Tâm thế thấp thì vị thế thấp

Nguyễn Ngọc Chu

clip_image002

1. Quan hệ giữa các quốc gia không phải là quan hệ anh em

Không nhớ năm chính xác. Nhưng bắt đầu ở thập niên 50 của thế kỷ 20, không biết xuất phát từ đâu, lại khoác cho Liên Xô là “anh cả”, Trung Quốc là “anh hai”, tự nhận VNDCCH là “em”.

Nếu biện minh rằng đó là cách ví von, thì đó là cách ví von không đúng, hơn nữa rất có hại.

Bởi vì quan hệ bang giao giữa các nước, có thể bị cai trị, bị phụ thuộc, là chư hầu, phải cống nạp… nhưng không bao giờ là quan hệ “anh em”.

Bởi vì khi gọi quốc gia nào đó là “anh cả”, “anh hai” thì mình là “em út”, phải khép nép, thậm chí cam chịu bị “mắng mỏ”. Tức là tự mình đặt mình vào vị thế thấp kém, rất có hại trong bang giao.

Mỹ là nước lớn, mạnh, đứng đầu NATO, nhưng các quốc gia có diện tích và dân số bé hơn trong NATO không gọi Mỹ là “anh cả”, cũng không gọi Anh hay Pháp hay Đức là “anh hai”.

Tự nhận Việt Nam ở thế “em” của Liên Xô, Trung Quốc đã là điều phi lý, còn phi lý hơn khi có người gán cho Ukraine là “em” của Nga. Rồi cho rằng “anh” có quyền “dạy bảo” “em” (???).

Nga và Ukraine là hai dân tộc khác nhau. Không có “anh em” trong quan hệ các dân tộc. Dù lớn hay bé, mạnh hay yếu, các dân tộc đều bình đẳng. Và nên nhớ rằng tư duy của người châu Âu không giống tư duy của một số người ở Việt Nam. Người Ukraine, người Phần Lan….dẫu có thời kỳ là thuộc địa của Đế quốc Nga, nhưng chưa bao giờ tự nhận là “em” của người Nga. Lấy tâm thế của mình để gán cho tâm thế của người khác là một vi phạm tiên đề.

2. Quan hệ đảng phải cũng không phải là quan hệ anh em

Tương tự như vậy là quan hệ đảng phái. Đảng phái là các tổ chức chính trị. Trong một quốc gia, quan hệ giữ các tổ chức chính trị bình đẳng, tuân theo pháp luật của quốc gia. Trong quan hệ quốc tế, quan hệ của các tổ chức chính trị cũng bình đẳng, tuân theo luật pháp quốc tế. Quan hệ giữa các đảng phái, các tổ chức chính trị không phải là quan hệ “anh em”.

Dẫu cho rằng đó là cách nói, cách viết mang tính tượng trưng, thì đó vẫn là cách nói, cách viết sai, và có hại. Có hại vì nó dẫn đến ngôi thứ. Bỗng đảng nào đó nghiễm nhiên là “đảng anh”, và đảng nào đó lại phải chịu vị thế là “đảng em”. Rất bất lợi trong bang giao.

Cách dùng “đảng anh em” chỉ tồn tại trong khối XHCN trước đây và trong các đảng theo xu hướng “phong trào cộng sản quốc tế”. Ở các nước phát triển, chắc không ai dùng từ “đảng anh em”. Chẳng hạn, ở Hoa Kỳ, có ai gọi đảng dân chủ và đảng cộng hoà là đảng anh em không?

Thiết nghĩ, cách dùng “đảng anh em” trong tiếng Việt tồn tại mấy chục năm nay nên thay đổi. Nên thay đổi vì nó phản ánh không đúng bản chất quan hệ giữa các đảng. Nên thay đổi vì đó là cách dùng không đúng. Nên thay đổi vì nó dẫn đến những bất lợi trong quan hệ quốc tế.

3. Tâm thế thấp thì vị thế thấp

“Biết người biết ta” khác với “tâm thế thấp”. “Khiêm tốn” khác với “tâm thế thấp”. “Tâm thế thấp” thì “vị thế thấp”.

4. Phải dạy cho trẻ em tâm thế bình đẳng

Nói những điều trên là để đi đến mục đích dưới đây.

Cho nên, phải dạy cho trẻ em Việt Nam TÂM THẾ BÌNH ĐẲNG. Trong quan hệ quốc tế, giữa các quốc gia, dân tộc, đảng phái – dù lớn hay bé, dù mạnh hay yếu– phải bình đẳng. Trong quan hệ công việc và cá nhân - dù chức vụ cao hay thấp, dù giàu hay nghèo, dù nổi danh hay chưa nổi danh – phải bình đẳng.

Khi có TÂM THẾ BÌNH ĐẲNG thì chưa mạnh sẽ mạnh, chưa nổi danh sẽ nổi danh. Khi có TÂM THẾ BÌNH ĐẲNG thì đối ngoại không làm tổn hại đến quốc gia, đối nội không gây nên thù oán.

Có TÂM THẾ BÌNH ĐẲNG thì có VỊ THẾ BÌNH ĐẲNG.

N.N.C.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn