Thuận lợi hơn nhưng cho ai?

(KTSG) – Chính sách ra đời sau về nguyên tắc phải thuận lợi hơn, hiệu quả hơn, thông suốt hơn chính sách mà nó thay thế. Về phương diện này, chính sách quản lý dân cư bằng cơ sở dữ liệu quốc gia của ngành công an chắc là thuận lợi hơn rất nhiều so với phương cách quản lý bằng sổ hộ khẩu.

Chỉ cần vài cái nhấp chuột họ có thể tổng hợp tình hình dân cư của cả một địa bàn rộng lớn; muốn nắm những người có quan hệ ruột thịt với bất kỳ ai cũng dễ truy xuất, không cần rà soát trên sổ sách mất thời gian. Các biến động dân cư như khai sinh, chuyển đi nơi khác cũng dễ dàng cập nhật.

Thế nhưng với người dân, e rằng mọi việc không được thuận lợi như thế. Cứ giả sử một hộ gia đình có sổ hộ khẩu cần điều chỉnh thông tin chỉ một nhân khẩu thôi, nhưng vì có điều chỉnh nên sổ bị thu hồi theo luật.

Nay giả sử hộ này cần ra văn phòng công chứng thực hiện thủ tục khai và chia di sản thừa kế, chắc chắn họ sẽ cần phải có giấy tờ để chứng minh mối quan hệ gia đình. Thế là họ phải mất công đi xin xác nhận vì không còn sổ hộ khẩu để xuất trình.

Có hàng loạt trường hợp cần sổ hộ khẩu như thế mà báo chí đã phản ánh. Với người dân và các tổ chức, đơn vị liên quan, chính sách bỏ sổ hộ khẩu, vì thế, không thuận lợi hơn, thậm chí còn gây rắc rối, phiền hà, tốn kém thời gian hơn trước.

Ở đây chúng ta cần khách quan nhìn nhận, sự không thuận lợi đó là tạm thời. Nếu các bên dần dần không cần sử dụng sổ hộ khẩu vào các giao dịch dân sự nữa như ở đại đa số các nước trên thế giới, bỏ sổ hộ khẩu là một bước tiến trong quản lý.

Thế nhưng, chúng ta đang ở trong giai đoạn chuyển tiếp; ngành công an đã chuyển hẳn qua phương thức quản lý mới, nhưng các ngành, các tổ chức khác thì chưa, bởi có thể do vướng các quy định đã có từ trước, từ ngành ngân hàng đến dịch vụ điện nước, công chứng và cả ngành giáo dục nữa.

Nếu tất cả được kết nối thông suốt vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì mọi chuyện đã rất dễ dàng. Nhưng chắc chắn việc kết nối đó không thể hoàn thành trọn vẹn trước cuối năm 2022 khi sổ hộ khẩu hết giá trị sử dụng. Và ngay cả sau thời gian đó, vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được giải đáp cho chuyện kết nối.

Ai có quyền kết nối, quyền truy cập giới hạn đến mức độ nào, rủi ro lộ lọt thông tin của công dân ra bên ngoài khi có nhiều bên thứ ba truy cập được thì làm sao ngăn chặn? Ngay cả việc đọc chip căn cước công dân cũng vậy; ai có quyền đọc, làm sao để bảo mật thông tin cá nhân?

Đọc các bình luận của độc giả bên dưới các bản tin phản ánh những vướng mắc khi chuẩn bị bỏ sổ hộ khẩu mới thấy cuộc sống rất đa dạng, khó khăn vướng mắc của người dân là nhiều, nguyện vọng của họ lại rất đơn giản: một khi hệ thống kết nối chưa thông suốt thì cứ để sổ hộ khẩu đóng tiếp vai trò của nó thêm một thời gian nữa, ngay cả với hộ có thay đổi thông tin và bị thu hồi sổ hộ khẩu; thông tin nào có thay đổi thì đánh dấu xóa.

Đây là những nguyện vọng rất chính đáng và hợp lý. Việc giải quyết những nguyện vọng này lại không nằm trong thẩm quyền của Bộ Công an vì chuyện thu hồi sổ hộ khẩu có điều chỉnh hay thời điểm sổ hộ khẩu hết giá trị sử dụng đã được quy định trong Luật Cư trú. Thiết nghĩ Bộ Công an nên chủ động đề xuất để Chính phủ và Quốc hội bàn bạc tìm hướng giải quyết cho một vấn đề có thể ảnh hưởng đến rất nhiều người dân, ngay bây giờ và cả sau năm 2022.

Nguồn: Thesaigontimes

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn