Tiếng nói của Tuổi Trẻ – Hãy hỏi: Làm thế nào để Việt Nam được như Hồng Kông? *

FB Lương thị Huyền

Bao giờ Việt Nam được như Hongkong?

Bao giờ Việt Nam có một Hoàng Chi Phong?

Bao giờ giới trẻ Việt Nam mới được như giới trẻ Hongkong?

So sánh giới trẻ Việt Nam với Hongkong đi?

Tôi định không trả lời những câu hỏi mà phần nhiều mang sắc thái oán than và trách móc, và nghe như tiếng thở dài bất lực này. Tôi là một người trẻ Việt Nam, nói ra ý kiến sẽ dễ bị quy chụp là chắc bị chạm tự ái nên bao biện. Nhưng cuối cùng tôi vẫn viết bài này để thêm một góc nhìn, giải đáp một phần cho những câu hỏi trên đây.

Và bởi vì tôi là một người trẻ, nên tôi đi tìm câu trả lời ở trong tôi.

Nói về người trẻ Việt Nam, tôi lập tức nhớ lại bản thân mình chỉ vài năm trước đây. Lớn lên trong một gia đình Bắc Việt, không có tư thù gì với chế độ độc tài, cho nên tôi cũng trở thành cháu ngoan Bác Hồ. Độc lập, tự do, hạnh phúc chỉ là những tiêu ngữ bắt buộc phải dùng khi viết đơn thư. Và dân chủ là cái gì, tôi gần như không có khái niệm về nó, mà câu chữ trong tiểu thuyết ngôn tình thì tôi nằm lòng lắm. Nghĩa là tôi hoàn toàn giống bạn bè tôi, nền giáo dục xã nghĩa chỉ dạy tôi được đến thế.

Sau đó, tôi vào đại học. Tôi còn nhớ rõ vẻ mặt say sưa của thầy tôi khi giảng dạy môn Tư tưởng HCM và Đường lối CM của Đảng cộng sản, trường đại học nào ở Việt Nam cũng dành kha khá thời lượng cho 2 môn này, hừm, lớn đầu rồi vẫn còn bị nhồi sọ.

Trong khi có một môn học rất thú vị tên là Thể chế Chính trị Thế giới - khái quát về các mô hình, thể chế chính trị trên thế giới, lẽ ra phải được ưu tiên giảng dạy như một môn học tiên quyết mang tính nền tảng thì họ xếp vào môn học tự chọn với thời lượng ngắn ngủi, thích học thì đăng ký, không thì thôi, không bắt buộc. Tôi may mắn đã chọn học môn này. Học xong tôi mới có những từ khoá và đặt ra những câu hỏi đầu tiên rằng tại sao chế độ của nhà nước ta ưu việt đến thế mà đất nước vẫn nghèo nàn tụt hậu, cũng là học xong tôi đã vỡ ra được rằng cái màn bầu cử ở Việt Nam tiêu tốn hàng ngàn tỷ thuế dân thực chất đều chỉ là một tấn tuồng.

Sự nhận thức của tôi thay đổi được phải mất một quá trình như thế, đến giờ cũng vẫn còn ở một trình độ rất sơ khai, bởi muốn biết cái gì phải tìm đọc trong sách vở, may mắn thì kết giao được với những người giỏi giang họ sẽ chỉ dạy thêm, chứ nào có trường lớp hay khoá học nào chỉ dạy cho từ những thuật ngữ đơn giản nhất như dân chủ là gì, tự do là gì? Vậy giờ hãy so sánh nền giáo dục mà thế hệ trẻ Việt Nam như tôi được hưởng với nền giáo dục Hongkong xem có giống nhau không mà bảo chúng tôi phải có nhận thức như họ?

Con người ta không thể yêu thương hay khao khát những thứ mà chính mình chẳng biết gì về nó, khi người ta chưa có nhận thức về tự do mà bắt người ta phải yêu tự do và liều chết để tranh đấu cho tự do thì thật hoang đường. Vì thế, nếu cứ khơi khơi so sánh tuổi trẻ Việt Nam với tuổi trẻ Hongkong thì thật hồn nhiên quá đáng.

Luận điểm trên tuy giải thích dài dòng nhưng lại chẳng quan trọng gì, bởi thực ra câu hỏi mà chúng ta cần đặt ra không phải là BAO GIỜ Việt Nam được giống như Hongkong, mà phải là LÀM THẾ NÀO để Việt Nam được như Hongkong?

Vì sao Hongkong có được nền dân trí đó, sự đấu tranh mạnh mẽ đó?

Lý do 100 năm thuộc Anh, được hưởng một nền giáo dục tự do, nhân bản là được mọi người nêu ra nhiều nhất. Nhưng đưa ra lý do đó xong thở dài, thôi mình không có được 100 năm thuộc địa đó nên mình đành bất lực, hay là giờ mình năn nỉ Anh quốc sang đô hộ mình để 100 năm nữa mình sẽ được như Hongkong bây giờ - 1/3 dân số sẽ xuống đường để đấu tranh cho tự do?

Tới đây thì chúng ta thường quay sang trách móc nhau, đổ thừa, phê phán, chỉ trích. Nào là giới trẻ quá hèn, tư duy nô lệ, nào là dân trí quá thấp, v.v. và mây mây. Tôi thực sự không hiểu chỉ trích và phê phán dù có hay đến mấy, có hả hê đến mấy, thì có làm cho giới trẻ bớt hèn, rồi dân trí sẽ cao hơn không vậy?

Thay vào đó tại sao không tự vấn lại mình, mình đã dạy được cho con trẻ những gì để cho chúng có được tư duy tự do, thay vì tư duy nô lệ? Hoặc là nếu lấy mốc điểm là 100 năm sau đi chăng nữa, thì bây giờ mình đã đặt được viên gạch nào làm nền móng cho những thế hệ sau sẽ có điều kiện để có những Hoàng Chi Phong đầy bản lĩnh? Nếu không chịu gieo một hạt giống nào mà ngồi đó than van bao giờ đất nước tôi mới được hái quả ngọt đây thì tôi thấy nực cười lắm.

Các nền dân chủ trên thế giới không lẽ là bởi người ta giỏi than nên nó rơi từ trên trời xuống?

100 năm hiện diện trên Hương Cảng, thứ mà người Anh để lại là một nền giáo dục tiến bộ, là lòng khao khát tự do, sự kính trọng tri thức. Đây là những giá trị mà không có thế lực nào ngăn cản được sự lan truyền của nó. Thế nhưng chừng nào mà một người trẻ như tôi còn phải bơ vơ trên con đường đi tìm một giải pháp, chừng nào thế hệ trẻ còn phải dò dẫm tìm đường bởi thiếu đi những điều kiện căn bản nhất về tri thức, do thế hệ trước đã chẳng để lại gì, thì xin đừng hỏi bao giờ giới trẻ Việt Nam được như giới trẻ Hongkong đây?

Nếu vài chục năm sau mà câu hỏi này vẫn được cất lên thì tôi chắc chắn sẽ trả lời rằng: Thế hệ trẻ kém cỏi và hèn nhát như bây giờ là bởi thế hệ tôi đã chẳng làm cái gì cả!

L.T.H.

Nguồn: https://www.facebook.com/luong.huyen.752/posts/1234076323418599

* Tên bài do BVN đặt

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn