Olympic Mùa Đông 2022: Cuồng nhiệt tặng hoa và cuồng loạn “ném đá”

Lương Thái Sỹ

Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh 2022 trở thành đấu trường chính trị của chủ nghĩa dân tộc cộng sản Trung Quốc (ảnh: Richard Heathcote/Getty Images)

Trong khoảng một tuần, ba vận động viên người Mỹ gốc Hoa đã trở thành tâm điểm chú ý tại Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh. Thực tế cho thấy, các vận động viên trẻ gốc Hoa đã bị lôi kéo vào mối quan hệ Mỹ-Trung đang xấu đi, trong một kỳ Thế vận hội gây chia rẽ nhất, bị kiểm soát chặt chẽ nhất và “nặng mùi” chính trị nhất trong lịch sử Olympic. Từng được xem là “những đại sứ văn hóa” giúp xây dựng cầu nối giữa hai nước, người Mỹ gốc Hoa giờ đây đang phải chịu sự giám sát gắt gao, và mỗi sai sót chính trị đều phải trả giá ở cả hai bên.

Cả ba vận động viên được kể ở đây đều được đào tạo ở Mỹ, chỉ chênh nhau vài tuổi, và đi theo lộ trình khác nhau để đến Thế vận hội Bắc Kinh 2022. Vận động viên trượt băng tự do Eileen Gu và vận động viên trượt băng nghệ thuật Zhu Yi được chọn thi đấu dưới màu cờ Trung Quốc, trong khi Nathan Chen, vận động viên trượt băng nổi tiếng khác, đấu trong đội Mỹ. Gu và Chen đều giành được huy chương vàng (HCV), trong khi Zhu “gục ngã” trên sân băng trong hai ngày liên tiếp. Gu được vinh danh “anh hùng dân tộc”, chiến thắng được trái tim nhiều người, củng cố được danh tiếng và tiền bạc thì Zhu bị tấn công trên các mạng xã hội, bị buộc tội mang lại “sự xấu hổ” cho đất nước cưu mang mình; còn Chen bị khoác áo “kẻ phản bội”, kích động cơn thịnh nộ của “chủ nghĩa dân tộc cực đoan” và bị tố cáo “làm xấu hổ Trung Quốc”!

Trong trường hợp của Gu, Zhu và Chen, sự đón nhận không giống nhau của các đồng hương Trung Quốc đã đặt ra câu hỏi: Điều gì là cần thiết để được công nhận là “Người Trung Quốc” tại một quốc gia mà niềm hãnh diện dân tộc đang tăng cao và tự tin hơn bao giờ hết trong vị thế một siêu cường đang nổi nhưng kém khoan dung hơn trong chính trị và văn hóa?

Hoa cho Eileen Gu (Cốc Ái Lăng 谷爱凌)

Ngay cả một người thành công và nổi tiếng như Gu cũng không thể né tránh những câu hỏi về lòng trung thành và hiểu đất nước mình đến đâu. Khi Gu, thần đồng môn freeski, giành huy chương vàng trong môn thi được quan tâm nhiều, sự ca ngợi dành cho cô đã lan rộng khắp mạng xã hội Weibo. Nhiều người gọi cô là “niềm tự hào của đất nước”, và “biểu tượng cho chiến thắng không thể chối cãi trước người Mỹ”. Trong nhiều thập niên, những người sáng giá nhất và giỏi nhất Trung Quốc đã đổ xô đến Mỹ để theo đuổi giấc mơ Mỹ; nhưng bây giờ, một tài năng sinh ra và được đào tạo ở Mỹ, từng đoạt huy chương Olympic cho Mỹ, nay trở cờ quay sang đại diện cho Trung Quốc! Đối với một số người, có thể thái độ này là “vấn đề” về lòng biết ơn, nhưng đối với đa số người Trung Quốc, đây là chỉ dẫn cho thấy “sức mạnh đang lên của đất nước” và là lời khẳng định hùng hồn “giấc mơ Mỹ đã được thay bằng giấc mơ Trung Quốc”!

Eileen Gu (Cốc Ái Lăng) – ảnh: Ju Huanzong/Xinhua/Getty Images)

Vì vậy, không khó để hiểu tại sao Gu ngay lập tức sau chiến trắng đã trở thành “đứa con cưng của dân tộc”! Ở tuổi 18, cô gái sinh ra tại San Francisco này là hiện thân của sự thành công: Vận động viên trượt tuyết vô địch thế giới, học sinh đạt hạng A trên đường đến Đại học Stanford và là người mẫu thời trang đại diện cho các thương hiệu lớn như Louis Vuitton và Tiffany & Co. Trên Weibo (nền tảng giống Twitter), Gu được thậm xưng là “Hoa hậu hoàn hảo”, “cô gái xuất sắc toàn diện trong mọi việc mình làm” (kể cả chơi piano) và được bốn triệu người theo dõi, tôn sùng như một “siêu thần tượng”. Các bảng quảng cáo và trang bìa tạp chí tràn ngập hình ảnh cô.

Là một người có ảnh hưởng, Gu còn được ngưỡng mộ vì gu thời trang cô chọn và nhất là mang “vẻ đẹp hai chủng tộc” như cách gọi của nhiều người Trung Quốc. Trên Xiaohongshu (phiên bản Instagram của Trung Quốc), những “chuyên gia” nghệ thuật trang điểm đổ xô đăng bài hướng dẫn trang điểm sao cho giống “ngoại hình hai chủng tộc” của Gu! Dù sinh ra và lớn lên ở California, Gu nói thông thạo tiếng Quan Thoại với giọng Bắc Kinh, khiến nhiều người Trung Quốc càng thích cô.

Gu khôn khéo nói về di sản văn hóa Trung Hoa nhưng cô cũng biết né các câu hỏi về quốc tịch mà chỉ nêu bật “danh tính kép” của mình: “Khi tôi ở Trung Quốc, tôi là người Trung Quốc. Khi tôi ở Mỹ, tôi là người Mỹ”. Dĩ nhiên, với chiến thắng Olympic, Gu đã trở thành người của công chúng và phải chịu sự giám sát công chúng. Trong lễ trao huy chương hôm Thứ Ba, Gu được phát hiện không hát quốc ca Trung Quốc khi cờ Trung Quốc được kéo lên. Ngay lập tức cô bị chỉ trích.

Sau đó, hashtag chỉ trích “Gu Ailing National Anthem” bị kiểm duyệt. Gu cũng tạo ra cuộc tranh luận trực tuyến sôi nổi về một trong những bài đăng trên Instagram của cô. “Tại sao bạn có thể sử dụng Instagram và hàng triệu người Trung Quốc từ đại lục lại không thể? – một người dùng hỏi – Điều đó không công bằng, bạn có thể lên tiếng cho hàng triệu người Trung Quốc không có tự do internet”. Gu trả lời: “Bất kỳ ai cũng có thể tải xuống VPN. Nó hoàn toàn miễn phí trên App Store”. Một số ca ngợi Gu đã bảo vệ Trung Quốc, nhưng số khác chế giễu cô không nhận thức được đặc quyền của riêng mình và hiểu rất ít về thực tế đối với phần lớn 1.4 tỷ dân Trung Quốc. Trên thực tế, VPN (virtual private networks-mạng riêng ảo) đã bị xóa hầu hết khỏi App Store Trung Quốc và chính quyền đã thẳng tay đàn áp những người dùng cố vượt qua kiểm duyệt.

“Gạch đá” cho Zhu Yi (Chu Dị 朱易)

So với sự cuồng nhiệt dành cho Gu, phản ứng của công chúng đối với Zhu khắc nghiệt hơn nhiều. Theo hồ sơ trên trang web của Ủy ban Olympic Quốc tế, Zhu đã từ bỏ quốc tịch Mỹ để thi đấu cho Trung Quốc và đổi tên từ Beverly Zhu nhưng cô vẫn bị chỉ trích là “không đủ tố chất Trung Quốc”. Khi Zhu lần đầu tiên thi đấu tại Trung Quốc năm 2018, cô chưa bao giờ đủ tự tin để nói tiếng Trung Quốc trước ống kính. Các cuộc phỏng vấn ban đầu của cô với đài truyền hình nhà nước CCTV đều bằng tiếng Anh.

Zhu Yi (Chu Dị) – ảnh: Catherine Ivill/Getty Images

Trong khi tiếng Trung Quốc của Gu được coi là một “ngạc nhiên thú vị”, thì việc yếu kém tiếng Trung Quốc của Zhu là “không thể biện minh được”. Một nhà phân tích chính trị ở Bắc Kinh còn đổ dầu vào lửa: “Dòng dõi và ngôn ngữ của tổ tiên đóng vai trò rất quan trọng đối với bản sắc dân tộc. Nếu ai đó cho mình là người Trung Quốc nhưng không thể nói một câu tiếng Trung Quốc ra hồn thì sẽ tạo cảm giác rằng họ đã mất kết nối với di sản văn hóa. Điều đó có nghĩa là cha mẹ họ không bao giờ nói tiếng Trung Quốc với họ ở nhà và nuôi dạy họ như một người Mỹ. Đến khi 16 tuổi, họ đột nhiên nói rằng sẽ phục vụ quê hương và yêu nước thì khó mà tin được!”.

Không như Gu, người giúp mang về HCV cho Trung Quốc ở một môn thể thao ít được biết đến trong nước, Zhu phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các vận động viên trượt băng dày dặn của Trung Quốc. Khi Zhu được chọn để đại diện cho Trung Quốc tại Thế vận hội, có lời cáo buộc cô đã “cướp” vị trí từ đồng đội Chen Hongyi, được cho là có nhiều kinh nghiệm thi đấu quốc tế hơn và được công chúng Trung Quốc yêu thích hơn. Thậm chí, một số người còn nói Zhu được ưu ái vì cha cô là một nhà khoa học máy tính nổi tiếng trở về Trung Quốc từ California để giảng dạy tại Đại học Bắc Kinh.

“Cuộc tấn công nhằm vào Zhu là do công chúng không tin vào sự minh bạch của hệ thống thể thao nhà nước” – một nhà phân tích chính trị nói. Khi Zhu ngã sóng soài trên băng và về đích cuối cùng trong trận đấu ra mắt Olympic, mạng xã hội xem đây là minh chứng cho việc chọn sai người và Zhu không xứng đáng. Có kẻ gọi cô là “nỗi ô nhục”, người mang “sự xấu hổ” cho Trung Quốc; và bảo cô “hãy quay trở lại Mỹ”. Hashtag công kích “Zhu Yi thất thủ” có đến 200 triệu lượt xem chỉ trong vài giờ, trước khi bị kiểm duyệt. Ngày hôm sau, Zhu lại vấp ngã hai lần trong môn trượt băng tự do và gục khóc trên sân băng.

Miệt thị và sỉ vả Nathan [Wey] Chen (Trần Nguy 陈巍)

Đối với Nathan Chen, người đã giành HCV cho đội Mỹ ở môn trượt băng nghệ thuật nam, sự tôn thờ và khen ngợi từ truyền thông Mỹ trái ngược hoàn toàn với làn sóng bôi nhọ trên Weibo. Tại một cuộc họp báo sau chiến thắng, anh từ chối trả lời câu hỏi của phóng viên địa phương bằng tiếng Trung Quốc, nêu lý do “nói không tốt lắm”. Lời thú nhận này đã giáng xuống anh một đòn tấn công tinh thần dân tộc độc ác nặng tính chính trị. Chen bị gọi là “kẻ phản bội” và “xúc phạm Trung Quốc” vì anh dường như ủng hộ lời chỉ trích của vũ công trên băng người Mỹ Evan Bates về hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc (Bates tố cáo Trung Quốc đối xử tàn bạo với thiểu số người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở Tân Cương).

Nathan [Wey] Chen (Trần Nguy) – ảnh: Cao Can/Xinhua/Getty Images

Một điểm nhức nhối khác đối với những người theo chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc là việc Chen chọn bài hát nền tại Thế vận hội mùa Đông PyeongChang 2018. Đó là bài hát trong bộ phim “Mao’s Last Dancer” dựa trên câu chuyện có thật về một vũ công người Trung Quốc đào tẩu sang Mỹ vào thập niên 1980. Tại một cuộc họp báo sau khi thắng HCV, Chen đính chính: “Nhạc nền được biên đạo múa của tôi chọn chứ không phải tôi”. Trên Weibo, một số người đã chúc mừng Chen và khen ngợi màn trình diễn xuất sắc của anh, nhưng họ bị áp đảo bởi số đông “căm ghét và khinh bỉ”. Thậm chí nhiều người yêu cầu anh “cút khỏi Trung Quốc”. Truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng phớt lờ HCV của Chen mà tập trung vào Yuzuru Hanyu của Nhật Bản (về thứ tư, người có lượng fan khổng lồ ở Trung Quốc) và vận động viên trượt băng nghệ thuật Trung Quốc Jin Boyang (về thứ chín).

L.T.S.

Nguồn: SaigonnhoNews

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn