Virus corona - Covid-19: Tổ chức Y tế Thế giới có góp phần để dịch trầm trọng hơn?

Trọng Thành

Phát biểu khai mạc cuộc Họp báo về COVID-19 (ngày 24. 02.2020) của Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới WHO

Thục Quyên phỏng dịch

Kính chào quý vị,

Như mọi khi, tôi xin phép bắt đầu với những con số mới nhất.

Vào lúc 6 giờ sáng nay, theo giờ Geneva, Trung Quốc đã báo cáo với WHO tổng cộng 77.362 trường hợp nhiễm COVID-19, gồm cả 2618 trường hợp tử vong.

Trong 24 giờ qua, tại Trung Quốc có 416 trường hợp mới đã được xác nhận và 150 trường hợp tử vong. Chúng tôi cảm thấy chút phấn khởi bởi sự sụt giảm liên tục các trường hợp tại Trung Quốc.

Sáng sớm hôm nay, phái đoàn công tác chung WHO-Trung Quốc đã kết thúc chuyến thăm và đưa ra báo cáo về tình hình.

Như qúi vị đã biết, phái đoàn đã đến một số tỉnh khác nhau, kể cả Vũ Hán, và có một loạt phát hiện về khả năng truyền bệnh của virút, mức độ nghiêm trọng của bệnh và tác động của các biện pháp được áp dụng.

Phát hiện đầu tiên là dịch bệnh đã lên đến đỉnh điểm và tiếp đó giữ nguyên mức độ, trong khoảng thời gian từ ngày 23.01 đến ngày 2.02, rồi từ đó đã giảm dần.

Điều thứ hai là DNA của virút không có thay đổi đáng kể,

Tỷ lệ tử vong là từ 2% đến 4% ở Vũ Hán và 0,7% bên ngoài Vũ Hán. Đối với những người mắc bệnh nhẹ, thời gian phục hồi là khoảng hai tuần, trong khi những người sẵn mắc bệnh nặng hoặc nguy hiểm, sẽ cần ba đến sáu tuần.

Phái đoàn cũng đánh giá các biện pháp được thực hiện ở Trung Quốc đã ngăn chặn được một số lượng đáng kể các trường hợp nhiễm bệnh.

Báo cáo còn chứa nhiều thông tin khác, cũng như nhấn mạnh lên những vấn đề mà chúng ta vẫn chưa có câu giải đáp, và bao gồm 22 khuyến nghị.

Ngày mai, bác sĩ Bruce Aylward sẽ thay mặt cho phái đoàn để cung cấp thêm chi tiết

(lời người dịch: Bác sĩ B.Aylward là một nhà dịch tễ học Canada, phụ tá Tổng giám đốc WHO)

Nhưng thông điệp chính có thể mang lại hy vọng, can đảm và tự tin cho tất cả các quốc gia, là có thể ngăn chặn được vi rút này. Thật vậy, có rất nhiều quốc gia đang làm được điều đó.

Ngoài Trung Quốc, hiện có 2074 trường hợp nhiễm bệnh tại 28 quốc gia và số tử vong là  23 người.

Sự gia tăng đột ngột các trường hợp tại Ý, Cộng hòa Hồi giáo Iran và Hàn Quốc mang tới nhiều lo nghĩ, và đưa tới những suy đoán liệu những gia tăng này có nghĩa là dịch bệnh đã trở thành một đại dịch? Chúng tôi rất hiểu tại sao mọi người đặt ra câu hỏi đó.

WHO đã tuyên bố mối quan tâm quốc tế về tình trạng khẩn cấp sức khỏe cộng đồng - mức báo động cao nhất của chúng tôi - từ khi có ít hơn 100 trường hợp bên ngoài Trung Quốc và 8 trường hợp lây truyền từ người sang người.

Quyết định của chúng tôi về việc có nên sử dụng từ "đại dịch" để mô tả dịch bệnh hay không, dựa trên sự đánh giá liên tục về mức lây lan của virút, mức độ nghiêm trọng của bệnh và tác động của nó trên toàn xã hội.

Hiện tại, chúng tôi không ghi nhận virút này đã gây ​​sự lây lan toàn cầu vượt tầm kiểm soát và cũng không ghi nhận ​​bệnh nặng hoặc tử vong trên diện rộng.

Liệu virút này có tiềm năng gây đại dịch? Hoàn toàn có.

Chúng ta đã tới mức đó chưa? Theo đánh giá của chúng tôi, chưa.

Như vậy chúng ta nên mô tả tình hình hiện tại như thế nào?

Những gì chúng ta thấy, là dịch bệnh xuất hiện ở các khu vực khác nhau trên thế giới, ảnh hưởng đến các quốc gia theo những cách khác nhau, và đòi hỏi những phản ứng phù hợp đặc trưng. Sự gia tăng đột ngột trong các trường hợp mới chắc chắn là đáng gây lo nghĩ.

Tôi luôn luôn nhắc rằng chúng ta cần những dữ kiện thật chứ không cần sự hoảng sợ. Sử dụng từ "đại dịch" bây giờ không phù hợp với thực tế, nhưng chắc chắn sẽ gây ra sự sợ hãi.

Đây không phải là lúc dồn tâm trí vào từ ngữ chúng ta sử dụng.

Nó sẽ không giúp ngăn ngừa nổi một trường hợp nhiễm trùng nào, hoặc cứu được một mạng sống nào.

Đây là thời gian để tất cả các quốc gia, cộng đồng, gia đình và cá nhân tập trung vào việc chuẩn bị.

Chúng ta không sống trong một thế giới nhị phân, đen trắng. Nó không là một sự lựa chọn hoặc thế này, hoặc thế kia. Chúng ta phải tập trung vào ngăn chặn, trong khi vẫn làm mọi thứ có thể để chuẩn bị cho một đại dịch tiềm tàng.

Không có kiểu tiếp cận "một cỡ phù hợp cho tất cả". Mỗi quốc gia phải tự đánh giá rủi ro trong bối cảnh của riêng mình. WHO cũng đang tiếp tục cách riêng để đánh giá rủi ro và theo dõi diễn biến của dịch bệnh 24/24 giờ

Tuy vậy, có ít nhất ba ưu tiên.

Thứ nhất, tất cả các quốc gia phải ưu tiên bảo vệ các nhân viên y tế.

Thứ hai, chúng ta phải kêu gọi các cộng đồng tham gia bảo vệ những người có nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng, đặc biệt là người già và những người có tình trạng sức khỏe yếu kém.

Và thứ ba, chúng ta phải bảo vệ các quốc gia dễ bị tổn thương nhất, bằng cách làm hết sức mình để giữ dịch bệnh ở các quốc gia có khả năng đối phó.

Trong những ngày vừa qua, tôi đã họp với các Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp, Đức, Indonesia, Cuba và Hàn Quốc, và tôi xin cảm ơn họ đã đồng ý hỗ trợ chương trình ứng phó.

Tôi cũng xin cảm ơn Ủy ban Âu châu đã đóng góp 232 triệu Euro, điều này thể hiện sự đoàn kết toàn cầu, mang lại cho tôi niềm hy vọng.

Pháp, Đức và Thụy Điển cũng đã công bố sẽ đóng góp bổ sung.

Đây là một mối đe dọa chung. Chúng ta chỉ có thể đối mặt với nó khi cùng nhau hợp sức, và chúng ta cũng chỉ có thể cùng nhau thắng nó.

Khi chúng ta cùng nhau hành động - các quốc gia, các tổ chức y tế khu vực và toàn cầu, ngành truyền thông, phạm trù tư nhân và mọi người ở khắp mọi nơi - sức mạnh tập thể của chúng ta sẽ rất đáng nể.

Một mình, ta sẽ thua. Cùng nhau, chúng ta sẽ thắng.

Xin cám ơn tất cả,

Tedros Adhanom

Dịch giả gửi BVN

Kiểm tra thân nhiệt hành khách đến từ Vũ Hán, tại một sân bay Ấn Độ, ngày 21/01/2020. Biện pháp sau này được chứng minh là không đủ đế phát hiện người nhiễm virus corona mới.

Kiểm tra thân nhiệt hành khách đến từ Vũ Hán, tại một sân bay Ấn Độ, ngày 21/01/2020. Biện pháp sau này được chứng minh là không đủ đế phát hiện người nhiễm virus corona mới. Ảnh: AFP

Cuối tháng 2/2020, dịch Covid-19 bắt đầu lan mạnh ngoài Trung Quốc. Nhiều người đặt câu hỏi: Phải chăng, với việc chậm trễ ban bố Tình trạng Y tế Khẩn cấp Quốc tế và thái độ thụ động trước chính quyền Trung Quốc, chính WHO đã góp phần để dịch Covid-19 trở nên trầm trọng hơn?

Ngày 24/02, Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) khuyến cáo quốc tế chuẩn bị đối phó ''đại dịch''. Tuy nhiên, WHO bị phê phán đã không thực thi triệt để các nghĩa vụ của định chế quốc tế này, để dịch bệnh tại Trung Quốc được hiểu rõ hơn, được kiểm soát tốt hơn. Cũng có nghĩa là khó lan ra bên ngoài hơn, và một khi lan ra ngoài, cộng đồng quốc tế sẽ có nhiều khả năng phòng vệ hơn.

"

WHO: Giữa mềm dẻo "ngoại giao" và "hiệu quả y tế"

Về vai trò và khả năng hành động của Tổ chức Y tế Thế giới, Giáo sư Anne-Marie Moulin, một chuyên gia về lịch sử y tế quốc tế, lưu ý trước hết đến vai trò ngoại giao của định chế quốc tế này. Theo bà, "WHO vốn thường bị phân tâm giữa một bên là đòi hỏi thận trọng về mặt ngoại giao, và bên kia là mục tiêu hướng đến hiệu quả, đưa ra các cảnh báo dịch bệnh mang ý nghĩa biểu tượng", đối với quốc tế.

Giáo sư Anne-Marie Moulin nhấn mạnh đến phản ứng của WHO, trong dịch Covid-19 lần này, rõ ràng là nhanh chóng hơn "khá nhiều" so với dịch Ebola trước đây. Tuy nhiên, theo bà, một điều cũng rõ ràng WHO đã không phê phán cách xử lý bệnh dịch chậm trễ của chính quyền Trung Quốc, định chế quốc tế này "đã không tận dụng được thời điểm Bắc Kinh tuyên bố dịch, chậm hơn nhiều so với thời điểm xuất hiện ca bệnh đầu tiên, để chỉ ra những điểm sai của chính quyền Trung Quốc"'. Giáo sư Anne-Marie Moulin nhắc đến một thực tế là dịch bệnh – sau này được gọi là Covid-19 - đã được giới tài xế tại Vũ Hán truyền tin cho nhau sớm hơn rất nhiều so với tuyên bố của chính quyền. Và WHO đã bỏ qua điều này.

Dù sao, nhìn chung, Giáo sư Moulin nhận định: "Về mặt ngoại giao, WHO đã làm được những gì có thể trong khả năng của mình". Bởi rõ ràng là rất khó vừa hợp tác với chính quyền một quốc gia, trong khi cùng lúc đó lại phê phán chính quyền đó, đặc biệt là đối với chính quyền Trung Quốc, mà khả năng tác động trên thực tế của WHO là rất hạn chế.

Bắc Kinh cam kết để quốc tế tìm hiểu bệnh dịch

Bác sĩ Paul Benkimoun, một nhà báo chuyên về y tế, theo dõi sát các hành động của WHO, cũng nhấn mạnh đến vị thế nhạy cảm của WHO, trong lúc thiếu nhiều thông tin cần thiết, mà phải đưa ra quyết định Tuyên bố Tình trạng Y tế Khẩn cấp Quốc tế, trong một hoàn cảnh có ''độ bất định rất lớn''. Bởi một quyết định như vậy, vừa mang ý nghĩa chính trị, vừa mang ý nghĩa đạo lý. Tuyên bố về Tình trạng Y tế Khẩn cấp Thế giới phải cân bằng giữa một bên là tăng cường biện pháp kìm hãm dịch, với bên kia là không để cho các can thiệp trở nên quá đà, quá mức cần thiết, gây lo sợ. Đây là điều hết sức khó khăn, đặc biệt vào thời kỳ mà các giao lưu quốc tế, quan hệ kinh tế ngày càng trở nên mật thiết, và bệnh dịch lại xảy ra tại Trung Quốc, nền kinh tế thứ hai thế giới.

Trong bài viết trên Le Monde ngày 29/01/2020 ("Coronavirus: comment la Chine a fait pression sur l’OMS"), Bác sĩ Paul Benkimoun nhấn mạnh đến nội bộ của ủy ban các chuyên gia phụ trách tư vấn cho tổng giám đốc WHO, đã bị chia rẽ hiếm thấy trong việc quyết định đưa ra hay không tuyên bố về Tình trạng Y tế Khẩn cấp Thế giới (trong các phiên họp ngày 22 và 23/01). Nhiều nguồn tin từ nội bộ WHO cho thấy chính quyền Trung Quốc gây áp lực rất mạnh. Điều có thể hiểu được là, ông Tổng giám đốc, Tedros Adhanom Ghebreyesus, khó lòng đưa ra được một quyết định mạnh, vào lúc mà chính bản thân ông đang chuẩn bị chuyến công du Trung Quốc.

Chuyến công du diễn ra trong hai ngày 27 và 28/01. Ngày 28/01, từ Bắc Kinh, WHO gửi đi thông cáo: Bắc Kinh đã chấp nhận cho "gửi một phái đoàn chuyên gia quốc tế đến Trung Quốc, ngay khi có thể, làm việc với các đồng nhiệm Trung Quốc, nhằm hiểu biết rõ hơn về bệnh dịch để định hướng các nỗ lực quốc tế trong việc đối phó" với dịch. Một ngày sau đó, WHO ra tuyên bố Tình trạng Y tế Khẩn cấp Thế giới.

Vẫn theo Bác sĩ Paul Benkimoun, hiện tại, với "Điều lệ Y tế Toàn cầu" (International Health Regulations – IHR), định chế quốc tế về y tế thế giới đã có được một công cụ pháp lý mạnh, "có tính bó buộc đối với 196 thành viên Liên Hiệp Quốc", "có mục tiêu giúp cho cộng đồng quốc tế phòng ngừa trước các hiểm họa nghiêm trọng với sức khỏe cộng đồng, các bệnh dịch có nguy cơ vượt ra bên ngoài các biên giới quốc gia, đe dọa toàn thế giới". Bộ Điều lệ này đã được sửa đổi vào năm 2005, trong bối cảnh Trung Quốc che giấu thông tin trong nhiều tháng về bệnh dịch SARS, hoành hành trước hết tại tỉnh Quảng Đông, cuối năm 2002. Bộ Điều lệ sửa đổi mang tính bó buộc hơn trước.

Hố đen thông tin Vũ Hán, WHO làm loa cho Bắc Kinh

Trở lại với tâm dịch Vũ Hán, 3 tuần sau khi Tình trạng Y tế Khẩn cấp Thế giới, được tuyên bố, các chuyên gia quốc tế vẫn chưa đến thành phố này, cũng như tỉnh Hồ Bắc nói chung. Giải thích về việc chuyên gia quốc tế chưa đến Vũ Hán, ông Nicholas Rosellini, đại diện của Liên Hiệp Quốc tại Trung Quốc – có trách nhiệm phối hợp với WHO – cho biết đây "chưa phải là thời điểm thích hợp" để chuyên gia quốc tế đến Vũ Hán, vì một chuyến đi như vậy có thể gây trở ngại cho các hoạt động của ngành y tế Trung Quốc đang tập trung chăm sóc, điều trị bệnh nhân tại thành phố này. Giải thích nói trên được báo chí Trung Quốc đăng tải ngày 18/02.

Như vậy, thông tin về diễn biến dịch bệnh tại Vũ Hán, tại Hồ Bắc, rút cục vẫn là một hồ đen với giới khoa học quốc tế. Cùng lúc đó, WHO gần như làm nhiệm vụ hàng ngày truyền đi các số liệu về người nhiễm, người chết do dịch Covid-19, do chính quyền Trung Quốc cung cấp. Nhiều người đặt câu hỏi: Phải chăng WHO chỉ là một cái loa của Bắc Kinh?

Cho đến nay, các dữ liệu mà chính quyền Trung Quốc cung cấp là quá chung chung. Giáo sư Anne-Marie Moulin cho biết, từ góc độ dịch tễ học, bà "chưa được đọc, được xem các dữ liệu chính xác về dịch bệnh". Rất nhiều số liệu chung được cung cấp, ví dụ như số lượng 4.000 người chết, nhưng rất thiếu các thông tin cụ thể về người bệnh qua đời, vì dịch Covid-19, về tình trạng sức khỏe, tuổi tác, nơi cư trú cụ thể, cũng như phục dựng lại con đường lan truyền của virus. Nhà sử học y tế nhấn mạnh đến một thực tế là, trong nhiều xã hội trước đây, để đối phó với dịch bệnh, phương tiện rõ ràng là thô sơ và ít hơn nhiều, nhưng lại có khá đủ các nguồn dữ liệu cho phép các sử gia phục dựng lại quá trình diễn biến của dịch, dựa trên việc tổng hợp hồi ức của nhiều người, ngược lại, dịch bệnh tại Vũ Hán diễn ra ngay trước mắt chúng ta, nhưng lại có rất ít thông tin chính xác về diễn biến thực sự của dịch bệnh.

Thụ động trước Bắc Kinh ngay từ đầu

Bác sĩ Trần Tuấn, tiến sĩ về y tế cộng đồng, cũng đưa ra nhận xét theo cùng hướng này, nhưng ông đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò thụ động của WHO trong giai đoạn trước khi Trung Quốc thừa nhận dịch (ngày 20/01/2020) và trước khi thành phố Vũ Hán bị phong tỏa (ngày 23/01):

"Có thể nói rằng cho đến hai tuần đầu của tháng 1/2020, WHO đã có đầy đủ thông tin để xác định căn nguyên gây dịch, cũng như cái hướng xét nghiệm làm cơ sở cho việc xác định tỉ lệ mới mắc, tỉ lệ hiện mắc, đặc biệt là liên quan đến quy mô dịch mà xét nghiệm có thể cung cấp được. Ở mảng này, tôi thấy có vấn đề, cả từ phía Trung Quốc là nơi ổ dịch phát sinh, trong đó có vai trò của WHO. Đó là thông tin về dịch tễ học, về nguy cơ, xác suất mắc bệnh, đường truyền của virus, thời gian nhiễm bệnh, thời gian lây truyền, cách thức lây truyền, giai đoạn ủ bệnh… Những thông tin này đã bị chậm. Tôi nhận thấy rằng tình trạng không rõ ràng này tiếp tục được duy trì trong những tuần đầu tháng 1/2020, kể cả cho đến khi thành phố Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc bị cô lập. Cho đến lúc đó, các thông tin về dịch tễ học cơ bản để giúp cho việc lên kế hoạch, chiến lược để kiểm soát dịch là chưa rõ ràng. Dường như WHO phụ thuộc hoàn toàn vào thông tin dịch tễ học của Trung Quốc, trong khi đó, để xây dựng được chiến lược đối phó toàn cầu phải có các thông tin rõ ràng hơn. WHO dường như đã không có động thái thúc đẩy Trung Quốc thực hiện các nghiên cứu dịch tễ học cộng đồng, và điều này đã gây khó khăn cho việc thiết lập một chiến lược có hiệu quả trong việc phòng chống dịch".

2/3 người Trung Quốc nhiễm virus "mất hút"

Dịch Covid-19 đột ngột bùng phát trong những ngày gần đây tại nước Ý, vốn là một trong những quốc gia đầu tiên ban hành Tình trạng Khẩn cấp đối phó dịch (ngày 31/01), ngay sau khi WHO tuyên bố Tình trạng Y tế Khẩn cấp Quốc tế. Giới chuyên gia đặt câu hỏi vì sao ?

Nhà báo, Bác sĩ Paul Benkimoun, trong bài viết "La pandémie de coronavirus paraît inéluctable" (Le Monde, ngày 25/02/2020), nêu ra hai nghiên cứu dịch tễ học mới đây, của hai nhóm khoa học gia Anh và Pháp, công bố ngày 21 và 23/02 (một của Viện Imperial College, Luân Đôn, và một của ê kíp Inserm, Đại học Sorbonne, do bà Vittoria Colizza, Giám đốc nghiên cứu, chuyên gia về dịch tễ học và y tế công, lãnh đạo). Hai điều tra đưa ra cùng một kết luận: ước tính đã có khoảng hai phần ba người Trung Quốc nhiễm virus, xuất ngoại, "mất hút".

Hai nghiên cứu hiếm hoi nói trên chỉ ra "phần chìm của tảng băng", hình ảnh mà nhiều người thường dùng để nói về dịch Covid-19 đáng sợ, khó lường. Bác sĩ Paul Benkimoun nhấn mạnh đây rất có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bệnh dịch được coi là "'bất ngờ" tăng vọt tại nước Ý những ngày gần đây.

Phong tỏa Vũ Hán: Phần trách nhiệm của WHO

Nhiều người đặt câu hỏi: Phải chăng một trong những nguyên nhân chính của việc hai phần ba số người Trung Quốc nhiễm virus xuất ngoại, nhưng "mất hút", là do chính sách che giấu thông tin về diễn biến dịch bệnh của chính quyền Bắc Kinh, ngay cả khi Trung Quốc đã chính thức thừa nhận có dịch? WHO đóng vai trò gì khi để Bắc Kinh độc quyền thông tin về dịch bệnh tại Trung Quốc?

Cũng nhiều câu hỏi được đặt ra về các tác động nhiều mặt của biện pháp phong tỏa hàng chục triệu dân cư tỉnh Hồ Bắc, trên quy mô lớn chưa từng có trong lịch sử nhân loại. WHO đã nhiều lần ca ngợi Bắc Kinh về biện pháp được coi là triệt để này. Hiện vấn đề này còn rất ít được quan tâm. Tuy nhiên, ngay trong hiện tại, nhiều ý kiến phản biện đã vạch ra tác dụng con dao hai lưỡi của biện pháp thời chiến này. Chưa những hậu quả vô cùng lớn đến chính đời sống và tình trạng an ninh y tế của người dân vùng bị phong tỏa (bị nhiều nhà bảo vệ nhân quyền tố cáo là một thảm họa cho người dân), một trong các hệ quả lớn đối với bên ngoài là: nhiều người xuất thân từ vùng dịch, một khi ở ngoài khu vực bị phong tỏa, có xu hướng mai danh ẩn tích, vì sợ bị phát hiện. Dịch bệnh cũng có thể theo đó mà lan truyền ngoài vòng kiểm soát.

Chính quyền Trung Quốc hiển nhiên có trách nhiệm chính trong chuyện này. Nhưng WHO đóng vai trò ra sao? Liệu Tổ chức Y tế Thế giới có làm đúng những gì trong phạm vi quyền hạn được cộng đồng quốc tế giao phó?

T.T.

Nguồn: http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200226-WHO-g%C3%B3p-ph%E1%BA%A7n-%C4%91%E1%BB%83-d%E1%BB%8Bch-covid-19-tr%E1%BA%A7m-tr%E1%BB%8Dng-h%C6%A1n

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn