Nhân ngày “Quốc tế lao động”, lại nói quyền tự do công đoàn

Mai Lan

Dường như thời gian dịch bệnh corona kéo dài đang khiến người ta lãng quên luôn cho đòi hỏi của quyền tự do công đoàn mà Việt Nam đã cam kết trong những thỏa thuận FTA - Free Trade Agreement, Hiệp định Thương mại Tự do.

VNTB – Nhân ngày “Quốc tế lao động”, lại nói quyền tự do công đoàn

Ở Sài Gòn trước tháng Tư 1975, chỉ riêng làng báo có ít nhất 4 tổ chức hội đoàn dân sự để bảo vệ quyền lợi của các ký giả: Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt, Hội ái hữu ký giả Việt Nam, Nghiệp đoàn ký giả Việt Nam, Biệt đoàn ký giả nhân dân tự vệ. Dĩ nhiên là trong cả 4 hội đoàn này, có rất nhiều thành viên từ tổ chức Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Nghĩa là có yếu tố chính trị.

Dù chưa được quen thuộc nhiều với các định chế kinh tế và tài chính quốc tế, hay các nền kinh tế tư bản lớn, thể chế chính trị Việt Nam Cộng hòa đã biết sớm theo các quy luật của nền kinh tế thị trường và nhất là nhấn mạnh vai trò khu vực tư nhân.

Lẽ đó nên cũng không lạ khi hầu hết báo chí ở miền Nam thời đó là nằm trong tay những ông, bà chủ tư nhân. Nhiều tờ báo công khai chỉ trích chính phủ từ đệ nhất đến đệ nhị cộng hòa. Nhiều hội đoàn dân sự mà nay gọi là các công đoàn độc lập, vẫn được hoạt động hợp pháp mà không gặp bất kỳ cản trở gì từ chính phủ, kể cả khi những hội đoàn này công khai mở ra những cuộc biểu tình phản đối chính sách nào đó của nhà cầm quyền, thậm chí cả yêu cầu tổng thống phải từ chức.

Diện mạo làng báo Sài Gòn với tất cả quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do biểu tình, tự do thể hiện quyền lựa chọn chính trị được thể hiện rõ trong tập “Hồi ký không tên” do Nhà xuất bản Trẻ phát hành cuối tháng 12-2004, Công ty văn hóa Phương Nam tái bản nhân dịp giỗ lần thứ 7 của nhà báo Lý Quý Chung - tức nhà báo chuyên viết thể thao bút danh Chánh Trinh (1940 - 2005). Ông cũng là một dân biểu và nghị sĩ đối lập dưới thời chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Ông từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Thông tin trong chính phủ tồn tại 2 ngày của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa cuối cùng Dương Văn Minh.

Tập hồi ký kể trên có lời giới thiệu của ông Trần Bạch Đằng (1926 - 2007), một người được gọi là ‘lão thành cách mạng’.

Theo mô tả trong “Hồi ký không tên” về sự kiện “ký giả ăn mày”, thì danh xưng ban đầu là “Ngày báo chí xuống đường đi ăn mày”, nhằm tập hợp, tranh thủ giới chủ báo và tất cả những người làm việc trong bộ máy làm báo, từ ký giả, nhà văn chuyên viết tiểu thuyết trên báo, họa sĩ, nhiếp ảnh viên, những người làm công tác trị sự, phát hành báo, thầy cò… gọi chung là “công nhân liên thuộc”.

Diễn biến sau đó thì báo chí cách mạng về sau này đã thuật rõ, cho thấy đúng là có bàn tay đạo diễn của những người mà ngay sau tháng Tư 1975, người ta nhận ra với sự thảng thốt: “Toàn dân Việt cộng nằm vùng!”. Đơn cử như tổ chức “Nghiệp đoàn ký giả Việt Nam” có các thành viên như bà Nguyễn Thị Tú, bà Phạm Thị Lạng, nữ sĩ Ái Lan… đều là “các chị em hoạt động công khai hợp pháp còn được cử vào ban chấp hành” (theo tư liệu lịch sử Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM).

Sở dĩ phải dông dài chuyện cũ rích ở trên, vì chính quyền Hà Nội sau khi ‘tiếp quản’ Sài Gòn, đã nhận ra nếu tiếp tục duy trì các hội đoàn dân sự kiểu này như thời Việt Nam Cộng hòa, khác nào nguy cơ của ‘nuôi ong tay áo’, nên khi lá cờ nửa xanh, nửa đỏ bị hạ xuống, với việc cáo chung của Đảng Lao động Việt Nam vào trung tuần tháng 12 năm 1976, khi Hà Nội đã cơ bản ổn định nội tình, thì các hội đoàn dân sự giờ bắt buộc chịu sự ‘quản thúc’ về quyền dân sự, bao gồm quyền tự do bày tỏ chính kiến. Hội Trí thức yêu nước có trụ sở ở 43 Nguyễn Thông, Sài Gòn là một ví dụ; và sự kiện “Nguyễn Hộ” là minh chứng khác cũng tại Sài Gòn, ở tổ chức gọi là “Công đoàn Thành”.

Giờ đã bước sang tháng 5 của năm 2020. Có thể thấy những gì được kiến tạo nên xã hội miền Nam vẫn để lại nền móng, và tiếp tục phát huy giá trị dài hơi, lâu bền hơn thể chế chính trị đã sụp đổ. Các tổ chức hội đoàn dưới thời Việt Nam Cộng hòa được tự do thành lập, và hoạt động với quy chế tự trị về cả hành chính và tài chánh. Ví dụ như Tổng liên đoàn Lao công hay các tổ chức chính trị, xã hội và hiệp hội như đã từng xuống đường gọi là “Ngày báo chí xuống đường đi ăn mày” kể trên chẳng hạn.

Có lẽ Quốc hội Việt Nam sắp tới đây cần ban hành các thủ tục chi tiết cho quyền luật lập hội và quyền biểu tình đã được Hiến định. Người dân phải được quyền lập các tòa soạn báo chí, như đã quy định trong “quyền tự do ngôn luận” ở Điều 25 Hiến pháp 2013.

Quyền tự do công đoàn cũng là quyền lực mặc định mà người dân Việt Nam thụ hưởng, tương tự như các quốc gia khác trong Tổ chức Lao động Thế giới, ILO.

Nhiều người lãnh đạo cũ của Việt Nam Cộng hòa ở tuổi 35-50 lúc ra đi năm 1975 đều đã nằm xuống. Nhóm lãnh đạo 60-80 tuổi của Việt Nam cộng sản bây giờ cũng phải ra đi vì quy luật thời gian trong 5-10 năm nữa.

Có lẽ lịch sử chính trị của Việt Nam đang dần lật sang trang mới từ sự kiện đại dịch corona; trong đó nguyên tắc về quyền tự do công đoàn đã được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn.

M.L.

VNTB gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn