Bầu cử Quốc hội Pháp 2022 – Hồi chuông báo động đối với nền dân chủ

Quản Mỹ Lan

Tiếp theo cuộc bầu cử Tổng thống Pháp ngày 24 tháng 4, hôm qua ngày 19 tháng 6 năm 2022 là ngày bầu cử vòng 2 các Dân biểu Quốc hội.

Kết quả bầu cử Quốc hội:

Theo kết quả chính thức do Bộ Nội vụ công bố hôm nay ngày 20 tháng 6 năm 2022 thì, không tính đến những đảng nhỏ, thành phần Dân biểu Quốc hội Pháp được bầu lên từ bốn tổ chức (hoặc liên minh) chủ chốt sau đây:

Đảng RN cực hữu (Rassemblement National - trước đây là Front National) do Marine Le Pen dẫn đầu (1), đã đạt được kết quả vô tiền khoáng hậu: giành được 89 ghế. Từ số dân biểu là 8 người sau cuộc bầu cử năm 2017, sắp tới đây RN sẽ nghiễm nhiên có 89 dân biểu trong Quốc hội! Một con số không thể tưởng tượng nổi đối với nhiều người.

Liên minh cánh tả NUPES (Nouvelle Union Populaire Ecologique et Sociale), là một cơ cấu mới được thành lập sau cuộc bầu Tổng thống tháng 4 năm 2022, NUPES gồm phe Nước Pháp Bất Khuất (La France Insoumise) của Jean Luc Mélenchon, liên minh với Đảng Cộng Sản (PCF), Đảng Xã Hội (PS) và Đảng Xanh (Les Verts), chiếm một số ghế quan trọng trong Quốc hội là 133 dân biểu.

Đảng Cộng Hòa LR (Les Républicains) thuộc cánh hữu hiện do Christian Jacob lãnh đạo. Sau cuộc bầu cử Tổng thống ngày 24 tháng 4 mà người đại diện LR là ứng cử viên Valérie Précresse không đạt nổi 5%, lần này đã liên kết với đảng UDI (Union des Démocrates et Indépendants) có khuynh hướng trung tâm và thiên hữu do Jean Christophe Lagarde lãnh đạo (JC Lagarde là dân biểu thuộc tỉnh Seine-Saint-Denis từ 20 năm nay, trong cuộc bầu cử dân biểu hôm qua đã bất ngờ bị đánh bại bởi Raquel Garrido của LFI). Sau cuộc bầu, hai đảng LR và UDI giành được 64 dân biểu tại Quốc hội.

Ensemble - Liên minh giữa LREM, MoDem và Horizons:

Đây là một liên minh giữa phe của Tổng thống Emmanuel Macron (La République En Marche - LREM), với phe của ông François Bayrou (Le Mouvement Démocrate - MoDem) và phe của cựu Thủ tướng Edouard Phillippe (Horizons) giành được 245 ghế. Nếu so sánh cả bốn tổ chức với nhau thì liên minh này vẫn chiếm đa số, nhưng đây là đa số tương đối, không đạt được đa số tuyệt đối ít nhất là 289 ghế như mọi người chờ đợi. Một điều bất ngờ khác là không ít những chính khách tên tuổi trong LREM của Tổng thống Emmanuel Macron đã thất bại trước các ứng viên của RN (Marine Le Pen) hay NUPES (J. L. Melenchon)!

Tưởng cũng nên biết trong cuộc bầu cử năm 2017, phe của Tổng thống Macron đã được 350 ghế tại Quốc hội gồm 308 của đảng EM (En Marche = Lên Đường) của ông và 42 của MoDem của François Bayrou. Nay chỉ với 245 dân biểu (ngoài MoDem còn phải có thêm sự liên kết với LREM và Horizons), cho thấy mức độ tín nhiệm đối với Tổng thống và Chính phủ đã giảm rất mạnh do sự tiến lên ào ạt thông qua cạnh tranh của hai phe cực tả và cực hữu!

Sự thay đổi về tâm lý của người dân Pháp:

Hai cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội cũng cho thấy tâm lý người dân Pháp đã trải qua một quá trình biến chuyển rất lớn.

Trước đây những lời mị dân, xảo trá của Jean Marie Le Pen (bố của Marine Le Pen) đã bị dân Pháp khinh thường và người dân đã đoàn kết nhau lại để gạt ông ta ra khỏi chính trường Pháp. Nhớ lại lần bầu cử năm 2002, khi thấy Jean Marie Le Pen vào được vòng 2, có nguy cơ sẽ làm Tổng thống, người dân Pháp bị ám ảnh bởi tâm lý hoảng sợ, đã bảo nhau đi bầu đông đảo và ông Jacques Chirac bất ngờ tái trúng cử vẻ vang nhiệm kỳ 2 với tỷ số áp đảo hơn 83%, một con số chưa từng thấy!

20 năm sau, năm 2022, một số không ít người dân Pháp đã bầu cho một người cực hữu từng lươn lẹo về tiền bạc, lươn lẹo trong nghề nghiệp, cuộc sống riêng không bình thường, muốn phá bỏ sự đoàn kết của Âu Châu, giao hảo với kẻ thù! Như quý vị đã biết Marine Le Pen bị tố cáo dùng tiền của Quốc hội Âu Châu một cách bất chính (trả lương cho đảng viên RN!). Khi cần kiếm sống, bà ta dùng mọi lập luận cãi cho những người nhập cư bất hợp pháp để ăn tiền của họ. Nay vì có tham vọng cho một vị trí dân cử trên chính trường nên Marine lại đảo ngược 180 độ, đưa ra luận điệu chống dân nhập cư để thỏa mãn thị hiếu của người bình dân Pháp hầu kiếm phiếu bầu ở tầng lớp này! Và điều dĩ nhiên là về mặt lịch sử, Marine Le Pen đã thừa hưởng những tư tưởng, ý kiến của cha mình là Jean Marie Le Pen, một điều mà người dân Pháp có học không thể chấp nhận được! Hình như người dân Pháp đã lãng quên Marine Le Pen từng chạy sang Mỹ tìm sự hậu thuẫn của Donald Trump. Mới đây thôi Marine cũng bày tỏ thái độ ủng hộ Putine trong cuộc xâm lăng của Nga vào Ukraine, và Marine đã chạy sang Nga vay tiền để tranh cử v.v... Marine còn ngang nhiên tuyên bố là sau chiến tranh Ukraine, nước Pháp sẽ phải giao hảo với Putine!

Ngoài ra cũng chính bà ta chạy sang Hung Gia Lợi gặp Thủ tướng Victor Orban, người rất thân tình với Putine. Marine Le Pen liên kết với Victor Orban vì cả hai đều chống lại tổ chức “Âu Châu Liên kết (Union Européenne)”, họ cũng là người “cùng hội cùng thuyền” trong chủ trương chống việc nhập cư.

Còn Nhóm liên kết giữa LFI (La France Insoumise = nước Pháp bất khuất), PS (Parti Socialiste = Đảng Xã Hội), PCF (Parti Communiste Français = Đảng Cộng Sản Pháp) và EELV (Europe Ecologie Les Verts = Đảng Xanh) do Jean Luc Mélenchon dẫn đầu thì cũng đã đạt được con số kỷ lục là 133 ghế, chỉ thua nhóm của Tổng thống đương nhiệm hơn 100 ghế. Chắc mọi người còn nhớ ông này cứ tự cho rằng mình sẽ nghiễm nhiên làm Thủ tướng mặc dầu không có “triệu chứng” gì để ông ta có thể được đặt chân vào nơi dinh thự đẹp đẽ của vị Thủ tướng Pháp là điện Matignon! Nhưng điều làm không ít người phải ngạc nhiên là một Đảng Xã Hội (PS) danh giá của Tổng thống François Mitterrand trước đây mà nay lại phải chịu nằm dưới trướng của một tên bẻm mép như JL Mélenchon!

Tất nhiên ngay từ đầu, NUPES chỉ là một liên kết tạm thời trong lúc bầu cử, sau khi bầu rồi mỗi thành viên như PS, PCF, EELV sẽ lấy lại tính cách độc lập của riêng mình. Việc JL Mélenchon huênh hoang sẽ được giữ chức Thủ tướng chỉ làm trò cười cho người dân Pháp. Muốn làm Thủ tướng, phe của ông phải có đa số tuyệt đối 289 ghế, trong khi thực tế NUPES chỉ được có 133 ghế. Dù sao, đó cũng là một thành quả đáng kể của đảng LFI của Mélenchon.

Có một điểm cần nhắc tới, đó là tỷ lệ người dân không đi bầu đã đạt đến con số kỷ lục chưa từng thấy lần này: gần 54%!

Tìm hiểu sâu vấn đề ta sẽ thấy được nguyên nhân thất bại của thành phần nòng cốt trong cuộc bầu cử. Nhóm LREM của Tổng thống Macron đã không giành được đa số tuyệt đối (289 ghế) là vì nhà cầm quyền ngay từ sớm đã không cổ động được người dân làm tròn bổn phận của mình!

Vì sao? Ngoài những nguyên nhân ngẫu nhiên, hời hợt như do lười biếng, hoặc do đẹp trời, thiên hạ bỗng nẩy ý thích đi chơi, nhất là sau một thời gian dài bị bó chân bó cẳng vì nạn dịch COVID, thì có một yếu tố tâm lý quan trọng chi phối phía sau, đó là người dân Pháp không còn tin tưởng vào tầng lớp lãnh đạo! Người ta nhẹ dạ nghĩ rằng ai lên rồi cũng thế, đi bầu hay không rồi ra cũng thế!

Về khách quan, cuộc chiến do Nga xâm lược Ukraine cũng đã đưa đến những hậu quả không kém tai hại khi giá nhiên liệu xăng dầu tăng cao do việc Nga bị Mỹ và Tây Phương trừng phạt. Việc ấy kéo theo vật giá tăng, lương thực thực phẩm thiếu hụt vì mức cung giảm (Ukraine là quốc gia xuất cảng nhiều nông phẩm như lúa mì vào bậc nhất thế giới!). Người ta đã nhắc tới một cuộc khủng hoảng lương thực thế giới có thể xảy ra nên phải lo cái ăn trước việc đi bầu! Việc lạm phát, vật giá leo thang là việc diễn ra trên phạm vi toàn thế giới, không riêng một nước nào. Xăng dầu trở nên khan hiếm do Nga hoặc đơn phương giữ lại để gây khó khăn cho các nước Tây Phương nhập cảng xăng dầu và khí đốt của họ, hoặc do các hãng khai thác dầu không muốn đẩy mạnh việc sản xuất để trục lợi bằng cách lợi dụng khan hiếm mà tăng giá dầu! Đây là những việc làm hết sức mất nhân tâm nhưng trong xã hội ngày nay hình như nhân tâm đã trở thành môt yếu tố quá hiếm hoi!

Về “hiện tượng” số cử tri vắng mặt đạt kỷ lục 54%, khi hỏi chuyện một số cử tri, người viết ban đầu rất ngạc nhiên nghe họ nói sẽ không đi bầu vòng 2 kỳ này! Hỏi kỹ ra mới biết là trong đơn vị bầu cử của họ, 2 người vào chung kết là của RN và NUPES! Thái độ bất hợp tác ấy có lẽ không thể trách cứ được.

Nước Pháp đang trên đà xuống dốc về bổn phận công dân! Quyền lợi thì không ngừng đòi hỏi, bổn phận thì không muốn làm, quanh năm suốt tháng chỉ lo mọi thứ biểu tình, chống đối, chỉ muốn nghe những lời đường mật của những người mị dân, mở miệng ra một tấc đến trời (ông bà nào ra ứng cử cũng vỗ ngực: chỉ có tôi mới giải quyết được vấn đề này!)

Hiện tượng xã hội xuống cấp, người dân quay về lo toan cho bản thân mình, gia đình mình, lấy vinh thân phì gia làm mục tiêu cao nhất, ngoài ra không còn quan tâm đến vận mệnh đất nước… trở nên phổ biến. Đến mức, trong dân chúng hầu như đã mất đi thói quen suy nghĩ sâu xa trước mọi việc, trái lại chỉ muốn nghe rặt những lời đường mật, hoa mỹ, cho dù đấy là lời vênh vang của những phần tử vốn bất tài vô tướng mà trong các lần bầu cử trước đây ai nấy đều đã thừa biết. Một tâm lý lười biếng đáng sợ như vậy quả đã tiềm ẩn trong chiều sâu xã hội một nguy cơ khôn lường. Chỉ e khi đối diện với sự thật phũ phàng ai nấy mới ngã ngửa ra thì… không còn kịp nữa.

Với kết quả bầu cử như ta thấy Chính phủ Pháp rồi đây sẽ rất khó điều hành quốc gia. Một đa số không tuyệt đối lại đứng trước hai thế lực cực tảcực hữu lúc nào cũng sẵn sàng để phá bĩnh, chống đối… mọi giải pháp do Chính phủ đưa ra. Chẳng những thế, những lực lượng ấy còn sẵn sàng liên kết với kẻ thù thì không biết chính trường Pháp sẽ như thế nào?

Tương lai nước Pháp đi về đâu?

Nhìn về tương lai, vì Hiến pháp của Pháp chỉ cho phép Tổng thống nắm giữ quyền lực trong 2 nhiệm kỳ, năm 2027, ông Emmanuel Macron sẽ không ra ứng cử nữa. Và khi ấy với lực lượng càng ngày càng lớn mạnh của hai phe cực tả và cực hữu, người ta lo ngại không biết trong 5 năm tới đất nước sẽ đi về đâu? Phải chăng sau gần 4 thế kỷ, kể từ cuộc cách mạng Pháp 1789, nước Cộng hòa Pháp, một trong những nền dân chủ hàng đầu của thế giới mà ý niệm về tự do, bình đẳng, nhân quyền là ngọn đuốc soi đường cho nhân loại tiến tới sẽ có ngày tàn lụi để người dân phải gánh chịu ách độc tài do một trong hai phe cực tả hoặc cực hữu đang “nằm vùng” trong Quốc hội đoạt được chính quyền từ lá phiếu bầu của một “đa số cử tri nông nổi” mà tín hiệu đã báo trước từ hôm nay? Những người sáng suốt trong dân chúng đang hết sức lo sợ điều này nhưng vẫn hy vọng ngày đen tối ấy sẽ không bao giờ xảy tới! Nhìn những con người huênh hoang, dối trá xuất hiện trên các phương tiện truyền thông người ta chợt rùng mình nhớ lại đám chính khách của Hitler từng công khai đề ra sách lược: nói dối và lừa bịp nếu được lặp đi lặp lại nhiều lần, rất nhiều lần thì thế nào cũng làm cho người khác tin đó là sự thật. Chẳng biết cái quy luật bất hạnh ấy có khi nào sẽ xảy ra cho dân Pháp hay không?

Q.M.L.

Tác giả gửi BVN.

(1) Xin xem: Quản Mỹ Lan - Tranh luận cuối cùng trước ngày bầu cử Tổng thống tại Pháp năm 2022

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn