Không thể phục hồi nguyên trạng bức tranh bảo vật quốc gia “Vườn Xuân Trung Nam Bắc“

Lê Công Sơn

Di sản quốc gia lại giao cho thợ dùng nước rửa chén, bột chu, giấy ráp để chùi rửa. Trên toàn thế giới, chỉ có ở Việt Nam! Hỡi ơi, Nguyễn Gia Trí!

Dũng Hoàng

Hơi giống tấm bia ở chùa Đọi. Thợ xây vung vít xi măng lên đầy mặt bia, mờ lấp hểt cả chữ, bèn lấy giấy giáp chổi sắt... cạo, cọ, rửa... thế là chữ đi đằng chữ. Bị xã kỷ luật họ bảo : chúng cháu ko biết! Hoà cả làng.

Dang Hao


        

Thông tin đau lòng này được Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm Vi Kiến Thành khẳng định sau chuyến vào TP.HCM làm việc với Sở VH – TT TP.HCM về hiện trạng bức tranh Vườn Xuân Trung Nam Bắc.

Sự hư hỏng trên bề mặt tranh là rất nặng nề. ẢNH: HÒA BÌNH

Bức Vườn Xuân Trung Nam Bắc là một kiệt tác của danh họa Nguyễn Gia Trí được UBND TP. HCM mua từ những năm 1990, dù lúc ấy thành phố đang trong giai đoạn kinh tế hết sức khó khăn, với giá 100.000 USD để trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. HCM. Năm 2012, tác phẩm được chính thức được công nhận là bảo vật quốc gia của Việt Nam.

Vườn Xuân Trung Nam Bắc là một kiệt tác của danh họa Nguyễn Gia Trí

Bảo vật quốc gia được trưng bày trang trọng tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM

Du khách tham quan rất quan tâm đến tác phẩm này

Trải qua thời gian và nắng nóng, tranh có bị xuống màu

Như tin đã đưa, sau khi báo Thanh Niên lên tiếng về sự hư hỏng nghiêm trọng của bảo vật quốc gia Vườn Xuân Trung Nam Bắc do Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM tiến hành ký kết hợp đồng với một nghệ nhân sơn mài để vệ sinh tác phẩm, đoàn công tác thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ VH - TT và DL, gồm: ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, ông Phạm Định Phong, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa và ông Phan Tự Long, Phó Giám đốc Trung tâm Tu sửa phục chế Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, đã trực tiếp vào thực tế kiểm tra hiện trạng bức tranh Vườn Xuân Trung Nam Bắc.

Đoàn cũng dành thời gian làm việc với ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM, ông Trịnh Xuân Yên – Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, tập thể lãnh đạo Bảo tàng cùng nghệ nhân sơn mài đã trực tiếp làm vệ sinh bức tranh.

Qua khảo sát, ông Vi Kiến Thành khẳng định: “Việc ký kết hợp đồng giữa Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM với người bảo dưỡng tác phẩm của danh họa Nguyễn Gia Trí lại là một nghệ nhân sơn mài, là chưa phù hợp. Quan điểm nghệ thuật và nhìn nhận trước một bảo vật quốc gia của một người làm sơn mài khác xa với một họa sĩ sơn mài, chưa nói Nguyễn Gia Trí lại là danh họa. Nghệ nhân sơn mài  đem tiêu chuẩn mỹ nghệ sơn mài của họ: sản phẩm phải bóng, mịn, nhẵn vào bảo dưỡng tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Gia Trí sẽ dẫn đến hư hại”.

Cũng theo ông Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm Vi Kiến Thành: “Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đáng lẽ nên mời các họa sĩ sơn mài giỏi nghề, có uy tín trong giới hội họa hoặc là nhân vật từng làm việc với họa sĩ Nguyễn Gia Trí thì mới phù hợp. Tôi được biết, từ xưa đến nay vẫn còn họa sĩ Nguyễn Xuân Việt, người được cộng tác với cụ Nguyễn Gia Trí rất nhiều năm, giỏi tay nghề thì tránh được sai sót hơn là dùng nghệ nhân chỉ biết làm mỹ nghệ sơn mài để vệ sinh bức tranh.”

Tác phẩm bị cho làm vệ sinh không đúng cách khiến cho bị hư hại bề mặt tranh. ẢNH: HÒA BÌNH

Vụ việc khiến dư luận bất ngờ và giới họa sĩ bàng hoàng

Sự lựa chọn “đối tác’ sai của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đã phá hỏng bức tranh tâm huyết được hoàn thành trong vòng hơn 20 năm của ông Nguyễn Gia Trí, một trong những danh họa nổi tiếng Việt Nam.

Qua xem xét hiện trang, đoàn công tác kết luận: Về tinh thần và không khí tác phẩm thì phần hồn đã bị hư hại khá nhiều. Còn về phần vật chất, các vỏ trứng trên bức tranh bị mài trơ ra, trắng bệt. Các mảng son cũng bị mài mòn đi, không còn độ mềm mại, uyển chuyển.

Hiện nay, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đang khẩn trương lập dự án tu sửa lại tác phẩm một cách thận trọng và khoa học theo yêu cầu của đoàn kiểm tra.

Tuy nhiên, ông Vi Kiến Thành chia sẻ thêm: “Bây giờ không thể nào thực hiện phục dựng lại được nguyên trạng bức tranh Vườn Xuân Trung Nam Bắc nữa đâu. Tất cả đã lỡ diễn ra rồi nên chỉ còn cách làm sao níu kéo lại được bao nhiêu phần trăm thôi chứ 100% là rất khó. Vụ này xảy ra cho thấy sự tùy tiện và đơn giản hóa quá của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Như tôi đã nhiều lần nhấn mạnh, giao một việc bảo dưỡng một tác phẩm bảo vật quốc gia cho một người thợ làm sơn mài để làm vệ sinh là ngoài sự tưởng tượng của anh em trong giới mỹ thuật. Đây là việc làm tùy tiện hết sức đau xót…”

Nguồn: https://thanhnien.vn/van-hoa/khong-the-phuc-hoi-nguyen-trang-buc-tranh-bao-vat-quoc-gia-vuon-xuan-trung-nam-bac-1076553.html

Tranh bảo vật quốc gia hư hỏng 30% sau vệ sinh

Trinh Nguyên

Di sản quốc gia lại giao cho thợ dùng nước rửa chén, bột chu, giấy ráp để chùi rửa. Trên toàn thế giới, chỉ có ở Việt Nam! Hỡi ơi, Nguyễn Gia Trí!

Bức tranh bảo vật quốc gia Vườn xuân Trung Nam Bắc trước và sau khi vệ sinh. ẢNH: LÊ CÔNG SƠN

Theo đó, bức tranh đã bị hư hại về tinh thần, không khí, phần linh hồn của tác phẩm khoảng trên 30% sau vệ sinh. Hư hỏng xảy ra do tranh bị tác động vào bề mặt làm mất đi lớp sơn bề mặt nên sự uyển chuyển tinh tế liên kết giữa các mảng sơn, mảng vỏ trứng, mảng dát vàng đã không còn sự uyển nhã, huyền ảo của nghệ thuật sơn mài Nguyễn Gia Trí. Cũng theo văn bản này, hư hại về bề mặt vật chất của tác phẩm khoảng 15% do các mảng vỏ trứng bị mài mòn, trơ ra; mảng dát vàng bị mài mòn; nét và mảng hình tiếp giáp bị lộ, trơ.

Cũng theo văn bản, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đã giao việc bảo quản phòng ngừa vệ sinh tác phẩm cho ông Lưu Minh Phụng, thợ sơn mài ở TP.HCM. Do không hiểu biết về nghệ thuật hội họa sơn mài của họa sĩ Nguyễn Gia Trí, ông này đã sử dụng nước rửa chén và bột chu, giấy ráp 2000 can thiệp quá mức khi làm vệ sinh bề mặt bức tranh.

Văn bản đã đưa ra 4 đề xuất kiến nghị. Thứ nhất, cần lưu giữ bảo quản tác phẩm Vườn xuân Trung Nam Bắc ở chế độ đặc biệt. Thứ hai, Sở VH-TT TP.HCM chỉ đạo Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM lập dự án tu sửa tác phẩm Vườn xuân Trung Nam Bắc một cách thận trọng, khoa học, khắc phục sự hư hại hiện tại ở mức độ tốt nhất. Bảo tàng cần xây dựng phương án và giải pháp tu sửa, làm thử nghiệm một số vị trí trên tranh; giao việc tu sửa phục hồi tác phẩm cho họa sĩ Nguyễn Xuân Việt, người đã trực tiếp làm việc với họa sĩ Nguyễn Gia Trí hoặc họa sĩ có chuyên môn, uy tín cao trong nghề làm tranh sơn mài. Có sự phối hợp giám sát của Trung tâm bảo quản, tu sửa tác phẩm mỹ thuật - Bảo tàng Mỹ thuật VN. Thứ ba, lãnh đạo và cán bộ Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM cần rút kinh nghiệm sâu sắc về sự đơn giản, tùy tiện trong công tác bảo quản, bảo dưỡng tác phẩm, thái độ ứng xử với hiện vật bảo tàng, đặc biệt là với bảo vật quốc gia. Thứ tư, văn bản tham mưu ghi rõ: Cục Di sản văn hóa sớm tham mưu cho lãnh đạo Bộ ban hành văn bản hướng dẫn về chế độ bảo vệ, bảo quản đặc biệt đối với bảo vật quốc gia.

T.N.

Nguồn: https://thanhnien.vn/van-hoa/tranh-bao-vat-quoc-gia-hu-hong-30-sau-ve-sinh-1077598.html?fbclid=IwAR074WRN4dlD2cKabubWcdHCz1RUxNak6HeAY9U1Jayot8Hao2kfxg9hCJY

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn