'Đừng để chuyện đã rồi'

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú

Nhiều vụ việc ở những ngành quan trọng khi chuyện xảy ra rồi mới đi khắc phục hậu quả thì đã quá muộn, làm tổn hại tài sản của nhà nước, của cải của nhân dân xã hội và vi phạm quyền lợi người tiêu dùng.

"Đừng để chuyện đã rồi"

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở thương mại Hà Nội. Ảnh: Dân Việt.

Trong quá trình đổi mới phát triển kinh tế hơn 30 năm qua, ở các địa phương trong toàn quốc xuất hiện nhiều gương người tốt việc tốt, nhiều câu chuyện về quản lý kinh tế của các ngành các cấp, hiệu quả, đem lại sự phồn vinh cho đất nước và nâng cao đời sống của nhân dân.

Mục tiêu phấn đấu của Nghị quyết 13 đã nêu rõ: “Đưa Việt Nam trở thành một đất nước hùng cường, thịnh vượng, phát triển kinh tế ở trình độ cao, giai đoạn 2030 – 2045".

Tuy nhiên, nghiêm túc mà đánh giá trên toàn quốc vẫn còn xảy ra, không phải là cá biệt, những hiện tượng, hành động, việc làm của các tổ chức cá nhân làm hại đến tiến trình đi lên của đất nước, gây ra những hậu quả hết sức nghiêm trọng, không thể chấp nhận được.

Bài viết này chỉ đề cập đến một số vụ việc ở 5 ngành then chốt của nền kinh tế Việt Nam gồm tài nguyên môi trường, nông nghiệp, giao thông vận tải, thương mại và y tế.

Thứ nhất, về lĩnh vực tài nguyên môi trường, có những thông tin về vấn đề môi trường nước ở Việt Nam hiện nay rất đáng báo động và lo ngại. Đó là 70% nước của các con sông và ao hồ ở Việt Nam không thể sử dụng làm nước sinh hoạt.

Chúng ta đều biết nước rất cần cho sự sống, phát triển kinh tế của các ngành sản xuất,… Mặc dù nước ta là nước có nguồn tài nguyên nước vào dạng trung bình của thế giới, nhờ vào khí hậu nhiệt đới gió mùa, tuy nhiên phải khẳng định rằng, nước và tài nguyên nước không phải là vô tận, nếu chúng ta không biết chắt chiu, giữ gìn và bảo vệ cho chính đất nước mình.

Câu chuyện của các dòng sông thuộc vùng Đồng bằng Bắc Bộ có liên quan đến nhiều tỉnh thành ở miền Bắc đang bị ô nhiễm tương đối nghiêm trọng. Chúng ta nhớ lại đã có rất nhiều cuộc họp để bàn cách xử lý nhằm giảm thiểu sự ô nhiễm của các con sông này.

Tuy nhiên đến cuối năm 2020, theo phóng sự điều tra của các phóng viên và sự phản ánh của nhân dân thì hình như tình hình ô nhiễm của các con sông này lại càng nghiêm trọng hơn và chưa hề khắc phục một cách cơ bản.

Ví dụ trên cho ta thấy một hình ảnh điển hình của công tác giữ gìn tài nguyên nước và môi trường sống của nước ta hiện nay. Vậy ngành tài nguyên và môi trường đã thể hiện trách nhiệm quản lý nhà nước và tham mưu cho Chính phủ trong lĩnh vực này như thế nào trong việc giữ gìn môi trường, trong đó có môi trường nước. Cần phải xem lại ngay sự vào cuộc của các địa phương, bộ ngành liên quan về các con sông này như thế nào.

Nguyên nhân có lẽ ai cũng biết từ lâu, đó là sự quá tải của nước thải, rác thải sinh hoạt từ các khu vực dân cư thuộc lưu vực các con sông và những nguồn nước thải hầu như không được xử lý của các cơ sở sản xuất: dệt nhuộm, hóa chất, chế biến thực phẩm... đã đổ ra những con sông này từ nhiều năm qua mà họ chỉ phải bị xử phạt vài chục triệu đồng, thậm chí vài trăm triệu đồng, song sau một thời gian đâu lại vào đấy, vì lợi nhuận sản xuất kinh doanh của họ thu được gấp hàng chục lần tiền phạt.

Chính phủ đã chỉ đạo “Không đánh đổi sự phát triển kinh tế bằng mọi giá gây hậu quả cho môi trường một cách lâu dài”.

Chính vì vậy, câu chuyện về môi trường nước cũng như không khí, tiếng ồn, các loại hóa chất độc hại, phương tiện vận tải gây ô nhiễm... vẫn chưa có hồi kết nếu không có những chính sách đúng đắn, đầu tư đúng mức để tiến tới hạn chế thấp nhất tình trạng ô nhiễm này.

Bởi lẽ, đất nước đã bị ô nhiễm thì chúng ta có hàng tỷ đô la cũng không lấy lại được môi trường như trước đây.

Kinh nghiệm như các nước Nhật Bản, Trung Quốc... do tăng trưởng nóng, ít chú ý đến môi trường, họ đã đang và sẽ tiếp tục phải giải quyết hậu quả là một bài học quý báu cho Việt Nam.

Thứ hai, về lĩnh vực nông nghiệp, trong đó đáng chú ý là lâm nghiệp. Chúng ta đều biết, không ngày nào, tuần nào, tháng nào, báo chí không đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng về việc lâm tặc phá hoại rừng hoặc một số bà con không hiểu biết phá rừng để sản xuất. Có những tỉnh hàng năm có hàng chục vụ phá rừng.

Có một bình luận: “Rừng ở Tây nguyên đã cơ bản phá xong”! Nếu đúng như vậy thì quả là đau xót! Chúng ta đều biết bảo vệ rừng chính là bảo vệ tài nguyên thiên nhiên đã có hàng trăm hàng nghìn năm nay, bảo vệ rừng là bảo vệ nguồn nước, bầu không khí trong lành cho đất nước, cho xã hội.

Tuy nhiên, vì mưu sinh và lợi nhuận mà một bộ phận không nhỏ đã xâm phạm đến nguồn tài nguyên quý giá này một cách không thương tiếc. Hàng năm, hàng trăm ha rừng quý hiếm ở rất nhiều các tỉnh thành phố bị tàn phá nhưng chưa ngăn chặn triệt để.

Điều trớ trêu mà mọi người đều biết là những vụ phá hoại rừng có quy mô rất lớn, chỉ cách trạm kiểm lâm hoặc trụ sở chính quyền địa phương một vài km, mà sao các cơ quan quản lý và chính quyền không phát hiện sớm để ngăn chặn.

Điều quan tâm hơn nữa là nhiều vụ phá rừng hàng trăm mét khối gỗ nhưng chỉ thấy mấy đồng chí kiểm lâm tới đo đạc chụp ảnh, lập biên bản, coi như hoàn thành nhiệm vụ. Rất ít thấy được hình ảnh kiểm lâm phát hiện sớm việc phá hoại rừng của lâm tặc.

Chính vì vậy rừng của chúng ta, lá phổi của đất nước, khi mà Chính phủ đã có lệnh đóng cửa rừng từ một vài năm gần đây, ngày càng bị xâm hại nghiêm trọng, đó là chưa kể đến hàng nghìn ha rừng bị san lấp làm thủy điện, chưa được trồng lại đầy đủ theo quy định. Điều cần đặc biệt quan tâm là rừng tự nhiên có tác dụng cao hơn hẳn rừng trồng lại khi chúng ta đã phá bỏ rừng tự nhiên bằng nhiều hình thức.

Đã đến lúc phải xem lại hiệu quả của việc sử dụng lực lượng kiểm lâm ở các địa phương, xem lại các chính sách bảo vệ rừng và lấy dân làm gốc để chăm sóc, khai thác có kế hoạch và phát hiện kịp thời các vụ việc vi phạm.

Thực tế vẫn có một vài địa phương giữ gìn rừng rất tốt, những bài học này, ngành nông nghiệp phải nhân rộng ra cả nước để cùng học tập giữ gìn bảo vệ rừng của Việt Nam, góp phần cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Kỷ cương phép nước phải được nghiêm hơn, rất ít vụ phá rừng bị xử lý hình sự, những đối tượng đó không sợ sự răn đe của pháp luật do những khung hình phạt đó không đủ độ chín nên vẫn xảy ra tình trạng tái phạm.

Tình hình trên cho thấy ngành nông nghiệp rất cần thể hiện trách nhiệm quản lý và vai trò tham mưu cho Chính phủ về vấn đề lớn này; cần phải thay đổi cách thức và tư duy quản lý trong 5 - 10 năm tới mới có thể bảo vệ tài nguyên rừng quý giá.

Thứ ba, về lĩnh vực giao thông vận tải, một số năm gần đây, nhiều hình ảnh của những con đường hàng chục nghìn tỷ được Nhà nước đầu tư cho các địa phương bằng các hình thức như BOT… nhưng mới sử dụng được vài tháng hoặc một vài năm đã xuống cấp, phải bỏ tiền ra để sửa chữa lại.

Chúng ta đều biết ngành giao thông vận tải là một ngành sử dụng nguồn kinh phí rất lớn hàng năm của đất nước, có vai trò quan trọng trong việc tạo lập một mạng lưới giao thông thuận tiện, an toàn và bền vững. Giảm bớt các chi phí vận tải logistics, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa và nền kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên nếu để tình trạng đường mới làm đã hỏng, không ai chịu trách nhiệm cụ thể đến nơi đến chốn thì thật là nguy hiểm cho hạ tầng giao thông của đất nước khi mà lưu lượng vận chuyển hàng hóa ngày càng tăng lên.

Kinh nghiệm ở các nước cho thấy rõ, khâu giám sát thiết kế thi công đầu tư và bảo dưỡng đường là vô cùng quan trọng. Họ hầu như không để câu chuyện đã rồi mới đi khắc phục, sửa chữa đường và giải quyết hậu quả.

Từng km đường phải được giám sát, nghiệm thu chặt chẽ hàng ngày, hàng giờ trên công trường, vai trò của người giám sát thi công là quan trọng nhất và là cao nhất, kể cả quyền lợi và nghĩa vụ trách nhiệm.

Ở Việt Nam hình như khi có vụ việc xảy ra thì ba ta cùng chịu. Chúng ta nhớ lại cách đây hơn 50 năm, nước bạn Cuba giúp chúng ta khảo sát và thi công con đường Hà Nội - Hòa Bình, sau 50 năm đường này mới phải nâng cấp sửa chữa. Đó là một ví dụ cho chúng ta thấy thời kì đó sao khác với thời kì làm đường bây giờ thế?

Con đường “vừa đi vừa làm thơ nhạc” sau 2 năm sử dụng đã bắt đầu phải sửa chữa, quả là một vấn đề đáng lo ngại cho việc thi công các con đường trên đất nước mà trong thời gian sắp tới, Nhà nước, doanh nghiệp còn tiếp tục đầu tư nhiều hơn nữa.

Ngành giao thông vận tải và các ngành có liên quan cần vào cuộc quyết liệt để giải quyết vấn đề hệ trọng này; cần có đích thời gian nhất định để hạn chế tới mức thấp nhất tỷ lệ đường vừa làm, vừa mới đi đã bị hư hỏng, xuống cấp nhanh chóng.

Thứ tư, về hai lĩnh vực thương mại và y tế. Cách đây một số tháng, dư luận lên tiếng về vụ pate Minh Chay của cơ sở sản xuất ở Đông Anh Hà Nội bán hàng trên toàn quốc với 12.000 khách hàng gần xa. Một số khách hàng đã bị ngộ độc mà chi phí cho mỗi đợt điều trị do ngộ độc pate lên tới 70 – 80 triệu đồng/người, bằng thuốc nhập khẩu ở nước ngoài. Gần đây lại xuất hiện nhiều vụ ngộ độc tập thể của công nhân, học sinh bán trú các trường học ở nhiều địa phương…

Đây là những hồi chuông cảnh tỉnh và báo động đỏ cho vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm ở nước ta khi mà luật an toàn thực phẩm và bảo vệ người tiêu dùng đã có hiệu lực một số năm nay.

Nhắc lại câu chuyện “tiền kiểm và hậu kiểm” mà ngành y tế và công thương cho phép các đơn vị sản xuất hàng hóa nội địa được tự công bố chất lượng và lưu hành trên thị trường và sẽ được hậu kiểm của các cơ quan quản lý thị trường, y tế sau khi đã tung hàng ra bán.

Nói đơn giản là cái cốc, cái thìa, cái bát làm theo nguyên tắc mà hai bộ cho phép như trên thì còn nghe được, nhưng những thứ vào bụng người tiêu dùng hàng ngày, nhất là những mặt hàng thiết yếu như lương thực thực phẩm, các mặt hàng chế biến, ăn uống, giải khát... thì trong thực tế chờ các cơ quan đi kiểm tra thì những mặt hàng đó đã được tiêu thụ bởi hàng nghìn, chục nghìn người dân mất rồi. Vụ pate Minh Chay vẫn còn mang tính thời sự nóng hổi về câu chuyện nên tiền kiểm hay hậu kiểm.

Theo ý kiến của tôi, những mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu phải được tiền kiểm từng lô hàng trước khi đưa ra thị trường (chúng ta có thể tính đến tiền kiểm bằng nhiều cách sao cho tiết kiệm nhất, ít phiền hà nhất và nhanh chóng đưa sản phẩm hàng hóa ra thị trường phục vụ).

Điều này ngành công thương, nông nghiệp, y tế và khoa học công nghệ phải tìm cách để giải bài toán này, mục tiêu là phải bảo vệ sớm, phòng bệnh sớm cho cái bụng và quan trọng là sức khỏe của nhân dân; đó cũng chính là đảm bảo cho sự an toàn và thịnh vượng của dân tộc, của đất nước.

Câu chuyện của pate Minh Chay chỉ là một trong những ví dụ điển hình của câu chuyện đã rồi mới chạy theo để xử lý, là một bài học cho công tác quản lý ăn uống, dịch vụ ở thị trường Việt Nam.

Trong khi kỷ luật sản xuất, kỷ luật thị trường, kỷ cương phép nước chưa đủ sức răn đe với người vi phạm. Thói quen làm hàng mẫu thì tốt, hàng bán các đợt sau chất lượng hay bị suy giảm, kém phẩm chất để tung ra thị trường không phải là cá biệt, là một vấn đề cần phải từng bước khắc phục triệt để. Mong rằng ngành thương mại, y tế và các ngành khác có liên quan hết sức lưu tâm vấn đề này.

Điểm qua những chuyện đã rồi của 5 ngành nói trên cho thấy, chúng ta cần theo lời khuyên của bác sỹ “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Đừng để những chuyện đã rồi xảy ra rồi mới đi khắc phục hậu quả thì đã quá muộn, làm tổn hại đến tài sản của nhà nước, đến của cải của nhân dân xã hội và vi phạm quyền lợi người tiêu dùng.

Nếu có một kế hoạch cụ thể và có những giải pháp hữu hiệu thì trong 5 - 10 năm tới, những câu chuyện đã rồi gây hậu quả đáng tiếc sẽ giảm bớt đáng kể.

Góp phần làm lành mạnh các quan hệ kinh tế xã hội, từ đó người dân sẽ được thụ hưởng những thành quả của công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực đã đề cập ở trên, góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ kinh tế xã hội của đất nước và các địa phương trong năm 2021 và những năm tiếp theo.

V.V.P.

Nguồn: The Leader

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn