Chris Patten nói về Cộng sản TQ: “Chế độ dơ bẩn rồi sẽ bị xóa sổ”

Chris Patten

Virus corona tàn phá thế giới, cướp đi sinh mạng, làm cho gia đình ly tán, phá hủy việc làm và doanh nghiệp, xé nát nền kinh tế, và là mối đe dọa tồi tệ hơn với các nước nghèo nhất. Chúng ta biết chắc chắn ba điều.

Đầu tiên, Covid-19 khởi phát từ Vũ Hán. Thứ hai, những dấu hiệu đầu tiên cho thấy việc lây lan virus đã bị che đậy. Thứ ba, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã liên tục dối trá về những vấn đề đó và lợi dụng lúc thế giới đang bận bịu chống lại đại dịch để khoe khoang sức mạnh trên toàn cầu bằng cách bắt nạt, đe dọa và bội tín.

Chúng ta nên rõ ràng một chuyện. Đây không phải lỗi của người dân Trung Quốc. Những bác sĩ và y tá Trung Quốc dũng cảm, cũng như các bác sĩ và y tá của chúng ta, đã mất đi sinh mạng khi chiến đấu với dịch bệnh.

Khi có ai đó tiết lộ những việc đang diễn ra, các quan chức cộng sản sẽ sử dụng lực lượng an ninh để bịt miệng họ lại.

Trong khi các nhân viên y tế bị bịt miệng, đại dịch đã lây lan khắp Vũ Hán vào cuối tháng 1 đầu tháng 2. Hàng triệu người rời khỏi thành phố Vũ Hán và rời khỏi tỉnh Hồ Bắc để nghỉ Tết. Họ di chuyển khắp Trung Quốc và đến khắp nơi trên thế giới. Đây là nguyên nhân cơ bản khiến cho tất cả các quốc gia trên thế giới đều bị đe dọa bởi đại dịch.

Lỗi ở đâu thì phải truy về ở đó. Chế độ độc tài Cộng sản Trung Quốc chính là thủ phạm, không phải công dân Trung Quốc, cũng không phải những người Hoa sống và làm việc tại hải ngoại, bao gồm cả những công dân Vương Quốc Anh đến từ Hồng Kông đang sinh sống tại đây.

Chính sự độc tài của ĐCSTQ, do Tập Cận Bình đứng đầu, mới là đối tượng cần lên án vì đã khiến cho các quốc gia trên thế giới bị đe dọa bởi dịch bệnh.

Đưa những người vô tội ra giơ đầu chịu báng chính là phản bội lại những giá trị của chúng ta, là hành động sai trái không khác gì việc một vài người ở Trung Quốc ngược đãi và phân biệt đối xử những người châu Phi đang học tập và làm việc tại Trung Quốc.

Đài Loan, một cộng đồng người Hoa khác, lại xử lý dịch bệnh một cách hiệu quả. Vì sao? Bởi vì đó là một xã hội cởi mở và dân chủ với một nền báo chí tự do.

Kẻ giết người là Cộng sản – chế độ luôn tồn tại dựa trên bí mật và dối trá – chứ không phải là văn hóa hay con người Trung Quốc.

Chris Patten nói về Cộng sản TQ: "Một ngày nào đó chế độ dơ bẩn và nguy hiểm này sẽ bị xóa xổ"
Ông Chris Patten, Thống đốc cuối cùng của Hồng Kông, tác giả bài viết

Chúng ta sẽ vượt qua bệnh dịch này. Tôi đặc biệt tự hào vì tại Đại học Oxford, nơi tôi đang làm việc trên cương vị Hiệu trưởng, đang cùng các nhà khoa học y tế giỏi giang phát triển một loại vắc-xin.

Những nhà khoa học tiên phong này, cũng như các đồng nghiệp của họ ở khắp nơi trên thế giới – kể cả ở Trung Quốc – đều mong muốn chứng kiến quốc tế chung tay hợp tác chống lại đại dịch. Đại dịch này không có quốc tịch và đe dọa mọi ngóc ngách trên thế giới.

Nhưng hợp tác nên mang ý nghĩa gì trong tương lai? Chúng ta không thể đơn giản là quay lại giao thiệp với Cộng sản Trung Quốc và hợp tác kinh doanh như trước đây.

Thứ nhất, thái độ thù địch của ĐCSTQ đối với sự thật luôn tồn tại một mối nguy hiểm cố hữu.

Covid-19 không phải là ví dụ đầu tiên về những rủi ro nói trên. Năm 2002 đến năm 2004, dịch SARS đã bắt đầu khởi phát với hình thức tương tự như Covid-19 hôm nay, và việc dịch bệnh lây lan cũng là vì ngay từ đầu nó đã bị che đậy. May thay, hậu quả lần đó không tệ như đại dịch lần này.

Thứ hai, bà Theresa May đã đúng khi phát biểu rằng chúng ta phải hợp tác để chống lại đại dịch và ngăn chặn bất cứ điều gì tương tự như vậy trong tương lai. Nhưng làm thế nào chúng ta có thể làm điều đó với Trung Quốc, một đất nước bị cai trị bởi chế độ Cộng sản hoàn toàn không thể tin tưởng?

Rõ ràng, tại Liên Hợp Quốc và các nơi khác, chúng ta nên hợp tác với các quốc gia khác trong việc kêu gọi một cuộc điều tra chuyên môn đầy đủ và cởi mở về nguyên nhân và sự phát tán lúc đầu của virus. Nếu không làm được việc này, thì không chỉ cuộc chiến chống lại đại dịch hôm nay gặp trở ngại mà cả những nỗ lực ngăn chặn đại dịch tương tự trong tương lai cũng vì thế mà gặp khó khăn.

Theo lẽ thường tình, trong một thế giới công minh, tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nên là tổ chức đứng ra làm việc này. Tuy nhiên, không chỉ từ phía tổng thống Trump, đã có những lo ngại về việc tổ chức này bị Bắc Kinh mua chuộc.

Nếu có ai nghi ngờ về điều đó, hãy nhìn vào cách mà WHO bắt tay với chính quyền Cộng Sản Trung Quốc để loại bỏ vai trò thành viên của Đài Loan, một quốc gia với 24 triệu dân, ra khỏi tổ chức này.

Cuối tháng 12 năm ngoái, Đài Loan đã cảnh báo với WHO về khả năng lây truyền virus từ người sang người. WHO đã phớt lờ cảnh báo đó trong 3 tuần lễ liền, thay vào đó lặp lại lời của Trung Quốc, phủ nhận việc bệnh dịch lây lan. Đài Loan mặc dù ở ngay cạnh Trung Quốc nhưng chỉ có 380 ca nhiễm và 5 ca tử vong.

Chúng ta chắc chắn không thể để cho Trung Quốc tiếp tục ngăn không cho Đài Loan, một đất nước tự do và nói lên tiếng nói chân thật, gia nhập WHO.

Quá trình điều tra vụ việc đã dấy lên một vấn đề khác mà chúng ta nên phải để mắt đến. Vào ngày 30/1/2020, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Vương Nghị, đã bảo đảm với người đồng cấp của nước Úc, bà Marise Payne, rằng “dịch bệnh về cơ bản là có thể phòng ngừa, kiểm soát và cứu chữa được.”

Một hai tuần sau, Đại sứ quán Trung Quốc tại Canberra đã công kích rằng lệnh hạn chế du lịch từ Trung Quốc của Úc là một phản ứng thái quá.

Tuy nhiên, từ cuối tháng 1, Trung Quốc đã mua và nhập một lượng lớn vật tư y tế từ Úc. Họ đã biết điều gì mà không nói với chúng ta?

Không có gì ngạc nhiên khi gần đây ông Scott Morrison, thủ tướng Úc, đã kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về đại dịch. Và Đại sứ Trung Quốc tại Canberra đã đe dọa lời kêu gọi này theo phong cách ngoại giao mới “ngoại giao chiến binh sói” của chính quyền Trung Quốc, rằng trừ khi Úc từ bỏ ý định này, bằng không người Trung Quốc sẽ ngừng mua hàng hóa của Úc.

Đây là chiến thuật bắt nạt thường thấy của Trung Quốc. Thế giới phải lên án nó. Các quốc gia là bạn của nước Úc hãy lên tiếng đồng thuận với lời kêu gọi của Thủ tướng Úc, càng nhiều càng tốt. Về thương mại và kinh tế, chúng ta phải cùng nhau đối phó với Trung Quốc. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc phụ thuộc phần lớn vào khoáng sản của Úc.

Đối với nước Anh của chúng tôi, Trung Quốc có thặng dư thương mại lớn. Chúng tôi nhập khẩu 45 tỷ bảng từ Trung Quốc. Chúng tôi xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng một nửa con số đó. Trung Quốc chiếm 3,5% hàng xuất khẩu của Anh và 6,6% hàng nhập khẩu của chúng tôi.

Vậy đâu là “thời hoàng kim” của thương mại với Trung Quốc? Theo lời cựu lãnh đạo Hội đồng thành phố Sheffield thì, hầu hết các khoản đầu tư Trung Quốc hứa hẹn đổ vào Nhà máy điện miền Bắc Vương quốc Anh đã tan biến như “kẹo bông gòn”.

Trung Quốc không tuân thủ luật lệ về thương mại, đầu tư và bảo vệ sở hữu trí tuệ như chúng ta. Tổng thống Trump đã đúng khi nói về cách Trung Quốc bẻ cong và vặn vẹo các quy tắc theo hướng có lợi. Nhưng một tổng thống Hoa Kỳ thức thời hơn sẽ hợp tác với những người khác – chứ không phải đứng một mình – để thiết lập lại một sân chơi bình đẳng.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ghét dân chủ và tất cả những gì mà chúng ta đại diện. Không lâu sau khi trở thành nhà độc tài Trung Quốc, ông đã đưa ra những chỉ thị mới cho chính phủ và các quan chức trong đảng Cộng sản để cảnh báo về những thách thức đối với Chủ nghĩa Cộng sản từ các giá trị tự do và luật pháp của phương Tây. Ông kêu gọi công kích vào các ý tưởng Tây phương về báo chí, về quyền tự do hiểu biết lịch sử, về xã hội dân sự và dân chủ.

Vì vậy, không có gì lạ khi Tập Cận Bình sử dụng vỏ bọc Covid-19 để siết chặt xã hội tự do của Hồng Kông, bắt giữ các nhà lãnh đạo dân chủ và phá vỡ thỏa thuận mà Trung Quốc đưa ra trong một hiệp ước tại Liên Hợp Quốc, rằng Hồng Kông sẽ được hưởng một mức độ tự chủ cao và các quyền tự do truyền thống của nó cho đến năm 2047.

Việc Trung Quốc vi phạm hiệp ước này là một lý do khác khiến chúng ta phải quan ngại. Nước Anh có đạo đức và nghĩa vụ pháp lý để bàn luận vấn đề này một cách mạnh mẽ trên trường quốc tế. Chúng ta nên khuyến khích bạn bè quốc tế và những người khác làm điều tương tự.

Trong lúc này, Trung Quốc đang tiếp tục gây ảnh hưởng nặng nề lên các vùng biển lân cận, xây dựng các căn cứ quân sự ở đó và coi thường phán quyết của Tòa án Hague về biên giới hàng hải hợp pháp.

Chúng ta không nên cô lập Trung Quốc. Nhưng làm thế nào chúng ta có thể tin tưởng chế độ độc tài Cộng sản đang cai trị Trung Quốc? Làm thế nào chúng ta có thể đối phó trong các vấn đề thương mại, môi trường, an ninh và sức khỏe – chẳng hạn khi một ngày nào đó chúng ta có thể phải đối mặt với một dịch bệnh khác do việc kháng kháng sinh?

Trung Quốc sản xuất khoảng 95% kháng sinh trên thế giới và có mức sử dụng bình quân đầu người cao gấp đôi so với bất kỳ nơi nào khác.

Chắc chắn thế giới phải chung tay. Nhưng chúng ta không thể cho phép Cộng sản Trung Quốc phá vỡ hay làm méo mó các quy tắc hòng đạt được mục đích của họ.

Một ngày nào đó chế độ dơ bẩn và nguy hiểm này sẽ bị xóa xổ. Cho đến lúc đó, tất cả những người bạn của sự tự do và trung thực sẽ phải cảnh giác.

Chris Patten, DailyMail
Minh Nhật biên dịch

Ngài Chris Patten là Thống đốc cuối cùng của Hồng Kông trước khi được trao trả cho ĐCSTQ. Ông là một chính trị gia Anh quốc nổi bật, từng gia nhập nội các và giữ chức Bộ trưởng, từng là chủ tịch đảng Bảo thủ Anh. Hiện ông là hiệu trưởng danh dự của Đại học Oxford.

Nguồn: trithucvn.net

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn