Phản kháng phi bạo lực (Phần 4)

Phạm Đoan Trang

Chương IV
“TỐT GỖ, TỐT CẢ NƯỚC SƠN”
Phải xây dựng được một hình ảnh tích cực để lôi cuốn mọi người. Luôn bảo vệ, duy trì hình ảnh ấy một cách thống nhất.
Không phải lời dạy nào của tiền nhân cũng đúng. Các cụ nhà ta dạy: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, ý là nội dung quý hơn hình thức. Câu ấy, đặt trong thời đại này thì sai bét, vì rõ ràng cả hai thứ đều quan trọng như nhau và cần thiết như nhau. Trong nhiều trường hợp, hình thức, cách thể hiện - tức là nước sơn - còn quan trọng hơn cả nội dung - tức gỗ.
Trong hoạt động chính trị nói chung và đấu tranh chống độc tài nói riêng, hình thức, hay cái mà bạn thể hiện ra bên ngoài cho quần chúng thấy, đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Muốn thành công, bạn không thể chỉ tập trung vào nội dung (ai, cái gì, làm gì) mà quên đi hình thức (như thế nào). Nhiều khi, cùng một công việc, bạn làm thì hỏng, nhưng người khác lại thành công, bởi họ biết rõ cái quan trọng là “làm như thế nào”.
Đừng bao giờ nghĩ: “Hình thức không quan trọng; xây dựng hình ảnh là trò vẽ vời”, “Không thể nào đòi hỏi mọi cá nhân trong phong trào dân chủ đều giống nhau”. Nếu còn tư duy như vậy, bạn còn thất bại. Các cá nhân đấu tranh trong phong trào dân chủ có thể khác biệt nhau nhưng cách thức họ thể hiện ra bên ngoài như một thành phần của phong trào thì phải thống nhất (và tích cực).
Dân chủ, tự do đẹp lắm!
Hình ảnh mà bạn xây dựng cho cá nhân bạn, cho tổ chức của bạn, hay rộng hơn nữa, cho phong trào dân chủ - nhân quyền ở Việt Nam, nên là hình ảnh mang tính tích cực, nghĩa là nó có những tính chất tích cực: xinh đẹp, vui vẻ, hài hước, thông minh, ôn hòa, đầy yêu thương, nhân hậu, thành đạt. Đặc biệt là sự hài hước - cá nhân người viết cho rằng những gì hài hước sẽ được người ta nhớ rất lâu.
Hình ảnh đó không nên mang nét tiêu cực: xấu, buồn thảm, khô cứng, ngu dốt, hiếu chiến, bạo lực, bất mãn, hằn học, thất bại.
Và bạn chú ý, hình ảnh tích cực mà bạn tạo dựng nên đó, bạn phải thể hiện nó thống nhất mọi lúc, mọi nơi, trên mạng cũng như ngoài đời, vào những lúc đương đầu với lực lượng công quyền trấn áp bạn cũng như những giây phút bạn đứng trong đoàn biểu tình, hay trong các bài viết, các status, các comment facebook của bạn.
Đến đây, chúng ta sẽ tìm hiểu lý thuyết của Charles Tilly (1929-2008), một trong những nhà khoa học chính trị hàng đầu nghiên cứu về phong trào xã hội - những phong trào đấu tranh của người dân nhằm thay đổi xã hội.
Trong lý thuyết của mình, Charles Tilly cho rằng có ba yếu tố tạo nên một phong trào xã hội:
Thứ nhất là một chiến dịch vận động (campaign). Đó là một hoạt động có tổ chức, kéo dài, nhằm đưa các yêu sách tập thể đến đối tượng cần tác động để thay đổi, ví dụ chính quyền.
Thứ hai là các tiết mục để hoạt động (repertoire): Đó là một loạt hình thức hoạt động chính trị được sử dụng kết hợp, như thành lập tổ chức, hội thảo, cafe gặp gỡ, kiến nghị, ra tuyên bố, cầu nguyện tập thể, tuần hành, biểu tình, làm truyền thông, phát tờ rơi, v.v. Có rất nhiều hoạt động như vậy. Tất cả đều phải nhằm truyền tải thông điệp đến đối tượng cần tác động, và công chúng.
Thứ ba là sự thể hiện nhất quán trước công chúng bốn đặc điểm, mà Charles Tilly gọi tắt là WUNC - ghép bốn chữ cái đầu bốn từ tiếng Anh:
  • W: chính đáng, xứng đáng (worthiness)
  • U: đoàn kết (unity)
  • N: số lượng (number)
  • C: dấn thân, cam kết tham gia (commitment)
Có nghĩa là gì? Theo Charles Tilly, những người làm phong trào xã hội phải thể hiện cho công chúng thấy rằng:
  • Về đạo đức, họ tốt, xứng đáng; sự nghiệp đấu tranh của họ là chính đáng; Về kỷ luật, họ đoàn kết;
• Về số lượng, họ mạnh, vì họ đông đảo;
  • Về tinh thần, họ dấn thân, cam kết tham gia.
Ngược lại, nếu những người làm phong trào xã hội thất bại trong việc thể hiện bốn yếu tốt trên cho công chúng thì sao? Đơn giản là công chúng sẽ nghĩ rằng:
  • Nếu không xứng đáng, chứng tỏ họ là người xấu.
  • Nếu không đoàn kết, chứng tỏ họ không mạnh. Vừa là người xấu, vừa không mạnh, chứng tỏ: Hoặc họ chỉ là nạn nhân, hoặc là một lũ hề.
  • Nếu không đông đảo, chứng tỏ họ không được đông người ủng hộ, không có tính chính danh.
  • Nếu không cam kết, dấn thân, họ sẽ không đi đến cùng.
Các bạn có thể thấy: Như vậy, đối với những người tiến hành một phong trào xã hội, làm gì (chiến dịch vận động, các tiết mục đi kèm) là rất quan trọng, và làm như thế nào cũng quan trọng không kém.
Làm như thế nào - tức là phải thể hiện bốn đặc điểm WUNC như liệt kê ở trên.
Sự thể hiện nhất quán bốn đặc điểm đó có liên quan đến vấn đề tính chính danh mà chúng ta đã bàn ở Chương I. Nói cách khác, người hoạt động phải thể hiện được WUNC để thu hút quần chúng, tạo ra và củng cố niềm tin của quần chúng vào phong trào.
Áp dụng lý thuyết của Charles Tilly vào thực tế, chúng ta có thể phân tích được một số phong trào xã hội ở Việt Nam, ví dụ phong trào dân oan, còn thiếu điều gì. Chúng ta cũng có thể hiểu được ngay tại sao an ninh và dư luận viên phải tốn nhiều công sức đến thế cho việc viết bài đánh phá, bôi nhọ các phong trào xã hội cổ súy cho dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam, và công kích toàn bộ phong trào dân chủ nói chung. Không rõ an ninh và các dư luận viên có nghiên cứu lý thuyết của Charles Tilly không, nhưng cứ cho là không, thì một cách vô tình, những gì bọn họ viết, lập luận, đều nhằm vào phá hủy bốn đặc điểm WUNC của phong trào dân chủ. Ví dụ như sau:
  • “Đấu tranh dân chủ gì chúng nó, toàn một lũ dân chủ cuội, ăn bám xã hội, mượn danh chống cộng để kiếm chút bơ thừa sữa cặn của ngoại bang, cờ vàng lưu vong”: Đây là lập luận nhằm triệt hạ tính chính đáng của hoạt động đấu tranh vì dân chủ-nhân quyền (W).
  • “Bọn dân chủ cắn xé nhau như chó với mèo”: Đây là lập luận nhằm chứng tỏ những người hoạt động không đoàn kết (U).
  • “Quanh đi quẩn lại, lần nào biểu tình cũng chỉ chừng ấy gương mặt cũ rích, những luận điệu cũ rích”: Đây là lập luận đánh vào vấn đề số lượng của phong trào dân chủ, không đông đảo, chứng tỏ không được lòng dân (N).
  • “Suy cho cùng cũng toàn là một lũ anh hùng bàn phím, thấy xe công an đến là chạy như vịt, vào đồn là nhận tội hết”: Đây là lập luận nhằm nhấn mạnh rằng những người hoạt động nhân quyền không đủ ý chí dấn thân (C).
Vậy, kết luận là: Bạn nhớ nhé, phải xây dựng hình ảnh tích cực. Làm sao để công chúng thấy rằng dân chủ, tự do, nhân quyền - những giá trị mà bạn theo đuổi - đẹp đẽ lắm, và ngược lại, độc tài đảng trị là xấu xa lắm. Người đấu tranh cho dân chủ, tự do, bảo vệ nhân quyền, là đẹp lắm, và kẻ ủng hộ độc tài là xấu lắm.
** *
Nhà hoạt động nhân quyền Thúy Nga đem đến cho chúng ta một ví dụ tuyệt vời về việc có ý thức xây dựng, cải thiện và bảo vệ hình ảnh. Ban đầu khi mới tham gia hoạt động nhân quyền, do ăn mặc xuềnh xoàng, hành xử và dùng ngôn từ bỗ bã, sẵn sàng văng tục khi đối diện công an, chị không gây được thiện cảm với nhiều người, bị đánh giá là “ít học”, “văn hóa thấp”. Dư luận viên và an ninh cũng liên tục đánh vào nhược điểm đó của chị, “nhân tiện” chửi chung cả phong trào dân chủ Việt Nam. Tuy thế, kể từ cuộc tuần hành bảo vệ cây xanh ở Hà Nội (tháng 4/2015), người ta đã thấy một Thúy Nga khác hẳn, khi chị xuất hiện trong tà áo dài màu xanh, không chửi bới và luôn giữ nụ cười trên môi, kể cả khi bị công an trấn áp bằng cách cưỡng chế, khiêng lên xe buýt. Bức ảnh “nụ cười Thúy Nga” là một trong những bức ảnh đẹp nhất của chị và của phong trào cây xanh năm 2015 tại Hà Nội.

Sau đó, chị tiếp tục thể hiện là một người rất cầu thị, cầu tiến, ham học hỏi, bên cạnh việc vẫn kiên cường trong đấu tranh. Chị tự học tiếng Anh. Chị chịu khó trang điểm và chăm chút hình thức hơn. Chị lắng nghe góp ý của bạn bè, người thân nhiều hơn và luôn tránh xa mọi cuộc tranh cãi, đôi co trên mạng.
Tiếc là hình ảnh của Thúy Nga cải thiện chưa được bao lâu thì chị đã bị công an bắt khi chỉ còn sáu ngày là đến Tết nguyên đán Đinh Dậu (ngày 26/1/2017). Tuy nhiên, ai cũng nhận thấy gương mặt bình thản mà uy nghi của chị giữa hàng chục công an áo xanh lét đang xúm xít quanh chị, một an ninh thường phục còn đội mũ bảo hiểm (khi không hề ngồi trên xe máy), bẻ tay chị. Bức ảnh làm nổi bật cái dũng của người phụ nữ kiên cường, một mình đứng trước những viên an ninh đông áp đảo về số lượng. Và nó cũng làm nổi bật chính nghĩa của người đấu tranh vì dân chủ - nhân quyền trước cái phi nghĩa của một lực lượng luôn chỉ tìm cách bắt bớ, đàn áp, phá hoại công cuộc dân chủ hóa đất nước.
Ngày 25/7/2017, Thúy Nga ra tòa. Một lần nữa hình ảnh của chị trước tòa làm mọi người phải sửng sốt vì chị quá đẹp và quá bất khuất, tương phản với đám công an với vẻ mặt vô cảm đứng bao quanh.

Thúy Nga đã xây dựng cho chị và cho phong trào dân chủ những hình ảnh rất tích cực; việc còn lại là những người đấu tranh khác - như bạn - phải tham gia duy trì, phổ biến và giữ gìn hình ảnh ấy.
Thống nhất thông điệp
Đến đây có thể bạn sẽ hỏi: Rồi, xác định được tôi muốn hình ảnh tôi và tổ chức của tôi là thân thiện, ôn hòa, tự do rồi, bây giờ làm sao tôi bắt tay vào xây dựng hình ảnh ấy trong mắt công luận? Tôi đâu có tiền mua quảng cáo, làm phim, viết sách tự ca ngợi mình đâu, vậy phải làm sao?
Câu trả lời là: Đơn giản, bạn hãy nghĩ bạn, hoặc tổ chức của bạn, là như thế đi (thân thiện, ôn hòa, tự do), rồi thể hiện thống nhất hình ảnh đó ở mọi nơi, mọi lúc, mọi hoàn cảnh, mọi thời điểm. Tất cả những gì bạn và tổ chức của bạn nói, viết, làm đều làm toát lên hình ảnh mà các bạn muốn xây dựng. Hãy coi hình ảnh đó như một thông điệp ngầm mà bạn muốn truyền tải đến cộng đồng; nó phải thống nhất.
Nếu các bạn là một tổ chức môi trường thì tất cả các thành viên đều phải thể hiện tình yêu và trân quý đối với thiên nhiên, môi trường. Mọi lời nói, hành vi, cử chỉ, việc làm đi ngược lại với hình ảnh đó phải bị loại bỏ. Không ai vứt rác ra đường, dù chỉ là một cái tăm, đầu mẩu thuốc lá hay miếng giấy kẹo. Các hành động phá hoại, làm tổn hại môi trường bị nghiêm cấm, chẳng hạn, tuyệt đối không nổ mìn phá núi, buôn gỗ lậu, mặc áo lông thú, uống rượu thuốc ngâm động vật.
Nếu các bạn là một tổ chức đấu tranh cho dân chủ, thì tất cả thành viên đều phải thể hiện tinh thần tôn trọng sự khác biệt và đa nguyên, tôn trọng sự minh bạch, bình đẳng về nhân quyền. Từng lời nói, từng bài viết, thậm chí từng câu comment, cú nhấp chuột “like” hay “share” của mỗi thành viên đều phải cho người ngoài thấy họ là người cổ súy dân chủ. Chẳng hạn, bạn không được có những phát ngôn sùng bái cá nhân - dù cho đó là người lãnh đạo tổ chức của bạn.
Nếu là thành viên của một tổ chức nhân quyền, bạn không được kỳ thị, phân biệt đối xử. Không được sỉ nhục người khác, không được hạ thấp nhân phẩm của họ, bởi vì tôn trọng nhân quyền và bình đẳng về nhân quyền đòi hỏi bạn phải đối xử với tất cả mọi người một cách trân trọng như nhau. Bên cạnh đó, bạn phải có sự cảm thông, bảo vệ các nạn nhân của sự vi phạm nhân quyền, đồng thời, chống vi phạm nhân quyền.
Nếu các bạn xây dựng một phong trào thanh niên và hình ảnh bạn muốn có là những người trẻ tuổi vui vẻ, yêu đời, thì đừng để thành viên nào trong số các bạn viết những status, comment rầu rĩ, u sầu trên facebook. Logo, hình chân dung, trang phục của các bạn, những clip mà các bạn quay, những bài hát điệu nhảy các bạn biểu diễn, đều phải làm toát lên tinh thần vui vẻ, lạc quan, yêu cuộc sống.
Sự thống nhất về thông điệp không chỉ là giữa các cá nhân với nhau, cá nhân với tổ chức, mà còn phải là sự thống nhất theo thời gian. Giả sử, chiến dịch 258 đặt mục tiêu cao nhất là ngăn, không để một nhà nước vi phạm nhân quyền như CHXHCN Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, thì những người làm chiến dịch phải thể hiện rõ ràng quan điểm đó ngay từ đầu, trong suốt chiến dịch, cũng như đoạn cuối chiến dịch. Họ phải chuẩn bị tinh thần cho hai kịch bản: 1. Việt Nam bị loại; 2. Việt Nam được vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.
Trên thực tế, Việt Nam đã trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2014-2016. Lúc ấy, thông điệp của những người thực hiện chiến dịch 258 không nên là chúc mừng, ủng hộ Chính phủ Việt Nam gia nhập Hội đồng này, vì điều đó mâu thuẫn với quan điểm ban đầu của họ và làm rối thông điệp. Họ cần có các phản ứng khác, cũng rất rõ ràng, ví dụ như tiếp tục phản đối, hoặc chấp nhận nhưng tuyên bố sẽ tăng cường giám sát Nhà nước Việt Nam trong suốt nhiệm kỳ 2014-2016.
Tóm lại, phải thống nhất thông điệp mà bạn truyền tải đến cộng đồng, mọi lúc mọi nơi.
Q & A - NHỮNG CÂU HỎI THƯỜNG GẶP
Q: Liên quan tới thông điệp, trong trường hợp có những mâu thuẫn trong tổ chức thì sao, không lẽ phải giấu kín, vì sự thống nhất thông điệp?
A: Đúng như vậy. Nhưng xin lưu ý bạn, chúng ta đang nói về việc xây dựng hình ảnh của cá nhân, tổ chức hay phong trào, mà muốn thế thì hình ảnh thể hiện ra bên ngoài phải thống nhất. Trong nội bộ thì các bạn có thể thoải mái trao đổi, tranh luận để giải quyết mâu thuẫn; nhưng với công chúng, đừng để họ thấy những thông điệp khác nhau phát ra từ bạn hay tổ chức của bạn.
Việc xây dựng hình ảnh không hề mâu thuẫn, không hề loại trừ việc bạn phải hoàn thiện bản thân mình và tổ chức của mình.
Nhóm Green Trees (Cây Xanh) trong một chương trình âm nhạc cuối năm, ngày 14/1/2015
Q: Chúng tôi là một tổ chức bảo vệ nhân quyền. Hình ảnh chúng tôi muốn xây dựng là sự đẹp đẽ, tươi sáng, mạnh mẽ, cao cả.
Vậy nếu tôi bị công an đàn áp, đánh chảy máu đầu, bị côn đồ quăng mắm tôm vào nhà, tôi có thể chụp hình cái đầu máu hay sân nhà đầy mắm tôm, rồi đăng ảnh lên mạng không? Tôi có thể chửi an ninh, côn đồ không?
A: Nếu hình ảnh các bạn muốn xây dựng là sự đẹp đẽ, tươi sáng, mạnh mẽ, cao cả của những người bảo vệ nhân quyền, chuyên bảo vệ người khác, thì nói chung là không nên thể hiện mình như nạn nhân, yếu ớt và bị đàn áp. Tuy nhiên, cũng có thể xem xét từng trường hợp cụ thể. Nếu bạn thấy việc đăng ảnh hay clip tố cáo chuyện mình bị đàn áp là một việc cần thiết phải làm trong một trường hợp nào đó - ví dụ để tự vệ - thì có thể đăng tải nó nhân danh tổ chức hoặc cá nhân. Nhưng cần cân nhắc kỹ càng và không nên lạm dụng, nhất là nếu việc đó làm tổn hại đến hình ảnh mang tính thông điệp của bạn và tổ chức.
Q: Chúng tôi muốn thể hiện mình như một tổ chức chính trị theo đuổi đường lối phi bạo lực, ôn hòa, có học. Tuy nhiên, nhiều thành viên của chúng tôi lại có hạn chế về học vấn, tính tình nóng nảy và khó kiềm chế, thì sao?
A: Như vậy bạn nên xem xét hai điều. Hoặc là chọn một hình ảnh khác để xây dựng, ví dụ “chúng tôi là những người dân bình thường, xuất thân nghèo khổ, chính vì thế chúng tôi gắn bó với những thành phần thấp cổ bé họng trong xã hội”. Hoặc là, nếu vẫn muốn tạo hình ảnh ôn hòa, có học, thì phát triển đội ngũ, tìm kiếm những người ôn hòa, có học, đồng thời nâng cao năng lực cho những thành viên hiện có.
Suy cho cùng, hình ảnh mà bạn xây dựng cũng cần gần gũi với nội dung thực chất của bạn. Nước sơn tốt nhưng gỗ cũng phải tốt. Nếu bạn nhất định muốn tạo hình ảnh tích cực trong khi nội dung không được tích cực như thế, bạn sẽ rơi vào tình trạng “mặc chiếc áo quá rộng so với người” hay là vào nhầm vai. Cố quá thì quá cố, bạn có nguy cơ thất bại. Vì vậy, hãy phấn đấu để nước sơn và gỗ đều cùng tốt.
Xin nhắc lại: Việc xây dựng hình ảnh không hề mâu thuẫn, không hề loại trừ việc bạn phải hoàn thiện bản thân mình và tổ chức của mình.
Q: Chúng tôi tổ chức một phong trào xã hội nhằm bảo vệ môi trường. Chúng tôi chọn hình ảnh thể hiện là thân thiện với môi trường, yêu thiên nhiên, yêu màu xanh, yêu hòa bình. Tuy nhiên, trong lúc tuần hành, lại có người mặc trang phục cờ đỏ, cờ vàng đến trà trộn vào chúng tôi, giương những khẩu hiệu có nội dung khác, thậm chí đốt pháo gây tiếng nổ và ném đá vào công an. Chúng tôi biết làm sao?
A: Thông điệp của một tổ chức cần phải thống nhất, nếu có yếu tố nào làm tổn hại đến thông điệp đó thì lờ nó đi, nếu nó tệ quá thì thậm chí phải loại bỏ. Thành viên nào không gìn giữ hình ảnh tổ chức hay phong trào của bạn thì phải có biện pháp xử lý đối với họ, tùy quy định của tổ chức, phong trào.
Còn nếu họ không phải là thành viên mà là người ngoài đến tham gia, vô tình hay cố ý mà làm loãng thông điệp, thì các bạn cố gắng phân biệt mình với họ càng rõ càng tốt. Trong cuộc tuần hành, hãy cách ly họ ra hoặc tránh xa họ. Sau cuộc tuần hành, các bạn có thể ra tuyên bố nói rõ rằng những kẻ kích động bạo lực không phải là thành viên của phong trào của bạn. Hãy giữ khoảng cách, đừng để người ngoài đồng nhất các bạn với họ.
Q: Tổ chức của chúng tôi có tới cả trăm thành viên, nhưng chỉ có mỗi người lãnh đạo là nổi bật. Người ngoài cứ có cảm giác như tất cả chúng tôi đều tụ lại xung quanh một cá nhân duy nhất, cá nhân ấy nổi tiếng, có phẩm chất lãnh tụ, tài ba, lôi cuốn v.v. còn gần 100 thành viên còn lại thì mờ nhạt, chẳng ai biết đến. Điều đó có gì bất ổn không? Nếu tổ chức tập trung vào việc xây dựng hình ảnh một vài cá nhân thì có sao không?
A: Bây giờ ta hãy cứ cho rằng nhân vật nổi tiếng nhất trong tổ chức của bạn và là đại diện cho tổ chức của bạn là một người có hình ảnh rất đẹp, có những phẩm chất tuyệt vời. Vậy thì sao? Đứng từ giác độ cả một phong trào đấu tranh (phong trào dân chủ), mỗi một cá nhân tốt đẹp đều tạo nên một sự đóng góp cực kỳ giá trị cho công cuộc chung. Tuy nhiên, nếu đứng từ giác độ tổ chức, cả một tập thể tập trung xung quanh một cá nhân nổi bật, lệ thuộc vào ông/bà ta, là điều không lành mạnh.
Thứ nhất, nó hút hết mọi rủi ro về cá nhân đó, tạo nên một tử huyệt cho tổ chức: Kẻ đàn áp chỉ việc bắt hoặc giết đúng cá nhân đó, là tổ chức tan vỡ như rắn mất đầu. Ngoài ra, cá nhân đó cũng rất dễ bị tha hóa. Có khi chưa cần bị đàn áp, ông/bà ta dao động, lung lạc tư tưởng, hoặc phạm sai lầm chết người nào đó, là cả tổ chức cũng đổ theo luôn. Bạn có nhớ 108 anh hùng Lương Sơn Bạc, chỉ vì chủ tướng (Tống Giang) dao động, mà đều thảm bại?
Thứ hai, sự nổi bật về diện mạo (xinh đẹp) hay trí tuệ (uyên bác, mưu lược), sự dũng cảm, mạnh mẽ vô song... là những hình ảnh tích cực và đáng khuyến khích - như chúng ta đã nói ở trên. Nhưng khi đẩy một số cá nhân xinh đẹp, tài năng, can đảm vượt xa người thường lên, chúng ta cần hết sức cẩn thận để không quên rằng trong đấu tranh phi bạo lực, vũ khí mạnh nhất mà chúng ta có chính là số lượng, cho nên hãy luôn hướng tới, luôn tôn trọng và thu hút những người bình thường.
Dũng cảm như Mẹ Nấm thì ai cũng khâm phục, nhưng noi gương Mẹ Nấm để hành động hệt như thế thì không mấy ai dám. Do đó, tôn vinh hình ảnh các cá nhân kiệt xuất với những phẩm chất nổi bật, nhưng chúng ta cũng cố gắng đừng làm cho công chúng cảm thấy các cá nhân ấy quá xa lạ và khó vươn tới. Và vì thế, khi xây dựng hình ảnh của một tổ chức, đừng tập trung toàn bộ vào chỉ một cá nhân nổi bật; hãy dàn công sức ấy ra cho vài cá nhân khác nhau và cho cả tổ chức, để công chúng thấy rằng đó là một tổ chức đoàn kết, vững mạnh, có nhiều người tài và mặt bằng chung về nhân sự là rất ổn. Bản thân kẻ đàn áp khi đó cũng không dễ triệt tiêu cả tổ chức chỉ bằng cách bắt bớ, sát hại một cá nhân.
** *
Hình ảnh chính là tài sản của bạn. Hãy xây dựng, giữ gìn, bảo vệ, phát triển nó. Hãy trân trọng hình ảnh mình, đừng để nó bị vấy bẩn.
P.Đ.T.
(Còn tiếp)
Nguồn: bit.ly/phankhang

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn