‘Một năm đầy tai họa’ đối với phong trào dân chủ Việt Nam

David Brown

Song Phan chuyển ngữ

24-1-2021

Phiên tòa xử người dân Đồng Tâm tháng 9/2020. Nguồn: VNA

Dựa trên hầu hết mọi phương diện, năm 2020 là một năm đầy tai họa đối với phong trào dân chủ ở Việt Nam. Phong trào đã bị thu nhỏ bởi sự đàn áp ngày càng hiệu quả của chế độ Hà Nội, giờ đây nó bị mê hoặc trong cuộc chiến của Donald Trump để giành nhiệm kỳ thứ hai.

Dư luận cho rằng, Trump sẽ bảo vệ Việt Nam trước Trung Quốc. Kỳ lạ nhưng có thể hiểu theo cách nào đó, phần lớn những người nghi ngờ chế độ độc tài, độc đảng của đất nước, lại xem tổng thống Trump là niềm hy vọng của họ cho một tương lai tươi sáng hơn. Thất vọng, thậm chí là tuyệt vọng, với chế độ hiện tại của Việt Nam là điều dễ hiểu. Sự kiểm soát mọi thứ được nói là không thật phù hợp với một quốc gia đang mở cửa cho nền kinh tế toàn cầu và gửi những người giỏi giang nhất ra nước ngoài học tập, trong một phần tư thế kỷ qua.

Phong trào dân chủ của Việt Nam, hay ít nhất trong thời gian qua, là một mạng lưới công dân tổ chức lỏng lẻo, đã không ngần ngại thách thức chế độ. Phong trào này được mạng internet tiếp sức, trong gần một thập niên qua, đã cho phép người dân Việt Nam được nghe những nhận xét bất đồng chính kiến, ​​bất chấp sự kiểm duyệt của chế độ đối với báo chí trong nước.

Họ là một tập hợp hỗn tạp, những người này có đủ nhiệt huyết để lên tiếng và thậm chí thể hiện sự thất vọng của họ đối với chế độ độc đảng. Một số người chán ngán với những gì họ cho là tư thế khúm núm của Hà Nội đối với Trung Quốc, một số khác phản ứng trước sự đàn áp việc thực hành tôn giáo không được [chính quyền] cho phép, hoặc chống lại việc chiếm đất của doanh nghiệp cấu kết với quan chức địa phương. Và cũng có một số người không còn ảo tưởng với chế độ độc tài của một đảng toàn trị duy nhất, có mặt khắp nơi. Cách đây không lâu, chính phủ của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có sự khoan nhượng chút ít đối với chỉ trích và đối với các cuộc biểu tình thỉnh thoảng diễn ra, nhưng năm 2016, Dũng đã bị hất cẳng vì điều này và những điều ‘xé rào’ khác. Với việc Dũng bị đẩy ra bên lề và các đồng minh ông chạy tìm chỗ che chắn, Tổng Bí thư đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng đã nắm ngọn roi trong tay. Ông ta triển khai một chương trình hành động quay ngược đầy tham vọng. Một yếu tố là đàn áp hoạt động chính trị bên ngoài các tổ chức đảng.

Từ năm 2017, chế độ Hà Nội đã thẳng tay đàn áp những người chỉ trích thẳng thừng. Từng người một, những nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng đã bị bắt, bị xét xử, bị bỏ tù và đôi khi được cho phép ra định cư ở nước ngoài. Các bộ phận công an tỉnh được khuyến khích bố ráp những người chia sẻ cảm xúc chống chế độ trên mạng xã hội. Các nhóm bán công khai như Hội Nhà Báo Độc Lập và Hội Anh Em Dân Chủ đã bị phá vỡ và các thành viên của họ bị bỏ tù. Khi năm 2020 kết thúc, theo nhóm 88 Project, có 256 tù nhân chính trị trong các nhà tù – nhiều hơn 3 lần so với năm 2016.

Không gian mạng không còn tự do

Song song đó, chế độ của ông Trọng học cách khống chế không gian mạng Việt Nam. Bộ Công an đã lập ra một đội quân dư luận viên để tấn công mạng xã hội. Không mất nhiều thời gian để họ biến ‘Tiêu chuẩn cộng đồng’ được ca tụng của Facebook thành vũ khí.

Nhưng đó chỉ là chuyện nhỏ, không là gì so với việc thể hiện rằng họ có thể làm cạn đi quảng cáo, trừ khi các trang web chấp nhận yêu cầu của chế độ, là phải xóa các bài đăng được cho là ‘độc hại’ và cấm các KOL đáng ghét. Thị trường quảng cáo trên mạng của Việt Nam hiện nay trị giá một tỷ đô la Mỹ hàng năm, có lẽ còn hơn thế nữa.

Lúc đầu, Facebook và YouTube chống lại áp lực của chính quyền Hà Nội. Năm 2018, họ đã cố gắng thỏa hiệp, với ảo tưởng rằng chế độ Việt Nam không dám gây rối hai mạng xã hội rất phổ biến này. Nhưng niềm tin của họ đã sai. Đến giữa năm 2020, hai nền tảng mà công chúng Việt Nam yêu thích này, đã bị buộc đầu hàng hoàn toàn.

Chưa bao giờ những người lướt mạng ở Việt Nam dễ dàng tiếp cận truyền thông hải ngoại mà chế độ coi là các diễn đàn độc hại, như các trang tiếng Việt của BBC, RFI, VOA và Đài Á Châu Tự Do, hoặc các trang web bất đồng chính kiến ​​như Dân Làm Báo, Dân Luận hoặc Tiếng Dân. Để kết nối đến các trang web này, cư dân mạng có kinh nghiệm đã dựa vào các máy chủ ở nước ngoài. Bộ Công An không thể bắt chước Trung Quốc, vì Việt Nam không có thế mạnh kỹ thuật để làm tường lửa, nhưng nó đã khiến cho người Việt khó nghe hơn và lan truyền tin tức thật (không giả mạo).

Một trường hợp điển hình: Đầu năm 2020, xảy ra vụ đàn áp cuộc phản kháng của nông dân ở một ngôi làng gần Hà Nội. Một cuộc đụng độ, trong đó thủ lĩnh của một nhóm nông dân khốn khổ và ba sĩ quan cảnh sát chết, cùng một phiên tòa trình diễn 9 tháng sau đó. Mặc dù bản tường trình của chế độ về vụ việc đầy lỗ hổng, nhưng sự phản đối của công chúng là không đáng kể. Việc lên tiếng chống lại nhà nước độc đảng đã trở nên quá nguy hiểm. Muốn tiêu diệt ai, các vị thần làm họ nổi điên trước

Thay vào đó, khi năm 2020 tiếp tục, tàn dư của phong trào dân chủ VN bị phá vỡ khi họ bị kéo vào cuộc chiến giành ghế Tổng thống Hoa Kỳ nhiệm kỳ hai cho Donald Trump. Họ cho rằng, Trump sẽ làm vô hiệu các mưu đồ của Bắc Kinh. Ông ta sẽ bảo vệ Việt Nam trước Trung Quốc.

Những người bất đồng chính kiến đã từ bỏ các trang tin tức trên mạng mà họ từng tin cậy, gán cho các trang này là “truyền thông thổ tả” và là kẻ tung tin giả. Đến giữa năm, các bài dịch từ các câu chuyện trên Breitbart, Newsmax và truyền thông ‘cánh hữu thay thế’ (alt-right) khác của Hoa Kỳ, bắt đầu được phổ biến rộng rãi trên Facebook cùng với các sản phẩm tiếng Việt của Pháp Luân Công (Đại Kỷ nguyên, Tân Đường Nhân…).

Nhưng thuyết kỳ quái của phòng trào Trump đã tự tuyên truyền với sức mạnh đáng kinh ngạc khắp các tầng lớp bậc trung thích bày tỏ ý kiến (chattering class) của Việt Nam. Gần như chỉ sau một đêm, phần lớn những người trước đây được xác định là gắn bó với phong trào dân chủ, dường như đã trở thành con mồi cho kiểu suy nghĩ ma mị. Nguyễn Hữu Vinh (hay còn gọi là Anh Ba Sàm), người từng ngồi tù 5 năm vì những bài viết bị cho là thù địch với Nhà nước, chỉ là một trong số nhiều blogger nổi tiếng đã bước qua phía bóng tối.

Cuộc đảo lộn kinh hoàng này có thể xảy ra, một phần bởi Facebook và YouTube. Trong hai năm kể từ khi luật an ninh mạng của Việt Nam có hiệu lực, những mạng xã hội khổng lồ đã trở thành những đầy tớ phục tùng chế độ. Hiện nay họ rất nhanh tay trong việc gỡ bỏ các bài đăng bị xác định là ‘độc hại’. Trong khi đó, dư luận viên của Bộ Công An có thể thoải mái quảng bá các bài viết ủng hộ Trump.

Cũng như ở Hoa Kỳ, thất bại của Trump không làm cho những kẻ ủng hộ ông ở Việt Nam tỉnh lại. Các bài đăng của họ tiếp tục vẽ vời ông là một nhà lãnh đạo nói thẳng, không sợ Trung Quốc, tạm thời là nạn nhân bi thảm của ‘gian lận bầu cử’. Còn Joe Biden luôn được gọi là Bảy-Đần – “stupid Joe”.

Người ta thường giải thích rằng, chế độ đã siết chặt các phương tiện truyền thông độc lập trước thềm Đại hội Đảng vào cuối tháng này, ngụ ý rằng sau khi ban lãnh đạo mới được dựng lên, việc kiểm soát đó sẽ được nới lỏng. Đừng đặt cược vào nó. Chừng nào công an và [bàn tay] kiểm duyệt của chế độ có thể thao túng mạng xã hội theo ý họ muốn, thì có rất ít lý do để họ ngừng làm như vậy.

Trong điều kiện như thế, càng ít có lý do để mong đợi một phong trào dân chủ hồi sinh, trỗi dậy từ đống đổ nát hiện tại.

D.B.

____

David Brown là một cựu quan chức ngoại giao Hoa Kỳ, có nhiều kinh nghiệm về Việt Nam và là cộng tác viên năm cho Asia Sentinel.

Bản dịch có sự chỉnh sửa của tác giả, dành cho độc giả người Việt. Bản tiếng Anh được đăng trên Asia Sentinel ngày 21/1/2021.

Nguồn: Baotiengdan.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn