Dưới thời Biden: Cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung sẽ gay gắt?

28/01/2021

Ngọc Lễ

Hai ông Biden-Tập sẽ đối đầu hay đấu dịu?

Hai ông Biden-Tập sẽ đối đầu hay đấu dịu?

Mặc dù niềm tin của các đồng minh châu Á vào Mỹ đã phần nào khôi phục dưới chính quyền Joe Biden nhưng Mỹ vẫn phải làm rất nhiều để lấy lại vai trò lãnh đạo trong bối cảnh cán cân quyền lực ngày càng nghiêng về Trung Quốc, các chuyên gia Mỹ nhận định tại một hội thảo mới đây.

Với chủ đề ‘Dự báo Châu Á 2021’, hội thảo diễn ra trực tuyến hôm 26/1 này là sự kiện thường niên của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở thủ đô Washington, Mỹ, để các chuyên gia đưa ra cái nhìn dự báo về tình hình an ninh và chiến lược ở Châu Á trong cả năm.

Hội thảo năm nay diễn ra trong lúc nước Mỹ vừa có chính quyền mới. Tân chính quyền Joe Biden được kỳ vọng sẽ đoạn tuyệt với chính sách ‘Nước Mỹ trên hết’ của cựu Tổng thống Donald Trump vốn được cho là dẫn đến vai trò ngày càng suy yếu của Mỹ trong khu vực.

Mỹ xuống Trung lên?

So với bốn năm trước thì năm nay tình hình địa chính trị khu vực châu Á đã thay đổi nhiều, các chuyên gia của CSIS nhận định.

Về phía Trung Quốc, nước này đang trong giai đoạn bản lề của những sự kiện quan trọng như kỷ niệm tròn 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 7 năm nay và Đại hội Đảng lần thứ 20 vào cuối năm sau mà rất có thể ông Tập Cận Bình sẽ làm Tổng bí thư tiếp một nhiệm kỳ thứ ba, ông Jude Blanchette, người đứng đầu chương trình nghiên cứu Trung Quốc của CSIS cho biết.

“Năm nay thực sự là năm khởi động để ông Tập Cận Bình hướng tới tái cử tại đại hội năm tới,” ông Blanchette nói. “Ông ấy sẽ có chặng đường 18-20 tháng để đảm bảo mọi việc diễn ra suôn sẻ.”

Theo lời ông Blanchette thì một trong những ưu tiên của ông Tập là ‘đảm bảo hình ảnh của ông không bị hoen ố’. Do đó, ông Tập ‘sẽ cực kỳ nhạy cảm đối với các sự kiện bên ngoài, nhất là sẽ hết sức nhạy cảm trước việc chính quyền ông Biden sẽ đương đầu và đối phó với Bắc Kinh như thế nào’.

Về phía Mỹ, học giả này cho rằng vai trò lãnh đạo khu vực của Washington ‘không còn được mặc nhiên thừa nhận nữa (not inherently given anymore)’ mà nước này phải nỗ lực để giành lại thế lãnh đạo (has to be re-earned).

“Bước đầu tiên của chúng ta là tăng cường sự hiện diện. Bước thứ hai là giành lại thế lãnh đạo,” ông nói và cho rằng Mỹ nên đối mặt với thực tế là cán cân quyền lực ‘đã thay đổi’ với sự trỗi dậy của các nước khác.

Năm vừa qua với thành tích chống dịch Covid-19 tệ hại của Mỹ và mới đây là vụ bạo loạn tấn công vào Điện Capitol khi Quốc hội phê chuẩn kết quả bầu cử Tổng thống càng củng cố sự tin tưởng ở Bắc Kinh rằng Mỹ ‘đang thoái trào’, cũng theo nhận định của chuyên gia này.

“Năm vừa qua là bằng chứng để Trung Quốc cho rằng hệ thống chính trị của họ ưu việt hơn của Mỹ không chỉ về mặt biểu tượng mà còn về thực chất, và họ đang trải qua hai thập niên phất lên trong khi nước Mỹ đang trong quá trình suy thoái chậm rãi kéo dài khỏi vị thế bá chủ còn Trung Quốc đang tiến vào trung tâm thế giới,” ông phân tích.

Do đó, ông Blanchette cho rằng thế giới sẽ chứng kiến ‘một kiểu hành vi nhất quán mới của Trung Quốc’ và sức mạnh của Bắc Kinh ‘sẽ khiến họ phạm những sai lầm ngớ ngẩn’, chẳng hạn như việc trừng phạt 20 quan chức mãn nhiệm của chính quyền Donald Trump ‘không giúp ích được gì cho Trung Quốc mà chỉ chọc giận chính quyền Joe Biden’.

‘Cần đồng minh’

Trong bối cảnh này, nước Mỹ cần phải ‘tái xem xét lại vai trò của mình trên thế giới và thực hiện việc ủy nhiệm’. “Đây là chỗ mà các đồng minh và đối tác trở nên hết sức quan trọng đối với Mỹ bởi vì nước Mỹ không còn khả năng có sự hiện diện an ninh đón đầu như trước nữa,” ông giải thích.

Ông Michael J. Green, phó chủ tịch cao cấp chương trình nghiên cứu Châu Á của CSIS, cũng nhấn mạnh việc cần thiết phải phối hợp với các đồng minh, nhất là trong những vấn đề toàn cầu như chống biến đổi khí hậu và xây dựng dân chủ.

Ông chỉ ra là trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Trung-Mỹ, Washington sẽ gặp thế khó nếu muốn thúc đẩy dân chủ ở những nước như Thái Lan và Philippines, vốn là những nước đồng minh có hiệp ước với Mỹ nhưng những năm qua có bước thụt lùi về dân chủ và đang đi về phía quỹ đạo của Bắc Kinh.

Do đó, ông cho rằng trên vấn đề này, Mỹ cần sự chung tay của các đồng minh trong khu vực như Hàn Quốc, một nền dân chủ được các nước đông nam Á kính trọng và Indonesia, nền dân chủ lớn nhất trong khu vực.

Tuy nhiên, mối quan hệ đồng minh Mỹ-Hàn dưới thời ông Donald Trump đã trở nên ‘sóng gió’ với việc Washington đòi Seoul chia sẻ gánh nặng tài chính và tranh chấp thương mại giữa hai nước, ông Victor D. Cha, cố vấn cao cấp và là chủ tịch chương trình nghiên cứu bán đảo Triều Tiên của CSIS, cho biết.

Do đó, ông cho rằng với việc chính quyền Biden lên nắm quyền, nước Mỹ ‘có cơ hội củng cố lại quan hệ đồng minh nhất là với Nhật và Hàn’. Theo lời ông, Mỹ cần bỏ qua việc chia sẻ gánh nặng và thay vào đó ‘tập trung vào những thách thức lớn hơn mà họ đối mặt như kiểm soát và chỉ huy, và xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa tích hợp’.

Bà Sue Mi Terry, chuyên gia cao cấp của chương trình nghiên cứu bán đảo Triều Tiên, nhận định rằng các nước đồng minh Châu Á của Mỹ ‘có cảm giác được trấn an’ với việc chính quyền Biden bổ nhiệm những nhân vật như Anthony Blinken, Jake Sullivan và Kurt Campbell vào nội các an ninh-đối ngoại.

“Mặc dù chính quyền Biden có khởi đầu tốt, nhưng tôi cho rằng phải mất hơn vài tháng thì lòng tin vào sự lãnh đạo của Mỹ mới phục hồi,” bà nói và cho rằng nếu ông Biden nhanh chóng kiểm soát được dịch bệnh trước các nước khác, uy tín của Mỹ sẽ sớm phục hồi.

Tuy nhiên, bà cũng bày tỏ quan ngại về tàn dư của chủ nghĩa dân túy ở Mỹ. “Sau bốn năm (dưới thời ông Trump), tôi nghĩ sẽ khó mà loại bỏ quan ngại về chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa dân túy, và chủ nghĩa biệt lập ở Mỹ,” bà nói. Bà chỉ ra mối đe dọa sẽ xuất hiện những chính trị gia dân túy, mị dân ở Mỹ sẽ vẫn hiển hiện

Biển Đông sẽ ra sao?

Bà Bonnie Glaser, giám đốc Dự án Sức mạnh Trung Quốc của CSIS, chỉ ra Đài Loan và Biển Đông sẽ là hai điểm nóng trong quan hệ Mỹ-Trung.

Bà cho rằng trên cả hai vấn đề này, cả chính quyền ông Joe Biden và của ông Tập Cận Bình ‘đều sẽ tỏ ra cương quyết’. Đối với ông Tập, đây là những vấn đề quan trọng đối với ông khi ông bắt đầu chiến dịch tái ứng cử nhiệm kỳ ba.

Bà nhắc tới nhóm tàu sân bay Theodore Roosevelt của Mỹ đã tiến vào Biển Đông và chiến đấu cơ Mỹ đã có mặt ở khu vực trong những ngày qua và cho rằng việc triển khai này sẽ là ‘hoạt động thường xuyên của Mỹ’. Cùng với việc Trung Quốc có bố trí quân sự gần eo biển Đài Loan và trên Biên Đông, có ‘nguy cơ va chạm giữa Mỹ và Trung Quốc’, bà Glaser nói.

Theo dự đoán của bà thì trước mắt ông Tập Cận Bình sẽ không dùng vũ lực để thống nhất với Đài Loan mà ‘sẽ áp đặt hậu quả lên chính quyền của bà Thái Anh Văn’ để răn đe bà Thái đừng có các động thái đòi độc lập cho Đài Loan.

Về việc mới đây Trung Quốc đã cho phép lực lượng hải cảnh của họ quyền nổ súng ở các vùng biển có tranh chấp, bà Glaser đánh giá ‘điều luật này đã được thực hiện ở nhiều nước nhưng vấn đề là Bắc Kinh sẽ thực hiện nó như thế nào?’

Nếu nhìn vào cách hành xử lâu nay của Bắc Kinh trên Biển Đông, bà dự đoán trong thời gian tới họ ‘sẽ tăng cường các hành động cưỡng ép bằng các tàu hải cảnh’ và ‘sẽ đưa ra thêm nhiều tàu hải cảnh lớn hơn và có năng lực hơn’. “Do đó, khả năng của họ trong việc kiểm soát hoạt động của các nước khác trong vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn với đường chín đoạn của Trung Quốc sẽ tăng,” bà nhận định.

Do đó, bà khuyến cáo chính quyền của ông Biden không chỉ dừng ở việc thực hiện các chuyến tuần tra vì tự do hàng hải (FRONOP) trên Biển Đông như dưới chính quyền Trump mà còn phải mở rộng ‘lên án các hoạt động cưỡng ép của Bắc Kinh’ đối với các nước khác về khai thác dầu, khí và nguồn lợi thủy sản.

“Nếu chính quyền Biden không làm điều này, tôi nghĩ rằng lòng tin của một số quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam và Philippines, sẽ suy giảm,” bà nói. “Họ tin rằng chỉ đảm bảo tự do hàng hải không thôi sẽ không đủ bảo vệ lợi ích của họ.”

Dưới chính quyền ông Trump, Bắc Kinh đã tăng cường dọa dẫm và bắt nạt các nước quanh Biển Đông về các hành động thăm dò, khai thác dầu khí, điển hình như vụ đối đầu kéo dài giữa Trung Quốc và Việt Nam quanh Bãi Tư chính hồi năm 2019.

Tăng cường hiện diện

Chuyên gia này cũng khuyến nghị chính quyền ông Biden nên có hành động để đuổi kịp Bắc Kinh về ngoại giao trong khu vực. Bản thân ông Trump đã bỏ qua một số hội nghị thượng đỉnh khu vực như thượng đỉnh ASEAN, thượng đỉnh Đông Á, thượng đỉnh APEC để Bắc Kinh chiếm thế thượng phong.

“Chính quyền Biden nên bắt đầu với việc cho thấy việc tham gia các hội nghị ASEAN và các hội nghị liên quan luôn quan trọng. Chính quyền Trump đã không làm tốt việc này ngay cả khi hội nghị được tổ chức trực tuyến,” bà nói và cho biết bà nghe nhiều nước trong khu vực không chỉ muốn Mỹ đến tham dự hội nghị mà còn ‘lắng nghe họ để hiểu ưu tiên của họ là gì’.

Về phần mình, ông Gregory Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á của CSIS, đề xuất chính quyền Biden nên lôi kéo các đồng minh Châu Âu cùng gia tăng sức ép kinh tế, ngoại giao lên Bắc Kinh trước các hành động hung hăng của Bắc Kinh trên Biển Đông. Ông cho rằng đây là ‘một phần rất quan trọng’ trong nỗ lực của Mỹ.

Một vấn đề quan trọng nữa mà Mỹ phải làm, cũng theo lời ông Poling, là ‘sửa chữa mối quan hệ quân sự với Philippines’. Chính quyền của Tổng thống Rodrigo Duterte hồi năm ngoái đã đơn phương hủy bỏ hiệp định cho lực lượng Mỹ đến đồn trú. Việc này đã vô hiệu hóa Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường được ký kết trong khuôn khổ chiến lược xoay trục của cựu Tổng thống Barack Obama.

Theo phân tích của ông thì Philippines là nơi duy nhất trên Biển Đông Mỹ có thể đặt một lực lượng luân phiên để răn đe và chống lại các hành vi cưỡng bức của Trung Quốc. “Tên lửa hành trình của Mỹ không thể nào bắn tới Trường Sa từ đảo Okinawa hay Guam. Cho nên Mỹ phải tìm cách có sự hiện diện ở Philippines,” ông nhấn mạnh.

Ngoài ra, Mỹ nên cân nhắc sớm bổ nhiệm đại sứ ở ASEAN, cũng theo ông Poling. “Khu vực đông nam Á đã chán ngán với việc suốt bốn năm qua nghe các quan chức Mỹ nói rằng chiến lược Châu Á đối với họ quan trọng nhưng lại chẳng buồn bổ nhiệm đại sứ đến khu vực,”

N.L.

Nguồn: VOA tiếng Việt

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn