Cử tri - Người là ai

Nguyễn khắc Mai

Hôm qua, 14 tháng Ba năm 2021, ngày chót nhận hồ sơ ứng cử Quốc hội khóa mới. Được tin Giáo sư Nguyễn Đình Cống và mấy người bạn trẻ đã nộp xong hồ sơ từ mấy ngày trước. Do chứng tật tuổi già, khoảng một hai giờ sáng phải trở dậy, đi “giải phóng”. Thật ra là giải phóng chính mình khỏi ấm ách ở cái bàng quang. Thế mà không thể bàng quan được! Không thể ngủ tiếp, dẫu đã niệm mấy biến bài kinh Kim cang. Tôi học Nguyễn Du.

”Ngã độc Kim cương thiên biến linh.

Kỳ trung ảo chỉ đa bất minh,

Cập đáo Phân kinh thạch đài hạ,

Chung tri vô tự thị chân kinh.

Nghĩa là: Ta đọc Kim cương ngàn lẻ lần,

Đa phần ý nghĩa đều không hay.

Nay đứng dưới đài Phân kinh ấy.

Biết rằng không chữ là chân kinh.

Nguyễn Du khi đi sứ bên Tàu, đến thăm Đài Phân kinh, nơi thái tử Lương Chiêu Minh cho dựng bia để kỷ niệm việc in và phân phát kinh. Bia ấy không có chữ. Nguyễn Du làm bài thơ dài có bốn câu kết như trên.

Niệm mấy biến kinh cũng không ngủ được. Lạị nhẩm bài thơ Ngậm ngùi để ru mình ngủ.

”Ngủ đi em mộng bình thường,

Ru em sẵn tiếng thùy dương mấy bờ”

Rồi miên man suy nghĩ ý nọ xọ ý kia. Cứ như thử người Việt rút kinh nghiệm rút hoài rút mãi. Chợt nhớ hồi chiều nhận được tin anh Cống đã nộp được hồ sơ ứng cử. Liền nhớ tới chữ cử.

Trong tập II Từ điển Bách Khoa thư không hề có chữ cử tri. Chỉ có cử nhân và cái cử, một dụng cụ đo đạc của thợ nề. Thậm chí ở cữ – một điều quan trọng, mà không có nó mình cũng không thể có mặt trên đời này. Cả chữ cử nghĩa là cắt cử quan trọng biết bao đối với Đảng cũng không có nốt! Cứ nghĩ xem, chữ cử trong “đảng cử dân bầu” mà không có, thì đảng làm sao cầm quyền, lãnh đạo được? Sẽ không có chủ tịch nước, không có thủ tướng, không có bộ trưởng, không có luôn Chính phủ. Thế mà trong quyển Từ điển ấy lại không có chữ cử tri!

Thật ra từ ngàn năm xưa Việt Nam đã có bầu hay cử những chức già làng, thời huyền sử còn cử cả người đứng đầu bộ tộc. Không phải vì chưa có chữ viết, mà chắc là vì tư duy thiết thực, không cần danh xưng vô ích vô vị ấy, người ta vẫn bầu được vẫn cử được người thủ lĩnh tài ba đức độ của mình! Thời xưa chưa có cử tri. Bởi lẽ cử mà không tri thì vô ích, tri mà không có quyền cử càng vô tích sự.

Nghĩ đến chức bộ trưởng, mà nếu không có cử tri, họ không thể tồn tại, tự nhiên nhớ tới một câu nói của một nhà văn hóa lớn: ”Giả sử đột nhiên biến mất một số trí thức, nghệ sĩ, thương gia, kỹ nghệ gia, công nhân… thì nước Pháp sẽ thành một cái xác không hồn. Nhưng giả sử đột nhiên biến mất các vị hoàng tử, hầu tước, bộ trưởng, thống chế, tỉnh trưởng, giám mục quan tòa… nhiều người có thể buồn bã thương tiếc, nhưng không có hại gì cho quốc gia cả, mà có lợi nữa vì những người đó chỉ ăn hại và sống bằng tiền đóng góp của dân chúng mà thôi”.

Sáng dậy tìm sổ ghi chép mới biết đó là lời của Saint Simon, một triết gia xã hội của nước Pháp.

*

Hỡi những cử tri thật thà lương thiện, nếu không làm chủ được quyền cử quyền tri để chọn được người tử tế, cũng lương thiện như mình, và có tài lương đống, nghĩa là có năng lực làm được cái khung vững vàng cho ngôi nhà của quốc dân! Và, hỡi những người cầm trịch của quốc gia, các người có lương tâm có tâm huyết và tình thương yêu, khát vọng đối với độc lập, tự chủ, với khát vọng đưa dân tộc đến đài vinh quang sánh vai với năm châu bốn biển, hãy thành tâm không để cho cử tri bị đánh tráo thân phận, bị dắt mũi bằng những thủ tục, thể chế vô nguyên tắc.

Như cái phương thức Hiệp thương là đã chà đạp lên quyền và vai trò thiêng liêng của cử tri, lại chà đạp lên Luật văn minh của Đất Nước. Luật nào cho phép một nhóm người dẫu có là thần thánh đi nữa, thì khi chưa đi bầu lại ngang ngược xóa bỏ quyền ứng cử của cử tri?! Mấy chục năm rồi mà cái tư duy đảng cử dân bầu vẫn không hề thay đổi để có thật cái văn minh công bằng. Còn giữ cái tư duy ấy để quản trị đất nước thì vẫn chưa thoát ra khỏi thể chế phong kiến mà khi đảng chưa cầm quyền, còn đi vận động, thì lên án phê phán là phản động, lạc hậu. Đảng cử dân bầu cũng chỉ là phương thức thánh chỉ của một thời, dân chỉ là thần dân, nhất cử nhất động đều phải trông chờ thánh chỉ.

Trong khi chờ đợi để đảng đổi mới phương thức bầu cử cho dân chủ, văn minh công bằng thật sự ít nhất cử tri cũng có thể sử dụng một số quyền hạn tối thiểu của mình:

- Không bầu cho những người sắm hai vai vừa đá bóng, vừa thổi còi.

- Không bầu cho những người không có chương trình tranh cử, chỉ vờ ra mắt cử tri hời hợt hình thức vô tích sự.

- Cố gắng tìm hiểu để bầu cho những người đáng tin cậy dẫu họ không ở trong danh sách đảng cử dân bầu. Nếu không đủ số đại biểu quy định thì thà “quý hồ tinh hơn quý hồ đa”.

Hỡi Hồn thiêng của Dân tộc, dẫu có người từng rước hồn đi Tàu sang Tây, có người còn làm vè “Thỉnh hồn sang Mạc-tư-khoa” đi nữa, thì nay dù ở đâu xin Hồn hãy về phù hộ cho đám cử tri tội nghiệp chúng con có đặng tâm trí sáng suốt, thân tâm bình an để làm cho cuộc bầu cử này không phải là ngày hội vui vẻ trẻ trung mà là một cơ hội lập nên một Quốc hội tử tế hơn, đàng hoàng hơn có ích hơn cho Dân cho Nước trên bước đường khát vọng thì lớn, thách thức thì nhiều, ma quỷ còn tranh chen với người lương thiện.

*

Tôi nghĩ miên man dây cà ra dây muống như vậy, xin ghi lại đôi điều để bày tỏ với cử tri.

N.K.M.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn