Từ Formosa đến EVFTA (phần II)

Thục Quyên

Thảm họa môi trường Formosa và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh Âu châu (EVFTA) đều có quan hệ nghiêm trọng tới đời sống người dân Việt, và điểm đặc biệt là có dính líu trực tiếp đến một hay nhiều nước ngoại quốc. Vì không còn là một vấn đề hoàn toàn Việt Nam nên trên lý thuyết, nhà cầm quyền Việt Nam không thể nại cớ quốc tế không được can thiệp vào việc nội bộ quốc gia để thoải mái hoành hành, áp bức người dân, và người Việt, nếu chịu khó tìm hiểu những luật lệ quốc tế, còn có con đường lên tiếng đòi hỏi công lý trên bình diện quốc tế.

Trong công việc vận động quốc tế, cần tìm hiểu kỹ càng đối tượng vận động, thành thật tự lượng sức để biết cố gắng trau dồi kỷ năng. Hiểu biết sai lầm, vô tình hay cố ý loan tin sai lệch, lẫn lộn những mơ ước với thực tế, là những điều cần tránh tối đa, để không những làm lỡ những cơ hội có thể được quốc tế hỗ trợ, mà còn đồng thời gieo hoang mang thất vọng cho những người đã tin tưởng để nuôi hy vọng, rồi chờ đợi một điều không thể xảy ra. Tình trạng hy vọng không thực tế rồi thất vọng đưa tới tinh thần tiêu cực, không dốc tâm tìm hiểu vấn đề để xây dựng phương cách giải quyết những tình trạng khó khăn, mà chủ bại than rằng đã làm hết cách.

I/ Chuyện đã xảy ra: Thảm họa môi trường Formosa

https://boxitvn.blogspot.com/2019/07/tu-formosa-en-evfta_24.html#more

https://baotiengdan.com/2019/07/24/tu-formosa-den-evfta/

II/ Chuyện sắp tới: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh Âu châu

Tình hình hiện nay

Hiện nay tình trạng của Hiệp định thương mại Việt Nam-Liên minh Âu châu (EVFTA) rất rõ ràng: chỉ cần Nghị viện Âu châu phê chuẩn thuận thì hiệp định này sẽ đi vào hiệu lực (1).

Nhà cầm quyền Việt Nam, qua cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, trưởng đoàn đàm phán VN về EVFTA của VOV1 ngày 8/07/2019 (2), nhìn nhận “trước khi nói đến tận dụng cơ hội thì hiệp định phải được Quốc hội Âu châu phê chuẩn đã” và ông Khánh kêu gọi sự hợp tác của các doanh nghiệp VN cũng như các doanh nghiệp thuộc LMÂC để mong thuyết phục Nghị viện Âu châu theo chiều hướng thuận.

Lời kêu gọi của ông Khánh được các tổ chức doanh nghiệp như Phòng thương mại Âu châu tại VN Euro Cham, Liên đoàn ngành sản xuất quần áo và thiết bị thể thao Âu châu FESI (Federation of the European Sporting goods Industry)....hưởng ứng nhanh chóng bằng cách tích cực gửi lời yêu cầu phê chuẩn tới Nghị viện Âu châu và tán dương những việc làm mà họ gọi là “những nỗ lực của Chính phủ VN về phát triển bền vững cũng như cố gắng thích ứng với những yêu cầu của EU bằng cách phê chuẩn Công ước ILO đầu tiên, vạch ra một lộ trình đầy tham vọng phê chuẩn tiếp tục các Công ước ILO còn lại và sửa đổi bộ luật lao động” (3).

Trong khi đó, những nhóm xã hội dân sự, những tổ chức phi chính phủ quan tâm đến khía cạnh nhân quyền (và lao động) đã từng vận động Nghị viện Âu châu nhiệm kỳ 8 chỉ nên phê chuẩn EVFTA sau khi một số các đòi hỏi về tôn trọng và bảo vệ nhân quyền được nhà cầm quyền Việt Nam thực thi, còn rất im ắng.

Một lý do có lẽ vì Nghị viện Âu châu nhiệm kỳ 9 sau cuộc bầu cử đã cần thời gian để tổ chức, và sau đó đã đi nghỉ hè tháng 8, nên thời gian chưa thuận tiện cho những người/ tổ chức muốn tiếp xúc vận động các nghị viên.

Ngày 2/09/2019 các Ủy ban của Nghị viện bắt đầu nhóm họp làm việc, thí dụ như Ủy ban thương mại quốc tế INTA (của nghị viện Âu châu), và chương trình buổi họp đầu tiên ngày 9/09 của Tiểu ban nhân quyền DROI sẽ gồm những trao đổi về tình trạng nhân quyền các nước trên thế giới với ông Eamon Gilmore, Đại diện đặc biệt của EU về nhân quyền, và bà Lotte Knudsen, Vụ trưởng Nhân quyền cùng các Vấn đề toàn cầu và đa phương.

Sự thật đơn giản: không thể đi tiếp xúc vận động nếu không nắm vững thể thức làm việc của Nghị viện Âu châu.

Nghị viện Âu châu gồm có 751 thành viên thuộc 7 nhóm đảng, ngoại trừ 54 dân biểu không thuộc nhóm đảng nào. Thật là một nhầm lẫn lớn nếu nghĩ rằng tất cả những dân biểu đều nắm vững mọi sự việc trước khi họ phải bỏ phiếu quyết định một điều gì. Nhất là những dân biểu vừa mới trúng cử nhiệm kỳ 9 sẽ cần một thời gian để tìm hiểu, thí dụ như nghe và đọc những tường trình của những nhân viên thuộc Dịch vụ Nghiên cứu Nghị viện Âu châu (European Parliamentary Research Service EPRS).

EPRS là một bộ phận nghiên cứu nội bộ, là nhóm chuyên gia tư tưởng (think tank) của Nghị viện Âu châu. Nhiệm vụ của EPRS là hỗ trợ công việc của các thành viên và các Ủy ban Nghị viện bằng cách cung cấp cho họ các phân tích khách quan, độc lập, có thẩm quyền, cũng như các nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến chính sách của Liên minh Âu châu. Những ấn bản của EPRS mọi người đều có thể vào trang nhà của họ để tiếp cận, tìm hiểu.

Bầu cử phê chuẩn EVFTA sẽ theo hình thức bầu đa số tuyệt đối, có nghĩa là EVFTA chỉ được phê chuẩn nếu số phiếu thuận cao hơn và phải qúa 50% tổng số phiếu bầu.

Do đó, muốn vận động hữu hiệu các dân biểu cần phải đánh giá chính xác mức độ tin tức họ nhận được cũng như nghiên cứu phương cách chuyển tải trực tiếp đến họ những tin tức chính xác hơn những gì họ đã có và lý luận thuyết phục.

Hoạt động nhân quyền hay hoạt động xã hội dân sự khác với làm báo

Gần đây một vài bài viết xuất hiện (4) với chiều hướng tiêu cực đổ tội cho LMÂC sẵn sàng bẻ cong các tiêu chuẩn nhân quyền khi có lợi ích kinh tế. Tìm lợi ích kinh tế là một mục tiêu lớn của mọi quốc gia trên thế giới và chắc chắn cũng là mục tiêu của LMÂC. Đạt được mục tiêu này không có nghĩa là phải đạp bỏ Nhân quyền mà chính sự tôn trọng bảo vệ Nhân quyền mới bảo đảm được phát triển bền vững.

Người làm báo có thể suy luận hay đặt giả thuyết để viết bài với mục đích đánh động sự chú ý của người đọc về một khía cạnh của vấn đề , nhưng công việc của người hoạt động là phải cố gắng tích cực gây ảnh hưởng trên chiều hướng xảy ra của vấn đề: trong trường hợp EVFTA là phải tìm hiểu chỗ đứng của Nhân quyền trong chính sách của Liên Minh Âu châu, và những ràng buộc nhân quyền trong EVFTA mà LMÂC và Việt Nam đã ký kết phải tuân thủ, để tìm cách tranh đấu đòi hỏi những ràng buộc này phải được tôn trọng. Người hoạt động không chờ việc đã xảy ra để nhận định hay trách móc kết tội mà phải tích cực đóng góp để ngăn cản những tình trạng xấu có thể xảy ra.

Những cơ hội lên tiếng đã bỏ lỡ

Cuộc thương lượng EVFTA đã kéo dài từ năm 2012 tới tháng 12/2015. Sau đó là thời gian soạn thảo, sửa đổi và mãi tới ngày 30/07/2019 mới được Chính phủ Việt Nam và LMÂC ký kết để trình lên Nghị viện xin phê chuẩn.

Trong suốt thời gian đó, có 8 cuộc Đối thoại Nhân quyền giữa VN và LMÂC, mỗi năm một lần. Sau mỗi cuộc Đối thoại, LMÂC đều có ra một thông cáo báo chí với những nhận định về tình hình kinh tế, xã hội, văn hoá, môi trường và nhân quyền tại Việt Nam cũng như những thành quả hợp tác đôi bên. Tiếc thay, chưa bao giờ có một tổ chức xã hội dân sự nào của Việt Nam lên tiếng chính thức gửi đến LMÂC phê bình, dẫn chứng rằng những nhận định này đúng hay sai, Chính phủ Việt Nam có thích ứng với những lời khuyên bảo hay cảnh cáo của LMÂC hay không, mặc dù Phái đoàn Liên Minh Âu châu có trụ sở ngay tại Hà Nội và hiện diện thường trực trên Facebook.

Đại sứ LMÂC, ông Bruno Angelet, thỉnh thoảng cũng có lên tiếng về việc bắt giữ những nhà hoạt động nhân quyền tại Việt Nam, nhưng chưa bao giờ phải đối mặt với trường hợp khó xử bị người Việt chất vấn về thái độ Nhà nước VN bất cần những lời kêu gọi của ông và Phái đoàn LMÂC, nên ông đã có thể hãnh diện chấm dứt nhiệm kỳ vào cuối tháng 8/2019 với thành quả ký kết EVFTA, EVIPA (Hiệp định bảo hộ đầu tư) và VPA/FLEGT (Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi Luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản)

Cơ hội lên tiếng trước mắt

Tương lai của EVFTA tùy thuộc quyết định của Nghị viện Âu châu.

Đây là lúc các nhà hoạt động Nhân quyền và các nhóm xã hội dân sự VN phải lên tiếng thẳng với các dân biểu Nghị viện Âu châu.

Các dân biểu cần có trong tay những bằng chứng là Việt Nam có tôn trọng hay không bất cứ lời khuyến nghị hay yêu cầu nào của LMÂC nằm trong 8 bản thông cáo báo chí sau những cuộc họp Đối thoại Nhân quyền Việt Nam-EU, mà bản thứ 8 mới được gửi ra ngày 7/03/2019 (5).

Ngoài ra trong thông cáo báo chí chung (6) của Cao uỷ Thương mại EU Cecilia Malmström và Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh ngày 30/06/2019 nhân việc ký kết Hiệp định Thương mại Tự do và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư giữa Việt Nam và EU, có đoạn:

EU hoan nghênh những bước tích cực gần đây của Quốc hội Việt Nam trong các vấn đề về lao động, cụ thể là việc phê chuẩn Công ước 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về Thương lượng tập thể cũng như kế hoạch thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi tại kỳ họp tiếp theo vào mùa thu năm 2019. EU cũng hoan nghênh kế hoạch của Chính phủ nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về việc trình Công ước 105 và 87 của ILO lên Quốc hội Việt Nam để tiến hành thủ tục phê chuẩn các công ước này vào các năm tương ứng là 2020 và 2023.

Đây là lúc các luật gia, luật sư, những kinh tế gia VN, cần nghiên cứu và lên tiếng phê bình việc phê chuẩn Công ước ILO 98 trước Công ước 87, cũng như dự thảo Bộ luật Lao động có những khúc mắc nào, có thực tình dựng lên một khung pháp lý vững chắc để bảo đảm những quyền lợi của người lao động, phù hợp với những ràng buộc của PCA và EVFTA hay không?

Đây là một việc làm hữu ích và tối cần thiết, mà không cần phải ra đường biểu tình, lifestream, chạm trán với công an để bị đàn áp.

Những dân biểu Nghị viện Âu châu sẽ không có cơ hội nhìn rõ sự thực để cân nhắc và lấy quyết định đúng, nếu chính người Việt không nhận trách nhiệm đóng góp phần việc nằm trong khả năng của mình, để đạt tới một Hiệp định thương mại tự do thực tình mang lợi ích lại cho người dân VN.

T.Q.

________

Chú thích

(1) https://boxitvn.blogspot.com/2019/05/loai-tru-tin-nhieu-lien-quan-toi-evfta.html https://vietbao.com/a294480/loai-tru-tin-nhieu-lien-quan-toi-evfta

(2) EVFTA và IPA: MỞ RA CHÂN TRỜI MỚI CHO QUAN HỆ VIỆT NAM - EU

(3) FESI welcomes Council’s green light for EU-Vietnam FTA: a positive milestone towards open and sustainable sporting goods trade - FESI

(4) https://www.asiatimes.com/2019/07/opinion/vietnam-fta-eu-is-more-pragmatic-than-principled/ https://www.aseantoday.com/2019/08/eu-vietnam-trade-deal-shows-eu-will-bend-human-rights-standards-if-the-price-is-right/

(5) https://eeas.europa.eu/delegations/vietnam/59210/%C4%91%E1%BB%91i-tho%E1%BA%A1i-nh%C3%A2n-quy%E1%BB%81n-l%E1%BA%A7n-th%E1%BB%A9-8-gi%E1%BB%AFa-eu-v%C3%A0-vi%E1%BB%87t-nam_vi

(6) https://eeas.europa.eu/headquarters/headquarters-homepage/64806/th%C3%B4ng-c%C3%A1o-b%C3%A1o-ch%C3%AD-chung-c%E1%BB%A7a-cao-u%E1%BB%B7-th%C6%B0%C6%A1ng-m%E1%BA%A1i-eu-cecilia-malmstr%C3%B6m-v%C3%A0-b%E1%BB%99-tr%C6%B0%E1%BB%9Fng-c%C3%B4ng-th%C6%B0%C6%A1ng_vi

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn