Mấy thu hoạch từ “Đối thoại” của Trần Khuê

Mạc Văn Trang

D:\Downloads\BVN\3-4\2_fix.jpg
Ảnh bìa sách “Đối thoại” của ông Trần Khuê

Mới quen biết Trần Khuê qua mạng rồi được anh gửi cho tập “ĐỐI THOẠI”, gồm “Đối thoại 2000” và “Đối thoại 2001”, hơn 400 trang khổ A4, chưa kể Phụ lục. Chà, thế này mà bảo: Đọc xong cho nhận xét! Mệt nhỉ! Mà những chuyện từ 20 năm trước, “Diễm xưa” rồi chăng?

Thôi “cũ người mới ta”, cứ thử đọc xem cái nhà ông “Công dân kiêm Chủ nhân đất nước” này viết gì? Ồ! Hấp dẫn hơn cả truyện Kiếm hiệp của Kim Dung hay truyện Đông Ki Sốt (Đôn Kihôtê)! Đọc một mạch, ba buổi là hết. Đọc xong thấy rõ ba điều:

- Một là, những điều Trần Khuê (TK) bàn luận từ 20 năm trước, nay vẫn CÒN MỚI NGUYÊN. Hơn nữa, nhiều chuyện còn phát triển theo “mục tiêu phía sau lưng” như TK nói, nghĩa là tụt lùi hơn, tệ hại hơn 20 năm trước!

- Hai là, quyền và trách nhiệm của mỗi CÔNG DÂN là phải nói lên những điều mất dân chủ, nhân quyền và YÊU CẦU DÂN CHỦ HÓA xã hội. Nhất là người TRÍ THỨC phải nhận rõ sứ mệnh của mình đối với sự phát triển của Đất nước, của Dân tộc…

- Ba là, BẢN CHẤT CỦA TRÍ THỨC, một nhà khoa học, nhà văn hóa là gì? Dưới đây xin giới hạn nói đôi điều về điểm thứ ba này.

Trần Khuê cùng với Nguyễn Thị Thanh Xuân hai Nhà nghiên cứu Văn hóa tại Trung tâm nghiên cứu Hán Nôm, Viện Khoa học xã hội tại TP Hồ Chí Minh từ năm 1991 đến năm 2000 đã có nhiều tiểu luận, bài viết PHẢN BIỆN in thành tập “Đối Thoại”, chưa kể đã xuất bản nhiều công trình nghiên cứu văn hóa.

Hai Nhà nghiên cứu này chẳng có học hàm, học vị nào cả. Nhưng trong “Đối Thoại”, ít nhất người đọc cũng phải chú ý đến mấy khía cạnh dưới đây.

1. NGHIÊN CỨU THÌ PHẢI PHÁT HIỆN, TRANH LUẬN, PHÊ PHÁN.

Mở đầu tập “Đối Thoại” là hai bài “Phê bình Hội thảo Gia Long” và “Phê bình Hội thảo Việt - Nhật” do Viện KHXH tại TP.HCM tổ chức, chính nơi TK làm việc. Vậy mà TK phê phán thẳng thừng, mạnh mẽ hầu hết các “cây đa”, “cây đề” báo cáo trong Hội thảo: GS Trần Quốc Vượng, GS Vũ Ngọc Khánh, Nguyễn Đình Đầu… đã bào chữa cho Gia Long trong việc “Cõng rắn”, “Rước voi”… bất chấp sự thật lịch sử; rồi Quang Trung mới chính là người “thống nhất đất nước”, vậy mà Trần Quốc Vượng gán cho Gia Long…; Trần Quốc Vượng lại nói “Gia Long đã vận dụng cơ chế thị trường”…. mà không thấy, trước đó các chúa Nguyễn và các vua Mạc đã mở rộng giao thương với các nước rồi…(trang 22, Đối Thoại)

Đến “Hội thảo Việt-Nhật” TK còn phê phán mạnh hơn việc “định hướng” làm giảm nhẹ tội ác xâm lược của Nhật ở Đông Dương để “gây dựng tình hữu nghị”… Mà “Kẻ đáng trách là GS Mạc Đường (Viện trưởng Viện KHXH tại TPHCM) - người định hướng, và TS Đinh Văn Liên - người Chủ biên Kỷ yếu hội thảo khoa học này”. (tr. 33).

Kết luận về hai Hội thảo trên, TK cho rằng “đã xuyên tạc lịch sử”, do “chỉ đạo phi khoa học” và viết một Bản Kiến nghị gửi đến các cơ quan hữu trách cần quán triệt tính KHOA HỌC của việc nghiên cứu, hội thảo:

- Không vì “đổi mới” rồi phủ nhận những sự thật lịch sử đã được khẳng định;

- Nghiên cứu, chứng minh điều MỚI thì phải có luận điểm, luận cứ, luận chứng khoa học đủ sức thuyết phục chứ không bằng suy diễn, đánh tráo khái niệm…

- “Không thể nghiên cứu và chỉ đạo nghiên cứu một cách phi khoa học” (tr.41).

Từ đó, hầu hết các bài viết của TK đều sôi nổi tinh thần tranh luận, phê phán khác hẳn phong cách nghiên cứu của giới “Trí thức XHCN” là trích dẫn kinh điển Mac - Lê để sản xuất các “Nghị quyết” rồi lại trích các nghị quyết để “minh họa khoa học” sao cho “phải đạo”, cho “đúng định hướng”… TK cho rằng trước đây có những “hủ Nho” nay lại có nhiều “hủ Marx”; các nghiên cứu thì không có phát hiện mới và thiếu hẳn tinh thần tranh luận, phê phán; Các hội thảo thường chỉ có “Hội” mà không có “Thảo”, mà hội thảo nào cũng rất tốn kém và đều “thành công tốt đẹp”, chỉ ít đem lại điều gì mới, hữu ích.

2. PHẢN BIỆN PHẢI NÓI THẲNG, NÓI THẬT, NÓI HẾT

Quả thật tôi chưa thấy nhà nghiên cứu nào “thời XHCN” dám nói thẳng, nói thật, nhất quán về mọi vấn đề, mọi lúc, mọi nơi, với mọi người như Trần Khuê.

Ngay đầu sách, đã in đậm mấy câu châm ngôn mà TK quán triệt:

Ưu du thả phục ngôn dư hiếu
Phủ ngưỡng tùy nhân tạ bất năng (Nguyễn Trãi)
(Ung dung cứ nói điều ta thích
Cúi ngẩng theo người quyết chẳng ưng (Trần khuê dịch)

“Biết mà không nói là bất nhân, nói mà không nói hết là bất nghĩa” (Nguyễn Trường Tộ).

TK phê ông Trường Chinh… đập bàn, chỉ vào mặt ông Kim Ngọc mà rằng: “Các anh lại đòi khôn hơn Trung ương à? Các anh định quay lại chủ nghĩa tư bản hay sao mà đòi khoán”? Rồi Trường Chinh còn viết hẳn một quyển sách lên án Kim Ngọc” (tr. 61). Sau đó TK lại khen ông Trường Chính dám “Đổi mới hay là chết”!

Như vậy là Trường Chinh đã “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, phản lại chính mình, đảng mình trước đó, nhưng nếu không ”khoán” nhanh, không “đổi mới” nhanh thì đã nguy rồi, “chết” thật rồi!

Trong khi mấy cái “Hội đồng”, mấy “Ban”, “Viện”… hội thảo liên miên về “Nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô”, cứ rối như canh hẹ, thì TK nói toẹt ra: “Theo chúng tôi, sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu là do: 1/ Chống lại quy luật; 2/ Chống lại trí tuệ; 3/ Bệnh kiêu ngạo cộng sản” (Tr. 70)

TK phê ông Đỗ Mười dám sửa Di chúc Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh viết: “Ra sức xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”; Đỗ Mười viết: “… ra sức phấn đấu vì mục tiêu độc lập dân tộc, dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng văn minh, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta” (tr.63). Đỗ Mười đã “bóp méo” Tư tưởng Hồ Chí Minh, nhất là vứt béng đi từ DÂN CHỦ!

TK viết: Ở ta có cái nguy là hai tư tưởng đúng - sai cứ cùng tồn tại, chả ai phê phán đúng - sai, nên dần CÁI ĐÚNG THẬT thì bỏ quên, CÁI SAI thì dần thành CÁI ĐÚNG GIẢ mà tưởng là “Cái ĐÚNG THẬT”!

TK hoan nghênh Bộ Chính trị đã đánh giá đúng “sự kiện Thái Bình” là do mất Dân chủ, dân bức xúc nổi dậy… Nguyên nhân là do… nhưng lảng tránh cái “cơ chế” tạo ra nguyên nhân. TK đặt câu hỏi: 1/Vì sao cán bộ quan liêu”; 2/ Vì sao không nắm được thực chất tình hình?; 3/ Vì sao chọn, bố trí cán bộ chủ chốt chưa đúng? Rồi TK mổ xẻ vào các “tử huyệt” của thể chế đẻ ra các nguyên nhân ấy…

TK lên án “Việc Bộ Chính trị Lê Khả Phiêu ký hai hiệp ước biên giới bất bình đẳng đã làm thiệt hại của dân tộc Việt Nam và làm mất thể diện của Đảng CS Việt Nam”… Đặc biệt TK “phang” cho Trần Bach Đằng một đòn chí mạng, khi ông này tuyên truyền theo kiểu DLV, rằng: Ải Nam quan là của Tàu, “nếu ải Nam quan của Việt Nam thì nó phải mang tên là “ải Bắc quan” chứ”(?)… (tr.402).

TK đã viết: “Về điểm này đúng là ông Trần Bạch Đằng và BCT Lê Khả Phiêu đều thuộc dạng “những người thích đùa”. Vâng, sự thật chứng minh rằng các vị đang đùa cợt trên vận mệnh quốc gia” (Tr. 405).

TK nêu ra đầy đủ các lý lẽ và kiến nghị “bỏ Điều 4 trong Hiến pháp” đi! “Thiêu di hài Chủ tịch Hồ Chí Minh” đi! (Tr. 348).

TK cũng “chọc” cả “GS anh hùng Vũ Khiêu” trong bài “Chúc văn Cáo Tổ” viết đúng 100 câu, thế mà để “nó” kiểm duyệt cắt đi 2 câu nói về “Chiến thắng Điện Biên Phủ”… liên quan đến Võ Nguyên Giáp. Thế mà GS Vũ Khiêu cũng cam phận phục tùng thì còn “anh hùng” cái nỗi gì! (Tr. 395)

Không chỉ chuyện lớn, ngay cả chuyện “nhỏ” trong khoa học, cũng quyết không bỏ qua, TK vạch rõ: …“báo cáo khoa học của PTS Đinh Văn Liên chỉ ngót hai chục trang mà có tới 36 lỗi thuộc đủ các lĩnh vực sử học, địa lý, kinh tế, logic, ngữ pháp v.v…” (tr.33).

Tất nhiên nói thẳng, nói thật, nói hết, không phải nói văng mạng mà phải có cơ sở thực tiễn, khoa học; lập luận phải chặt chẽ, dẫn chứng phải cụ thể…, nghĩa là không chỉ nội dung mà còn có phương pháp khoa học.

Nhưng hình như chẳng “đối thủ” nào công khai tranh luận lại với TK cả! Ông Hữu Thọ thì bảo TK “Phê phán nhiều người quá, họ không nói lại được, không cẩn thận họ kiện cho”. (Tr. 310)

3. TRANH LUẬN PHẢI DÂN CHỦ, BÌNH ĐẲNG

TK viết: “nghĩa gốc của từ Dân chủ ở tiếng Hy Lạp là demokratos; “demo” là nhân dân, “kratot” là sức mạnh, thế lực. Dân chủ là Sức mạnh, thế lực của Nhân dân” (tr.125).

Trong “Đối Thoại” chủ đề DÂN CHỦ bao trùm lên tất cả mọi lĩnh vực. Trong đó, đối với Nhà nghiên cứu thì tranh luận, phê bình đòi hỏi phải hết sức bình đẳng, dân chủ. Và TK đã theo đúng tinh thần đó.

TK nêu vấn đề: Nếu Hồ Chí Minh không đặt tên nước là “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” và Hiến pháp năm 1946 không xác định “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam”, rồi “Tự do ngôn luận” và bao nhiêu quyền tự do được ghi trong Hiến PHáp, thì liệu có mấy ai theo… Vậy mà tư tưởng về DÂN CHỦ của Hồ Chí Minh cứ bị cắt xén, bóp nghẹt dần…

Nước “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” thì đem đổi thành “Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa VN”, mất luôn chứ “DÂN CHỦ”; “Quân đội ta TRUNG VỚI NƯỚC, HIẾU VỚI DÂN…” thì đổi thành “Quân đội ta TRUNG VỚI ĐẢNG…”, đặt Đảng trên Nước, trên Dân…

TK phê bình Viện KHXH tại TP Hồ Chí Minh, các GS trong hai cuộc hội thảo; phê bình ông Trường Chinh, Đỗ Mười, Bộ Chính trị Lê Khả Phiêu … như đã nêu trên với tinh thần thẳng thắn, trung thực và mong được đối thoại một cách dân chủ, bình đẳng.

Tài liệu “Đối thoại năm 2000” của TK đã được TBT Lê Khả Phiêu xem và chỉ đạo tổ chức hai cuộc “đối thoại” Trần Khuê và Nguyễn Thị Thanh Xuân với Ban Tư tưởng Văn hóa TƯ (2 buổi) và Hội đồng Lý luận TƯ (1 buổi)… Trong những cuộc đối thoại này TK đã tranh luận rất thẳng thắn, không nhân nhượng với các ý kiến của GS Viện sĩ Phạm Minh Hạc, GS Đặng Xuân Kỳ, Dương Phú Hiệp, ông Hữu Thọ…

Bàn về “mô hình CNXH” TK nêu quan điểm của GS Nguyễn Duy Quý, Giám đốc Trung tâm KHXHVN là “Chúng ta không thể tán thành luận điểm “CNXH dân tộc”. Rồi TK hỏi: “Này xin hỏi ông Quý, ông theo CNXH quốc tế nào đấy? Ông thử chỉ cho chúng tôi xem mặt mũi hình dạng nó như thế nào?” (Tr. 330). Còn ông GS Lê Hữu Tầng Phó Chủ tịch Trung tâm KHXHVN lại “chỉ chép sách, tư biện”, chả hiểu thực tiễn xây dựng CNXH ra sao!

Đúng là TK không chờ ai ban phát cho mà đã tự giành lấy cho mình cái quyền chính đáng và thực hiện đúng quyền dân chủ, bình đẳng trong tranh luận khoa học.

4. DÁM TRANH LUẬN, ĐỪNG SỢ CHẾT

TK viết: “Trong đời quả thật có những con người nếu không nói được sự thật, không bảo vệ được chân lý thì sống không thể thanh thản và chết không thể yên lòng nhắm mắt” (Tr. 275)

TK nhận xét, các sai lầm của Đảng trong quá khứ đều do thực tiễn bộc lộ ra, nhân dân phản ứng mà Đảng nhận thức, phải sửa sai, đổi mới, chứ ít thấy một nhà khoa học hay cơ quan nghiên cứu nào phát hiện, đề xuất ra… Nhiều người bảo “biết cả nhưng nói sao được”…

Và TK viết: “Thế là hèn nhát, vô trách nhiệm, không đáng làm lý luận, nên tìm công việc khác thích hợp với bản chất của mình nếu còn lòng tự trọng” (Tr. 310).

Báo Việt Tide PV TK (2002), hỏi, trả lời PV ông có ngại gì không? TK nói: “Trong tác phẩm “Đối thoại 2000” tôi đã nói rõ nếu những lời góp ý của tôi với giới lãnh đạo đảng và nhà nước mà gây ra chuyện gì cho tôi, thì tôi cũng sẵn sàng quyết tử để đi đến cùng trên mặt trận đấu tranh văn hóa. Thế nên tôi không e ngại gì hết. Cái nặng nhất là có thể bị thủ tiêu, bị giết, điều đó tôi đã không sợ thì còn sợ cái gì nữa”! (Tr. 391).

Cả Trần Khuê và Nguyễn Thị Thanh Xuân từ 1999 đã viết “GIẤY HIẾN XÁC” cho ĐH Y TP Hồ Chí Minh để sinh viên thực tập giải phẫu, sau đó hỏa thiêu, đem tro cốt rắc ra sông, ra biển. Họ đã chuẩn bị cho cái chết một cách có ý nghĩa và tiết kiệm, không tốn 1m2 đất nào của Dân.

Một con người đã tính đến chuyện như vậy nên họ đã nói là nói thẳng, nói thật, nói hết mà chẳng e ngại gì, thật là đáng tin cậy.

THAY LỜI KẾT

Dù sao thì TBT Lê Khả Phiêu còn xem “Đối thoại năm 2000” của Trần Khuê và chỉ đạo Ban Tư tưởng Văn hóa TƯ, Hội đồng lý luận TƯ mời TK đối thoại, chứ ngày nay, bao nhiêu Kiến nghị gửi đi như vào cái thùng không đáy và anh Võ Văn Thưởng hứa “đối thoại” rồi lờ tịt… Thế là DÂN CHỦ tụt lùi hơn xưa nhé!

TK may mắn nữa là, ngày đó mới có Dư luận viên cấp cao cỡ Trần Bạch Đằng mỉa mai TK, chứ ngày nay có lực lượng DLV hạ đẳng “đông như quân Nguyên” thì TK sẽ bị vấy bẩn đến đâu… Hơn nữa, nay còn có lực lượng CA thừa thãi, dăm anh đến canh cửa không cho TK đi đây đi đó như hồi ấy đâu…

TK cứ viết “phản biện” lý luận thì chỉ bị lên án “suông” là “phản động”, “thế lực thù địch kích động” thôi…

Nhưng khi TK lý luận: Có tham nhũng thì tất có đấu tranh chống tham nhũng; mà lực lượng tham nhũng chỉ là số ít, lực lượng chống tham nhũng là đông đảo nhân dân thì sợ gì? Và lập ra “Hội Nhân dân Việt Nam chống tham nhũng” thì lập tức TK bị “hành xử” luôn. Nhà cầm quyền chả coi cái lý luận, phản biện, pháp luật… là gì hết! Từ 2001, TK đã bị tịch thu sách đem hủy; bị “quản chế hành chính”, 2 năm, bị quấy nhiễu đủ trò.

Mọi thứ sẽ qua đi, điều quan trọng là “Đối Thoại” của TK đã dựng tấm bia cắm mốc một chặng đường đấu tranh cho Dân chủ đầy phức tạp, khó khăn ra sao dưới chính thể này. “Đối Thoại” còn là nguồn động lực thúc đẩy những người tiếp bước dấn thân trên con đường đấu tranh cho Dân chủ vẫn đang ở phía trước.

M.V.T.

Nguồn: https://baotiengdan.com/2020/05/02/may-thu-hoach-tu-doi-thoai-cua-tran-khue/

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn