Tương lai Nguyễn Phú Trọng mập mờ

Phạm Trần
Bất cứ lãnh đạo nào ở Việt Nam nói Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng không bị bệnh hiểm nghèo là nói dối, bịp dân và đánh lừa giới ngoại giao tại Hà Nội.
Bằng chứng ông Trọng, người đứng đầu đảng duy nhất cầm quyền của nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã không xuất hiện trước đám đông, dù trong Đảng hay ngoài xã hội, kể từ trưa ngày 14/04/2019 là khi có tin ông bị “đột quỵ” (stroke) trong lúc đang chỉ đạo các cấp lãnh đạo Đảng bộ tỉnh Kiên Giang.
Ban Tuyên giáo Đảng, được nói, đã ra lệnh cho báo đài nhà nước phải tuyệt đối không loan tin về ông Trọng sau khi rời Kiên Giang nhưng cũng không lên tiếng cải chính tin của các mạng xã hội nói ông Trọng đã được cứu sống ở Bệnh viện Chợ Rẫy (Sài Gòn) để đưa về Hà Nội chữa tiếp từ chiều ngày 16/04/2019.
Tuy nhiên Ban Bảo vệ sức khỏa lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Chính phủ đã không đưa ra bất cứ thông tin nào về tình trạng sức khỏe của ông Trọng.
Lý do Ban Tuyên giáo che kín thông tin sức khỏe của ông Trọng vì Luật Bảo vệ Bí mật Nhà nước (Luật số 29/2018/QH14), ban hành ngay 15/11/2018, có khoản cấm ghi tại Điều 7 đối với “Thông tin bảo vệ sức khỏa lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước”.
BẰNG CHỨNG VẮNG MẶT
Bằng chứng ông Nguyễn Phú Trọng, 75 tuổi đã không làm 2 việc từng được lên kế hoạch từ trước:
Thứ nhất, hủy bỏ cuộc tiếp Phái đoàn 9 Thượng nghị sỹ lưỡng đảng Hoa Kỳ, ấn định vào ngày 18/4 (2019) tại Hà Nội. Đoàn do Nghị sỹ Dân chủ Patrick Leahy (Tiểu bang Vermont), Phó Chủ tịch Ủy ban chuẩn chi Thượng viện cầm đầu thăm Việt Nam để thẩm định công tác tẩy xóa chất độc da cam và công tác giúp người khuyết tật.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Bí thư Trần Quốc Vượng, người đứng hàng thứ hai sau ông Trọng đã thay ông Trọng tiếp phái đoàn Leahy.
Thứ hai, ông Trọng không cầm đầu phái đoàn đi Trung Cộng họp Hội nghị thượng đỉnh “Vành đai-Con đường” lần 2 ở Bắc Kinh từ ngày 25 đến 27/04/2019, theo lời mời của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Trung Cộng Tập Cận Bình.
Bộ Ngoại giao Việt Nam ra thông báo chính thức ngày 22/4 (2019) cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ cầm đầu phái đoàn Việt Nam. Cũng giống như nguyên Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã thay mặt Việt Nam đọc diễn văn tại Hội nghị này hồi tháng 5/2017, ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ trình bày quan điểm của Việt Nam vào ngày 26/04 (2019). Sau đó, ông Phúc sẽ có các cuộc họp với Lãnh đạo cao nhất của Trung Cộng.
Trước khi ngã bệnh bất ngờ, ông Nguyễn Phú Trọng đã chuẩn bị trong chuyến đi sẽ có cuộc gặp riêng với ông Tập để trao đổi về tình hình hai nước; tình hình Biển Đông; triển vọng hợp tác song phương giữa sáng kiến “Hai hành lang, một vành đai” của Việt Nam với sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc. Cũng qua lần họp này, nếu thuận lợi, ông Trọng sẽ đề cập đến chuyến đi thăm Mỹ sắp tới của ông theo lời mời của Tổng thống Donald Trump.
Thứ ba, ông Nguyễn Phú Trọng cũng vắng mặt ở một số Hội nghị của Tổ chức và Đảng địa phương như ông đã làm tại Kiên Giang trong hai ngày 13 Và 14/04/2019.
Trong số này có Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Hội Nhà báo năm 2018, tổ chức tại TP Cần Thơ ngày 19-4-2019. Ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Mặt trận Tổ Quốc đã thay ông Trọng chỉ đạo Hội nghị.
Ông Trọng cũng không thể đi dự Hội nghị kiểm điểm nhiệm kỳ 2015-2020 của Đảng bộ Tỉnh Quảng Ninh ngày 24/04/2019. Đây là công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nằm trong khuôn khổ chọn nhân sự cho các đoàn Đại biểu tham dự Đại hội Đảng thứ XIII, dự trù diễn ra đầu tháng 01/2021. Thường trực Bí thư Trần Quốc Vượng đã thay ông Trọng dự Hội nghị Quảng Ninh.
Thứ tư, trong Lịch tiếp xúc Cử tri Hà Nội trước Kỳ họp 7 của Quốc hội, dự trù khai mạc ngày 20/05/2019, không thấy ghi buổi gặp cử tri của Đoàn đơn vị I, gồm Ba Đình, Hoàn Kiếm và Tây Hồ do ông Nguyễn Phú Trọng đứng đầu.
Không có lý do được đưa ra, nhưng theo Thông báo phổ biến ngày 02/04/2019 của Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội thì “Lịch TXCT tại đơn vị số 01, số 02 sẽ có thông báo sau”. Tuy nhiên cho tới ngày 24/04 (2019), vẫn chưa có Thông báo mới.
Những chỉ dấu trên cho thấy chưa bao giờ ông Trọng đã vắng mặt, hay không có việc gì làm trong thời gian dài như thế. Ít nhất là trên 10 ngày, kể từ khi có tin ông bị “đột qụy” (stroke) ở Kiên Giang trưa 14/04 (2019), không có bất cứ tin nào về ông Trọng được lộ ra khỏi Hà Nội.

VIỄN ẢNH KHÔNG CÓ TRỌNG

Với tình trạng sức khỏe tương đối ổn định, kể từ khi ông được bầu làm Tổng Bí thư Đảng khóa XI năm 2011, sau đó kiêm luôn chức Chủ tịch nước từ ngày 23/10/2018, ông Trọng là người năng động và rất tích cực trong chiến dịch chống tham nhũng; chống chạy chức, chạy quyền và từng hô hào “chống “tham nhũng quyền lực” trong Đảng.
Đã có lần ông nói: “Khi lò đã nóng, không ai có thể đứng ngoài cuộc….Chúng tôi nhiều lần nói không thể không làm. Muốn thế thì lòng dân phải thuận, tất cả đồng lòng, lò nóng lên thì tất cả phải vào cuộc”.
Đề cập đến vai trò của luật pháp, ông Trọng văn hoa: “Đây là công cụ bảo đảm để làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng. Không thể kêu gọi suông, giáo dục suông mà phải bằng luật pháp, phải nhốt quyền lực vào trong lồng pháp luật, phải có đòn roi để làm sao cho anh không dám làm, không muốn làm, nhúng tay vào rồi thì phải sửa”. (Theo PhápLuật.Net, Tiếp xúc cử trị Dơn vị I, ngày 29/11/2917)
Tuy nhiên, ông lại là người nắm giữ nhiều chức hơn bất cứ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tiền nhiệm nào. Ngoài hai chức đầu Đảng, đầu nước, ông Trọng còn là Bí thư Quân ủy Trung ương; Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương; Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và an ninh Việt Nam; Trưởng ban chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương Đảng CSVN.
Riêng trong công tác chuẩn bị cho Đại hội Đảng XIII, tổ chức vào tháng Giêng năm 2021, ông Nguyễn Phú Trọng đã một mình nắm 2 chức quan trọng nhất là Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đảng, và Trưởng Tiểu ban Nhân sự. Tiếng nói của ông sẽ ảnh hưởng rất “nặng ký” đến đường đi nước bước của Đảng CSVN trong nhiều năm tới.
Đồng thời, với chức Trưởng Tiểu ban nhân sự, ông cũng có quyền sinh sát đối với việc chọn các Ủy viên Trung ương Đảng, và đặc biệt là Bộ Chính trị, trong đó có hai chức Tổng Bí thư và Chủ tịch nước dành cho một người như ông bây giờ.
Một danh sách 200 ứng viên cho các “cán bộ cấp chiến lược” đang nằm trong tay ông Nguyễn Phú Trọng, nhưng ông vẫn nói trước khi lâm bệnh là “chưa chốt” mà còn phải xét thêm các trường hợp khác để gạn lọc.
Nhưng tước khi bị đột quỵ, ông Trọng từng tự cao “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế như ngày nay”. Ông cũng nói trực tuyến vào sáng ngày 28/12/2018 tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương rằng: “2019 là năm chuẩn bị kết thúc của nhiệm kỳ 5 năm, năm khởi đầu của quá trình chuẩn bị tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, vì vậy có ý nghĩa rất quan trọng”.
Ông Trọng kêu gọi: “Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, ưu ái tuyển dụng người thân không đủ tiêu chuẩn… Cũng dè chừng dần những tiêu cực chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu. Chuẩn bị Đại hội lại vận động, tìm mọi cách”.
Ông nói: “Phải cảnh báo vấn đề này. Đó chính là xây dựng Đảng, liên quan đến vấn đề con người. Cần gì phải “chạy”, Tôi đã nói rồi, “chạy” là không dùng, cái gì đến tự sẽ đến, “hữu xạ tự nhiên hương”. (Trích VOV, phát biểu ngày 21/3-2019, tại trụ sở Trung ương Đảng).

AI CÓ CƠ MAY KẾ VỊ?

Vậy bây giờ, sau khi ngã bệnh có dấu hiệu không nhẹ thì viễn ảnh một Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú trọng đang mờ nhạt dần sẽ tạo cơ hội cho ai trong số 15 Ủy viên Bộ Chính trị còn lại có cơ hội thay ông?
Nếu căn cứ vào “thâm niên đảng viên” và vị trí trong Bộ Chính trị khóa Đảng XII thì người ấy có thể là ông Trần Quốc Vượng, hiện giữ chức Thường trực Ban Bí thư, đứng hàng thứ hai sau ông Nguyễn Phú Trọng.
Ưu điểm của ông Vượng, sinh ngày 05/02/1953 tại Tỉnh Thái Bình, miền Bắc là ông được nhận vào Đảng ngày 10/08/1979. Trong khi ông Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, sinh ngày 10/12/1958 tại Thanh Hóa, Trung tướng Công an 61 tuổi, mãi đến ngày 25/12/1986 mới được vào Đảng.
Ngoải ra, ông Chính còn bị “dính liền” với sự án Đặc khu Kinh tế Vân Đồn khi ông giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Qủang Ninh từ 08/08/2011 đến 01/04/2015. Tuy nhiên cuộc “biểu tình nổi loạn” của hàng trăm ngàn người dân ngày 10/06/2018 trên khắp Việt Nam đã dập tan kế hoạch biến Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Khánh Hòa và Phú Quốc thành các “trung tâm Kinh tế của Trung Cộng”.
Vì vậy, mỗi khi tên ông Chính xuất hiện là người ta lại nghĩ ngay đến “vấn nạn” Vân Đồn.
Người thứ 3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, sinh ngày 20/07/1954 tại Quảng Nam, tới ngày 12/05/1982 mới được nhận vào Đảng. Tuy ông Phúc là Ủy viên Bộ Chính trị từ khóa Đảng XI, trước hai ông Vượng và Chính đến 5 năm, nhưng ông lại bị eo xèo là có nhiều “tham vọng quyền lực” và “lợi ích nhóm” địa phương.
Ủy viên Bộ chính trị khác là ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, sinh ngày 12/06/1953 tại Cà Mau, nhưng quê gốc là Trà Vinh. Ông được nhận vào Đảng năm 1980, leo lên Ủy viên Bộ Chính trị từ ngày 11/05/2013 nhưng ông là một chuyên gia Giáo dục hơn là một chính trị gia.
Người cuối cùng, ông Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy Hà Nội sinh ngày 27/09/1959 tại Thái Bình, lại chỉ mới vào Đảng từ ngày 20/11/1990. Việc ông được cất nhắc vào Ban Chấp hành Trung ương khóa Đảng XI và và sau đó vào Bộ Chính trị năm 2016 cũng bị eo xèo vì có tin ông có gốc gác người Hoa và nói tiếng Hoa như tiếng Việt.
Nhiều mạng xã hội nói ông Hoàng Trung Hải cũng là một trong số Ủy viên Bộ Chính trị ủng hộ nhiệt thành kế hoạch “đặc khu”.

TRẦN QUỐC VƯỢNG-TẬP CẬN BÌNH

Như vậy, sau bóng mờ Nguyễn Phú Trọng sẽ là ai, hay chẳng có ai được nổi lên cho đền khi cuộc cờ phải phân thắng bại giữa Hà Nội và Bắc Kinh?
Có điều đáng quan tâm là trong cuộc họp được gọi là “‘vun đắp’ cho mối quan hệ Hà Nội – Bắc Kinh” ngày 21/08/2018 tại Bắc Kinh giữa ông Trần Quốc Vượng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình, lãnh đạo họ Tập đã cho ông Vượng biết rằng “hiện đang diễn ra những thay đổi phức tạp và sâu sắc liên quan đến tình hình quốc tế và khu vực”. (VOA Tiếng Việt, 21/08/2018)
VOA viết tiếp: “Ngoài ra, cũng theo Tân Hoa Xã, ông Tập còn phát biểu rằng giữa ông và Tổng Bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã “đạt được một loạt sự đồng thuận quan trọng về việc tăng cường quan hệ giữa hai bên và hai nước”.
“Ông Tập còn nói thêm rằng Bắc Kinh sẵn sàng làm việc với Hà Nội về các cuộc hội thoại chuyên sâu bàn về các vấn đề tổng thể và chiến lược, cũng như “tăng cường các hướng dẫn chính trị về quan hệ song phương” để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hai bên.
Tuy nhiên, truyền thông Trung Quốc không nêu rõ các “hướng dẫn chính trị” mà hai bên có kế hoạch bàn thảo là gì”.
Vế phần mình, VOA đưa tin tiếp theo rằng: “Ông Vượng đề nghị hai bên “tăng cường và nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác giữa hai Đảng, hai nước; thúc đẩy hiệu quả các lĩnh vực hợp tác, giải quyết thỏa đáng các vấn đề trên biển, giữ vững đà phát triển của quan hệ hai nước”.
Như vậy, trước việc Đảng và Nhà nước CSVN tiếp tục giấu tin ông Trọng thì liệu chuyến đi Trung Cộng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị thượng đỉnh “Vành đai-Con dường” lần 2 từ ngày 25 đến 27/04 (2019) có cơ may mở ra đường thoát Trung nào cho Việt Nam hay sẽ chỉ bóp lại bé hơn qua hình ảnh của cuộc họp bất ngờ năm 2018 giữa Tập Cận Bình và Trần Quốc Vượng?
P.T.
Nguồn: https://baotiengdan.com/2019/04/25/tuong-lai-nguyen-phu-trong-map-mo/

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn