Tàu cá TQ ồ ạt đổ xuống Biển Đông sau ba tháng rưỡi tạm nghỉ

BBC - 19 tháng 8. 2019

Bản quyền hình ảnh  GETTY IMAGES

Chiều thứ Sáu, khoảng hơn một ngàn tàu cá Trung Quốc từ khu vực miền nam nước này đã hướng tới khu vực Vịnh Bắc Bộ và các vùng biển có tranh chấp, ngay khi lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm trên Biển Đông vừa được Trung Quốc chấm dứt.

Tân Hoa Xã trong một chương trình livestream trên Facebook gọi ngày này là "Ngày hội Đánh cá" với hàng trăm tàu cá rời cảng ở Quảng Tây, đánh dấu kết thúc thời kỳ ba tháng rưỡi nghỉ ra khơi.

Dự kiến khoảng 3.000 tàu cá Trung Quốc sẽ ra khơi trong những ngày đầu tiên sau khi lệnh cấm đánh bắt cá được dỡ bỏ.

Việc tàu cá Trung Quốc ồ ạt đổ xuống Biển Đông khiến căng thẳng trong khu vực có thể tiếp tục dâng cao hơn nữa.

Ít hôm trước khi dỡ bỏ lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm, hôm 13/8, tàu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc cùng một số tàu hộ tống đã quay trở lại khu vực Bãi Tư chính thuộc Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Việt Nam sau một thời gian ngắn rút đi, khiến bầu không khí tưởng chừng đã dịu đi chút ít giữa Bắc Kinh và Hà Nội trở nên căng thẳng trở lại.

Lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm được Trung Quốc bắt đầu đưa ra từ năm 1999.

Lệnh này, theo Trung Quốc, là nhằm để bảo vệ các nguồn tài nguyên biển và môi trường sinh thái.

Tranh chấp về quyền đánh bắt cá

Tuy nhiên, Việt Nam luôn phản đối và coi đây là lệnh cấm bất hợp pháp.

Năm nay, lệnh cấm của Trung Quốc được áp dụng từ ngày 1/5 đến 16/8/2019.

Ngư dân Việt Nam được động viên ra khơi bám biển trong thời gian TQ áp lệnh cấm đánh bắt cá, nhưng các tàu có giấy phép khai thác chung trên biển được khuyến cáo không đi quá sang phía Đông đường phân định Vịnh Bắc Bộ. Bản quyền hình ảnh GETTY IMAGES

Việt Nam nói phạm vi Trung Quốc áp lệnh cấm đánh bắt cá bao gồm cả vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Hôm 4/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tuyên bố việc bảo vệ các nguồn tài nguyên, sinh vật biển "cần được tiến hành phù hợp với các quy định của Công ước Quốc tế về Luật Biển 1982", "không được làm phương hại đến quyền chủ quyền và các quyền tài phán trên biển của các nước có liên quan".

Phía Việt Nam cũng tuyên bố "phản đối và kiên quyết bác bỏ quyết định đơn phương" của Trung Quốc.

Giới chức Việt Nam khuyến khích các địa phương "động viên, hỗ trợ ngư dân ra khơi bám biển" trong thời gian Trung Quốc áp lệnh cấm.

Năm nay, các chương trình như "Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển", "Một triệu lá cờ tổ quốc cùng ngư dân bám biển" đã được phát động tại nhiều tỉnh ven biển.

Tuy nhiên, giới chức cũng khuyến cáo các tàu cá tuy có giấy phép hoạt động trong vùng đánh cá chung Vịnh Bắc Bộ "không sang khai thác tại vùng biển phía đông đường phân định Vịnh Bắc Bộ" trong thời gian này.

Quyền đánh bắt cá đã trở thành một trong những vấn đề gây căng thẳng giữa Trung Quốc và một số nước khác trong khu vực.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte gần đây đã rút lại thỏa thuận miệng mà ông nói đã hứa với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi 2016, theo đó cho phép ngư dân Trung Quốc vào đánh bắt ở vùng biển có tranh chấp quanh khu vực bãi Reed Bank, tờ South China Morning Post tường thuật.

Các nhà quan sát trong khu vực nói rằng sự cạnh tranh để giành quyền đánh bắt cá tăng sẽ dẫn đến nguy cơ nổ ra xung đột tăng theo.

Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/world-49397119

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn