Chiến lược “ngoại giao sân vận động” của Trung Quốc, một công thức chiến thắng ở châu Phi


Minh Đức

Trong nhiều thập kỷ, Bắc Kinh đã tạo ra thiện chí - và giành được quyền tiếp cận kinh tế đặc quyền - bằng cách xây tặng và cải tạo các cơ sở thể thao ở một số quốc gia châu Phi.

Chiến lược “ngoại giao sân vận động” của Trung Quốc, một công thức chiến thắng ở châu Phi

Siêu mới lạ và với hình dạng bắt mắt của một tổ chim, một sân vận động Olympic đồ sộ giờ đây đã chiếm vị trí trong lịch sử chính trị của Bờ Biển Ngà.

Nằm ở phía bắc Abidjan ở thành phố Ebimpé, sân vận động có sức chứa 60.000 người là một biểu tượng của kiến trúc hiện đại. Và gần đây, tại sân vận động, một số chính trị gia nổi tiếng và các ngôi sao nhạc pop châu Phi, theo chỉ thị của Tổng thống Bờ Biển Ngà Alassane Ouattara, đã hát tưởng niệm cố Thủ tướng Hamed Bakayoko, người đã qua đời vì ung thư hồi tháng Ba ở Đức.

Nhưng không chỉ ở châu Phi sự kiện này mới thu hút được sự chú ý rộng rãi, theo bài bình luận được đăng tải trên báo Le Monde (Pháp). Cách xa nửa vòng trái đất, tại Bắc Kinh, nó được coi là một thành công lớn về mặt ngoại giao. Và đó là bởi vì sân vận động - nơi sẽ được sử dụng để tổ chức trận chung kết Cúp các quốc gia châu Phi (ACN) năm 2023 - là một món quà từ Trung Quốc dành cho Bờ Biển Ngà.

Nó không phải là công trình duy nhất. Trung Quốc cũng đang chi số tiền tương đương 200 triệu Euro để tài trợ cho các sân vận động ở phía bắc và phía nam của đất nước. Tuy nhiên, “Sân vận động Alassane Ouattara,” tên gọi hiện nay của sân vận động, vẫn giữ một vị trí đặc biệt. Được xây dựng trong hơn 4 năm và tiêu tốn 130 triệu euro, công trình này được hoàn thành với sự nỗ lực của hơn 1.500 công nhân Trung Quốc và Bờ Biển Ngà.

Vạn Lý (Wan Li), Đại sứ Trung Quốc tại Bờ Biển Ngà, gọi đây là “viên ngọc của sự hợp tác hữu nghị” giữa hai nước.

“Đây là một trong những điều tốt đẹp nhất mà đất nước chúng tôi đã đạt được trong lĩnh vực thể thao,” Tổng thống Bờ Biển Ngà phát biểu. Ông cũng đã cảm ơn người đồng cấp Trung Quốc, Tập Cận Bình, tại lễ khánh thành sân vận động.

Đứng bên cạnh Tổng thống Ouattara, ông Vạn gọi dự án là “sân vận động lớn nhất và được trang bị tốt nhất mà Trung Quốc từng tài trợ hoặc xây dựng ở châu Phi.”

Chiến lược “ngoại giao sân vận động”

Là một phần của cái gọi là “ngoại giao sân vận động”, Trung Quốc đã xây dựng và cải tạo gần 100 sân vận động trên khắp lục địa châu Phi trong 5 thập kỷ qua, với mục tiêu cuối cùng là tăng cường quan hệ song phương, đảm bảo các hợp đồng lớn, giành quyền tiếp cận đặc quyền các nguồn tài nguyên thiên nhiên, và tranh thủ sự ủng hộ của các “anh chị em” châu Phi của họ tại Liên Hợp Quốc.

Bằng cách đó, Trung Quốc đã thành công trở thành đối tác thương mại và cho vay tín dụng lớn nhất châu lục, một phần lớn là nhờ sáng kiến Con đường Tơ lụa Mới, chạy qua trung tâm lục địa châu Phi.

“Ngoại giao sân vận động” nghe có vẻ tầm thường so với các dự án cơ sở hạ tầng chiến lược, quy mô lớn, chẳng hạn như xây dựng đường bộ, đường sắt, đập và cảng. Nhưng từ góc độ chiến lược, những công trình này là “đôi bên cùng có lợi”. Nói một cách tương đối, chúng rẻ tiền, dễ xây dựng từ góc độ kiến trúc, phổ biến với người dân và mang tính biểu tượng cao đối với quốc gia có liên quan.

Thêm vào đó, các Tổng thống châu Phi yêu thích chúng. Họ cho tổ chức lễ khánh thành các sân vận động một cách phô trương, tích hợp chúng vào bản sắc dân tộc của họ, và sử dụng chúng để tổ chức các hội nghị chính trị và các buổi hòa nhạc. Tuy nhiên, quả thực là sau sự sôi động ban đầu, các sân vận động có xu hướng bị bỏ quên.

Người ta thấy rằng không có thứ gì gọi là quà tặng miễn phí.

Sân vận động Engong 20.000 chỗ ngồi ở Oyem, một thành phố ở Bắc Gabon với nền kinh tế suy thoái, là một trường hợp điển hình. Cũng là một món quà từ Trung Quốc, khu phức hợp này có một sân tennis, ba sân bóng rổ và một sân điền kinh được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế. Năm 2017, đây là nơi diễn ra các trận đấu giữa các đội thuộc Bảng C của Cúp các quốc gia châu Phi (ACN), và Chủ tịch Ali Bongo đã đích thân khởi động sự kiện.

Giờ đây, chỉ một vài năm ngắn ngủi sau đó, công trình đã bị bỏ hoang, việc này thu hút sự chú ý của dân chúng. “Các sân vận động của bạn không thể chữa khỏi Covid-19,” họ nói.

Trên mạng xã hội đang lan truyền các bức ảnh về thực trạng lộn xộn của sân vận động, với cỏ dại mọc um tùm ở các sân bóng. Trong tuyệt vọng, thanh niên địa phương, đeo khẩu trang thể thao và mặc đồng phục chiến đấu, đã tuyên bố trong một video là đã thiêu rụi khu khán đài VIP của tổng thống. “Chúng tôi không thể ăn các sân vận động của ông,” họ nói.

Các nhà chức trách cáo buộc đây là một “hành động khủng bố” và hứa sẽ khắc phục thiệt hại. Nhưng kể từ đó, không có gì được thực hiện.

“Ngày càng có nhiều cuộc biểu tình phản đối các sân vận động của Trung Quốc. Người ta thấy rằng không có thứ gì gọi là quà tặng miễn phí,” nhà nghiên cứu Itamar Dubinsky tại Đại học bang Oregon, Mỹ cho biết. “Thông thường, việc bảo trì sân vận động được giao cho thành phố. Việc này tiêu hao các nguồn lực có thể được chi cho các dịch vụ xã hội thiết yếu. Các nhà lãnh đạo có thể coi các sân vận động như một cách để khiến mình trở nên nổi tiếng hơn bằng cách sử dụng chúng để đăng cai tổ chức các sự kiện lớn, nhưng việc duy trì hoạt động của các sân vận động có thể gây ra nhiều thiệt hại về lâu dài.”

Những lo ngại như vậy đã không làm chậm lại việc xây dựng các sân vận động được tặng, một truyền thống mà theo các chuyên gia về Trung Quốc-Châu Phi đã có từ năm 1970 khi Sân vận động Amaan ở Zanzibar, Tanzania được xây dựng. Trong hai thập kỷ tới, chính sách “Ngoại giao sân vận động” của Bắc Kinh sẽ được thử nghiệm ở các quốc gia như Rwanda, Zaire (nay là Cộng hòa Dân chủ Congo), Kenya, Uganda, Djibouti và Mauritania.

Các nước đều có quyền tiếp cận như nhau đối với các khoản vay khổng lồ, các hợp đồng giao dịch đổi “tài nguyên lấy cơ sở hạ tầng”, cũng như những món quà xa hoa, tiền mặt và các tài khoản nước ngoài. Quy định là họ không được duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Loan.

Burkina Faso đã phá vỡ quy tắc đó. Bắc Kinh đã xây cho nước này một sân vận động trong những năm 1980. Nhưng khi Tổng thống hồi đó là Blaise Compaoré nối lại quan hệ với Đài Loan vào năm 1994, Trung Quốc đã cắt đứt mọi liên lạc, đóng cửa đại sứ quán và thu hồi mọi thứ - ngay cả mạch điện và tất cả các kế hoạch cho lễ kỷ niệm Quốc khánh đất nước (ngày 4/8) tại sân vận động. Không có sự hỗ trợ của Trung Quốc, sân vận động này đã chìm trong bóng tối.

Cuối cùng, vào tháng 5/2018, Burkina Faso đã trở về với Trung Quốc. Giờ đây, chỉ có quốc gia quân chủ miền nam châu Phi, Eswatini (trước đây là Swaziland), duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Loan.

Trung Quốc không còn hài lòng với việc chỉ xây dựng các sân vận động

Tặng sân vận động vẫn là một công cụ quyền lực mềm để tạo ảnh hưởng chính trị, nhưng nó cũng có thể được sử dụng nhằm mục đích khiêu khích. Ví dụ, vào năm 2015, Trung Quốc vội vàng công bố kế hoạch cải tạo Trung tâm Thể thao Quốc tế Moi ở Nairobi, Kenya chỉ vài ngày trước khi Tổng thống Mỹ hồi đó là Barack Obama chuẩn bị có bài phát biểu tại đó. Ba năm sau, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến công du châu Phi tại Senegal. Ở đó, ông đã thể hiện sự phổ biến của đấu vật như một môn thể thao ở Senegal bằng cách bàn giao chìa khóa mở cửa đấu trường đấu vật quốc gia, được tài trợ bởi Bắc Kinh.

Hiện tại, một sân vận động Olympic khác, lấy cảm hứng từ sân vận động ở Abidjan, đang được xây dựng gần Dakar, thủ đô của Senegal. Thành phố sẽ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc-Châu Phi (CAS) trong năm nay, sẽ đưa phần lớn các nguyên thủ quốc gia của châu lục đến khu vực nói tiếng Pháp.

“Gần đây, Trung Quốc đã có chiến lược và tính toán nhiều hơn với các khoản đầu tư của họ vào cơ sở hạ tầng thể thao,” nhà Hán học Jean-Pierre Cabestan tại Đại học Baptist Hồng Kông cho biết. “Trung Quốc dự trù lịch trình của CAS và nhắm mục tiêu vào các quốc gia nói tiếng Pháp, như Senegal và Bờ Biển Ngà, để làm nổi bật sự cạnh tranh và căng thẳng với Pháp, châu Âu và Mỹ.”

Nếu không có các sân vận động được tặng, không có hội nghị thượng đỉnh nào trước đây có thể diễn ra, và những hội nghị sắp tới cũng vậy. Liên đoàn bóng đá châu Phi (CAF) đã chấp nhận điều này. “Chúng tôi không thể làm gì nếu các nước chủ nhà không thể hoàn thành việc xây dựng các sân vận động của họ,” một thành viên ban chấp hành CAF cho biết.

Khi tổ chức này tăng số lượng quốc gia thành viên từ 16 lên 24 vào năm 2019, họ đã vô tình củng cố xu hướng tặng sân vận động, vì hiện nay các quốc gia có nhu cầu lớn hơn về cơ sở hạ tầng cần thiết để tổ chức sự kiện.

Trong khi đó, Trung Quốc và các công ty của họ không còn hài lòng với việc chỉ xây dựng các sân vận động. Hồi tháng 1/2021, lần đầu tiên công ty truyền thông tư nhân của Trung Quốc Star Times đã được CAF cấp quyền phát sóng cho Giải vô địch các quốc gia châu Phi (CHAN).

Mỹ coi công ty tư nhân này là “tác nhân” của chính sách chính trị Trung Quốc, theo một công hàm mà Le Monde thu được. Dù thế nào đi nữa, trong vòng 20 năm, công ty này đã trở thành một công ty chủ chốt trong lĩnh vực truyền hình kỹ thuật số ở châu Phi, nơi các trận đấu bóng đá thường được tổ chức tại các sân vận động của Trung Quốc và được phát sóng bởi các nhà khai thác Trung Quốc./.

(Theo Le Monde/Worldcrunch)

M.Đ.

Nguồn: Soha

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn