Phản kháng phi bạo lực (Phần 5)

Phạm Đoan Trang

Chương V
VÔ HIỆU HÓA SỰ ĐÀN ÁP
Phải làm sao để cái giá mà kẻ đàn áp phải trả thật lớn, ít nhất là lớn hơn cái lợi mà chúng thu được.
*
Ở xứ độc tài, khi tham gia đấu tranh thay đổi xã hội, hoặc ủng hộ những người đấu tranh, thì không tránh khỏi bị đàn áp ở mức độ này khác đâu. Bạn cứ tin là như vậy đi. Vấn đề là tìm cách giảm nhẹ thiệt hại của việc bị đàn áp, tiến tới vô hiệu hóa hành động đàn áp.
Phơi trần âm mưu của kẻ đàn áp
Bí quyết đầu tiên để giảm thiệt hại của việc bị đàn áp là bạn dự báo trước và bóc trần các âm mưu của lực lượng sẽ đàn áp bạn, công bố những âm mưu đó trên mạng và trên mọi phương tiện truyền thông khác bạn có.
Điều này có hai tác dụng:
Một là, những kẻ đàn áp bạn – tức an ninh – sẽ thấy những đòn chúng định giáng xuống bạn đều đã bị bạn biết trước hết và chuẩn bị tinh thần sẵn sàng, yếu tố bất ngờ không còn nữa. Như thế, có thể chúng sẽ phải tìm biện pháp khác đối với bạn.
Hai là, nếu chúng vẫn đàn áp bạn, thì dù gì đi nữa, việc chuẩn bị tâm lý sẵn sàng từ trước cũng giúp bạn giảm nhẹ sự tổn thương, ít nhất về mặt tâm lý. Giống như khi gia đình có người cao tuổi bị bệnh nặng, ta xác định cụ “khó qua khỏi”, thì có thể đến khi cụ ra đi, ta sẽ bớt đau khổ hơn chút ít.
Câu chuyện thứ nhất
Năm 2014, nhà hoạt động nhân quyền Phạm Lê Vương Các trở về Việt Nam sau một chuyến đi vận động quốc tế. Anh bị an ninh câu lưu suốt một ngày đêm ở sân bay Tân Sơn Nhất. Trong lúc thẩm vấn, một an ninh hỏi anh:
-  Anh nghĩ 5 năm nữa thì anh làm gì?
  Phạm Lê Vương Các mỉm cười:
-  Tôi nghĩ 5 năm nữa, vào giờ này, tôi đang ở trong tù.
Các kể lại câu chuyện trên facebook cá nhân và cho biết, phía an ninh có vẻ bất ngờ với câu trả lời của anh. Một an ninh bảo: “Được, nếu anh không sợ tù thì cơ quan an ninh sẽ có biện pháp khác đối với anh”.
Biện pháp khác là gì, ta chưa biết, nhưng điều chắc chắn là phía an ninh đã thấy Các chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho hình thức đàn áp khốc liệt nhất. Việc bỏ tù chẳng còn bất ngờ, nhà tù chẳng còn gì bí mật, chẳng có gì đáng sợ đối với anh nữa.
Câu chuyện thứ hai
Đầu năm 2011, Nhà nước CHXHCN Việt Nam chuẩn bị đưa TS. luật Cù Huy Hà Vũ ra tòa để xét xử tội “tuyên truyền chống nhà nước”, theo Điều 88 Bộ luật Hình sự.
Suốt một thời gian dài kể từ khi bị bắt (tháng 11/2010), giống như mọi tù nhân lương tâm khác ở Việt Nam, ông Vũ bị biệt giam, không ai nghe tin tức gì từ ông. Nỗi ám ảnh về việc tù nhân nhận tội và bị công an quay phim, đưa lên truyền hình cho cả nước xem, đã khiến ai cũng lo sợ ông Vũ có thể khuất phục và nhận tội, xin khoan hồng.
Trong một bài viết, nhà giáo Phạm Toàn – đồng sáng lập trang Bauxite Việt Nam – nhận định rằng với tính cách của mình, ông Cù Huy Hà Vũ sẽ không nhận tội. Tuy nhiên, ông cũng viết thêm: “Tôi chỉ sợ bọn nó tiêm thuốc hoặc có tác động nào đấy làm cho cậu ấy (ông Vũ) ngớ ngẩn, mất trí đi mà nhận tội chăng”.
Người không hiểu về đấu tranh phi bạo lực có thể chỉ trích nhà giáo Phạm Toàn “vẽ đường cho hươu chạy”. Nhưng thật ra dự đoán đó chính là một thủ thuật rất khôn ngoan của ông để chặn trước âm mưu hại TS. Cù Huy Hà Vũ. Chưa đọc tài liệu nào về đấu tranh phi bạo lực, nhưng bằng kinh nghiệm sống và sự nhạy cảm của một nhà văn, dịch giả, cây viết gạo cội, từ rất lâu ông đã biết rằng “với bọn này, phải phơi tất cả âm mưu của chúng nó lên, làm như mình biết hết ruột gan nó rồi ấy”.
Câu chuyện thứ ba
Trong nhiều vụ việc sau này, một số blogger cũng đã tung ra các bài viết dự báo kịch bản, mà thật ra là để khéo léo chặn trước, vô hiệu hóa hoặc giảm tác hại của những đòn trấn áp từ an ninh, cũng là để cộng đồng tỉnh táo, cảnh giác trước các âm mưu đàn áp.
Ví dụ như trong vụ công an và quân đội phối hợp cướp đất của dân Đồng Tâm, facebooker Bùi Văn Thuận  đã có một bài dự báo các kịch bản xảy ra. Ngay cả sau khi Chủ tịch TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung, tức Chung con, nguyên là tướng công an, đến “đối thoại” với bà con Đồng Tâm và ký cam kết không khởi tố, cũng đã có những facebooker chỉ ra khả năng Chung con lật kèo. (Thực tế diễn ra đúng là như thế, nên mọi người cũng không bỡ ngỡ, chỉ có các nịnh thần – đại biểu Quốc hội, nhà báo, facebooker nổi tiếng v.v. – nào đã trót ca ngợi ông tướng là bị hố nặng).
Tương tự, facebooker cũng chỉ ra những kịch bản của chính quyền và công an nhằm xử lý vụ Formosa (thảm họa môi trường biển miền Trung lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử Việt Nam): đi đêm, đàm phán lén với Formosa, chấp nhận mức bồi thường rẻ mạt còn hơn là bị Formosa tố cáo bí mật này khác, song song với đó, gắn nhãn “gây rối” lên những người phản đối mức bồi thường đó, đàn áp biểu tình, và gia tăng bắt bớ để làm dân chúng phải im miệng.
Tất cả những điều đó đã được vạch trần từ trước. Cũng có người chỉ trích các facebooker chỉ vạch ra âm mưu của công an mà không nêu giải pháp hóa giải. Tuy nhiên, cần phải thấy rằng nhiều khi chỉ cần dư luận biết rõ các âm mưu đó là đã đủ làm công an và chính quyền gặp khó khăn khi thực hiện chúng. Như một sự “dằn mặt” trước vậy.
**
Làm tăng cái giá mà những kẻ đàn áp phải trả
Mục tiêu của sự đàn áp luôn là dập tắt các hoạt động đối kháng và răn đe, gây sợ hãi để không có những hoạt động đối kháng tương tự trong tương lai. Chừng nào thấy cách làm này còn hiệu quả, lực lượng an ninh sẽ còn tiếp tục.
Cách hóa giải chỉ có thể là làm tăng cái giá của sự đàn áp. Cụ thể như sau:
1. Xây dựng hình ảnh cho những người bị bắt bớ, đàn áp
Kinh nghiệm của những chiến sĩ tự do Otpor! là hãy làm cho những người bị bắt nổi tiếng, làm cho việc bị bắt trở thành thành tích.
Khi việc đàn áp không tạo được sự sợ hãi cần thiết mà còn gây phản cảm cho kẻ đàn áp hoặc cộng điểm, phong thánh cho người bị đàn áp, thì lực lượng an ninh đương nhiên sẽ phải cân nhắc rất kỹ việc ra tay đàn áp.
Ở Serbia, những năm cuối cùng dưới thời độc tài Milosevic, Otpor! có sáng kiến in ba loại áo phông cho thanh niên. Ba loại áo đều có logo của Otpor! hình nắm đấm cách điệu, nhưng có màu sắc khác nhau để thể hiện số lần người mặc bị cảnh sát bắt vào đồn. Trong vòng vài tuần, loại áo phông màu đen với hình nắm đấm trong vòng tròn trắng đã trở thành hàng “hot”, vì nó được tặng riêng cho thanh niên nào bị bắt từ 10 lần trở lên. Ai cũng thấy hãnh diện, vinh dự khi được mặc áo phông đen này. Hệt như được lên đai đen võ thuật vậy.
Vì vậy, kinh nghiệm là xây dựng hình ảnh cho những người bị bắt bớ, đàn áp; ví dụ khắc họa chân dung họ như những con người can đảm, bất khuất, đầu đội trời chân đạp đất. Trong một xã hội mà đa số dân chúng quen chịu đựng, nhiều người chấp nhận sống nhạt như Việt Nam, hình ảnh đó có thể gợi cảm hứng rất tốt, và cũng khiến an ninh phải tính toán kỹ khi muốn công khai đàn áp ai đó.
2. Bảo vệ, hỗ trợ những người bị bắt bớ, đàn áp
Otpor! rất có ý thức bảo vệ những người đấu tranh, kể cả thành viên của họ lẫn những người không phải thành viên. Họ lập sẵn hồ sơ về tất cả các gương mặt đấu tranh, để khi bất kỳ ai bị bắt, những hồ sơ đó được tung ra ngay (riêng phần “nơi giam giữ” có thể bỏ trống, chờ điền sau), kèm thông cáo báo chí gửi các phương tiện truyền thông đại chúng. Điều đó giúp giới truyền thông trong nước và quốc tế dễ dàng đưa tin về vụ việc.
Tất nhiên, ở Serbia thời Milosevic vẫn có 2-3 cơ quan báo đài độc lập chứ không như Việt Nam thời cộng sản. Tuy vậy, đổi lại, Việt Nam có facebook, và mỗi facebooker đều có thể trở thành một cây viết, một nhà quay phim, nhà báo; mỗi trang facebook có thể là một tờ báo nhỏ.
Trong lúc người bị bắt ở trong đồn cảnh sát, Otpor! huy động hàng chục, hàng trăm người, nhất là thân nhân, bạn bè của người bị bắt, đứng trước cổng đồn gọi loa “hỏi thông tin”, gọi điện thoại vào đồn chất vấn cảnh sát “vì sao bắt người tốt”, “vì sao bắt đứa con trai tuyệt vời của tôi”. (Điều này cũng giống như câu chuyện “đòi người” của các nhà hoạt động ở Việt Nam). Và khi người bị bắt bước chân ra khỏi đồn, đám đông bên ngoài vỗ tay, tặng hoa, chụp ảnh, reo hò vang dội, phỏng vấn và quay phim tại chỗ, khiến người bị bắt cảm thấy không chỉ được an ủi mà còn được tôn vinh.
Nếu nhà hoạt động bị bắt bỏ tù luôn, thì Otpor! huy động tài chính ủng hộ họ và gia đình họ. Tinh thần mà Otpor! theo đuổi trong việc vô hiệu hóa sự đàn áp là “không để bất kỳ ai bị bỏ rơi”. Điều đó khiến cho nhiều người can đảm và quyết tâm dấn thân hơn, bởi họ biết rằng nếu họ bị bắt, sẽ có cả một mạng lưới phía sau họ, hỗ trợ họ, chăm sóc và bảo vệ gia đình họ, cũng như đấu tranh để họ sớm được ra tù hay ít nhất cũng nổi tiếng; họ sẽ không phải đơn độc chiến đấu và âm thầm hy sinh trong sự quên lãng của xã hội.
*
Ngày 22/4/2015, một trong những gương mặt nổi bật của phong trào bảo vệ cây xanh ở Hà Nội – blogger Gió Lang Thang (tên thật Trịnh Anh Tuấn, SN 1989) – bị an ninh hành hung, đánh chảy máu đầu và dập ngón tay.

Lập tức, những người ủng hộ dân chủ cho Việt Nam ào ào gửi tiền về hỗ trợ anh; số tiền lên đến hơn 100 triệu đồng chỉ trong một tuần, làm dư luận viên điên ruột, an ninh ngốt cả người. Tất nhiên chúng cũng có biện pháp đối phó: Bịa ra kịch bản rằng các nhà hoạt động tự... gây thương tích cho mình để ăn vạ cộng đồng, xin tiền hỗ trợ. Tuy nhiên, có muốn tuyên truyền thì cũng phải dựa ít nhiều trên nền tảng sự thật và lập luận logic, nên những lời nhảm nhí yếu ớt của chúng không lọt tai mấy ai.
Ngày 29/6/2017, blogger Mẹ Nấm (Nguyễn Ngọc Như Quỳnh) bị kết án 10 năm tù. Chỉ trong vòng vài ngày sau khi tòa tuyên án, người mẹ già và hai con nhỏ của chị đã nhận được ít nhất 800 triệu đồng hỗ trợ, được gửi từ khắp nơi trên thế giới, đặc biệt có rất nhiều người Việt trong nước công khai gửi từ tài khoản ngân hàng của họ. Số tiền khổng lồ ấy không đơn thuần là tiền hỗ trợ nuôi hai cháu nhỏ, mà còn là sự ủng hộ, đồng tình với việc làm của Mẹ Nấm và tình thương mến đối với chị. Nó cũng làm ấm lòng những người đấu tranh; ít ra họ có thể tin rằng sự nghiệp họ đang theo đuổi là đúng đắn. Và tính chính danh của cái nhà nước đã bỏ tù Mẹ Nấm bị nghiêng ngả rõ rệt.
Về phía an ninh và chính quyền, lại một lần nữa, chúng điên ruột vì ghen ghét, không thể chấp nhận “phản động” lại được yêu quý, ngưỡng mộ như thế.
3. Bình thường hóa sự đàn áp
Theo nguyên tắc này, người hoạt động nên cố gắng để không làm công chúng sợ bị đàn áp.
“Bình thường hóa việc bị đàn áp” không có nghĩa là giấu kín, im bặt về việc mình bị đàn áp (điều này sẽ mâu thuẫn với nguyên tắc tiếp theo) mà là đưa tin về nó một cách có ý thức, có tính toán. Cụ thể là phải cân nhắc từng hình ảnh, từng câu văn, từng từ ngữ, sao cho:
  • Không tạo cảm giác mình sợ hãi nhà cầm quyền và kẻ gây bạo lực;
  • Không tạo cảm giác mình đang ăn vạ, kể khổ;
  • Không làm cho công luận, đặc biệt là những người ngoài phong trào đấu tranh, thấy khiếp sợ.
Hãy cố gắng diễn đạt, thể hiện sao cho thông điệp mà bạn truyền tải đến công luận là: Đấu tranh vì dân chủ - nhân quyền là việc tốt, những kẻ chống lại điều tốt ắt là kẻ xấu, cần phải bị lên án. Bạo lực cần phải bị xóa sổ trong mọi xã hội văn minh... Làm sao để công luận phẫn nộ vì cái xấu, đồng thời, có cảm tình với bạn, thương hoặc thông cảm với bạn, thay vì coi thường bạn hoặc khiếp sợ chuyện bị đàn áp. Muốn đạt được như vậy, một lần nữa, bạn phải gần gũi và hiểu những người dân xung quanh mình, hiểu tâm lý xã hội, thực trạng xã hội.
Do vậy, bạn nên cân nhắc khi đưa hình ảnh mình trong tình trạng quá thê thảm.
Bên cạnh đó, bạn cân nhắc cách diễn đạt, chẳng hạn những thông báo như sau:
  • S.O.S. Nhà cầm quyền cộng sản lại cho an ninh mật vụ bao vây và hành hung tôi.
  • Khẩn: Hiện nay an ninh mật vụ của tà quyền cộng sản đang rất đông xung quanh nhà tôi, không biết có chuyện gì. Mong mọi người quan tâm.
Diễn đạt như vậy không sai, tuy nhiên chúng ta nên biết là đa số người dân Việt Nam thông thường không quen cách dùng từ “nhà cầm quyền cộng sản”, “tà quyền cộng sản”, “mật vụ”. Nếu bạn dùng các từ này sẽ tạo cho họ cảm giác xa lạ với bạn, dường như bạn đang ở đâu đó chứ không ở Việt Nam, hoặc là bạn thuộc về một cộng đồng biệt lập nào đó trên đất Việt Nam. Ngoài ra, thông báo nếu lặp đi lặp lại nhiều lần còn có thể làm người dân khiếp sợ: Hoạt động bảo vệ nhân quyền kiểu gì mà suốt ngày bị hành hung, bị bao vây “không biết có chuyện gì”. Thế thì ai mà dám bảo vệ nhân quyền nữa?
Tóm lại, nếu có thể, bạn hãy cố để bình thường hóa hoạt động đấu tranh và cuộc sống của mình – đừng để nó trở thành xa lạ, tách biệt với cộng đồng – và bình thường hóa sự đàn áp, không để công chúng sợ.
4. Vạch mặt những kẻ đàn áp
Sẽ rất tốt nếu xác định được thông tin nhân thân của người đàn ông mặc áo trắng trong hình này. Ông ta trà trộn trong đoàn người biểu tình ở Sài Gòn sáng 30/4/2016, giật khẩu hiệu rồi vò nát. Ảnh: Tin Mừng Cho Người Nghèo
Song song với việc bình thường hóa hoạt động đấu tranh và cả sự đàn áp, bạn cũng rất cần phải bóc trần, làm xấu mặt những kẻ đàn áp, gây thiệt hại cho hình ảnh của chúng.
Nói cách khác, bạn gìn giữ hình ảnh người bị đàn áp, nhưng phải phơi trần những kẻ đàn áp và khiến chúng phải trả giá đắt bằng chính hình ảnh của chúng trước cộng đồng.
Các nhà hoạt động trẻ tuổi trong phong trào Otpor! có sáng kiến dán những tờ poster in hình một viên cảnh sát nổi tiếng tàn bạo ở nhiều nơi trong thành phố hắn sinh sống, trên poster ghi rõ: “Đây là Ivan, một kẻ chuyên hành hạ người. Hãy gọi điện hỏi xem tại sao hắn đánh con cái chúng ta”, và kèm với đó là số điện thoại và địa chỉ nhà riêng của hắn. Poster này được dán cả ở tiệm làm đầu ưa thích của vợ Ivan, và trên các gốc cây ở ngôi trường mà con hắn học. Hiệu quả đến rất nhanh. Gia đình Ivan gần như bị cô lập, vợ hắn xấu hổ, còn ở trường thì không đứa trẻ nào muốn chơi với con cái hắn. Các bậc cha mẹ cũng không muốn con em mình chơi với con của một kẻ chuyên hành hạ, đánh đập những người trẻ.
Không rõ viên cảnh sát đó có phải chịu hình thức kỷ luật nào từ cấp trên của hắn không, nhưng người ta đều thấy là kể từ đó, hắn có vẻ né tránh các cuộc tuần hành, biểu tình, và nếu buộc phải xuất hiện thì e dè hơn, không còn thấy hăng hái đánh đập mọi người như trước nữa.
Chúng ta luôn có thể áp dụng cách này trong đấu tranh chống độc tài công an trị. Tất nhiên, để làm được điều đó, ta phải có được thật nhiều thông tin nhân thân về những viên an ninh, cảnh sát chuyên đi đàn áp và phá hoại xã hội dân sự. Ít nhất ta phải biết địa chỉ nhà riêng hoặc cơ quan của chúng, số điện thoại liên lạc, hoàn cảnh gia đình, và hình chân dung.
5. Luôn đặt kẻ đàn áp vào thế lưỡng nan
Một điều rất thú vị của đấu tranh phản kháng phi bạo lực là nó giống như một trò chơi trí tuệ, ở đó, bạn và đối thủ đấu trí với nhau, và bạn phải luôn tìm mọi cách để đặt đốI thủ của bạn –kẻ đàn áp bạn – vào thế lưỡng nan, chỉ có hai lựa chọn: Đàn áp cũng dở, không đàn áp cũng dở. Đàn áp dở nếu cái giá chúng phải trả quá đắt, và nếu chúng không đàn áp thì... bạn sẽ làm tới, phải không?
“Tôi nghĩ cần có một cơ chế bảo vệ những người bảo vệ nhân quyền. Cơ chế đó gồm hai phần: (1) Xây dựng một hệ thống cảnh báo rủi ro nội bộ, để phân tích rủi ro và cảnh báo sớm giúp các nhà hoạt động dân chủ-nhân quyền; (2) Tư vấn về pháp lý và truyền thông để giúp nhà hoạt động xử lý vấn đề mà họ đang phải đối mặt.
Ngoài ra, rất cần một sự hỗ trợ, điều trị về sức khỏe tâm thần cho những người bị sang chấn tâm lý như là hậu quả của sự đàn áp của an ninh. Không để cho họ cô đơn, không để họ có cảm giác bị bỏ rơi hoặc phải một mình giải quyết vấn đề”.
Nhà hoạt động pháp lý Phạm Lê Vương Các
Khi Mạng Lưới Blogger Việt Nam có ý định mang Tuyên bố 258 đến Đại sứ quán Thụy Điển tại Hà Nội, họ cần phải quyết định là có đưa tin về sự kiện trước khi nó xảy ra hay không. Cuối cùng, họ đã công bố trước, với một bản tin nói rằng: “Ngày mai, Mạng Lưới Blogger Việt Nam sẽ trao Tuyên bố 258 cho Đại sứ quán Thụy Điển”.
Quyết định như vậy là do họ đã xác lập thế lưỡng nan mà họ đặt an ninh vào: Nếu đàn áp, an ninh sẽ rất mang tiếng, vì không lẽ đánh đập, bắt bớ một nhóm blogger chỉ vì họ đến Sứ quán đưa một văn bản? Nếu an ninh không đàn áp thì càng tốt, nhóm sẽ cứ theo đúng kế hoạch mà làm để trao Tuyên bố 258 tận tay Đại sứ quán.
Trong vụ các tài xế nộp tiền lẻ khi đi qua trạm thu phí BOT Cai Lậy (tháng 8/2017), cánh tài xế đã khéo léo đặt công an vào thế lưỡng nạn: Trấn áp cũng dở (vì chẳng có cớ gì lại trấn áp một số người vì họ có hành vi trả tiền lẻ, trong khi đó dân chúng đang rất phẫn nộ với chính sách thu phí ở đây). Còn nếu không trấn áp cũng dở thì các lái xe sẽ cứ tiếp tục làm tới.
Tóm lại, bạn hãy nhớ: Luôn tìm cách đặt kẻ đàn áp mình vào thế lưỡng nan, đi đường nào cũng thiệt.
Vượt qua sự sợ hãi
Loài người nói chung luôn có những nỗi sợ lớn, những ám ảnh lớn, như sợ chết, sợ đau. Mỗi con người nói riêng cũng đều có những nỗi sợ riêng. Tuy vậy, bạn cần biết là khi đương đầu với một nhà nước độc tài, thì hễ còn bất kỳ một nỗi sợ nào là bạn còn điểm yếu để kẻ thù lợi dụng. Do vậy, hãy cố tập luyện để vượt qua sự sợ hãi, kể cả những cái tưởng là nhỏ, như... sợ bẩn.
Bạn nói: “Tôi chẳng sợ gì, đi tù cũng chẳng sợ. Nhưng chỉ cần 1-2 ngày không tắm thôi là tôi thấy khó chịu, khó chịu thôi chứ không phải sợ”. Bạn nhầm rồi, đó thực chất là biểu hiện của nỗi sợ. Sợ bẩn.
Bạn nói: “Tôi chẳng sợ gì cho tôi, nhưng ngặt cái là còn mẹ già. Tôi đi tù bây giờ thì không ai lo cho mẹ”. Bạn nhầm rồi, đó thực chất là biểu hiện của nỗi sợ. Sợ bị bắt, sợ đi tù. Không còn gì khác.
Có thể vượt qua sự sợ hãi không? Câu trả lời là có, với điều kiện phải luyện tập. Vượt qua được nỗi sợ lần này rồi thì ta sẽ mạnh mẽ thêm để vượt qua những nỗi sợ khác tiếp theo.
Hãy nghe họ (Huỳnh Anh Tú - Phạm Thanh Nghiên) kể về đời tù của họ
Còn nhận định của các chuyên gia về đấu tranh phi bạo lực là, một trong những nỗi sợ lớn nhất của con người là sợ cái mà người ta thấy mù mờ, không hiểu. Ta sợ ma quỷ cũng vì lẽ ấy. Không ai thực sự biết ma như thế nào, chúng chỉ giống như những cái bóng mơ hồ, lởn vởn, ám ảnh.
Và đó cũng là lý do vì sao khi đàn áp bạn, công an luôn phải tạo cho bạn sự mơ hồ, không biết chuyện gì đang và sắp xảy ra, không biết rồi mình sẽ như thế nào. Cách tốt nhất để hóa giải nỗi sợ này là hãy bằng mọi cách đánh tan sự mơ hồ – cho mình và cho mọi người khác. Hãy giúp mọi người hiểu rõ rằng làm việc với công an, vào đồn, vào trại giam, vào tù cụ thể như thế nào, có gì đáng sợ không, nếu có thì tồi tệ tới mức nào. Hãy kể cho mọi người biết trải nghiệm của bạn về những lần bị bắt, bị thẩm vấn, bị đánh, ví dụ như nhà hoạt động Bùi Thị Minh Hằng kể về hai lần bà bị công an, quản giáo thả rắn vào phòng giam.
Hãy nhớ lại, viết ra, và chia sẻ thật nhiều. Đừng ngại rằng người đọc sẽ khiếp sợ mà không dám đấu tranh nữa, bởi vì ai sợ thì đã sợ rồi, ai không sợ thì sẽ vượt qua nhanh chóng và tới khi bị bắt, bị đánh, bị thẩm vấn, họ đã được chuẩn bị tâm lý, biết rằng mọi sự sẽ chỉ theo đúng kịch bản đó thôi, không có gì mới.
Ngắn gọn là: Hãy viết lại, kể lại. Hãy chia sẻ thông tin, càng cụ thể, chi tiết, rõ ràng, càng tốt. Đừng để ai thấy mù mờ, mơ hồ.
*
Chúng ta vừa tìm hiểu một số “bí quyết” cơ bản để vô hiệu hóa sự đàn áp. Xin tóm tắt lại để bạn rõ thêm, chúng là:
  1. Dự đoán trước, phơi trần âm mưu của kẻ đàn áp;
  2. Xây dựng hình ảnh đẹp cho những người bị bắt bớ, đàn áp;
  3. Chuẩn bị sẵn tư liệu, tài liệu về mỗi người đấu tranh; bảo vệ, hỗ trợ họ và gia đình họ, bảo đảm “không ai bị bỏ lại”;
  4. Bình thường hóa sự đàn áp;
  5. Vạch mặt những kẻ đàn áp;
  6. Đặt kẻ đàn áp vào tình thế lưỡng nan, chỉ có hai lựa chọn mà cách nào cũng dở;
  7. Vượt qua sự sợ hãi.
Những bí quyết này không bảo đảm chấm dứt ngay lập tức mọi hành vi đàn áp của nhà cầm quyền, công an đối với bạn – người hoạt động. Nhưng điều chắc chắn là chúng sẽ làm giảm tác hại của sự đàn áp đi rất nhiều và làm cho kẻ đàn áp chùn tay.
P.Đ.T.
(Còn tiếp)
Nguồn: bit.ly/phankhang

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn