Lịch sử và Phi lịch sử

Chu Mộng Long

Tôi không còn nhớ ở trang nào, sách nào, nhưng chắc chắn từ biện chứng lịch sử của K. Marx, có đoạn viết về lịch sử và phi lịch sử. Lịch sử không đơn thuần là sự vận động của thời gian. Lịch sử phải là sự thay đổi của sự kiện, và sự thay đổi sự kiện không đơn thuần là sự kiện này tiếp liền sự kiện kia.

Sự thay đổi về chất trong chiều hướng tiến hoá hay phát triển mới đảm bảo tính lịch sử đích thực của một dân tộc.

Khi các sự kiện tiếp liền nhau nhưng bản chất không thay đổi, tức lặp lại hoặc thậm chí quay vòng theo chu kỳ, dân tộc đó vẫn nằm trong trạng thái phi lịch sử (nonhistorical).

Những dân tộc suốt nhiều ngàn năm giỏi đánh nhau và tự hào về dòng máu anh hùng, nhưng các cuộc đánh nhau đó đơn thuần chỉ là tranh chấp quyền lực (không phân biệt chống xâm lăng và tranh chấp nội bộ), còn hình thái xã hội từ cơ sở hạ tầng đến kiến trúc thượng tầng vẫn không thay đổi hoặc thay đổi cái vỏ giả tạo, dân tộc đó vẫn là dân tộc phi lịch sử.

Rốt cuộc, cái bộ mặt lịch sử không nằm ở những cuộc chiến tranh mà nằm ở kiến tạo đời sống văn hoá xã hội. Ở phương Tây, chỉ cần nhìn vào di sản văn hoá nghệ thuật đủ thấy tính lịch sử của các dân tộc đó. Có thể có những giai đoạn trì trệ kéo dài, nhưng đã xếp vào "quốc gia phát triển" thì gần như kiến tạo văn hoá xã hội của quốc gia đó không đứng yên mà vận động rõ nét theo từng giai đoạn và mỗi giai đoạn mang một phong cách riêng. Nếu xét cả châu Âu thì có Phong cách Hy Lạp, Phong cách La Mã, Phong cách Phục hưng,... cụ thể ra thì nhiều tên gọi khác nhau theo loại hình nghệ thuật: Phong cách Baroque, Rococo, Romanesque, Gothic, Ấn tượng, Lãng mạn, Hiện thực, Siêu thực, Lập thể...

Chính các phong cách nghệ thuật làm cho lịch sử không bị xoá mờ và lãng quên. Người đời sau chỉ cần nhìn vào sự hiện diện của nghệ thuật là có thể hình dung ra sự phân kỳ và vận động của từng giai đoạn lịch sử. Không ngẫu nhiên mà nhiều dân tộc biết tạo nên những kỳ quan đánh dấu lịch sử của dân tộc mình, và các kỳ quan ấy thành biểu tượng của thời đại: Kim Tự Tháp Ai Cập, các ngôi đền cổ Hindu của Ấn Độ, Angkor Wat của Cambot,... Từ đó, để gọi là phát triển, những cái ra đời sau phải không lặp lại cái đã có. Tôi chỉ lấy một hiện tượng Tháp Eiffel để chứng minh người Pháp ý thức sâu sắc nghệ thuật như một biểu tượng cho sự vận động của từng thời đại. Nước Pháp từng có tất cả các phong cách để làm nên tính lịch sử điển hình và rực rỡ của châu Âu, nhưng họ không rơi vào cái cối xay ăn mày dĩ vãng. Sau cuộc cách mạng Pháp, Eiffel ra đời, đánh dấu cho nền văn minh công nghiệp hiện đại mà không lặp lại bất cứ một phong cách nào đã có trong cái vốn sở hữu đồ sộ của người Pháp.

Thử liếc nhìn sang Mỹ. Lẽ ra sau khi giải phóng khỏi ách thuộc địa, những người con da trắng cầm quyền sẽ kiến tạo một nền văn hoá trên nền cố quốc Anh của họ thì lại có hơn 100 triết gia kiến tạo nên một nền văn hoá mới hẳn mang thương hiệu Mỹ, bỏ xa bà mẹ châu Âu già cỗi từng nuôi dưỡng họ.

Có thể là hình ảnh về tượng đài và ngoài trời

Tháp Effel

J. Derrida xem lịch sử nằm trong biện chứng huỷ-tạo. Những cuộc huỷ-tạo liên tục làm cho tinh thần con người phát triển, từ bóng tối vươn ra ánh sáng, từ khuôn mẫu thành đa dạng. Muốn biết một dân tộc có lịch sử hay không thì nhìn vào các di sản văn hoá của nó, và từ trong di sản, hãy xem tinh thần của nó đổi thay đến đâu.

Tôi thách bạn nào đi trên đất nước tự hào bốn, năm nghìn năm văn hiến mà nhận diện được các thời đại lịch sử, trừ phi đọc được cái chữ ghi trên đó. Mà chữ thì nó siêu lừa. Khi hình thái văn hoá xã hội không thay đổi thì cái chữ tỏ ra thay đổi gọi là tiến bộ, kể cả đánh tráo cái mới ra đời thành cái cổ kính để tôn vinh. Chẳng hạn, đền Hùng ở Phú Thọ hay lăng Kinh Dương Vương ở Bắc Ninh, kiến trúc hoàn toàn ở hình thái trung cổ, mới xây dựng thời Khải Định (từ năm 1917), nhưng nhiều khoa học gia lại nhầm tưởng là có từ thời cổ đại và ra sức khảo cổ để chứng minh điều... không có thật.

Có thể là hình ảnh về ngoài trời và tượng đài

Đền Hùng mới trùng tu

Lăng Kinh Dương Vương đền thờ vị vua đầu tiên nước Việt -

Lăng Kinh Dương Vương

Nếu chỉ dựa vào cái chữ thì theo tôi, ở dân tộc này, từ kiến trúc, điêu khắc, hội hoạ, âm nhạc đến văn chương cũng chỉ có hai thời đại nếu phân kỳ một cách nghiêm ngặt: thời đại chữ Hán và thời đại chữ Latin. Đó là chưa nói, tất cả đều có khuynh hướng hoài cổ, kể cả vọng ngoại và nhập ngoại. Cảm giác chung là không có ranh giới giữa hiện đại và cổ điển (đúng hơn là cổ lỗ), giữa ta và kẻ khác. Không chừng một ngày kia, đi trên đất nước ta mà con cháu nhầm tưởng sống trên quốc gia của kẻ khác, kể cả dân tộc khác nhầm tưởng quốc gia ta là của họ. Đó là chưa nói, sống trên mốc thời gian hiện tại với dòng chảy hướng về tương lai, nhưng con cháu ta không thấy thời gian vận động. Duy trì bản sắc hay con cháu ta phải sống trong cái nấm mồ của những biểu tượng ta không ra ta mà hao hao giống Tàu rồi giống Tây?

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp mượn lời ông Tây ví Việt Nam như cô gái đồng trinh bị văn minh Trung Hoa cưỡng hiếp. Tôi thì bảo lịch sử dân tộc ta được các kiến trúc sư kiến tạo giống như một bà cụ không có tuổi nhưng có hai thằng chồng. Hơi quái là bà này dạy con cái căm thù cả hai thằng chồng ấy. Căm thù nhưng khi chửi thằng này thì lại quay sang ôm cổ thằng kia. Hậu quả, bà không dạy con cái mình có cội nguồn ở đâu ra, kể cả tự tạo căn cước rõ ràng cho dòng máu của chính bà, và quan trọng hơn, phải thoát khỏi cái "bóng đè" của hai thằng chồng đó để làm nên lịch sử đích thực.

Buồn!

C.M.L.

Nguồn: FB Chu Mộng Long

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn