói ngược quan điểm hay chống lại họ là phản động!). Họ vẫn hô hào dân chủ gấp bao lần người ta, nhưng nội dung chẳng giống ai, và là thứ dân chủ giả mạo chứ không có tự do. Quốc hội, tòa án, bầu cử ứng cử, công đoàn, truyền thông v.v… đều không độc lập mà hoàn toàn trực thuộc Đảng. Dân chủ thành độc tài; kinh tế thị trường thành định hướng xã hội chủ nghĩa; tự do thành lợi dụng quyền tự do; tin tức thành tin tặc, và ngược lại; bất bạo động thành khủng bố vân vân… Nạn cường hào ác bá, mua quan bán chức, hối lộ, gian lận, ấu dâm, v.v… riết rồi nó trở thành một thói quen, một thứ văn minh mà chính Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tự hào 'Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày nay'.
Donald Trump, Tổng thống Hoa Kỳ, cũng trở thành phương tiện tuyên truyền của chế độ, mặc dầu trong sự kiện này không thể trách lãnh đạo cộng sản lợi dụng cơ hội này để tuyên truyền. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc phát biểu rằng việc ông Trump giơ cao lá cờ đỏ của Việt Nam trong chuyến đến Hà Nội tham dự Thượng đỉnh Trump-Kim đã làm cho “bọn phản động, lưu vong, rã rời chân tay”. Trước đó ông Phúc từng kêu nài rằng “Tổ quốc luôn lắng nghe hơi thở của bà con” và “Chính phủ do dân, vì dân, trong đó Việt kiều cũng là người dân”. Tuy ông Phúc không nêu rõ ai là Việt Kiều, ai là phản động, lưu vong, nhưng hầu như ai cũng hiểu sự phân biệt này. Những ai phê bình, phản đối nhà nước Việt Nam hiện nay đều bị xem là phản động, lưu vong. Vẫn là não trạng của một thứ văn hóa kém và hèn.
Những người như Nguyễn Xuân Phúc thì không thể nói đến hòa giải gì cả. Nó không ở trong não trạng của ông. Ông cũng không đủ tư cách, tầm nhìn và khả năng để phê bình hay ý kiến về vấn đề lớn lao này, dù có muốn. Ông Võ Văn Kiệt trước đó còn thành khẩn hơn nhưng cũng không làm gì được hơn. Không có chính danh, chính sách, tài năng chính trị và sự thành tâm thì không thể thực hiện mục tiêu này, huống chi chỉ là sự đãi môi.
Con đường và hành động của chế độ cộng sản đã sai lầm từ thưở ban đầu. Hồ Chí Minh đã chọn lầm con đường từ đầu thập niên 1920, nghĩa là gần 100 trăm qua, và cái giá phải trả của toàn dân tộc là quá đắc trong suốt hành trình này. Cho đến ngày hôm nay, người dân vẫn chưa có được quyền tự do căn bản nào, và kinh tế vẫn ở mức rất thấp của xã hội đang phát triển, chứ chẳng có gì đáng tự hào cả. Tất cả chỉ là bánh lẽ hứa hẹn cho toàn dân tộc.
Tôi tin và mong rằng khi nào người dân Việt Nam cùng giúp nhau nhìn ra bức tranh chung, hiểu rõ về lịch sử, trong đó một viễn ảnh tương lai bao gồm phần lớn người dân không phân biệt dù bất cứ lý do gì, và nỗ lực tìm ra được đồng thuận chung nhưng cùng lúc chấp nhận những khác biệt hiển nhiên, tìm ra một chính sách bao hàm hay vì phân biệt loại trừ, thì đến lúc đó cái chung mới đủ lớn để có được sức mạnh tổng hợp. Còn cứ tiếp tục con đường cũ, bè phái, lợi ích nhóm, mị dân, độc tài và độc quyền, đầy hứa hẹn nhưng không có thực chất, đao to búa lớn mà không có viễn ảnh và kế hoạch phát triển hẳn hoi, chú tâm đến bề ngoài thay vì thực chất xây dựng nền tảng lâu dài, và nhất là tâm lý và thói quen “mì ăn liền”, thì trước sau gì mọi nỗ lực cũng trở thành lãng phí, mọi liên minh cũng đưa đến gẫy đổ. Bởi làm sao bền vững khi không có nền tảng gì để xây dựng và phát triển lâu dài. Không có triết lý, viễn kiến, tư tưởng, kế hoạch, tổ chức và nhất là xây dựng con người và đào tạo nhân sự, thì thật sự chỉ phí công sức và thời gian, như đã từng lãng phí nó trong hơn bốn thập niên qua. Hay đúng hơn là cả trăm năm qua.
Ông Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo hàng đầu tại Việt Nam trong bốn thập niên qua, cũng như các tiền nhiệm của ông, chứng minh không hiểu và không có sự thông cảm chân thành nào đối với người Việt lưu vong, ngoại trừ xem họ như là chất xám và nguồn lực có thể trục lợi cho sự tồn vong của chế độ. Trong khi đó, kể từ khi Đổi Mới năm 1986 cho đến nay, và trong một hai thập niên trước mặt, con đường tất yếu cho Việt Nam là dân chủ hóa toàn diện, từ kinh tế, chính trị đến văn hóa giáo dục cũng như bao lãnh vực khác. Nghĩa là những gì họ nỗ lực giựt sập trước đây bằng máu và nước mắt của hàng triệu linh sinh của hai miền Nam Bắc là một sự phi lý và uổng phí hoàn toàn. Không những thế, các chính sách trả thù cực kỳ dã man của chế độ sau 30 tháng Tư 1975 là sai lầm và tội ác không thể chấp nhận được. Lãnh đạo cộng sản Việt Nam phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về những sai lầm chồng chất này. Công nhận những lỗi lầm của mình gần chín thập niên qua là bước đầu thể hiện thiện chí của chủ trương hòa giải. Nhưng qua kinh nghiệm đã thấy từ hơn bốn thập niên qua, não trạng của người cộng sản khá cứng ngắt, bảo thủ và không thể là những gì người dân có thể mong đợi. Cho nên không nỗ lực cùng nhau đấu tranh cho dân chủ thì mọi thay đổi cũng chỉ là chấp vá, mọi mong đợi chỉ là ước vọng, nếu không phải là ảo tưởng.
Nói tóm lại, dân chủ là chìa khóa để hòa giải dân tộc, vừa là nền tảng để xây dựng một xã hội nhân bản văn minh, xứng đáng với tiềm năng của người Việt Nam trong thế kỷ này. Một khi nỗ lực và chủ động đấu tranh để vận động và xây dựng dân chủ thì một ngày không xa người Việt có thể tự hào về tương lai của đất nước khi mọi tiềm năng dân tộc được phát huy và vận dụng tối đa vào nỗ lực kiến thiết quốc gia.
Úc Châu, 24/04/2019
P.P.K
Nguồn: https://www.voatiengviet.com/a/hoa-giai-30-thang-tu-quoc-cong/4889754.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn